2-Đối Chiếu Tư Tưởng

15 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 24023)
2-Đối Chiếu Tư Tưởng

 

Để nhận thấy chỗ liên-hệ giữa Đức Phật-Thầy Tây-An, ông Sư-Vãi Bán-Khoai với Đức Huỳnh Giáo-chủ, tưởng cũng nên đem đối-chiếu những tư-tưởng đồng nhứt giữa ba Ngài.

Trước hết ta nhận thấy rằng : Trong phái Phật-Thầy, các Ngài một khi làm phàm cứu thế điều xưng Khùng xưng Điên, ý chừng đối lại người đời xưng khôn xưng lanh, thường khinh khi Phật, Tiên, Thần, Thánh.

Mặc dầu xưng Khùng, xưng Điên nhưng đối với những người có thiện-căn, các Ngài không hẹp lượng mà chẳng cho biết rằng : Khùng điên là của Phật, của Thầy chớ không phải của người lãng trí. Đây là đoạn văn ông Sư-Vãi Bán-Khoai xưng Khùng, xưng điên :

Điên này Điên Phật, Điên Thầy,

Chẳng sợ ai rầy nên nói cù nhây.

Ta hãy xem một đoạn văn dưới đây của Đức Huỳnh Giáo-chủ thì sẽ thấy chỗ đồng-nhứt tư-tưởng ấy :

Bởi chữ Khùng của Phật của Thầy,

Chớ không phải của người lãng trí.

Bởi Khùng điên của Phật của Thầy, cho nên rõ thiên-cơ, đoán biết âm-dương kết liễu. Đây ta hãy đọc ông Sư-Vãi-Bán Khoai :

Khùng sao mà biết thiên-cơ,

Cũng là Phật khiến cho Khùng dại điên.

Cũng đồng một tư-tưởng này, Đức Huỳnh Giáo-chủ đã viết :

Khùng đoán biết âm-dương kết-liễu,

Khùng huyền-cơ, Khùng đạo Thích-Ca.

Ngoài sự xưng hô giống nhau, chúng ta còn thấy cả sự nhận-định thời-cơ cũng giống nhau nữa. Ông Sư-Vãi Bán-Khoai viết :

Hết đây đến nước dị-kỳ,

Dỗ dành thiên-hạ vậy thì chẳng an.

Đến Đức Huỳnh Giáo-chủ cũng thế :

Hết đây đến nước dị-kỳ,

Sưu cao thuế nặng vậy thì thiết-tha.

Xưa nay, sự trùng ngôn trùng ý vẫn là điều thường thấy xảy ra luôn, nhưng chúng tôi dám chắc chẳng bao giờ có một sự đồng nhứt tư-tưởng như thế này. Trong quyển Sấm giảng người đời, ông Sư-Vãi Bán-Khoai trong cuộc đi phổ-độ  chúng-sanh thường nói là một Thầy ba tớ. Đây là lời ông Sư-Vãi Bán-Khoai tự-thuật :

Chừng nào nước chảy đông nguồn,

Một Thầy ba tớ hết đường lao-đao.

Ông thường nhắc đến luôn :

Nào khi nắng bụi bay tuôn,

Một Thầy ba tớ chẳng buồn lại vui.

Đến Đức Huỳnh Giáo-chủ cũng thế, trong Sấm-giảng, Ngài nhắc lại cuộc châu-du độ thế, cũng cho biết là một Thầy ba tớ :

Khùng thời ba tớ một Thầy,

Giảng dạy dẫy đầy rõ việc thiên cơ.

Chẳng những cho biết là một Thầy ba tớ mà ông Sư-Vãi Bán-Khoai còn cho biết cả danh hiệu nữa. Đây là danh-hiệu mà ông Sư-Vãi Bán-Khoai thường xưng :

Huệ-Lựu ký tả một bài,

Viễn bang châu quận hậu lai khán tường.

Hoặc giả :

Huệ-Lựu bút ký tả rồi,

Đặng cho thiên hạ dấu soi để đời.

Các danh-hiệu này được Đức Huỳnh Giáo-chủ lặp lại trong Sấm Giảng của Ngài :

Đừng thấy ngu dại mà khi,

Thầy thì Huệ-Lựu tớ thì Huệ-Tâm.

Khi đọc đến đoạn này thử hỏi còn tín-đồ nào của ông Sư-Vãi Bán-Khoai không nhận thấy chỗ xuất xứ của Đức Huỳnh Giáo-chủ. Họ không còn ngần ngại gì nữa mà chẳng nhận Đức Huỳnh Giáo-chủ là chuyển kiếp của ông Sư-Vãi Bán-Khoai :

Thật thế chúng ta đã đọc đoạn văn nầy của ông Sư-Vãi Bán-Khoai :

Tôi đâu mà có an thân,

Bây giờ Phật biểu tôi sang nước Tần.

Mến mà mến nghĩa Hoàng-Lân,

Thương là thương lấy vạn dân mắc nàn.

Rồi đọc đoạn văn nầy của đức Huỳnh Giáo-chủ, chúng ta sẽ thấy chỗ nhận-định của tín-đồ của Sư-Vãi Bán-Khoai là đúng:

Dạy đạo chánh vì thương Nam-Việt,

Ở Cao-miên vì mến Tần-Hoàng;

Trở về Nam đặng có sửa sang,

Cho thiện-tín được rành chơn-lý.

Như thế thì rõ lắm rồi. Nhưng cũng còn chưa rõ bằng đoạn văn sau đây :

Đừng ham nói nọ nói này,

Lặng yên coi thử điên này là ai?

Cám thương Ông lão bán-Khoai.

Vì yêu dân-chúng chẳng nài nắng mưa.

Thế là bức màng huyền-vi giữa ông Sư-Vãi Bán-Khoai và Đức Huỳnh Giáo-chủ đã hé mở. Chẳng những thế mà bức màn huyền-vi giữa đức Phật-Thầy Tay-An và đức Huỳnh Giáo-chủ cũng được vén lên. Đức Huỳnh Giáo-chủ cho biết :

Khùng này quê ngụ núi Sam,

Còn Điên chẳng có chùa am dưới này.

Núi Sam là chỗ Đức Phật-Thầy Tây-An đạ tịch cho nên khi nói đến núi Sam là tín-đồ phái Phật-Thầy hiểu ngay là chỉ Đức Phật-Thầy Tây-An .

Mặc dầu cho biết quê ngụ núi Sam để cho dân-chúng đừng nghi nan, nhưng Đức Huỳnh Giáo-chủ vẫn thấy người đời còn thờ ơ, cho nên không dứt lặp đi lặp lại :

Thương lê thứ bày tường trong đục,

Mặc ý ai nghe phải thì làm.

Lời của người di-tịch Núi Sam,

Chớ có phải bày điều huyễn hoặc;

Cảnh Thiên-trước thơm tho nồng nặc,

Chẳng ở yên còn xuống phàm trần.

Ấy vì thương trăm họ vạn dân,

Nên chẳng kể tấm thân lao khổ.

Giả quê dốt khuyên người tỉnh ngộ,

Giả bán buôn thức giấc người đời.

Rằng ngày nay có Phật có Trời,

Kẻo dân-chúng nhiều người kiêu ngạo.

Xuống mượn xác nhằm năm Kỷ-mão,

Buồn xóm làng cứ ghét Điên Khùng.

Nếu trẻ già có biết thì dùng,

Chẳng có ép có nài bá tánh.

Thử hỏi, khi đọc đến đoạn này, tín-đồ nào của Đức Phật-Thầy Tây-An, chẳng nhận ra Đức Huỳnh Giáo-chủ là ai ? Chắc sao cũng có người sẽ hỏi : Đức Huỳnh Giáo-chủ lại vừa Sư-Vãi Bán-Khoai chuyển kiếp, lại vừa Đức Phật-Thầy Tây-An chuyển kiếp ? Điều này, chúng ta đã biết : giữa Đức Phật-Trùm, Đức Phật-Thầy Tây-An , ông Sư-Vãi Bán-Khoai và Đức Huỳnh Giáo-chủ vẫn không có sự sai-biệt. Chính Đức Huỳnh Giáo-chủ trong bài lịch sử về đời của Ngài, có đoạn cho biết : “Tuy là nhơn dân mới rõ pháp mà tưởng rằng Ta thượng xác cỡi đồng, chớ dè đâu chuyển kiếp đã từ lâu cho đến ngày ra trợ thế” đủ hiển-thị chỗ nhận-định ở trên.

Bởi do nhiều “chuyển kiếp đã từ lâu” , cho nên Đức Huỳnh Giáo-chủ diễn giải về Tận-Thế và Hội Long-Hoa không khác ông Sư-Vãi Bán-Khoai và ông Ba Thới.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn