VIII. Phương Tiện Quân Sự

05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 29725)
VIII. Phương Tiện Quân Sự

 

 

Người đời thường có quan niệm cho rằng: người Phật tử không được cầm súng, vì trái nghịch với giáo lý nhà Phật, phạm giới sát sanh.

 

Cái quan niệm ấy có thể đối với hạng xuất gia thì đúng hơn, vì hàng xuất gia không còn thiết gì đến sự đời, tuyệt ý danh lợi, quyết tu giải thoát, giới luật nghiêm thủ, một mảy may không sai ohạm thì không qui luật nào chấp nhận cho cầm súng. Nhưng đối với hạng tại gia cư sĩ, “tất cả thiện nam tín nữ chưa đủ điều kiện xuất gia vì cảm thấy mình còn nặng nợ với no sông tổ quốc, với gia đình, với đồng bào xã hội nên chưa có thể làm các nhà sư hay ni cô đặng”. Họ còn “bổn phận phải bảo vệ đất nước khi bị kẻ xâm lăng giày đạp”. Và Đức Thầy đã khuyên: “Ráng nâng đỡ xứ sở quê hương lúc nghiêng nghèo và làm cho được trở nên cường thạnh. Ráng cứu cấp nước nhà khi bị kẻ ngoài thống trị. Bờ cõi vững lặng thân ta mới yên, quốc gia mạnh giàu mình ta mới ấm”.

 

Bởi có bổn phận đối với đất nước như thế, cho nên mọi công dân, cư sĩ cũng là công dân có bổn phận cầm súng chống ngăn ngoại địch và bảo vệ quê hương khi bị xâm lăng.

 

Đức Thầy đã từng khuyên;

 

Đã mang lấy nợ non sông,

Quyết lòng báo-quốc tồn vong sá gì.

Gương yêu nước đáng ghi muôn thuở,

Chí anh hùng nhắc nhở mai sau.

 

Thế nên, khi cơ hội đã đến cho dân tộc Việt-Nam cởi xiềng xích nô lệ. Ngài dõng dạc đứng lên kêu gọi tín đồ theo dõi gót Ngài làm tròn bổn phận của nam nhi nước Việt, noi chí anh hùng:

 

Nam nhi mang chí cả

Bao tấm lòng sắt đá.

Thương giống nòi dẹp bỏ vinh huê,

Lướt đạn bom giữ vẹn một lời thề.

Tàn sát hết quân thù xâm lược

Tranh độc lập tự do cho nước,

Cho giống nòi rạng rỡ trước năm châu.

Khí thiêng liêng sông núi nhiệm mầu.

Un đúc giống anh hùng vang bốn bể

Gương sáng ấy soi chung hậu thế

Anh em ơi! Theo dõi gót cùng ta!

Ra tay quét sạch san hà,

Ra tay bồi đắp nước ta hùng cường.

 

Ngài chẳng ngại “Rứt áo cà sa khoác chiến bào”:

 

Thấy dân thấy nước nghĩ mà đau,

Quyết rứt cà sa khoác chiến bào;

Đuổi bọn xâm lăng gìn đất nước,

Ngọn cờ độc lập phất phơ cao.

 

Ngọn cờ độc lập phất phơ cao,

Nòi giống Lạc Hồng hiệp sức nhau.

Tay súng tay gươm xông trận địa,

Dầu cho giặc mạnh há lòng nao!

 

Dầu cho giặc mạnh há lòng nao!

Nam Việt ngàn xưa đúc khí hào,

Lúc giặc xâm lăng mưu thống trị,

Anh hùng đâu xá cảnh gian lao.

 

Anh hùng đâu xá cảnh gian lao.

Chiến trận giao phong rưới máu đào

Miễn đặng bảo tồn non nước cũ,

Giữ an tánh mạng của đồng bào.

 

Trường hợp “Rứt áo cà sa khoác chiến bào” không phải hy hữu trên lịch sử Việt-Nam. Những gương của những nhà tu hành dấn thân vào việc dân việc nước chẳng phải hiếm. Trong bảng hiệu triệu của “Việt-Nam Độc-Lập Vận Động Hội”, Đức Thầy đã nhắc đến gương của Khuôn Việt Thiền Sư để kêu gọi các nhà sư tham gia vào phong trào cứu nước.

 

“Các bực Tăng sư Thiền đức! Các cụ có nhớ chăng? Trong lịch sử Việt-Nam ngày xưa nhà Đại đức Khuôn Việt dẫu khoác áo cà sa, rời miền tục lụy, thế mà khi quốc gia hữu sự cũng ra tay gánh vác non sông.

 

Từ khi người Pháp qua chiếm đất ta, bề ngoài gọi rằng cho ta tự do tín ngưỡng, nhưng bên trong dùng đủ mọi cách âm thầm chia rẽ phá hoại cho tín đồ nhà Phật không có sức đoàn kết chấn hưng hầu bài trừ các lưu tệ dị đoan mê tín.

 

Đã vậy lại không có cơ quan tuyên truyền thống nhứt cũng chẳng có trường chung đào luyện Tăng sư. Các cụ nên biết: Hễ nước mất thì cơ sở của Đạo pháp bị lấp vùi, nước còn nền Đạo được phát khai rực rỡ.

 

Chúng tôi ước mơ các cụ noi gương Đức Đại Sư Khuôn Việt tự mình gia nhập V.N.Đ.L.V.Đ.H. để làm gương hay là để khuyến khách các môn nhơn đệ tử mau tham gia vào phong trào hầu chấn chỉnh Quốc gia ta. Khi nào nước nhà được cường thạnh, đạo Phật mới đặng khuếch trương tự do hầu gieo rắc tư tưởng Thiện-Hoa và tinh thần Từ Bi, Bác Ái khắp bàng nhân bá tánh”.

 

Lời hiệu triệu này đủ biện minh sự “Rức áo cà sa khoác chiến bào” và đánh đổ quan niệm tiêu cực lánh đời thoát tục. Trường hợp của Đức Đạt Lai Lạt Ma và tín đồ Lạt Ma giáo bỏ Tây Tạng khi quân Trung cộng xâm chiếm đủ chứng tỏ một khi nước mất thì dầu có muốn ngồi yên tu hành cũng không thể được.

 

Ngoài Khuôn Việt Thiền Sư, còn có Tuệ Trung Thượng Sĩ cũng là một bực chân tu khi Quốc gia hữu sự phải “Rức áo cà sa khoác chiến bào”.

 

Tuệ Trung Thượng Sĩ, tên tộc là Trần Quốc Tảng, con thứ hai của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, khi giặc Nguyên xâm lấn nước ta, ông theo cha hai lần ngăn giặc. Vì có công to với Tổ quốc, nhà vua muốn lưu ông lại nhưng ông bỏ ngôi vương giả ““Rức chiến bào khoác lại áo cà sa” lui về ấp Tịnh bang vui thích với ngọn gió thiền, thường thả thuyền chơi sông Cữu khúc hay làm thơ vịnh, nêu lên những câu nói (ngữ lục) nhầm dìu dắt kẻ hậu học.

 

Theo lời của Tướng Trần Khắc Chung: “Phật hoàng (vua Trần Nhân Tôn) thực đã nhờ Ngài mà thành tựu được. Phật hoàng do nơi Ngài mà thành đạo chánh giác, nối giường Phật Thích Ca”

 

Noi gương các vị Thiền Sư như Đại Đức Khuôn Việt, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Đức Thầy cũng đành:

 

Rứt áo cà sa khoác chiến bào

Khi đất nước bị ngoại địch xâm lăng, Ngài nhứt quyết:

 

Tăng sĩ quyết chùa am bế cửa,

Tuốt gươm vàng lên ngựa xông pha.

 

Để rồi, một khi:

 

Đền xong nợ nước thù nhà,

Thiền môn trở gót Phật đà nam mô.

 

Chí cả của Ngài cũng như các vị thiền sư Đại đức, không lấy chiến bào làm sự nghiệp mà dùng đến để làm tròn bổn phận của con dân đối với quốc gia dân tộc. Nhưng một khi dẹp được giặc, bờ cõi được yên, nhà nhà sống êm ấm thì từ bỏ mọi danh tước trở về thiền môn để thực hành bản nguyện là tu niệm cầu đạo giải thoát cứu độ chúng sanh.

 

Như thế đủ thấy, quân sự chỉ là một phương tiện bất đắc dĩ phải dùng trong lúc tổ quốc lâm nguy để đền trả công ân đã hưởng thụ của quê hương đất nước.

 

Phương chi, theo Đức Thầy, phàm là tu mi na tử, bổn phận là phải tài bồi đất tổ mà ông cha đã dày công xây đắp. Trong lúc thi hành sứ mạng của người lính chiến, người trai của thế hệ còn biểu dương được, về đức tánh và ý chí thanh cao son sắt của người chiến sĩ:

 

1.) Đáng mặt làm trai nước Việt không hèn nhát, không thổ hẹn với quân lữ Phù tang:

 

Làm cho rõ mặt anh hùng,

Làm cho địch thủ rùng rùng bó tay.

Vậy mới đáng làm trai nước Việt,

Chen vai cùng hào kiệt Phù tang.

Gánh gồng bao bọc giang san,

Giữ gìn biên cảnh bằng an đời đời.

Trăm họ mới thảnh thơi nhàn nhã

 

2.) Đáng mặt rường cột nước nhà trong cơn quốc phá gia vong, gồng vai nâng đỡ

 

Nay vận nước đến hồi thạnh thới,

Chí anh hùng ta hãy noi gương 

Một mai nước được phú cường.

Tấm thân tráng sĩ cột rường nhà Nam.

 

3.) Đáng mặt con Hồng cháu Lạc, một dòng giống anh hùng có bốn ngàn năm lịch sử:

 

Xưa nước đã bao lần khuynh đảo,

Được cứu nguy nhờ máu anh hùng.

Hy sinh báo quốc tận trung,

Đem bầu nhiệt huyết so cùng sắt gang.

 

4.) Xem thường gian lao nguy hiểm khi lâm trận quyết cứu dân cứu nước:

 

Thân chiến sĩ vì dân vì nước,

Vì tự do hạnh phúc đồng bào

Bao nài nguy hiểm gian lao

5.) Nung chí hùng trước lằn tên mũi đạn dù phải ra sanh ra tử nơi trận tiền, chẳng những không làm nhục chí mà trái lại làm phấn khởi chí hùng anh:

 

Bom đạn thét không phai tâm ý

Súng gươm rền nung chí hùng anh.

 

Một khi biểu dương được tinh thần cao cả và ý chí hào hùng của người chiến sĩ chẳng những xứng đáng là con cháu của nòi giống Lạc hồng mà công lao hạng mã ấy còn được lưu lại muôn đời:

 

  1. – Thanh sử lưu danh như Đức Thầy đã nói:

 

Quyết đem xương máu hy sanh

Hy sanh cứu nước rạng danh muôn đời

 

Hoặc:

 

Cứu được nước danh lưu muôn thưở

Noi tinh thần quân lữ Phù tang;

Lòng yêu Tổ quốc hoàn toàn

Xông pha chiến điện gian nan xá gì

 

  1. – Khi thác được thành thần như câu châm ngôn thường nói:

 

Sanh vi tướng, tử vi thần,

Câu châm ngôn ấy truyền lần đến na.

 

Và Đức Thầy còn quả quyết:

 

Dầu không siêu cũng đặng về Thần,

Nhờ ai chữ trung quân báo quốc.

 

  1. – Miếu son tạc để đời đời thờ phượng ngày ngày nghi ngút khói hương:

 

Kìa kìa các bực công khanh,

Miếu son tạc để đành rành chẳng sai.

 

Hoặc giả:

 

Tử vi nước còn ghi lính miếu,

Thác vì đời thanh sử danh bia.

 

Sứ mạng của người chiến sĩ, xem đó, rất thiêng liêng khi cầm lấy khí giới ra trận địa.

 

Sứ mạng thiêng liêng ấy theo Đức Thầy không ngoài sự bảo vệ quê hương đất tổ chống xâm lăng của ngoại địch và làm cho xứ sở được phú cường, để đồng thời biểu dương tinh thần và ý chí của đấng nam nhi, của chiến sĩ anh hùng xứng đáng con cháu Hồng Lạc có bốn ngàn năm văn hiến.

 

Sở dĩ Đức Thầy đứng ra lập nghĩa quân và kêu gọi tính đồ tham gia quân sự là vì hai mục đích cao quý:

 

  1. – Cơ hội đền ơn đất nước: trong 4 đại trọng ân, ân đất nước là ân tối trọng.

 

Suốt 80 năm bị Pháp đô hộ, các bực tiền nhân của ta đã quật khởi, gian khổ đấu tranh, chỉ mong cởi mở xích xiềng nô lệ, nhưng vận nước chưa đạt nên đành ôm quốc hận thất bại vong thân. Dầu vậy, các Ngài cũng đã làm tròn bổn phật con dân đối với ân đất nước và biểu dương được tinh thần bất khuất của giống nòi.

 

Ngày nay, sau bao phen thăng trầm vì chiến cuộc, mặc nước Việt Nam chúng ta tạm gọi là lấy lại được sự độc lập nhưng vẫn còn là chiến trường cho sự tranh chấp của các thế lực vô minh quốc tế. Đây là cơ hội cho toàn dân đứng lên chống xâm lăng để xây dựng một nước Việt Nam tiến bộ và cường thịnh, không hổ với các lân bang Đông Nam Á.

 

Trong sự mưu đồ đại nghĩa cho dân tộc, người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo ngoài sự đóng góp xương máu vào sự cứu nước và dựng nước, còn là cơ hội đền đáp ân đất nước trong pháp môn Học Phật Tu Nhân. Sự tham gia vào bộ đội nghĩa quân là Đức Thầy muốn cho tín đồ của Ngài thực hành hạnh cao quí ấy.

 

  1. – Hạnh vô úy: nhưng ngoài việc đền đáp ân đất nước Đức Thầy còn muốn tín đồ của Ngài thi thiết hạnh vô úy là hạnh cao nhứt trong ba hạnh bố thí.

 

Vô úy là đem thân mạng hy sinh để đem lại cho đồng bào sự yên ổn làm ăn, không còn sợ hãi (vô úy) trước những cảnh đao binh khói lửa không gì thân yêu và cao quý bằng thân mạng, thế mà người chiến sĩ Phật Giáo Hòa Hảo xem người tánh mạng mang gươm súng chống ngăn quân địch bảo vệ đồng bào khỏi cảnh cửa nát nhà tan, máu rơi thịt đổ, dầu phải xả thân trước lằn tên mũi đạn. Đó là hạnh vô úy của nhà Phật, một hạnh khó thi thiết nhứt. Đến như tiền bạc là vật phù du mà người đời còn xem trọng không dám hy sinh thì hà huống là thân mạng. Mà dám liều thân mạng vì dân vì nước, đó mới là việc khó làm và cao quý nhứt.

 

Đức Phật Thích Ca sở dĩ siêu được một trăm kiếp cũng nhờ trong ba Á-Tăng-Kỳ kiếp hành hạnh vô úy, khí thân vì sự lợi lạc của muôn loài vạn vật.

 

Do đó, chiến sĩ theo quan niệm Phật Giáo Hòa Hảo, luôn luôn lấy sự cứu dân cứu nước làm mục đích cho sự thi thiết pháp môn Học Phật Tu Nhân của mình.

 

Cầm cây súng không phải để dọa nạt cướp bóc lương dân mà là để cứu nguy xứ sở, bảo vệ đồng bào hầu có đền đáp ân đất nước, hành hạnh vô úy thí.

 

Cứ theo quan niệm như trên thì người chiến sĩ Phật Giáo Hòa Hảo, để hoàn thành hai hạnh vừa kể, cần phải được đào luyện thêm những đức tính sau đây:

 

  1. – Tinh thần kỷ luật: điều quan trọng bực nhứt của quân ngũ là kỷ luật. Một đạo binh vô kỷ luật là một đạo binh kể như bỏ đi vì nó thành một đám quân ô hợp, không nhứt trí hành động thì trước sau gì cũng rước lấy sự thảm bại. Quân pháp có câu: quân bất luật tự quân sát; có nghĩa quân đội mà không có kỷ luật là tự mình giết hại mình vậy.

 

Một toán quân mặc dù ít nhưng có kỷ luật hành động nhứt trí theo mạng lệnh của cấp chỉ huy có thể thắng dễ dàng một đội binh tuy đông hơn mà vô kỷ luật.

 

Phàm đem thân ra làm chiến sĩ là để phục vụ cho quyền lợi của quốc gia dân tộc mà tranh đấu hy sinh. Khi nhận thấy điều gì đem thắng lợi cho quê hương nòi giống thì có thiệt thòi cho quyền lợi cá nhân, trái với ý mình người chiến sĩ giác ngộ cũng phải chấm nhận. Biết nhận lẽ phải đó là tinh thần tự giác. Từ chỗ tự giác người chiến sĩ sẵn sàng khép mình vào kỷ luật và triệt để phục tùng. Kỷ luật tự giác là kỷ luật cách mạng khác hơn kỷ luật cưỡng bách của độc tài.

 

  1. – Lòng dũng cảm: một đức tính cần phải có của chiến sĩ là lòng dũng cảm, một trong năm đức tánh của nhà tướng và chiến sĩ cách mạng là: Trí, Tín, Nhân, Dũng, Nghiêm. Lòng dũng cảm luôn luôn phát sinh do sự nhận thức trách nhiệm và đặt quyền lợi thiêng liêng của quốc gia dân tộc lên trên quyền lợi cá nhân. Nhứt là đã nhận chân sứ mạng của Đức Thầy và sự thắng diệu của pháp môn Học Phật tu Nhân, người chiến sĩ Phật Giáo Hòa Hảo luôn luôn dũng cảm, không hề chần chờ nhút nhát trước nghĩa vụ cứu dân cứu nước dầu phải hy sinh tánh mạng, vì họ đã được Đức Thầy hằng nhắc nhỡ:

 

Dầu không siêu cũng đặng về Thần,

Nhờ hai chữ trung quân ái quốc.

 

  1. – Lòng nhân ái: đã có dũng cảm mà cậy vào dũng lực thì thành ra thô bạo là điều cấm kỵ đối với chiến sĩ cách mạng như chiến sĩ Phật Giáo Hòa Hảo với hoài bão “giúp đời đừng đợi trả ơn”. Dù là tín đồ của đạo Phật, ngoài những đức tín: tinh thần kỷ luật, lòng dũng cảm, còn phải có lòng nhân ái mới thành một chiến sĩ hoàn toàn. Có mới nhân ái mới không thành kẻ háo sát, không trái nghịch với sứ mạng cao cả của người cầm súng hay ý nghĩa của chiến tranh.

 

V. Clausewitz trong quyển “Chiến tranh luận” có định nghĩa chiến tranh như vầy: “chiến tranh chẳng những là một hành động chính trị mà thực sự là một thủ đoạn chánh sách, kế tục quan hệ đối ngoại”.

 

Xem đó, chiến tranh là chánh sách kế tục và lâu dài. Chiến tranh là mục đích, chiến tranh là thủ đoạn. Một quốc gia vì muốn đạt đến mục đích của chánh sách mà phải dùng đến võ lực cưỡng bức đối phương chấp nhận chánh sách của mình. Cứ theo định nghĩa đó mà xét thì sở dĩ dùng võ lực là vì không thể giải quyết vấn đề chính trị bằng lối ôn hòa. Cứu cánh là đạt mục đích càng ít hao binh tổn tướng chừng nào càng hay chừng nấy. Cho nên sự sát hại nhiều là điều mà nhà tướng có thực tài cố tránh vì nó làm tổn đức nhân.

 

Trong truyện Tam Quốc có kể lại trận đánh của Khổng Minh đốt mười vạn quân Mạnh Hoạch bằng cách dụ đạo binh này vào hang đá rồi dùng hỏa công tiêu diệt. Lúc ấy Khổng Minh đóng hành dinh trên núi, khi hay tin báo toàn thắng nhưng khi biết mười vạn binh Mạnh Hoạch bị tiêu diệt thì ngồi khóc. Có người hỏi tại sao đắc thắng lại khóc Khổng Minh bèn đáp: thế là ta cầm binh bất tài, phải giết hại quá nhiều sanh mạng mới thắng được địch. Phàm kẻ cầm binh giỏi thì thượng sách là không tổm một viên đạn mà đoạt được thành mới là hay.

 

Như thế đủ thấy hiếu sát là điều mà kẻ cầm binh có thực tài luôn luôn không dùng đến.

 

Đức Thầy cũng đã khuyên:

 

Hãy tỉnh giấc hỡi muôn ngàn chiến sĩ

Mở lòng ra thương nghĩ sanh linh

Đồng bao ai nỡ dứt tình,

Mà đem chém giết để mình an vui.

 

Chẳng những lấy lòng nhân đối với địch mà trong lúc họ sa cơ mà còn lấy đức háo sanh đối với kẻ thù đã làm hại ta từ trước.

 

Về điều này Đức thầy đã ra lệnh:

 

“Vậy hãy coi toàn dân cũng như anh em một nhà, mong họ liên kết với chúng ta để kiến thiết lại quê hương cùgn nền Đạo nghĩa. Những kẻ bạo tàn từ trước đến giờ, nay đã ăn năn giác ngộ thì hãy dĩ đức nhiên dung, tội trạng của họ để sau này quốc gia định hoạt, còn mình chỉ khuyên họ trở lại đường lành, chớ chẳng nên làm điều gì thái quá mà động đến từ tâm của Chư Phật”.

 

Nói tóm lại, khi Đức Thầy cho thành lập quân đội là muốn tín đồ của Ngài có phương tiện hành sử Đạo Nhân, đem thân ra đền đáp ân đất nước và hạnh vô úy thí để lập lấy công đức hầu trở nên người Hiền có đủ điều kiện dự Hội Long-Hoa và sống còn trong thời kỳ Thượng ngươn an lạc.

 

Mục đích cầm súgn là để bảo vệ quê hương, giữ gìn an ninh trật tự cho đồng bào, chớ không phải cầm súng với ý định sát hại cho nhiều, làm điều phi nghĩa.

 

Năm 1947, lúc Đức thầy từ miền Đông về làng Phú Thành, Ba Răng, ở nhà ông chủ Bộ, ông Nguyễn-Giác-Ngộ có than với Đức Thầy về trường hợp có một số anh em chiến sĩ có côgn đoạt súng của giặc Pháp, nhưng sau khi có súng trong tay thì làm nhiều việc không hay gây đau khổ cho đồng bào.

 

Đức Thầy đáp: Tôi đã lịnh cho ôn grằng những người ỷ lại vào công lấy súng mà làm điều bất chánh, gây ra sự đau khổ cho người khác thì ông hãy lấy giao lại cho người khác giữ. Có súng để chống xâm lăng giữ trật tự an ninh cho dân chúng, chớ đâu phải có súng để uy hiếp đồng bào. (1)

 

(1) Theo lời tường thuật của ông Huỳnh-Hữu-Phỉ.

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn