CHƯƠNG THỨ BA : Cao-Đài-Giáo

27 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 32894)
CHƯƠNG THỨ BA : Cao-Đài-Giáo

Với Cao-Đài-Giáo thì danh-từ Tận-Thế và Hội Long-Hoa không còn xa lạ nữa. Trong quyển Đại-Thừa Chơn-Giáo, hai danh-từ này được nhắc đến luôn.

 

Sở-dĩ các đấng thiêng-liêng xuông cơ mở đạo, cũng chẳng qua là báo trước cho người trần biết cơ tận-diệt đã hầu kề và Hội Long-Hoa sắp mở, để thức tỉnh người đời trở về con đường đạo-đức cho kịp Hội Long-Hoa.

 

Bởi thế trong bài Thánh-tựa là bài đầu của quyển Đại-Thừa Chơn-Giáo, lời kêu tha-thiết trước nhứt là lời:

Minh Chơn-Đạo thời-kỳ mạt-kiếp,

Thức-tỉnh đời cho kịp Long-Hoa.

Luôn luôn danh-từ Tận-Thế, thời-kỳ mạt kiếp được nhắc đến. Dưới đây chúng tôi trích một vài đoạn:

Gần Tận-Thế Ngôi Hai ra mặt

Đặng toan phương dìu dắt chúng sanh

Chỉ đường cội phước nguồn lành,

Giác mê tỉnh ngộ tu hành siêu thăng,

Cuộc tan thương dữ dằn trước đó,

Mà nào ai có rõ chi đâu !

Rồi đây chúng chịu thảm sầu,

Không nương đạo-đức khó hầu tránh tai,

Nạn khổ cuộc tương-lai dữ-dội,

Nhân vật đồng thay đổi tiêu tan,

Có ai thấu máy hành tàng ?

Dinh hư tiêu trưởng rõ ràng không sai.

Và cơ tận-diệt được các đấng thiêng-liêng cho biết đã gần kề, như đoạn:

Nguồn Đạo-Đức thâm vi nhiệm-lý,

Bổn-chơn-truyền lập chí tìm ra.

Máy dinh hư chẳng có bao xa,

Nguồn tận-diệt bày ra trước mắt,

Cuộc xáo trộn Đông, Tây, Nam, Bắc,

Nạn chiến-tranh đạo tặc dẫy tràn,

Ôi !Muôn nhà trăm họ lầm than,

Chịu khốn khổ tai nàn thảm thiết !

Đạo ra đời là đời tận-diệt;

Nên Phật, Tiên cho biết mà tu.

Người thế thường chác những hèn ngu,

Cắm cổ chết trong ngục tù tội lỗi.

Xem đó đủ thấy vấn-đề Tận-Thế đã được Cao-Đài-giáo xác nhận,và ngày tận-diệt cũng được báo nguy là chẳng còn xa, nhưng quyết định thời-kỳ nào thì không thấy nói đến.

 

 

 

 

Những lý-do về Tận-Thế

 

 

Về lý-do gì mà có cuộc Tận-Thế, có cuộc biến-thiên làm cho đời tận-diệt ? Quyển Đại-Thừa Chơn-Giáo cho biết nhiều lý-do mà chúng tôi xin lược trình dưới đây:

1o. Đời sống vật-chất hỗn-loạn. Thứ nhứt là vì loài người càng xu-hướng theo đường vật-chất, bỏ hết đạo-nghĩa.

“Cứ mãi đeo mang lấy thói thấp-thường, chuộng cái hư-danh giả-trá, toan lòng độc-ác, chém giết lẫn nhau vì phân màu da, nước tóc,chỗ ở miếng ăn, chớ không đem bổn-phận làm người đối với nhân-quần xã-hội. Càng ngày càng xa con đường Thiên-lý, bỏ hết sự tự-nhiên thanh-tịnh vô-vi mà mảng đắm say về thực-tế. Điểm linh-hồn phải chịu dưới quyền hành của nhân-dục khiến sai, làm cho càng ngày càng tối-tâm mù mịt thì mong chi thoát khỏi trầm-luân nơi biển khổ được.”

 

Vì quá chạy theo thị-dục mà lòng người trở nên hung-ác:

Càng ngày chí thiện càng xa,

Nhơn tình đạm-bạc lòng tà dấy lan.

Đời này hung bạo ngỗ ngang,

Lòng người bất chánh,dạ càng bất nhơn.

Nên chi quỉ giận Thần hờn,

Trời ghen Đất ghét chịu cơn thảm sầu.

Hoạ tràn dậy khắp năm châu,

Thiên tai, Địa ách khó hầu thoát thân,

Xanh kia một đấng cầm cân,

Thưởng răn cho kẻ hữu phần, vô duyên,

Thấy đời thêm luống não-phiền,

Vô-hình Phật,Thánh, Thần, Tiên thở dài.

Mà một khi lòng người trở nên hung-ác rồi thì sự giết hại lẫn nhau càng ngày càng thêm chất-ngất.

“Ôi ! đời đã đến thế thì đời chỉ là một trường tranh đấu kịch liệt, một cuộc tàn sát ghê-gớm, nạn khổ dẫy đầy , đao binh chất ngất, đạo-tặc lung-tung cho đến đỗi cùng chung một bọc, cùng chung một nòi mà cũng tương tàn tương sát lẫn nhau cho vừa lòng dục, thì còn chi phong tục kỷ-cương tình-nghĩa.

“Đời đã đến thế thì dầu ai trí cả tài cao bực nào cũng đành thúc thủ vô sách, chớ có thế gì khiến nổi nhơn-tâm dường ấy là đời sắp tận vong tiêu-diệt đó.”

Lý-do về cõi đời sắp tàn-tạ này của Cao-Đài-giáo,chúng ta thấy không khác lý-do về tận-Thế của Cơ-Đốc-giáo.

2o Đời sống tinh-thần suy-đồi.  Ngoài lý-do về vật-chất, còn lý-do về tinh-thần cũng là một lý-do làm cho đời con người tiến đến cơ tận-diệt. Quá sùng phụng vật-chất, chỉ biết có vật-chất, nên con người càng mất dần tinh-thần đạo-đức. Các nền đạo-giáo cũng gì đó mà thất chơn-truyền, sa vào lối mê-lầm, hư-hại.

Không kể những đạo-giáo khác, chỉ nhìn vào đạo-giáo ở Đông-phương, cái cơ suy-đồi của tam giáo : Nho-Thích, Đạo đã thấy rõ-rệt lắm rồi.

“1. Đạo Thích, Đạo Thiền bày dị-đoan từ đời Thần-Tú làm mê hoặc chúng-sanh . Vậy cũng phổ-độ, cũng giựt giành mà chỉ đem con người vào đường u-ám, lạc-lầm. Kinh sấm truyền lại mà không khảo-cứu, kiếm tầm cho ra chơn-lý, chẳng định-trí tham-thiền, không gom thần nhập-định.

“2. Còn Nho-giáo, sau đời Mạnh-Tử , càng ngày càng lạc-lầm đường Thiên-lý chẳng cần, chỗ thâm nhiệm không rõ, chỉ học đặng khoe tài hay giỏi, dục-lợi cầu-danh, tổn-nhân ích-kỷ, chớ không chịu học để sửa mình, tầm hiểu cho tột cùng cái lý cao-siêu huyền-bí cái cơ nguồn cội muôn loài.”

“3. Còn Đạo-giáo là huyền-bí, thậm chí ư huyền-bí, chỉ có người bực thượng-trí mới thấu đáo chỗ căn, nguyên, còn bực thường-nhân hạ-trí rất khó thông cơ mầu-nhiệm, bởi vậy mới hiểu lầm. Tưởng sái mà bày ra phép-tắc, phù chú làm cho mê-hoặc thói đời thêm hư phong-tục khiến người nhiễm lấy dị-đoan, nào là hô- phong hoán-võ, tróc quỉ trừ ma, bày binh bố trận, mới biến ra tả-đạo bàn-môn thiệt là rất hại.”

Cái nền tảng vật chất đã hỗn-loạn như thế, nền tinh-thần đạo-đức đả suy-đồi như thế; luật tự-nhiên của vũ-trụ đã sai-lệnh thì đó là nhân-tố đưa đến con đường biến-chuyển đúng với luật tuần-hoàn: hết suy tới thạnh.

3o Lý tam ngươn. “Các con khá biết : Đạo có ba ngươn, ba ngươn ấy là cái số cuối cùng của Trời, Đất. Trước hết mở đầu là THƯỢNG-NGƯƠN.Thượng-Nguơn đây chính là “nguơn tạo hoá” là nguơn đã gầy dựng cả Càn-Khôn Vủ-Trụ. Vậy khi mới tạo Thiên, lập Địa, nhân lọai sanh ra thì tánh-chất con người rất đỗi hồn-hồn ngạc-ngạc, còn đang thuần-phác thiện-lương, nên chi cứ thuận tùng Thiên-lý mà hoà-hiệp dưới trên, tương thân tương ái. Thời-kỳ ấy người người đồng hấp-thụ khí thiên-nhiên, nên hằng cộng hưởng thanh-nhàn khoái-lạc mà vui say mùi Đức tháng ngày. Bởi đó đời thượng-cổ mới có danh là đời THƯỢNG-ĐỨC, mà Thượng-Nguơn ấy cũng kêu là nguơn “THÁNH-ĐỨC” nữa.
"Kế đó bước qua TRUNG NGƯƠN thì nhân tâm bất nhứt, tập quán theo thói đời, thâm nhiễm những nết xấu mới làm cho xa mất điểm thiện lương bèn cậy ở sức mình mà hiếp bức lấy nhau, chém giết lẫn nhau, tương sát, tương tàn, mạnh còn yếu mất thì mới sanh ra biết bao trường huyết chiến, không còn kể đồng loại, đồng chủng, đã lợt tình đồng nghĩa, đồng bào. Bởi đó đời Trung Cổ mới có danh là đời THƯỢNG LỰC, mà Trung Ngươn ấy cũng kêu là Ngươn "TRANH ĐẤU" nữa.
“Tiếp đến HẠ-NGƯƠN, sự tranh đấu ngày càng ráo riết, dữ-tợn, gớm ghê thì nhân-loại lại chê sức mạnh mà dùng não cân, nên mới bày ra chước quỉ, mưu-tà kế sâu, bẩy độc, thiệt là khốc-liệt phi thường. Song đó cũng lẽ tự-nhiên, càng tranh-đấu mới càng tấn-hoá. Ngặt càng tranh-đấu lắm lại càng ác-liệt lắm, nên tranh đấu thét phải đến ngay thời-kỳ tiêu-diệt. Bởi đó đời hiện tại là đời MẠT-KIẾP, còn Hạ-Ngươn này là ngươn “ĐIÊU TÀN” .

“Nhưng hễ loạn là tới tri, vong tất phục-hưng, nên ngươn tiêu-diệt tất sẽ bước đến ngươn bảo-tồn là ngươn Đạo-Đức phục-hưng, để sắp lập lại như đời thượng-cổ, thế nên cũng gọi là ngươn “TÁI-TẠO” .

“Vậy nhân-loại bước qua thời-kỳ này là thời-kỳ qui nhứt-thống, đại luân-hồi của Thiên-địa đó. Mà ngày nay đã đúng số nhứt-định của Tạo-Đoan, đã tới ngươn cuối cùng của Thiên-Địa, vì tính ra thì đã mười hai vạn chín ngàn sáu trăm năm, nên đã tới thời-kỳ tạo Thiên lập Địa một lần nữa.”

Cái lý về tam-ngươn này cũng đồng một lý với Phật sự phân chia ba thời-kỳ của Phật là : Thời-kỳ chánh-pháp, thời-kỳ tượng-pháp và thời-kỳ mạt-pháp.

Như ta đã thấy ở thời-kỳ chánh-pháp là thời-kỳ Phật ra đời phổ-hoá chúng sanh. Chánh-pháp rất thạnh cho nên người sanh ở đời này mỗi tu mỗi đắc. Qua thời-kỳ tượng-pháp là thời kỳ xa dần chánh pháp, cho nên việc tu hành buông lơi, kẻ tu thì nhiều người đắc quả thì ít. Kịp đến thời-kỳ mạt-pháp lại càng xa chánh-pháp không biết bao nhiêu, cho nên việc tu-tỉnh rất bê-trễ.

Con người sanh ra trong thời-kỳ này háo danh háo-lợi, dầu cùng ở trong một tông phái cũng chia phe kết đảng tranh-đấu nhau. Chính vì đó mà con người bước đến chỗ đốn mạt. Song luật tuần-hoàn của vũ-trụ vẫn không bao giờ dứt. Một khi đi đến chỗ cuối cùng thì chuyển sang qua một giai-đoạn mới để trở lại thời-kỳ chánh-pháp, tồi tượng pháp và đi đến kết cực là mạt pháp. Chính Phật Di-Lặc sắp ra đời là để trùng-hưng chánh-pháp hay Thượng-Ngươn vậy. Cái lý của Cao-Đài-giáo không xa cái lý của Phật.

Nhưng ngoài cái lý về tam-ngươn, Đức-Cao-Đài Tiên Ông còn giải-thích cái cơ mầu-nhiệm về luật tiến-hoá của quả Địa-cầu mà Ngài gọi là “quả Địa-cầu 68” , và chính đó là lý-do thứ tư về đời tận-diệt.

4o Luật tiến-hoá của Địa-cầu. “Đây Thầy luận qua “quả địa-cầu 68 của các con”, nó gần ngày tiêu-diệt.

“ Thầy không nỡ để cho các con chung chịu vùi lấp trong cuộc tang-thương nên phải giáng-thế độ đời, thả Linh-Thoàn mà đưa về Bồng-Lai Tiên-Cảnh.

“Cái quả Địa-cầu của các con ở đây nó gần đúng thời-kỳ tan rã, ấy là Thiên-Thơ Thầy định trước ngày giờ, mà cũng vui cho các đẳng chúng-sanh được trổi bước lên một nấc thang cao vọi. Hễ Thế-giái này tiêu-diệt thì linh-hồn nhân-loại tấn-hoá sang qua quả Địa-cầu 67 là nơi tiền-định của Đạo mầu.

“Thầy mới đến đây lần chót mà đem các con sang qua thế-giái nhẹ-nhàng, còn những đứa mê-muội , ngỗ-ngang, tội tình thì lại bị tiêu-tan ra gió bụi.Các con phải có ngày tận-tuyệt. Đứa nào thuận Thiên-cơ biết Đạo-Đức thiện-từ thì Phật-Tiên chực rước . Còn đứa nào cả ác-độc, trược trần khó mà an thân ngày chót…

“Vậy thì ngày nay thế-giái đã đúng luật tuần-hoàn Thầy đến đặng sẽ đem các con vào một thế-giái khác mà cho an-nghỉ hầu tầm cơ siêu-xuất đến cảnh Thần-Tiên. Các con chẳng nên khinh lời ấy là dị-đoan, một ngày kia sẽ có.”

Xem qua bốn lý-do vừa kể thì cơ tận-diệt đã rõ rệt quá rồi. Các đấng Phật, Tiên, Thần, Thánh giáng bút đều chẳng biết bao nhiêu lần nhắc nhở và báo trước ngày Tận-Thế sắp đến. Cái định-luật này đã dĩ-nhiên của cơ tạo-hoá, không có đấng thiêng-liêng nào làm ra hay cưỡng lại được. Chính đấng Cao-Đài Bồ-Tát đứng trước định luật ấy cũng không biết làm sao, đến phải than:

Thời-kỳ nhân-vật đổi thay,

Nên chi Thầy mới ra tay độ hồn,

Thầy là chúa cả Càn-khôn,

Nhưng không thể sửa Phép công Thiên điều.

Thấy con phạm tội rất nhiều,

Thương con xuống thế dắt dìu các con.

Bởi là Thiên-điều, là Phép công của Tạo-hoá cho nên không làm sao sửa-chữa được vì Tạo-hoá bao giờ cũng vô-tư, thưởng phạt rất công-minh.

Cầm cân Tạo-hoá rất công-minh

Lành thưởng phước ban, dữ phạt hành.

Một mảy không ly, đời tưởng dễ,

Nạn tai dường ấy cũng chưa khinh.

Mà luật thưởng phạt ấy, do đâu mà có ? Nếu nói do đấng thần-linh làm ra là sai cả luật Tạo-hoá công-minh vô tư. Không đấng thần-linh nào bày ra cả. Mọi sự phản-khích trong đời đều từ con người mà ra. Hễ con người tạo ra cái nhân nào thì tất nhiên phải hưởng lấy cái quả ấy. Các đấng Phật, Tiên-Thần, Thánh thấu triệt cái luật nhân-quả muốn cứu đời cũng không biết làm sao được khi chúng-sanh đã gây ra rất nhiều tội lỗi. Các đấng thiêng-liêng chỉ còn cách là khuyên người đời bỏ ác về lành, sống đúng theo con đường Đạo là con đường hướng thiện.

Đứng trước cơ tận-diệt, các đấng thiêng-liêng không nỡ ngồi yên phải đành giáng-thế độ đời.

Thầy thương mở lượng từ bi,

Giáng trần khai hóa Tam-kỳ Hạ-Ngươn.

Nay là đúng cuộc tuần huờn.

Phật-Tiên giáng thế ra ơn độ người.

Chấn-hưng giáo-lý Đạo Trời,

Hầu toan đánh thức người đời tỉnh say.

 

Cách giáng-thế độ đời của Tiên, Phật có nhiều lối: hoặc ra cơ-bút như Cao-Đài-giáo, hoặc chuyển-kiếp mượn xác trần như Phật-giáo phái Phật-Thầy Tây-An.

Khi giáng bút thức tỉnh người đời, các đấng thiêng-liêng hằng báo cho hay trước sắp đến ngày tận-diệt.

 

Ngươn hội chót lập thành cơ Đạo-Đức,

Để độ đời thoát vực biển sông mê;

Cuộc tan thương nay cũng gần kề,

Đường chánh Đại chưa hề ai bước đến.

Hoặc giả thấy đời sắp thảm khổ mà phải than:

“Cuộc đời cay nghiệt, nhiều nỗi éo le, nạn nọ nạn kia kế đến ngày tạo Thiên lập Địa. Máy hành tàng chưa thấu đáo, phép nhiệm-mầu cơ Tạo đã bày ra. Ôi là thảm khổ cho đời sẽ chịu vùi chôn trong cuộc tang thương biến đổi.”

 

Nhưng cơ tận-diệt ấy sẽ diễn ra thế nào ? Và chúng-sanh sẽ bị tiêu-diệt hết chăng ?

 

Hội Long-Hoa là ngày phán-đoán

 

Theo cơ bút của Cao-Đài-giáo thì rồi đây sẽ có Hội Long-Hoa để chọn người hiền đức. Chỉ có người hiền đức mới có đi đến Hội Long-Hoa. Còn những kẻ hung ác thảy đều bị tiêu-diệt.

Hiếm hoi cuộc thế xoay vần,

Long-Hoa đăng bảng Phong-Thần chẳng lâu.

Thấy đời có biết gì đâu ?

Không lo luyện tập Đạo mầu thoát mê.

Cả mang tội lỗi nặng nề,

Trong vòng tứ khổ khó bề lánh tai.

Cuộc trần nhiều lối chông gai,

Trời hôm bước khéo lạc loài mạng nguy.

Như thế đủ thấy Hội Long-Hoa là một Hội lập ra trong thời-kỳ tận-diệt để chọn người hiền, một cơ-hội hiếm hoi, mấy muôn năm mới có một kỳ. Hội sỡ-dĩ được lập ra là vì con người đã gây ra tội lỗi quá nhiều, cũng như nhà ngục sở dĩ có là vì đã có người phạm tội.

Như thế ai cũng có thể hiểu “Hội Long-Hoa là ngày phán-đoán, ai mưu tà, chước quỉ bị đoạ đày. Bảng Phong-thần trước mắt, cuộc dữ dằn đã cuối buổi tương lai”.Đối với kẻ ác, Hội Long-Hoa là một cuộc phán-quyết, nhưng đối với người hiền đức, Hội “Long-Hoa vốn là trường thi để chọn trang tu-mi Đạo cao Đức cả”.

Ngọc-Hoàng Thượng-Đế vận thần thông,

Điểm đạo nhân sanh thoát não nồng.

Mở cuộc Long-Hoa chiêu Thánh Đức,

Hưng truyền Chơn-lý phước cao phong.

Thế cho nên những “kẽ hữu căn hữu phước… khá lập chí lo tu luyện cho kịp kỳ” vì là một cơ-hội hiếm hoi mà lại là:

Kỳ đại-xá Nam-bang hữu phước,

Mối chơn truyền gặp được là may.

Dầu người có tội tình mà biết ăn-năn cải hối lo lập đức tu thân cũng đều được ân-xá huống chi chính Nam-bang là nơi hữu phước hơn hết:

Lo lường thấu đáo đạo huyền-vi,

Từ thuở năm xưa chẳng giám bì.

Một nước nhỏ nhen trong vạn quốc,

Ngày sau làm chủ mới lạ kỳ.

Nhưng vì đâu Nam-bang hữu phước thì không thấy giải, chỉ thấy nói:

Đông-phương hồng-phước cũng còn,

Nên chi Tiên-Phật chìu lòn độ nhơn.

Đã là một cơ-hội hiếm-hoi cho những người hữu-phước nên Phật, Tiên khuyên chúng-sanh phải sớm cải ác tùng thiện, gắng chí tu hành cho kịp Hội Long-Hoa để cho khỏi đoạ sa muôn thuở:

Đời vừa gặp lúc Hạ-Ngươn,

Tang điền thương hải tuần huờn vần xoay.

Thiên-cơ khó nổi tỏ bày,

May duyên mới gặp Đạo-Thầy kỳ ba.

Rán tu kịp hội “ Long-Hoa”,

Trễ rồi một kiếp đoạ sa muôn đời.

Dầu cho vật đổi sao dời,

Tu hành cũng được Phật Trời chở che.

Nhưng khi Hội-Long-Hoa đã mở, những người hiền-đức đã được chọn, đời sống tương-lai sẽ ra thế nào ? Đây là điều đức Cao-Đài Thượng-Đế cho biết:

“Đạo phục-hưng là vì lòng bác-ái, từ bi của Thầy thấy cuộc tuần hườn hầu mãn, cơ dĩ định cận kề, không lẽ để đám con thảy phải chung chịu trong cuộc tang điền thương hải, mà bị chôn lấp cả xác hồn, nên mới giáng-thế phực-hưng chơn truyền để chỉnh đốn đời U-Lệ trở lại đời Nghiêu-Thuấn cho người người rõ đạo Đức tu hành, hầu thuận theo thiên-lý mà bỏ dữ làm lành và kềm nhơn-dục để xa đường tội lỗi.”

Chỉ biết đời hậu lai sẽ như đời Nghiêu, Thuấn hay hơn nữa:

Dựng đời Ngủ Đế Tam-hoàng,

Trăm nhà muôn họ vững vàng thảnh thơi.

Chưa ai thấu đáo cơ Trời,

Rồi ra kích bác lắm lời dị-đoan.

Chớ không biết gì nhiều hơn nữa. Duy có Sấm Giảng của Phật-giáo phái Phật-Thầy thì mới thấy giải rõ cõi đời Thượng-Nguơn.

 (Kiểm bài ngày 21-8-2010)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn