Nhưng dầu với hình-thức nào, ông Tường cũng đã cho người ta thấy ông đi sâu vào Sấm-Giảng. Một cách gián-tiếp, ông nhìn nhận lý Tam-Nguơn và cơ tận-diệt, như ông đã nêu ra trong bộ Ngàn năm một thuở.
Đây chúng ta hãy nghe ông Hồ-hữu-Tường luận về lý Tam-Nguơn:
“Trước thời này, đã có một thuở thái-bình mà các thi-sĩ gọi là “thời đại hoàng kim” chăng? Đó là một câu hỏi không lấy đâu làm bằng để trả lời cho được.
“Các tôn-giáo bảo:
“Hồi xưa, trên trái đất này, đã có một nền văn minh chói lọi, người sáng-suốt, thông cảm được cùng tiên phật, biết phép nhiệm mầu, đoạt quyền tạo hóa, hiểu được quá khứ vị lai. Rồi đến một lúc kia, hồng thủy dâng lên, đất sụp núi lở, ấy là thời tốt đẹp kia đã tận-thế. Thật ra chỉ là, dứt thời “thượng nguơn” để sang “trung-nguơn”.
“Đến thời ‘trung-nguơn” này, tuy loài người không được ai ai cũng là hạng địa tiên như trước, song cả thảy an cư lạc nghiệp, chung hưởng thái bình, đường không lượm của rơi, nhà ngủ không đóng cửa. Và có một ít thánh-hiền, hồi ức được sự sáng-suốt của thời thượng-nguơn, có ghi chép điều hiểu biết vào những kinh sách mà đến nay, dầu ai thông minh đến bực nào cũng không hiểu nỗi. Thời trung nguơn này chấm dứt với đời Nghiêu Thuấn. Và từ đây bắt đầu “Hạ Nguơn".
Thời “hạ-nguơn” là một thời đen tối cho loài người. Người, lòng nuôi đầy ác ý, tranh nhau mà bóc lột nhau, giành nhau mà chém giết nhau. Kẻ giẵm lên xương máu của phần đông để lập sự-nghiệp của mình, thì được thế nhân ca tụng là anh hùng, vĩ nhân. Bao nhiêu óc sáng-suốt đều bị lợi dụng để chế tạo các khí giới tàn sát lẫn nhau, đưa nhân loại dần dần đến cảnh tận-thế.
“Nhưng các tôn-giáo chỉ muốn đem cảnh “tận-thế” mà dọa loài người, cho họ sợ sự trừng phạt của trời đất mà theo các giáo điều. Các tôn-giáo quên rằng: trời đất xoay vần, hết năm cũ sang năm mới, thì cảnh đông qua xuân tới là dĩ nhiên. Vậy nên hạ-nguơn có dứt rồi thì một thượng-nguơn khác sẽ đến. Ấy là “đổi dời”. Lý trời là vậy đó”.
Đọc đoạn này chúng tôi thấy ông Tường luận rất xác đáng về lý Tam nguơn, nhưng vì mang phải tật hoài-nghi mà ông cho rằng tôn-giáo muốn đem cảnh Tận-Thế dọa loài người cho họ sợ sự trừng phạt mà theo các giáo-điều. Có hẳn muốn cho loài người theo giáo-điều mà tôn-giáo nêu ra vấn-đề tận-thế chăng?
Chẳng hiểu dựa vào đâu ông Tường nhận thấy điều ấy, chớ từ Cao-Đài-giáo cho đến Phật-giáo phái Phật-thầy đều nhận: hễ mãn thời-kỳ Hạ Nguơn thì đến thời-kỳ Thượng-Nguơn. Như thế thì tôn-giáo đâu có quên cái lý tuần-hoàn của vũ-trụ mà ông Tường hoài-nghi.
Mặc dầu ông Tường phủ-nhận danh-từ “Tận-thế” và nhận giai-đoạn chấm-dứt thời-kỳ Hạ-Nguơn là một cuộc “đổi dời”. Song rốt cuộc ông cũng nhận “cuối thời Hạ-nguơn này là cảnh tận-thế của nhân loại”.
Đây chúng ta hảy nghe lý-giải của ông Tường về Tận-Thế, do Ngài Tả-quân Lê-văn-Duyệt cắt nghĩa cho ba nhà sư người Tàu nghe:
“ Nãy giờ phải đòi ông Nguyễn-văn-Tố đến cắt nghĩa rõ về nguồn gốc của Thánh-Nhân, ấy muốn cho ba vị biết rằng khi mà Quỉ vương suy rồi là do tay Thánh-Nhân chấm dứt. Lúc ấy là cuối thời Hạ-Nguơn.
“Ba nhà sư hỏi:
“ Làm sao mà biết rằng cuối Hạ-Nguơn?
“ Tả-quân đáp:
“ Cái đặc sắc của cuối thời Hạ-Nguơn này là cảnh tận-thế của nhân-loại. Xưa nay, loài người đã chứng kiến những cuộc tàn tạ của lắm cái văn-minh, như văn-minh của Ai-cập, của Ấn-độ, của Tàu. Nhưng mà những cuộc tàn tạ này không dữ dội và không phổ biến. Đó là những cuộc suy nhược lần mòn ở một địa phương. Nay là cảnh tận-thế dữ-dội phổ biến của nhân-loại.
“ Ba nhà sư nghe nói đồng hỏi:
“ Vì sao các nền văn-minh trước lo việc nhân nghĩa đạo đức, lo việc tu dưỡng của loài người. Như gần đây, Khổng, Phật, Gia-tô, Hồi Hồi thảy đều lo việc cứu vãn nhân loại……………………………………………
“ Nghe Tả-quân ví sự trút đổ của văn-minh Âu-Tây như hai người ôm vật nhau, thì cả thảy muốn biết rõ hơn nữa. Thấy vậy Tả-quân giải:
“ Hiện nay các nước theo Âu Tây hãy còn đông. Đáng kể có Nga, Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Nhựt, Ý có bảy nước. Kỳ dư chỉ là mới phết một lớp sơn bề ngoài thôi. Với bảy nước này, thế giới phải sống cảnh tượng như hồi liệt quốc nhà Châu. Một trận chiến tranh thứ nhứt đã đưa chúng vào một phen vật lộn. Nay lại bắt đầu một cuộc chiến tranh thứ hai. Nhưng chưa hết đâu! còn có một lần chiến tranh thứ ba nữa. Mà lần thứ ba này, cái văn minh Âu Tây lại kết tinh thành hai khối chọi nhau.
“ Sư Hồng Hạc hỏi thêm:
“ Hai khối này có phải là khối dân chủ và khối phát-xít chăng?
“Nghe hỏi vậy tả quân cười đáp:
“ Dân chủ hay phát xít, tự do hay độc tài, đó chỉ là những phương tiện như thế nào cũng không cần, miễn là họ đạt đến mục-đích.
“ Sư Hồng Hạc nghe nói không hiểu, bèn hỏi:
“ Ngài nói văn minh Âu Tây đuổi theo cái lợi thì biết dựa vào đâu mà bảo rằng bảy nước ấy lại phân làm hai khối?
………………………………………………………
“ Bởi là chiến tranh toàn-diện, nên sức tàn phá của nó mãnh liệt không ngần. Không có một địa hạt nào tránh khỏi sự tiêu-diệt. Giữa các nước, thì nước này diệt nước kia bằng những khí giới lạ lùng, nguy hiểm.
Trong một nước, thì đoàn thể này chống với đoàn thể kia một cách quyết liệt chẳng kể mạng người, chẳng động lòng nhân. Hễ khác đảng phái thì dầu cho là anh em, chồng vợ, cha con cũng không dung nữa. Bao nhiêu thâm tình đều xóa bỏ, chỉ nghe mạng lịnh của đảng phái mà thôi. Rối cuộc mọi người điều phải đau đớn khổ sở vì không biết làm sao mà dung hòa ý, tình, lý của mình với mạng lịnh khắc khe của đoàn thể. Không lúc nào con người thấy mình bị một ách quá nặng nề như thế!
“ Ba nhà sư nghe tả cảnh tận-thế rùng rợn như vậy thì kinh hồn và chấp tay đồng hỏi:
“ Nếu nhân loại bị loạn lạc như vậy, thì còn có hy vọng gì mà sửa đổi lại, lấy trí dẹp loạn, lấy thái bình trừ chiến tranh chăn?
“ Tả quân đáp:
“ Bởi cái thời loạn lạc như vậy, nên loài người khổ sở vô ngàn. Những hoạn, những nạn có Quỉ vương gieo rắc sẽ tràn ngập, làm chết ngợp chúng sanh. Thế mà có người cứu vãn được y như lời quẻ thứ mười hai của Khổng-Minh. Quẻ ấy là:
Chủng hoạn cứu nạn,
Thị duy Thánh Nhân.
Dương phục nhi tri,
Hối cực sanh minh.
“ Câu thứ nhứt và câu thứ nhì có nghĩa là”
“ Lấy hoạn mà chữa cái nạn, thì có Thánh Nhân mới làm được. Còn hai câu sau lại định kỳ hạn mà Thánh-Nhân xuất-hiện. Hết cái thời ám này, nghiã là dứt cái hạ-nguơn, bắt đầu thượng nguơn khác thì dương trở lại, chuyện ấy sẽ rõ. Ấy là hết tối tới sáng vậy. Lời sấm rõ lắm rồi. Nay dứt hạ nguơn Thánh Nhân là Xích Tử ra đời, đổi đời mới, lập thiên hạ lại.
“ Ba nhà sư cùng hỏi:
“ Còn chủng hoạn cứu nạn là làm sao?
“ Cái đó là việc riêng của Xích-Tử, là sự nghiệp của người, ta không có phép lo trước. Thiên cơ bất khả lậu!
“ Rồi Tả-quân nói tiếp:
“ Còn như quẻ thứ mười ba:
Hiền bất dỉ dã,
Thiên hạ nhứt gia.
Vô danh vô đức,
Quang diện Trung-Hoa.
“ Là tả cái cảnh thiên hạ đại-đồng mọi người được dùng, không bỏ sót ngoài đồng như thuở hạ nguơn, tất cả thiên hạ sống chung một nhà, yêu thương nhau. Cảnh ấy là thiên đường trên quả địa cầu”.
Ngoài những lý do Tận-Thế mà ông Hồ-hữu-Tường mượn lời Ngài Tả quân để phân giải như đã nói trên ông Tường còn giải-thuyết lý Tận-Thế về phương-diện lý-số và tôn-giáo nữa.
“ Về mặt lý số, những nhà lãnh đạo cho phong trào muốn cho tất cả dân chúng tin-tưởng vào một ngày mà mọi người phải chọn chỗ dự bị, ngày hết thời âm sang thời dương, hết thời tối đến thời sáng sủa, hết thời khổ não đến thời hạnh phúc, hết thời loạn lạc tới thời thanh bình, hết thời tủi nhục tới thời vinh quang. Họ là những nhà lý số, dựa theo những thuyết của nhà triết-học đời Tống như Thiệu nghiên Phu, mà định cái ngày vinh quang ấy ở vào thế hệ của chúng ta.
“ Thời về mặt tôn giáo, học thuyết của sư tổ Huệ Năng cũng đồng một dự đoán như vậy. Phật Di-Lặc xuống thế độ trần cũng vào khoản này. Và đến như theo Gia Tô giáo, ngày tận-thế hai ngàn năm sau Jésus giáng sanh cũng hiệp với tiên-tri của phái lý số.
“ Mấy triệu người theo Lão học, tin vào phép dưỡng sinh. Mấy trăm triệu người theo Nho giáo, mấy trăm triệu người theo Gia Tô giáo đồng một sự tin-tưởng. Kẻ theo khoa học, dầu có hoài nghi cũng không cưỡng lại một trào lưu ngày càng mãnh liệt và đến lúc, nghiêng về một phía”.
Đọc đến đoạn này, người ta sẽ thấy rõ mối hoài nghi của ông Tường đã vỡ tan khi ông viết:
“ Kẻ theo khoa học, dầu có hoài nghi cũng không cưỡng lại một trào lưu ngày càng mãnh-liệt”.
Nhưng vậy người ta có thể hiểu thêm rằng dầu ông Tường dùng một lối văn nữa hư nữa thực để cho người đọc có cảm tưởng rằng ông còn hoài nghi, nhưng thật ra trong thâm tâm, ông vẫn tin Sấm-Giảng.
Ông tin chắc đến đỗi ông dám cả quyết cho trận đại-chiến thứ ba sẽ nổ vào năm 1952.
Đây là một đoạn văn ông Hồ-hữu-Tường nói về trận địa-chiến thứ ba:
“ Mấy năm mà Ngài gọi là không lâu?
“ Nay là cuối 1945. Cái kế-hoạch đánh cuội của tôi vạch ra đó ít lắm bốn năm mới xong, nghĩa là đến gần hết năm 1949 thì Tưởng-giới-Thạch mới nhượng hoàn toàn cho đảng Cọng, thì còn mấy năm nữa đâu?
“ Mà mấy năm nữa chớ?
“ Thì ba năm, đến năm 1952, ắt có chiến-tranh thứ ba. Xứ tôi ai mà chẳng biết. Ông Trạng-Trình có để lại lời Sấm:
Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh,
Can qua xứ xứ động đao binh.
Mã đề dương cước anh hùng tận,
Thân dậu niên lai kiến thái bình.
“ Bài Sấm này không phải chỉ cuộc chiến tranh thứ nhì sao?
“ Lầm! Lầm to? cuộc chiến tranh thứ nhì hoặc kể là khởi ở Tàu, nơi vụ Lư cầu Kiều là năm 1937 tức là năm Đinh Sửu, hoặc kể là khởi ở Âu châu hay là năm 1939 tức là năm Kỷ mão chớ nào phải là năm Thìn đâu mà gọi là Long vĩ, năm rồng, cuối năm Thìn?
“ Vả lại lời sấm là bàn về cuộc chiến tranh thứ hai có ăn thua gì mà làm sấm chi cho mất công? Mà câu “Mã đề dương cước” đâu có ứng? Bởi anh hùng không có tận mà?
“ Vậy theo Ngài thì cuộc chiến tranh thứ ba ra làm sao?