Mẩu chuyện số 19 - TRÁI BÍ ĐAO

23 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 42213)
Mẩu chuyện số 19 - TRÁI BÍ ĐAO

N

ăm Kỷ Mão (1939), tại cù lao Ba, xã Vĩnh Trường, quận An Phú, Châu Đốc, có một tín đồ Cao Đài tên là Hai Tạo. Ông có người vợ tên là Nguơn, thọ bịnh rất nặng, đã điều trị nhiều thầy mà không thuyên giảm, cả Bác sĩ cũng chạy luôn, lúc ấy cô Năm Công là người ở cùng xóm, mới chỉ cho ông biết rằng ở Hòa Hảo có ông Tư trị bịnh hay lắm, nên chở bà Hai xuống đó may ra đặng mạnh chăng?

Nghe lời Năm Công, ông Tạo cùng con gái là cô Thêu và bà Thái thị Quy tự là Hai Giáo, là cháu gọi Hai Tạo bằng chú, chở bà Hai Tạo ra đi. Khi đến Tổ Đình, ông Tạo liền lên ra mắt và nhờ Thầy cứu độ vợ ông.

Đức Thầy bảo ông xuống sông múc xuôi theo giòng nước cho bịnh nhơn uống. Rồi Đức Thầy buộc dây chuối cả tay lẫn chơn cho người bịnh thì bịnh nhơn được thuyên giảm đôi phần. Ngài bảo thêm:

-Nếu muốn bệnh nhơn mau hết thì hãy đem ba món đồ hiện có nơi đây liệng bỏ xuống sông thì bịnh sẽ hoàn toàn dứt hẳn.

Lúc ấy Đức Thầy nhìn ngay cô Thêu vì cô ấy có đeo ba món đồ là: Một sợi dây chuyền, một chiếc đồng hồ và một cái khâu thảy đều bằng đồng cả, song thời ấy rất có giá trị. Vì thấy cô Thêu tiếc của, còn mãi chần chờ nên bà Hai Giáo khuyên cô nên vì chữ hiếu mà làm cho mẹ sớm bình phục. Cô Thêu liền mở ba món đồ ném xuống sông.

Khi ra về Đức Thầy bảo thêm:

-Cần một trái bí đao, một ít đường phèn, nước mưa nấu cho bịnh nhân uống sẽ mau bình phục.

Trên đường về từ sông Tiền tới sông Hậu, vượt qua nước xoáy Vàm Nao hướng Châu Đốc chừng vài mươi thước, bà Hai bơi mũi, trông thấy trái bí đao trôi trên mặt nước liền vớt, nhưng bị trợt đi, cô Thêu vớt được và để sau chót khoang xuồng. Khi đến nhà mọi người phân chia công việc, kẻ kiếm nước mưa, người kiếm đường phèn, còn cô Thêu lo xẻ gọt trái bí đao. Khi xẻ trái bí đao ra, cô Thêu xanh mặt, vì ba món đồ cô đã liệng xuống sông Hòa Hảo nay lại nằm trong ruột trái bí đao. Lúc ấy mọi người nghe chuyện đều ngạc nhiên kính phục sự huyền diệu của Đức Thầy, còn bịnh nhơn sau khi đã uống thuốc xong, ngủ một giấc, khi tỉnh dậy thì trong mình bình phục hoàn toàn.

Nhờ cảm kích ơn đức của Đức Thầy đã cứu bịnh và khâm phục diệu dụng thần thông cùng lời Thuyết Pháp vi diệu thậm thâm của Đức Thầy, nên bà Hai Giáo âm thầm phát nguyện quy y theo Phật Giáo Hòa Hảo. Sau đó bà có thỉnh được quyển Sám Giảng của Đức Thầy nên bà hoan hỉ đem giới thiệu cho chú của bà là ông Hai, vốn sẵn lòng cảm kính nên khi đọc qua Sám Giảng cả gia đình ông Tạo đều công nhận Đức Thầy là một vị Phật sống tái thế. Do đó cả gia đình ông và một số thân thuộc khác đồng nguyện quy y theo Phật Giáo Hòa Hảo cả hình thức lẫn tinh thần.

Mẩu chuyện này do bà Hai Giáo là người trong cuộc kể lại. Lúc trước bà ở cù lao Ba, hiện nay bà ngụ tại ấp Long Châu Một, xã Thạnh Mỹ Tây.

PHẦN NHẬN XÉT:

Câu chuyện này cũng như nhiều câu chuyện khác, mục đích chính của Đức Thầy là dạy đạo để cứu đời. Nhưng đối với kẻ ít căn lành, Ngài cũng phải dùng phép Nhứt Quán Lợi Hành để độ họ, chớ không dùng huyền diệu của Tiên gia mà độ bịnh thì họ sẽ không có dịp cảm kích đức ân, cũng đâu có dịp được thấm nhuần pháp vũ,

Vợ ông Tạo được mạnh tuy là quý, nhưng đâu bằng cái quý của người đã gặp Phật Pháp và phát nguyện quy y tu tập. Cứu bịnh chỉ là giải cái khổ nhứt thời, còn tu hành thì mới giải được cái khổ triền miên. Đức Thầy đã ra đời như vầng thái dương rọi tan sương mù, dù đối với kẻ độn căn hay lợi trí đều được nhuần gội đức ân.

Thật phúc duyên thay cho những ai là người sanh vào thời mạt hạ mà được gặp giáo pháp của Tổ Thầy.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn