7-Giảng về Thượng-Ngươn

15 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 29979)
7-Giảng về Thượng-Ngươn


Một khi mười tám nước phục-tùng thì Tam-giới công-đồng hội-hiệp để trừng trị những người hung ác ban thưởng người hiền lương:

Người hung chết rất chật thây,

Nhìn xem bắt thảm ngày rày cho dân.

Mấy người còn được xác thân,

Thi là đài ngọc, các lân mới kề.

Về đoạn Tam-giác công-đồng hội-hiệp, ông Sư-Vãi Bán-Khoai có viết :

Thiên-đàng Địa-ngục hiệp sang,

Trung-ương Tam-giới xuê-xang phỉ tinh.

Nói cho bá-tánh làm tin,

Đừng mê đạo khác mà quên Nam-đình.

Đến chừng gặp hội bình-minh,

Gươm nào tội nấy chớ tình thở than.

Còn ông Ba Thời thì viết :

Sau Tam-giới hội lại một ngôi,

Muôn dân lạc-nghiệp chúa tôi thuận hoà.

 Về đoạn này Đức Huỳnh Giáo-chủ giải rất rõ :

Hiền lành chừng đó sum vầy,

Quân thần cọng lạc mấy ngày vui chơi.

Đến đó Ta thấy mới mừng cười,

Nhìn xem Ngọc-Đế giữa Trời định phân.

Thiên-hoàng mở cửa các lân,

Địa-hoàng cũng mở mấy từng ngục-môn.

Mười cửa xem thấy ghê hồn,

Cho trần coi thử có mà hay không ?

Nhơn-hoàng cũng lấy lẽ công.

Cũng đồng trừng trị kẻ lòng tà gian.

Ấy là đến lúc xuê-xang,

Tam-hoàng trở lại là đời Thượng-Ngươn.

Về việc Đức Ngọc-Đế định phân, Đức Huỳnh Giáo-chủ còn cho biết thêm rằng :

Có ngày mở rộng qui khôi,

Non Thần vang chuyển Khùng ngồi xử phân.

Huyền-cơ máy tạo xoay vần,

Đồng về Phật cảnh mười phần xinh tươi:

Chẳng những Ngài dự một phần trong việc phân định của Đức Ngọc-Đế, mà còn lãnh một trọng trách trong việc lập bảng Phong-Thần nữa.

Về bảng Phong-Thần Đức Huỳnh Giáo-chủ có viết :

Các nơi Tiên-trưởng đâu đâu,

Lư-bồng hội-hiệp đồng chầu Thánh-vương.

Trụ kia bạo ác phải nhường

Võ-vương hữu đức đường đường trị dân.

Thì rõ việc Phong-Thần trở lại,

Thuyền Đông-Pha lèo lái cánh trương.

Và chỉ có người hiền đức mới xem được cuộc Phong-Thần đăng bảng :

Nhờ ơn Trời ban bố đức ân,

Xem chung cuộc Phong-Thần tại thế.

Nhưng vị nào lãnh phần đứng ra dựng bảng Phong-Thần ? Đức Huỳnh Giáo-chủ không e ngại mà cho biết :

Đến kỳ thi danh Thầy chạm bảng,

Trên đài cao gọi các linh-hồn.

Chỉ có một hội này mới biết ai được ai mất. Bởi thế Đức Huỳnh Giáo-chủ không dứt khuyên răn:

Lo lo liệu liệu chịu tiếng trần,

Có một hội này rán lập thân.

Chớ để trễ chầy rèn chẳng kịp,

Khuyên ai khuya sớm rán chuyên cần.

Và một khi được bước đến cõi Tiên-bang mới hưởng được sự an nhàn dựa kề cửa Thánh :

Gắng công khỏi buổi nghèo nàn,

Sum vầy một cuộc Hớn-đàng toại thay.

Người nào vẹn được thảo ngay,

Dựa kề cửa Thánh đài mây an nhàn.

Nhưng hỡi ôi ! những người được hưởng phước huệ ấy còn chẳng được bao nhiêu.

Theo ông Sư-Vãi Bán-Khoai thì trong mười người còn lại hai người:

Tôi buồn bốn phía không yên,

Kẻ dữ hết tám, người hiền còn hai.

Nhưng theo ông Ba Thới thì trong mười người chỉ còn có một :

Càng ngày càng hao càng mòn,

 Mười phần hết chín chẳng còn người hung.

Còn Đức Huỳnh Giáo-chủ thì cho biết cả thế giới số người còn lại lối hai ba phần :

Thiên cơ biến đổi can qua,

Gẫm trong thế-giới còn đôi ba phần.

Mau mau kíp kíp chuyên cần,

Chúng sanh còn có lập thân hội này.

Nhưng số người còn lại ấy, có thể giữ được tấm thân ô-trược trong thời-kỳ Thượng-Ngươn chăng ? Một thời-kỳ mà quả đất đổi hình, cảnh vật đều xinh tươi khí-hậu thanh khiết ôn lương, ngày thì mặt trời mọc, đêm thì có trăng sáng như ban ngày ? Từ ông Sư-Vãi Bán-Khoai , trải qua ông Ba Thới đến Đức Huỳnh Giáo-chủ, đều nhìn nhận là có sự thay hồn đổi xác, phản lão hoàn đồng,

Về vấn đề này ông Sư-Vãi Bán-Khoai có viết :

Tu hành nhơn đức thì hơn,

Thay hồn đổi xác nhờ ơn Cửu-trùng.

Hết tục rồi lại đến Tiên,

Giữ lời Phật dạy mới yên mới lành.

Ông Ba Thới cũng nhận sự phản lão hoàn đồng, hết tục đến Tiên ấy là nhờ phép Phật :

Khá bủa câu thả lưới đợi chờ,

Phật cho tài phép một giờ thoát mê.

Cõi dương-gian ba kiểng ba quê,

Ba ngôi ba chúa châu phê nhứt điều.

Thương cho người sống ít thác nhiều,

Linh đơn Phật rưới mai chiều hoá Tiên.

Về vấn đề này Đức Huỳnh Giáo-chủ có viết :

Chừng Bảy Núi lầu son lộ vẻ,

Thì người già hoá trẻ dân ôi !

Tu hành ắt được thảnh-thơi,

Lại xem được Phật được Trời báu thay.

Đức Huỳnh Giáo-chủ còn cho biết cái hiện tượng thay hồn đổi xác chẳng riêng gì ở Việt-Nam mà còn khắp hoàn-cầu :

Sau lập hội thì già hoá trẻ,

Khắp hoàn-cầu đổi xác thay hồn.

Đức Ngọc-Hoàng mở cửa thiên môn,

Đặng ban thưởng Phật Tiên với Thánh.

Và Ngài cho biết cũng như ông Sư-Vãi Bán-Khoai và ông Ba Thới rằng : việc thay hồn đổi xác, già hoá trẻ ấy là nhờ phép Tiên phép Phật :

Cổ ngữ hằng ghi thậm khổ đa,

Tận diệt nhơn gian, trực Tiên khoa.

Lão giã hậu qui nhơn ấu giả,

Ly-kỳ Thiên định dĩ thiên-la.

Thế là đời Thượng-Ngươn đã lập với sự đổi mới địa-hình, nhơn-vật.Về đoạn này ông Sư-Vãi Bán-Khoai có viết :

Phật Trời nói chẳng sai lời,

Long-Hoa là hội Phật Trời lập ra.

Lập rồi cái Hội Long-Hoa,

Chọn người tu niệm đặng rày bao nhiêu ?

Chọn lựa coi thử ít nhiều,

Người lành kẻ dữ còn tiêu kẻ nào ?

Minh-Vương xuất đế ngôi cao,

Lập đời Thượng-cổ anh hào hiền lương.

Chọn người của Phật mến thương,

Đặng giao mối nước cho Vương Minh-Hoàng.

Còn ông Ba Thới thì viết :

Phật thâu phép chư quốc chư hầu,

Qui lai thiền nội ứng hầu Phật- vương.

Đồng chúc Thánh vạn thọ an khương,

Tuế tăng vạn tuế Phật vương thọ trường.

Phân chư quốc cống lễ minh tường,

Tiểu ban lãnh sắc thường thường thọ ân.

Đãi yến diên chư quốc quan dân,

Chỉnh tề trở lại hương lân an phần.

Phân thượng hạ quan chức quân thần,

Phân ngôi phân thứ định phần quan dân.

Chúc Hớn trào miên viễn hoàng ân,

Trường sanh thọ tuế muôn dân thanh nhàn.

Thế là ông Sư-Vãi Bán-Khoai và ông Ba Thới đồng nhận ở thời-kỳ Thượng-Ngươn sẽ do Đức Minh-Vương ngự trị.

Đến Đức Huỳnh Giáo-chủ , Ngài cũng nhận như thế :

Khắp lê-thứ biến di thương hải,

Dùng phép mầu lập lại Thượng-Ngươn.

Việc thiên-cơ Khùng tỏ hết trơn,

Cho trần hạ tường nơi lao lý.

Lão nào có bày điều ma-mị,

Mà gạt lường bổn đạo chúng sanh.

Đức Minh-Vương ngự ở Nam-thành,

Đặng phân xử những người bội nghĩa.

Và Ngài cho biết có Đức Minh-Vương sửa trị thì đời mới an cư :

Đạo đời nào có tư riêng,

Minh-Vương sửa trị mới yên ngôi Trời.

Và đời an cư ấy là ngày Thượng-Ngươn hồi phục :

Làm cho rõ mặt râu mày,

Thượng-Ngươn hồi phục là ngày an cư.

Ông Sư-Vãi Bán-Khoai cũng nhận như Đức Huỳnh Giáo-chủ rằng có Đức Minh-Vương trị nước thì dân mới thái-bình :

Các nước chư quốc khiêm nhường,

Minh-Vương trị nước như Đường cao-Tôn.

Nam trào Phật ngự rất đông,

Vua lên chánh-điện thì dân thái-bình.

Về thời-kỳ thạnh-trị ấy, Đức Huỳnh Giáo-chủ cho biết như thế này :

Ngày nào mà Phật, Tiên toạ vị,

Ấy thời lai bình-trị muôn dân.

Khắp các nơi chư quốc xưng thần,

Trong bốn biển chúng dân lạc-nghiệp.

Theo dõi gót người xưa mới kịp,

Vừng mây lành ngũ sắc hào quang.

Phật, Thánh, Tiên Đông-độ bước sang.

Miền Nam-địa phân chia đẳng cấp.

Nước cờ mới nay đà khởi sấp,

Trổ tài hay biển lắp non đời,

Dưới cùng trên ảm đạm khí Trời,

Cả thế-giới mưa hoà gió thuận.

Tạo nền móng Thánh quân đặt vững,

Nơi Triều-ca gầy dựng tôi hiền.

Mà sở dĩ khắp thế-giới đều một niềm hoà-thuận là vì ở thời-kỳ Thượng-Ngươn sẽ có Phật, Tiên tại thế, và việc nước đều gom về một mối, đặt dưới sự sửa trị của một vị Thánh quân:

Cùng no bốn biển một cha thôi,

Bỏ dứt thói hư với tật tồi.

Trên có Phật Trời soi việc thế,

Dưới đầy cơm áo lão về ngôi.

Và sau này, khi đời Thượng-Ngươn được lập thì nước Việt-Nam sẽ đổi quốc-hiệu là Hớn-bang. Về điều này ông Sư-Vãi Bán-Khoai đã có nói :

Nói cho già trẻ lo âu,

Minh-Vương khôi phục Hớn Châu Phong Thần.

Còn ông Ba Thới thì viết :

Mười tám nước lai giáng hàng đầu.

Thường năm cống lễ ứng hầu Hớn-bang.

Hay là :

Phân thượng hạ quan chức quân thần,

Phân ngôi phân thứ định phần quan dân.

Chúc Hớn trào miên viễn hoàng ân,

Trường sanh thọ tuế muôn dân thanh nhàn.

Về quốc-hiệu sau này của Việt-Nam, Đức Huỳnh Giáo-chủ cũng nhận là Hớn-bang hay Hớn-đàng.

Ngũ niên viễn tự cơ hàn,

Đến chừng qui phục Hớn-đàng mới yên.

Bởi Hớn-bang là một cõi Tiên-bang sau này cho nên muốn đi đến cõi ấy, Đức Huỳnh Giáo-chủ hằng khuyên hãy cố gắng tu hành :

Gắng công khỏi buổi nghèo nàn,

Sum vầy một cuộc Hớn-đàng toại thay !

Người nào vẹn được thảo ngay,

Dựa kề cửa Thánh đài mây an nhàn.

Và muốn đi tới cõi tốt đẹp ấy, cần phải nhẫn-nại trông chờ:

Duyên sự đê mê cảnh Hớn-đàng,

Lần dò cho thấu nẻo Tiên-bang.

Xuê-xang mấy kiểng nhìn sương gió,

Lòn cúi chờ trông lúc khải-hoàn.

Mà ngày khải-hoàn ấy là ngày thấy được phụng-hoàng xuất hiện, tức là điềm thánh-chúa ra đời :

Chừng nào thấy được phụng-hoàng,

Rồng chầu chớp nháng Hớn-đàng hiển vinh.

Và ngày hiển vinh ấy là ngày hớn-đàng vững đặt :

Một tay tá quốc an bang,

Nước nhà vững đặt Hớn-đàng hiển vinh.

Cứ theo Đức Huỳnh Giáo-chủ thì ngày hiển vinh, vui tươi ấy cũng gần lố bóng, chớ không còn xa :

Ngày vui tươi cũng đà lố bóng,

Cớ sao đời còn mãi say sưa ?

Không tìm Thầy đặng hưỡng phước thừa,

Ngày lập hội tay vin cành quế.

Cái cơ-hội được vin cành quế, chỉ có một ngày hội này mà thôi. Bởi thế Ngài khuyên hãy rán chuyên cần, bằng để trễ chầy thì chẳng kịp. Nhưng chừng nào Hội Long-Hoa mới lập ? Ngày tận-diệt còn xa chăng ?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn