Mẩu chuyện số 61 - Y THEO TÔN CHỈ

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 41791)
Mẩu chuyện số 61 - Y THEO TÔN CHỈ

Đạo

là vốn thiệt cái đàng.

Ta ra sức dọn cho toàn chúng sanh.

Đó là lời của Đức Thầy.

V

ào ngày 6 tháng Giêng năm Canh Thìn 1940, Đức Thầy có dắt ông Ngô Thành Bá, tức là ông Biện Đài đi viếng núi Tà Lơn, một ngọn núi vừa cao vừa rộng nằm trên địa phận Cam Bốt, tỉnh Cần Giọt.

Trên đường về, thầy trò không trở lại lối cũ, Đức Thầy lại dắt ông Bá đi đường rừng, tức là đến những nơi ít có một ai đi tới được. Do đó, đường sá rất hiểm trở thật khó đi, có chỗ phải khòm lưng, có nơi phải bò mới qua được. Lắm lúc phải theo đường của voi đi. Khi vượt lên đỉnh, lúc thì đổ xuống triền. Hết núi nầy, sang núi nọ. Một hôm Đức Thầy dẫn ông Bá lên ngọn núi cao hơn hết, trên chót đảnh mặt bằng phẳng ít cây mọc. Đây là một cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, có suối nước chảy chầm chậm và trong như mắt mèo, dưới đáy có cát trắng, mực nước sâu chừng một thước. Đức Thầy đi trước lội ngang qua, ông Bá đi sau, thấy có cây ngả nằm vắt ngang qua suối, nên ông đi trên thân cây mà qua. Đức Thầy nhìn lại thấy liền kêu ông Bá mà rầy:

-Sao không lội nước theo Thầy!

Ông Bá thưa.

-Bạch Thầy cây ngả ngang đi sướng quá, lội làm chi cho ướt mình.

Đức Thầy nghiêm nghị bảo:

-Thầy đi đàng nào, trò đi đàng nấy, cấm trò từ đây không được đi như vậy nữa!

Với lời răn dạy trên đây, thời gian sau ông Bá mới hội ý được là Đức Thầy muốn dạy ông một cách gián tiếp. Hễ quy y là phải làm y, nghĩa là nếu Thầy phải chịu gian nan cực khổ để giải thoát giống nòi và nhân loại thì đệ tử cũng phải chịu cực khổ gian lao vì mục đích ấy, chớ không được tìm nơi sung sướng an nhàn mà học đạo.

Đây là theo lời thuật của ông Ngô Thành Bá.

PHẦN NHẬN XÉT:

Chúng ta thấy thời xưa lúc Đức Thích Ca chưa thành Đạo, Ngài đã chuyển kiếp từ vô lượng lần và tu học vô lượng pháp môn cho đến khi chứng quả Như lai.

Ấy mới vừa đắc Đạo hoàn toàn,

Và lần bước phô trương độ chúng.

(Quyển 5 Khuyến Thiện.)

Đức Phật nêu lên mục đích giải thoát và khai sáng một lối đi, tôn chỉ với nhiều phương tiện cho Phật tử y cứ vào đó mà tiến hành, hầu được kết quả như Ngài. Thời nay Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng thế, trước khi khai hóa nhân sinh, Ngài cũng chuyển kiếp qua nhiều nước trong thế giới, sau khi “. . . thu thập những điều đạo học, kinh nghiệm huyền thâm. . .” và tu hành giác ngộ, Ngài mới vưng lịnh Đức Phật lâm phàm khai sáng Phật Giáo Hòa Hảo.

Ta thừa vưng sắc lịnh Thế Tôn,

Khắp hạ giái truyền khai Đạo Pháp

(Diệu Pháp Quang Minh)

Ngài cũng:

Tùy phong hóa dân sinh phù hạp.

(Diệu Pháp Quang Minh)

Mà khai dọn con đường, tức tôn chỉ Học Phật Tu Nhân để đưa nhân loại đến bờ giải thoát. Trong Giáo Lý Phật Giáo Hòa Hảo Đức Thầy cho áp dụng nhiều phương tiện, ví như người đi đường có các loại xe và người đi sông có các loại thuyền. Nhưng, dùng phương tiện nào cũng phải tiến hành theo một lối đi đúng mới đạt mục đích, nếu đi trúng con đường thì sống, bước trật tất chết. Điều nầy Ngài đã ghi rõ trong tôn chỉ hành Đạo. Song vì Ngài biết sau nầy sẽ có tín đồ hành đạo sai lệch tôn chỉ, nên không ngớt khuyên nhắc, mà câu chuyện Ngài dạy ông Bá trên đây là một.

Điểm thứ nhứt: Thấy rằng lúc viếng núi Tà Lơn, Đức Thầy không hướng dẫn ông Bá trở về đường cũ, mà lại dắt ông đi trên con đường mới đầy gai chông hiểm trở. Đó là để ông Bà hiểu ý rằng, từ đây ông không còn đi xuôi theo con đường luân hồi như bao chúng sanh khác, mà phải đi theo con đường mới tức là con đường giải thoát của Phật Thánh đã và đang tiến hành. Song bước hành đạo còn phải trải qua nhiều khó khăn thử thách. “Đường gai gốc thiên sơn vạn ải”, đòi hỏi hành giả cần phải có đủ đức tin và bền lòng kiên chí mới đạt thành ý nguyện:

Tín nữ thiện nam gìn mối Đạo,

Dầu cho lăn lóc rán kiên trinh.

Điểm thừ nhì: Khi Đức Thầy dắt ông Bá đến mé suối, chẳng phải Ngài không thấy cây ngã vắt ngang qua suối và Ngài cũng đoán biết ông Bá đi sau sẽ đi trên thân cây đó mà qua. Ngài muốn mượn cảnh ấy để dạy tín đồ một bài học làm cho ông Bá phải ghi nhớ mãi mãi, nên Ngài lội nước qua trước, chờ khi ông Bá đi trên thân cây, Ngài mới quay lại rầy ông:

“Thầy đi đàng nào trò phải đi đàng nấy, cấm trò từ đây không được đi như vậy nữa”.

Đây là Ngài dẫn sự để bày lý, người sau như chúng ta càng nghĩ càng thắm thía, một nhà tu như Đức Thầy đã đạt đến chỗ toàn giác toàn minh, trở lại hướng dẫn tín đồ:

Đạo là vốn thiệt cái đàng.

Ta ra sức dọn cho toàn chúng sanh.

(Sám Giảng, Quyển 3)

Nếu như chúng sanh chẳng đi đúng theo con đường của Ngài đã vạch thì trông gì gặp lại Ngài, đừng nói chi đến kết quả:

Ai mà ta dạy chẳng gìn,

Thì sau đừng trách mất tình yêu thương.

(Sám Giảng Quyển 3)

Con đường Ngài đã vạch ấy chính là tôn chỉ học Phật tu Nhân mà mỗi tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo đều phải thiệt thi trọn vẹn cả hai mặt.

Một là mặt tu nhân như Ngài đã dạy:

Hồng trần biển khổ thấy rồi,

Rán tu nhân đạo cho tròn mới hay.

Thân hành đạo đắng cay phải chịu,

Phận làm người phải liệu cho xong.

Cần chi gạn hỏi viễn vong,

Làm người chưa vẹn khó hòng thảnh thơi.

Bởi có tu Nhân mới trả xong nợ thế, xử trọn nghĩa ân, kết quả vô lượng phước đức và có học Phật mới có dứt mê bày giác, trí huệ phát khai và giải thoát luân hồi sanh tử.

Điểm thứ hai: Học Phật tức là tu Phật thì Đức Thầy dạy toàn thể tín đồ hằng nguyện:

Nay con nguyện cải hối ăn năn, làm lành lánh dữ, qui y theo mấy Ngài, tu hiền theo Phật Đạo.

Hay là:

Thờ Phật Đạo tỉnh cơn ác mộng,

Thoát mê đồ thường phóng quang minh.

(Quyển 5 Khuyến Thiện)

Để tiến đến Niết Bàn là đường tịch tịnh vô sanh.

Hay là:

Về Cực Lạc thảnh thơi an dưỡng,

Ấy là ngày ban thưởng công tu.

(Cho Ông Cò Tàu Hảo)

Song muốn đạt đến địa vị ấy, hành giả phải lập thân cõi trần, tức là phải tu thân, như Đức Thầy hằng dạy:

Bạch trinh giữ lấy nghĩa nhân,

Muốn về cõi Phật lập thân cõi trần.

(Thu Đã Cuối)

Hoặc là:

Tu đền nợ thế cho rồi,

Thì sau mới được đứng ngồi tòa sen.

(Quyển 5 Khuyến Thiện)

Tóm lại mỗi tín đồ Phật Giáo Hào Hảo có tiến hành theo tôn chỉ học Phật tu nhân của Đức Thầy đã khai dọn, tức là hai phương diện Đạo Nhân và Đạo Phật đã thực hành một lượt thì sau nầy mới mong được kiến diện Ngài và chứng thành đạo quả như Ngài thường căn dặn:

Chúng sanh rán nhớ thì gần cùng ta.

Giảng kinh đọc tụng chiều mai,

Làm theo lời chỉ ngày rày gặp Ta.

blankNgược lại, nếu ai không tiến hành đúng theo tôn chỉ của Đức Thầy đã vạch và con đường của Ngài đã đi “Thầy đi đàng nào trò phải đi đàng nấy” thì chẳng những luốn công tu hành trong một kiếp mà còn lạc lối theo ngoại đạo, mong gì gặp mặt Tổ Thầy mà được đắc quả.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn