Mẩu chuyện số 57 - PHÉP THẦN THÔNG

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 44717)
Mẩu chuyện số 57 - PHÉP THẦN THÔNG

M

ẩu chuyện nầy phát xuất từ năm Giáp Thân 1944, người Pháp cố tình chận đứng, không cho Đạo Phật Giáo Hòa Hảo bành trướng, chúng lùng bắt những người đang hoạt động cho Đạo. Họ bắt giam vào khám tù ở các tỉnh, hoặc đày đi Côn Đảo. Bấy giờ Đức Thầy đang cư trú tại Sai gòn, Ngài kêu gọi những anh em đồng đạo cùng lên ở với Ngài để ẩn lánh một thời gian. Trong đó, có ông Giáo Khương là người ở tỉnh Châu Đốc.

Một hôm nọ ông Khương đang ngồi lo nghĩ, chẳng biết hiện tình trong tỉnh nhà ra sao? Ông liền khởi lòng mong ước, phải chi mình có được phép thần thông để mình nghe thấy hết mọi việc khắp nơi coi như thế nào. Lúc đó Đức Thầy vừa đi ngang chỗ đó, chừng như Ngài đã rõ tâm ý của một đệ tử, Ngài bèn tươi cười hỏi:

-Bộ ông Giáo muốn có thần thông lắm sao?

Ông giáo nghe Đức Thầy hỏi giựt mình và cười thẹn chứ không đáp được, còn dức Thầy hỏi rồi Ngài bỏ đi luôn.

Lúc đó ông Khương ngồi suy nghĩ, mình mới tu mà nhiều cao vọng quá. Sau đó vài phút ông Khương thấy rõ ràng: Bà xã Bộ và ba đồng đạo chèo một chiếc ghe chở đầy thực phẩm từ Châu Đốc tiếp tế lên Saigòn, ghe đi đến đâu và mọi người trong ghe nói chuyện hay là tắm giặt, dùng cơm ra sao thì ông Khương nhìn thấy, nghe hết không sót điều nào. Bấy giờ ông rất mừng rỡ, nhưng không dấu kín được trong lòng, nên đem thố lộ cho hai người bạn nghe. Ông nói:

-Ghe tiếp tế của bà Xã Bộ lên gần tới.

Lúc đó hai người ấy cùng hỏi:

-Anh ở trên nầy có ai báo tin trước mà anh biết chuyện ấy?

Ông Khương nói:

-Không ai cho tin, nhưng tôi biết có như vậy, chắc khoản 10 giờ ghe sẽ đến đây.

Hai người bạn không tin cho rằng ông Khương nhớ nhà rồi đặt chuyện nói láo cho vui, bèn rủ ông đánh cá.

-Nếu y như vậy thì chúng tôi thua anh hai tô hủ tíu và hai ly café, còn bằng không có việc đó thì anh phải bao chúng tôi đủ số như vậy, anh chịu không?

Ba người bằng lòng trong cuộc ăn cá với nhau, nhưng không dám nói lớn vì sợ Đức Thầy hay mà quở trách.

Qua hôm sau ba người cùng ngồi chung một bàn, đàm thoại và chờ xem kết quả. Đợi tới 9.30 cũng chưa thấy gì hết, hai anh bạn kêu ông Khương nói:

-Giờ nầy anh Giáo lấy tiền cùng hai đứa tôi ra tiệm hủ tíu là vừa.

Ông Khương đáp:

-Chưa đâu, đúng 10 giờ đồng hồ gõ mới biết ăn thua chớ.

Hai người bạn với nụ cười đắc thắng nói:

-Đợi tới đó cũng được.

Lúc đó đồng hồ gõ 10 giờ, bỗng thấy người gác cửa bước vào trình với Đức Thầy:

-Bạch Thầy, có ghe tiếp tế của bà Xã Bộ ở Châu Đốc lên tới.

Hai người bạn đồng ca ngợi ông Khương rồi trọn ba người dắt nhau ra tiệm hủ tíu ăn uống. Xong, họ trở về an toàn, và yên trí rằng không ai hay biết. Nhưng sau đó ít phút , Đức Thầy từ trên gát đi xuống, Ngài nhìn ngay ông Khương:

-Ông Giáo vừa được ăn hủ tíu và uống café rồi là phải, nghe thấy bao nhiêu đó thôi nghe ông!

Từ giờ phút ấy về sau ông Khương không còn được nghe thấy như lúc trước nữa.

Mẩu chuyện nầy thuật theo lời ông Giáo Khương.

PHẦN NHẬN XÉT:

Thường tình khi gặp cảnh nghèo khổ, hoặc bị đàn áp buộc ràng, thì người ta mới nẩy sinh những cái ước muốn làm sao cho mình được vượt qua. Từ đó xã hội loài người xảy ra những cuộc ghét thương hiềm khích và đấu tranh gây gổ cho nhau. Ông Khương lại không biết thận trọng, để lại phải vương vấp những điều sai lầm như sau:

Điểm thứ nhứt: Giữ kín nhưng sự mầu nhiệm trong lòng không được, lại đem khoe với hai người bạn. Điều nầy đối với người tu gần chứng đắc rất là cấm kỵ. Bởi Bồ Tát còn thấy mình chứng đắc, chưa phải là Bồ Tát, đã thấy mình có được sở đắc, hoặc có chút vui mừng cũng chưa được, huống hồ là đem khoe với mọi người.

Điểm thứ hai: Lợi dụng sự thấy nghe rõ ràng, nắm phần chắc ăn trong tay, ông Khươ~g đem đánh cá với hai người bạn để được ăn cuộc. Tuy đây là cuộc mua vui nhỏ nhặc, nhưng trong đó cũng có dụng ý ăn thua, điều mà hầu hết nhà tu phải tránh hẳn.

Điểm thứ ba: Đã biết điều mình đánh cá với hai người bạn là sai, vì Đức Thầy hay được sẽ khiển trách, nhưng ông Khương cũng cố giấu, quên rằng sức tu của mình chưa chứng được phép thần thông nầy, mà phải nhờ đến tha lực và người ban cho tha lực ấy là Đức Thầy, chớ còn ai nữa mà hòng che giấu Ngài. Do đó, ông Khương và hai người bạn từ tiệm nước trở về, tưởng đâu an toàn. Không ngờ Đức Thầy rõ hết sự tình, nên Ngài nhìn ngay ông Khương và nói:

-Ông Giáo vừa được ăn hủ tíu và uống café rồi là phải, nghe thấy bấy nhiêu đó thôi nghe ông!

Thế là sau giờ phút ấy ông Khương bị mất hết thần thông và lúc bấy giờ ông mới nhận được các điều sai sót của mình.

Đọc câu chuyện trên, chúng ta không nên vội chê trách ông Khương, mà vướng thêm cái bịnh lo thấy lỗi của người khác. Vậy người mới vào Đạo lâm vào hoàn cảnh ấy, chưa chắc mấy ai khỏi lầm. Vậy điều cần thiết là chúng ta nên rút bài học kinh nghiệm cho đường tu của chính mình là hơn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn