Kết luận

02 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 27862)
Kết luận

 

 

Không có lúc nào bằng lúc này, các vị tự nhận có “phần thiêng liêng” ra đời rất nhiều. Kẻ chớn chánh thì rất ít, còn kẻ tà đạo thì rất nhiều. Người tu hành nếu không có trí óc để suy xét phân biệt thì không khỏi lầm lạc. Như Đức thầy đã nói:

 

Thời kỳ này nhiều quỉ nhiều ma,

Trời mở cửa quỉ vương xuống thế.

 

Thế nên, người tu hành càng nên dè dặt, đừng thấy người nào có viết một vài quyển thớ bắc vần hay tỏ ra có chỗ khác thường mà nhận đó là phần chơn chánh. Vì “phần thiêng liêng” cũng như người đời, có thứ tà thứ chánh, chớ chẳng phải mọi người hễ có “phần thiêng liêng” là chơn chánh hết đâu.

 

Nếu họ có ra thi thơ, ta phải xem coi những bài đó có nghĩa lý gì không, nhứt là những điều nói trong đó có đúng chơn lý, giáo pháp của nhà Phật, có chỉ pháp môn tu hành hay không? Bằng chẳng có mà chỉ nói bắt quàng, văn không thành câu, thơ sai niên luật, nòi ròng những việc thiên cơ huyền hoặc thì đó là tà ngụy.

 

Về thiên cơ thì Sám truyền của Trạng Trình, trong Sám Giảng của Đức Thầy hay của những Ngài trong phái Bửu Sơn Kỳ Hương đã nói nhiều, còn ai mà chẳng biết. Nay nếu có người nói đến cũng chỉ lặp lại mà thôi.

 

Đức thầy chẳng thường dặn dò:

 

“Đừng thấy ai theo mối đạo nào đông đảo rồi ta vội vàng theo đạo ấy mà lúc đó ta chưa hiểu giáo lý ấy như thế nào”.

 

Cũng đừng thấy người ta thờ Phật rồi vội vã lập đàn thờ Phật mà chưa hiều Ông Phật thế nào và tại sao phải thờ kính Đức Phật. Nếu tu như thế, thờ Phật như thế, thì càng tu càng thờ bao nhiêu càng tỏ ra cho thiên hạ thấy rõ ta mê tín bấy nhiêu. Đó cũng là cái đích để cho người vô đạo nhắm đó mà bài bác, nhạo chê hủy báng và cũng rất uổng chó cái công trình thành kính lễ bái của ta vậy.

 

“Cho được tránh những điều ấy, trước khi thờ học đạo nào, hay theo ông thầy nào, ta hãy suy gẫm kỹ càng, chừng hiểu biết rõ ràng ta sẽ hành theo đạo ấy. Chẳng được như vậy, dầu mình theo đạo rất chánh đáng, ông thầy rất thông minh cũng chẳng có ích chi cho mình cả”.

 

Đối với những người khuyên tu theo đạo Phật, những người có pháp môn, Đức Thầy còn bảo ta dè dặt suy lường như thế, huống cho đối với kẻ không có pháp môn, chỉ có tài nói chuyện huyễn hoặc.

 

Ngoài ra ta còn phải xem xét hạnh kiểm của những người tự nhận có “phần thiêng liêng” coi họ có đạo hạnh hay không. Nếu quả thật là bực chơn chánh thì hạnh nết rất đoan nghiêm từ cách ăn ở đến việc làm hay lời nói đều thanh nhã hiền hòa, đầy vẻ đạo đức.

 

Nếu trái lại, tánh tình của họ không khác gì kẻ phàm tục, nghĩa là ham đắm dục lạc, ăn nói hồ đồ, ăn xài xa hoa, khoe khoang tự đắc, không có một chút mùi đạo đức thì đó là kẻ không chơn chánh mà là tà ma quỉ mị chi đây, giả danh đạo đức gạt đời dối thế.

 

Ta đừng lấy làm lạ, sao đời này có rất “nhiều quỉ cùng ma” nếu chúng ta biết sự tích lúc Đức Phật Thích Ca thành đạo.

 

Thưở trước Phật Thích Ca ngồi tham thiền dưới cội Bồ đề có Ma vương ở trong rừng thấy chỗ Phật ngồi chói hào quang thì nó nghĩ thầm rằng: Một khi Ngài chứng quả Như Lai đem giáo pháp nhiệm mầu truyền bá thì đạo của nó sẽ không còn ai theo nó nữa, nên chi đem cả quân binh, khí giới, sắc đẹp đến khủng bố và cám dỗ Ngài nhưng lòng Ngài vẫn thản nhiên không hề lay chuyển. Vì sự căm tức không phá được Phật nên Ma vương mới đứng trước Phật mà thề rằng: Nếu kiếp này không hại được Ngài thì đến đời mạt pháp tôi sẽ hiện vào làm môn nhơn đệ tử của Ngài mà phá hoại đạo pháp của Ngài cho được mới thôi”.

 

Thế nên, ngày nay trong hàng Phật-tử mới có lắm người cũng tự nhận mình tu theo Phật, theo Thầy mà không bao giờ hành y theo chánh giáo hay kiên trì những điều răn cấm dạy khuyên.

 

Trái lại họ mượn lốt đạo làm trái nghịch lại những điều khuyến giáo của Thầy Tổ. Nếu đó chẳng phải là bọn Ma vương mang lốt môn nhơn đệ tử của Phật để phá hoại đạo pháp của Ngài, đúng như lời thệ nguyện kia của nó thì còn ai vô đó.

 

Vậy ta khá nên dè dặt mỗi khi gặp những người tự nhận tu theo Phật mà hành động lại theo Ma vương thì phải lánh xa, vì chính đó là bọn tà đạo, dầu họ tỏ ra có “phần thiêng liêng”; có bày ra phép này phép nọ.

 

Đức Thầy há chẳng khuyên:

 

Dầu ai tài phép bày khoe,

Ham linh ham nghiệm sợ e mang nghèo.

Lựa cho phải cột phải kèo

Phải vai phải vế mà theo kẻo lầm.

 

Vả lại, trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật cũng cho biết rằng: “Có những hạng người muốn cho định tâm của mình được sáng suốt ra sức tham cầu các sự khôn khéo để mà giáo hóa độ sanh. do một niệm tham muốn đó mà ma quỉ nhập vào rồi những người ấy cũng không biết là mình bị ma ám, tự xưng là chứng bực “Vô thượng Niết bàn” đi tới các nhà cầu thỉnh kia mà nói Pháp”.

 

Thế thì kẻ tu hành không nên bôn chôn mong cầu thái hóa. Đừng thấy người sáng tỏ rồi cố tâm ép xác khổ hạnh, tu lối tối thượng thừa mong được sáng tỏ gấp, hay mê hoặc chạy theo những người tự xưng “có phần thiêng liêng” kia để được phong tước vị. Ta cứ xem đóa hoa kia thì đủ hiểu lý. Từ khi kết hoa cho đến khi hoa nở, phải có thời hạn. Hễ đến kỳ, đúng hạn của nó thì hoa nở, chớ không thể sớm hơn được. Về vấn đề sáng tỏ cũng thế. Ta cứ cố gắng tu học, tránh các điều ác, làm các điều lành, lẳng lặng thân tâm thì sớm muộn gì cũng phát huệ, chớ ta cứ mãi mong cầu mà điều ác không từ, điều lành không mó đến, thân tâm mãi rối loạn theo dục lạc thì chẳng khác gì người nấu cát mà muốn được thành cơm, là điều không bao giờ có.

 

Nếu ta chẳng sớm định tâm thì rất dễ ngã theo bọn ma quân tà đạo, lúc nào cũng chực hờ quyến rũ ám ảnh ta.

 

Vậy nên ta hãy sớm tỉnh ngộ mà nắm chặt lấy những điều hoằng hóa của Đức Thầy. Ngài không dứt nhắn nhở:

 

Câu đạo đức bay mùi thơm lạ,

Muốn nếm thì phải ráng tu hành.

Các đạo tà mưu khéo âm thầm,

Dân ráng tránh kẻo lầm mà khổ.

Chúng nó xuống khuyên răn nhiều chỗ,

Dùng phép màu lóe mắt chúng sanh;

Ai ham linh theo nó tập tành,

Sa cạm bẫy khó mong sống sót.

Ta chẳng phải dùng lời chuốt ngót,

Mà làm cho dân chúng say mê;

Nẻo chánh tà biện luận nhiều bề,

Cho bá tánh tìm nơi cội gốc.

Lựa cho phải kẻo xưa danh mộc,

Đừng để làm thợ khéo sơn da;

Thì sau này đến lúc phong ba,

Giông gió lớn cột kèo khỏi gãy.

 

Nói tóm lại phân biệt được chánh tà, tức là thực hành được điều thứ bảy trong Tám điều răn cấm, ngăn ngừa được điều ác. Đây chỉ mới thực thi điểm thứ nhất của Tam tụ giới tức điểm Nhiếp luật nghi giới.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn