Bài thứ hai mươi mốt -> Bài thứ ba mươi

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 37410)
Bài thứ hai mươi mốt -> Bài thứ ba mươi

Bài thứ hai mươi mốt

 

Ông HUỲNH HIỆP HÒA xướng:

 

                   Chúng sanh tầm đắc đạo nan minh,

                   Bửu bối trùng tâm thể dụng tinh.

                   Cầm kiếm đảnh lư an trí thủ,

                   Càn khôn nhựt nguyệt dị đồng linh.

                   Siêu phàm ôn dưỡng âm dương số,

                   Nhập Thánh đề khai thế tục tình.

                   Thái Thượng Thích Ca luân kiếp giáo,

                   Đơn song đồ đệ cổ kim minh.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ

          1/-CHÚNG SANH: Chỉ chung những loài có mạng sống (Noãn sanh, thai sanh, thấp sanh và hóa sanh).

          TẦM ĐẮC: Tầm: Tìm. Đắc: Được. Nghĩa rộng: Gặp được, hiểu được.

          ĐẠO: Đường lối hợp với lẽ phải. Từ chỉ chung về Tôn giáo.

          NAN MINH: Nan: Khó khăn. Minh: Rõ ràng, thông suốt. Nghĩa rộng: Chưa được thông thoáng, suốt khắp.

          2/-BỬU BỐI: Bửu (Bảo): Quí. Bối: Vật quí hiếm. Nghĩa rộng: Những vật Gia bảo hiếm hoi. Nghĩa bóng: Ý nói đến qui điều giáo giới dùng để chế ngự nhân tâm.

          TRỪNG TÂM: Trừng: Ngăn ngừa, chế ngự. Tâm: Tấm lòng. Nghĩa rộng: Gìn giữ, ngăn chận vọng tâm.

          THỂ: Hình dáng, vật hữu hình có thể nhìn, nắm bắt được.

          DỤNG TINH: Dụng: Dùng. Tinh: Tinh thần, phần khéo léo thiêng liêng. Nghĩa rộng: Tính khôn ngoan khéo léo của con người.

          3/-CẦM KIẾM: Cầm: Bắt. Kiếm: Cây gươm. (Thứ khí cụ dùng để đánh nhau). Sử dụng gươm. (Thường nhà Phật ví trí huệ như lưỡi gươm. Có công năng diệt sạch ma chướng phiền não).

          ĐẢNH LƯ: Đảnh: Đồ dùng ngày xưa có ba chân, hai tai; đúc bằng kim loại lớn nhỏ khác nhau. Vua chúa ngày xưa thường xem như là vật “Gia Bảo”, dùng để truyền quốc. Lư: Còn gọi là Lô: Bày tỏ, truyền lại. Nghĩa rộng: Vật gia bảo của đất nước.

          AN: Yên ổn.

          TRÍ THỦ: Trí: Thông minh, hiểu biết rõ ràng. Thủ: Gìn giữ. Nghĩa rộng: Bảo toàn một cách có qui củ.

          CÀN KHÔN: Tên hai quẻ trong Bát quái. Quẻ Càn tượng trưng Trời, quẻ Khôn tượng trưng Đất. Càn Khôn có nghĩa là Trời Đất. “Càn khôn còn rộng tạo đoan còn dài”. (Phan Trần).

          NHỰT NGUYỆT: Mặt trời và mặt trăng, còn có nghĩa: Ngày tháng.

          DỊ: Khác thường.

          ĐỒNG LINH: Đồng: Cùng chung. Linh: Ứng nghiệm, thiêng liêng.

          5/-SIÊU PHÀM: Siêu: Vượt lên trên. Phàm: Bình thường. Nghĩa rộng: Vượt lên trên những người bình thường, vượt trội hơn hết.

          ÔN DƯỠNG: Ôn: Học lại, tập lại. Dưỡng: Nuôi nấng. Nghĩa rộng: Luyện tập cho thuần thục.

          ÂM DƯƠNG: Âm: Khí âm. Dương: Khí dương. Hai thứ khí do Thái cực sanh ra và biến hóa thành muôn vật. Âm thuộc về mặt trăng (đêm). Dưong thuộc về mặt trời (ngày). Nghĩa rộng: Sự vận hành của trời đất.

          SỐ: Vận mệnh của một người.

          6/-NHẬP THÁNH: Nhập: Vào. Thánh: Bậc đã thông suốt, có nhân cách đạo đức hơn người (sanh nhi tri). Nghĩa rộng: Trở nên bậc Thánh triết.

          ĐỀ KHAI: Đề: Cất nhắc, nâng lên. Khai: Mở mang. Làm cho được hanh thông.

          THẾ TỤC: Thế: Đời. Tục: Thói. Thói thường ở đời.

          TÌNH: Những mối cảm xúc ở trong lòng phát ra. Thường do tiếp cận ngoại cảnh mà biểu hiện.

          THÁI THƯỢNG: Thái: Rất. Thượng: Cao. Rất cao sâu. Ngoài ra còn ám chỉ Thái Thượng Lão Quân (Xem phần Điển Tích).

          THÍCH CA: Tức Thích Ca Mâu Ni Phật. Giáo chủ cõi Ta bà.

          LUÂN KIẾP: Luân: Bánh xe, sự chuyển đông liên tục. Kiếp: Thời gian dài, sánh với một đời người. Nghĩa bóng: Sự thay đổi theo luật vận hành của Tạo hóa.

          GIÁO: Dạy dỗ, khuyên bảo.

          8/-ĐƠN SONG: Đơn: Một mình. Song: Một cặp. Nghĩa rộng: Một hai, một số ít.

          ĐỒ ĐỆ: Đồ: Học trò. Đệ: Em, như chữ đệ tử. Học trò theo học với Thầy giáo hay Đệ tử qui y theo Giáo chủ (phạm trù Tôn giáo).

          CỔ KIM: Xưa và nay. Nghĩa rộng: Đã qua và hiện hữu.

          MINH: Sáng.

 

ĐẠY Ý 8 CÂU:

          Chúng sanh tìm đạo khó được, ví như người cầm kiếm ở dưới đất, mà nhựt nguyệt thì ở trên cao. Còn ông (chỉ Đức Huỳnh Giáo Chủ) là người thấu đạt lẽ âm dương hay đã vào hàng Thánh quả. Vậy xin được hỏi: Ông là Lão Tử hay Thích Ca, hoặc một trong đồ đệ của hai vị ấy mà cổ kim đều thông hiểu ?

 

Bài thứ hai mươi hai

 

ĐỨC THẦY đáp họa

 

                   Chúng sanh khổ diệt diện nan minh,

                   Ly cấu từ bi cái thế tinh.

                   Nhan Thước duyên do tam diễn thủ,

                   Can trừ danh vị nã kỳ linh.

                   Ngộ thâm nan liễu âm dương số,

                   Xác tục trần gian cố dục tình.

                   Thổ phỉ nam lương toàn khuyến giáo,

                   Tâm hồn ngôn xuất biện kim minh.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ

          1/-CHÚNG SANH: Chỉ chung những loài có mạng sống (Noãn sanh, thai sanh, thấp sanh và hạ sanh).

          KHỔ DIỆT: Khổ: Khó nhọc, vất vả. Diệt: Làm cho tan mất. Nghĩa rộng: Không còn khó nhọc vất vả.

          DIỆN: Gương mặt hay hướng mặt về.

          NAN MINH: Nan: Khó khăn. Minh: Sáng, thông suốt. Khó thông thoáng, sáng tỏ.

          2/-LY CẤU: Ly: Chia lìa, xa cách. Cấu: Bụi bặm. Nghĩa bóng: Sạch vết nhơ (bợn nhơ).

          TỪ BI: Hiền lành và thương xót, hai trong bốn đại đức của chư Phật (Đức từ, đức bi, đức hỉ và đức xả).

          CÁI THẾ: Cái: Bao trùm gồm khắp. Thế: Đời. Suốt trong cõi đời không mấy ai sánh nổi. “Hạng Lương lực bạt sơn hề, khí cái thế” (Hạng Lương sức nhổ núi hề, khí trùm đời). “Anh hùng cái thế phút đâu lỡ làng” (Lục Vân Tiên).      

          TINH: Phần khéo léo thiêng liêng (tinh thần).

          3/-NHAN THƯỚC: Nhan: tức Nhan Hồi, người nước Lỗ, đời Xuân Thu, tự là Tử Uyên. Còn gọi là Nhan Uyên, học trò giỏi của Đức Khổng Tử. Tương truyền mới 29 tuổi mà đầu đã bạc, ông mất năm 34 tuổi. Nhà nghèo nhưng tính hiếu học, ông là tấm gương sáng về tính cần cù nhẫn nại trên con đường học vấn. Thước: hiệu tự Biển Thước, ông sanh vào thời Chiến Quốc, ở đất Mạc, họ Tần tên Việt Nhân, là một danh y rất xưa. Tự đời Hiên Viên đã có từ nầy.

          DUYÊN DO: Duyên: Mối liên lạc. Do: Vì đâu mà ra. “Thấy người Sinh mới kể lời duyên do”.(Hoa Tiên truyện).  

           TAM: Ba. Do câu: “Nhứt quá tam” (Không quá ba lần). Nghĩa rộng: Không để (thể) kéo dài.

          DIỄN THỦ: Diễn: Suy rộng, y theo cách thức mà học tập. Thủ: Gìn giữ. Nghĩa rộng: Giữ gìn trọn vẹn.

          4/-CAN TRỪ: Can: Vật để chia ngày giờ năm tháng. Trừ: Bỏ, bớt đi. Nghĩa bóng: Thời gian bớt đi hay bị đánh mất.

          DANH VỊ: Danh: Tên. Vị: Chỗ đứng cá nhân trong xã hội. Tên tuổi và địa vị.

          : Truy đuổi.

          KỲ LINH: Kỳ: Lạ lùng. Linh: Ứng nghiệm, thiêng liêng. Nghĩa rộng: Những điều ứng nghiệm rất lạ thường.

          5/-NGỘ THÂM: Ngộ: Hiểu rõ. Thâm: Sâu xa. Nghĩa rộng: Thấu đáo sự việc.

          NAN LIỄU: Nan: Khó khăn. Liễu: Xong xuôi, rồi. Hết gặp khó khăn trở ngại.

          ÂM DƯƠNG: Âm: Khí âm. Dương: Khí dương. Hai thứ khí do thái cực sanh ra và biến thành muôn vật. Âm thuộc về đêm (mặt trăng), dương thuộc về ngày (mặt trời). Nghĩa rộng: Sự vận hành của trời đất.

          SỐ: Vận mệnh của một người.

          XÁC TỤC: Thân do tứ đại hợp thành (Đất, nước, gió và lửa).

          TRẦN GIAN: Trần: Bụi bặm. Gian: Khoảng, cõi. Nghĩa rộng: Giữa cõi đời cát bụi.

          CỐ: Cho nên.

          DỤC TÌNH: Sự ham muốn về xác thịt.

          7/-THỔ PHỈ: Thổ: Đất. Phỉ: Giặc: Giặc do dân chúng địa phương nổi lên, còn gọi là giặc cỏ. Nghĩa bóng: Nghiệp lực do phiền não sanh vô minh, đều do ở mỗi con người gây nên.

          NAM LƯƠNG: Nam: Người đàn ông. Lương: Giỏi, tốt. Nghĩa rộng: Người đàn ông toàn diện.

          TOÀN: Đầy đủ, trọn vẹn.

          KHUYẾN GIÁO: Khuyến: Khuyên. Giáo: Dạy dỗ. Khuyên bảo, dạy dỗ.

          8/-TÂM TỒN: Tâm: Lòng. Tồn: Còn. Còn, cất giữ. Nghĩa bóng: Gìn giữ chơn tâm hay làm chủ chơn tâm.

          NGÔN XUẤT: Ngôn: Lời nói. Xuất: Ra, đem ra. Nghĩa rộng: Liệu lời mà nói.

          BIỆN: Phân biệt, không nghi ngờ.

          KIM MINH: Kim: Tức thì. Minh: Sáng suốt. Mau sáng suốt, thông minh.

 

ĐẠI Ý 8 CÂU :

          Chúng sanh khổ công tìm đạo mà không đạt được. Đạo rất khó, cũng như người tự thấy gương mặt của mình, đó chẳng qua là sự ly cấu mà thôi. Làm thầy thuốc phải như Biển Thước, học đạo thì như Thầy Nhan. Muốn đạt thấu lẽ âm dương là điều rất khó, bởi vì thân tứ đại chìu theo vật dục. Ta đây (Ý chỉ Đức Huỳnh Giáo Chủ) hiền ngu gì cũng dạy: “Hễ tâm tồn thì ngôn xuất”.

 

Bài thứ hai mươi ba

 

Ông HUỲNH HIỆP HÒA xướng:

                  

                   Hội trung bửu cái cổ kim truyền,

                   Trí giác hư linh kế lập thiên.

                   Xiển, Triệt phân minh Châu Võ kỷ,

                   Âm dương chuyển luyện Hớn thê tiên.

                   Lôi Âm kinh ký khai đàn việt,

                   Sơn Thứu từ tăng phản bổn nguyên.

                   Gia bác na thời di phổ hóa,

                   Huyền cơ như thử kiếp trần yên.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-HỘI TRUNG: Hội: Nhóm họp. Trung: Giữa. Nghĩa rộng: Giữa lúc hội họp.

          BỬU CÁI: Bửu: Quí báu. Cái: Chiếc lọng. Lọng quí. “Cờ xen bảo cái, tàn lồng tràng phan” (Phan Trần truyện).             CỔ KIM: Cổ: Xưa. Kim: Nay. Xưa và nay. Nghĩa rộng: Đã qua và hiện tại.

          TRUYỀN: Trao. Người nầy trao cho người khác. Nơi nầy sang nơi khác.

          2/-TRI GIÁC: Tri: Biết. Giác: Sự cảm nhận mà biết. Nghĩa rộng: Tự mình cảm nhận mà thấu triệt.

          HƯ LINH: : Trống rỗng. Linh: Ứng nghiệm, thiêng liêng.

          KẾ LẬP: Kế: Nối tiếp. Lập: Làm nên. Nghĩa rộng: Nối truyền sự nghiệp.

          THIÊN: Trời.

          3/-XIỂN TRIỆT: Xiển: Rõ ràng, mở ra. Triệt: Thông suốt, cùng khắp. Xiển Triệt còn ám chỉ Xiển Giáo và Triệt Giáo, do hai vị Giáo chủ đời Phong thần là Nguơn Thỉ Thiên Tôn (Xiển Giáo) và Thông Thiên Giáo Chủ (Triệt Giáo), thuộc nhà Châu. Nghĩa bóng: Chánh phái (giáo) và Tà phái (giáo).

          PHÂN MINH: Phân: Chia ra. Minh: Sáng, rõ ràng. Nghĩa rộng: Chia ra từng phần, từng nhóm rõ ràng.

          CHÂU: tức Châu văn Vương, họ Cơ, tên Xương. Sanh ra Võ Vương, sau Võ Vương diệt được nhà Ân lên ngôi, mới tôn là Văn Vương. Dưới thời vua Trụ, Văn Vương thi hành nhân chính, chư hầu theo về rất đông. Sùng hầu Hổ gièm pha cùng Trụ Vương, bắt giam tại ngục Dũ Lý bảy năm. Tán Nghi Sanh đem gái đẹp cùng châu báu dâng lên vua Trụ, nên Văn Vương mới được tha. Các chư hầu ở phương Tây, Văn Vương lớn hơn cả, nên gọi là Tây Bá Hầu. Đức Huỳnh Giáo Chủ: “Xưa Tây Bá thất niên Dũ Lý”.  

          VÕ KỶ: Còn gọi Võ Vương, tức Châu Võ Vương. Tên thật là Cơ Phát, con thứ hai của Văn Vương, trị vì được 7 năm, thọ 93 tuổi. Đức Huỳnh Giáo Chủ: “Bởi Võ Vương đáng mặt tu mi”.

          4/-ÂM DƯƠNG: Âm: Khí âm. Dương: Khí dương. Hai thứ khí do Thái cực sanh ra và biến hóa thành muôn vật. Âm thuộc đêm (mặt trăng), dương thuộc về ngày (mặt trời). Nghĩa rộng: Sự vận hành của Trời đất.

          CHUYỂN LUYỆN: Chuyển: Dời đi, đưa đi. Luyện: Tập rèn. Luyện rèn cho được thuần thục.

          HỚN: Còn đọc là Hán, tên một triều đại ở Trung Hoa. Lưu Bang Hán Cao Tổ diệt được nhà Tần, đặt quốc hiệu là Hán, đóng đô ở Trường An, truyền được 12 đời vua (212 năm), rồi Vương Mãn soán nghịch, đó là tiền Hán (hoặc gọi là Tây Hán). Quang Võ trung hưng, dời đô ra Lạc Dương truyền 12 triều vua (196 năm), rồi nhường ngôi cho Ngụy. Đó là Hậu Hán hoặc Đông Hán. Chiêu Liệt Đế Lưu Bị (còn gọi Lưu Huyền Đức hay Lưu Hoàng Thúc) ở đất Thục, sử gọi là cuối đời Hán (Hán quí) hay Thục Hán.

          THÊ: Đậu lại, nơi dừng chân.

          TIÊN: Người tu trên núi, đã được trường sanh bất lão.

          5/-LÔI ÂM: Lôi: Sấm. Âm: Tiếng. Tiếng sấm. Nghĩa rộng: Tên một ngôi chùa “Lôi Âm Tự” bên Ấn Độ. Nơi Đức Phật Thích Ca còn tại thế, thường ngự ở đây để thuyết pháp.

          KINH KÝ: Kinh: Sửa sang. : Đi qua. Nghĩa rộng: Đã cải thiện, làm cho nó trở nên tốt đẹp.

          KHAI: Mở mang.

          ĐÀN VIỆT: Chữ của nhà Phật, tức là Thí chủ. (Người làm việc bố thí). Chữ Phạn là Đà Na Bát Để, dịch thành Thí chủ. Đà Na: Thí. Bát Để: Chủ. Hoặc dịch là Đàn Việt, tức lượt đi ba chữ: Na Bát Để, lấy chữ Đà chuyển âm thành Đàn, rồi thêm chữ Việt (Vượt). Ý nói công đức Bố thí, có thể vượt khỏi bần cùng, để đời sau khỏi chịu nghèo khổ. Ngoài ra từ nầy cũng để chỉ những người vãng cảnh chùa “Có người Đàn Việt lên chơi cửa dà” (Kiều). 

          6/-SƠN THỨU: tức Linh Sơn Thứu, tiếng Phạn Grudhakyta, phiên âm là Kỳ Xà Quật. Đứng từ xa trông giống như con chim Khứu (như loài chim Kên Kên bên xứ ta), nơi nầy khi Phật Tổ Thích Ca còn trụ thế, thường cu hội đại chúng để thuyết pháp. Linh Thứu dùng để chỉ xứ Phật hay nơi Phật ngự.

          TỪ TĂNG: Từ: Hiền lành. Tăng: Nhà sư. Nhà tu hiền lành.

          PHẢN BỔN: Phản: Trở lại. Bổn: Căn gốc. Nghĩa rộng: Trở lại bản thể Chân như hay Phật tính.

          NGUYÊN: Đầu tiên.

          7/-GIA BÁC: Gia: Tăng, thêm, làm. Bác: Rộng khắp. Nghĩa rộng: Mở mang khắp cả bốn phương.

          NA THỜI: Na: Thời gian ngắn. Thời: Lúc, khi. Nghĩa rộng: Trong thời gian ngắn. GIA BÁC NA THỜI: Đơn vị nhỏ nhứt. Nghĩa bóng: Sự kiện, việc làm tuy ngắn ngủi, nhưng đạt được kết quả mỹ mãn, tốt đẹp nhứt.

          DI: Chuyển dịch.

          PHỔ HÓA: Phổ: Rộng rãi, khắp nơi. Hóa: Dạy dỗ.

          HUYỀN CƠ: Huyền: Màu đen. Nghĩa bóng: Sâu xa, kín đáo. Cơ: Máy móc. Nghĩa rộng: Máy Thiên cơ rất mầu nhiệm.

          NHƯ THỬ: Như vậy, ấy như…

          KIẾP: Thời gian dài, thông thường để chỉ cho một đời người.

          TRẦN: Bụi bặm. Nghĩa rộng. Chỉ cõi chúng sanh đang sinh sống đầy nhớp nhơ, đau khổ.

          YÊN: An ổn.

 

ĐẠI Ý 8 CÂU

          Từ xưa tới nay trí đứng hàng đầu, dầu là âm dương, Xiển Triệt gì cũng vậy. Nay ông ở chùa Lôi Âm sang đây, hay là mấy vị tăng ở đền Linh Khứu, trong một thời gian ngắn đi truyền đạo, thì việc huyền cơ cũng vậy, để cõi trần đầy khổ đau nầy đâu an.

 

Bài thứ hai mươi bốn

 

ĐỨC THẦY đáp họa:

 

                   Bửu gia nan hối thế gian truyền,

                   Tam thế hư không tế kiệm thiên.

                   Nhơn ngã hạ nguơn phân bất ký,

                   Qui hồi thượng cổ bút thê tiên.

                   Chất âm thinh sắc phi tiêu diệt,

                   Bài phỏng liêm gia bế hộ nguyên.

                   Lập chí hiền nhu đương kế hóa,

                   Thi thần ký chú định hòa yên.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ

          1/-BỬU GIA: Bửu: Quí báu, những vật quí. Gia: Nhà. Của quí trong nhà. Nghĩa bóng: Ý nói mỗi người đều có Phật tính. Kinh Phật: “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tính”.

          NAN HỐI: Nan: Khó khăn. Hối: Dạy bảo. Nghĩa rộng: Khó khuyên răn, dạy bảo.

          THẾ GIAN: Thế: Đời. Gian: Khoảng. Nghĩa rộng: Khoảng giữa đời. Cõi chúng ta đang sinh sống.

          TRUYỀN: Trao lại. Nghĩa rộng: Người nầy trao lại cho người kia, thế hệ nầy đến thế hệ khác.

          TAM THẾ: Tam: Ba. Thế: Đời. Ba đời. Kể từ ông Nội xuống tới đời cháu. Theo Phật Giáo: Đời quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhất thiết sự vật đều có ba đời ấy, khi chưa phát sinh thì là Vị lai, khi đã phát sinh là Hiện tại và sau khi tiêu diệt là Quá khứ.

          HƯ KHÔNG: : Trống rỗng. Không: Khoảng trống mênh mông. Nghĩa rộng: Không có gì cả, chỉ là một khoảng không gian mênh mông.

          TẾ: Cứu trợ, giúp đỡ.

          KIỆM THIÊN: Kiệm: Điều tiết, dè sẻn. Thiên: Trời. Nghĩa bóng: Thích nghi với thời tiết hay hoàn cảnh do thiên nhiên gây ra.

          3/-NHÂN NGÃ: Nhân: Người. Ngã: Ta. Người và ta.

          HẠ NGUƠN: Nguơn cuối cùng của Lý Tam Nguơn (Thượng nguơn, Trung nguơn và Hạ nguơn).

          PHÂN: Chia ra.

          BẤT KỶ: Bất: Không. Kỷ: Rành rẽ. Không rõ ràng, minh bạch.

          QUI HỒI: Trở lại.

          THƯỢNG CỔ: Còn gọi là Thượng nguơn. Nguơn đầu của Lý Tam Nguơn. Nghĩa rộng: Thời xa xưa.

          BÚT: Cây viết.

          THÊ TIÊN: Thê: Cái thang. Tiên: Bậc tu trên núi, có pháp thuật, cốt trường sanh bất tử. Nghĩa bóng: Đường lên cõi tiên.

          5/-CHẤT ÂM: Chất: Bản thể của sự vật. Âm: Tiếng. Nghĩa rộng: Những gì thuộc về hình thức (vật chất), vẫn tồn tại trong trời đất.

          THINH SẮC: Thinh: Tiếng. Sắc: Màu sắc. Những vật vô hình và hữu hình.

          PHI: Chẳng phải.

          TIÊU DIỆT: Tiêu: Làm mất đi, tan biến đi. Diệt: Làm tắt đi. Nghĩa rộng: Không con nữa, không còn tồn tại trong thế gian.

          BÀI PHỎNG: Bài: Sắp đặt, nói ra. Phỏng: Tìm tòi, tìm hiểu. Nghĩa bóng: Chủ động để tìm cho ra manh mối.

          LIÊM GIA: Liêm: Ngay thật, biết phân biệt phải trái. Gia: Nhà. Nghĩa rộng: Chốn công đường vốn nghiêm minh, liêm chính.

          BẾ HỘ: Bế: Đóng. Hộ: Cửa (nhà). Đóng cửa.

          NGUYÊN: Đầu, đứng đầu.

          7/-LẬP CHÍ: Lập: Dựng nên. Chí: Quyết tâm theo dõi một mục đích (công việc gì). Nghĩa rộng: Nhất quyết phải đạt được mục đích đã đề ra.

          HIỀN NHU: Hiền: Người có tài đức. Nhu: Thuận hòa, ổn thỏa. Nghĩa rộng: Người có nhân cách và phẩm hạnh cao thượng.

          ĐƯƠNG: Gánh vác.

          KẾ HÓA: Kế: Suy nghĩ, toan tính. Hóa: Dạy dỗ. Nghĩa rộng: Tìm biện pháp để cải thiện, thay đổi trở nên tốt đẹp.

          8/-THI THẦN: Thi: Thơ. Thần: Một đấng thiêng liêng. Nghĩa rộng: Thi văn của bậc Thần tiên.

          KÝ CHÚ: : Ghi nhớ, gởi gấm...Chú: Để tâm vào công việc. Nghĩa rộng: Dặn dò cho nhớ

          ĐỊNH HÒA: Định: Quyết chắc chắn. Hòa: Thuận thảo. Nghĩa rộng: Chắc chắn không xung đột lẫn nhau. (Theo quan điểm của một số đồng đạo PGHH, thì vùng đất Định Hòa, tọa lạc tại huyện Chợ Mới – Cù lao Ông Chưởng ngày xưa gọi là Cù lao Tiêu Mộc. Nơi đây sau nầy sẽ được bình an vô sự, còn các địa phương khác phải bị cảnh chiến tranh hay tai họa xảy ra. Chúng tôi xin ghi lại để các quí vị tham khảo).  

          YÊN: An ổn.

 

ĐẠI Ý 8 CÂU:

          Vật báu ở trong nhà không thể cho mượn. Dù cho ở trong gầm trời, thì ba đời hư không cũng hoàn không mà thôi. Bởi vì cõi hạ nguơn, không biết thuợng ngươn cổ. Âm thinh sắc tướng không cần phải tiêu diệt, chỉ cần bịt tai (Tức định huệ) tinh tường thì hòa được, hòa được thì ổn được.

Bài thứ hai mươi lăm

 

Ông HUỲNH HIỆP HÒA xướng:

 

                   Ngọc quang cảnh nội chủ càn khôn,

                   Tam nhứt vô cùng kiến thúc tôn.

                   Âu Á chiến tranh thùy thắng lợi ?

                   Kim lê uổng tử sắc hà môn.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-NGỌC QUANG: Ngọc: Vật quí. Quang: Ánh sáng. Ánh sáng của viên ngọc. Nghĩa bóng: Một vật thể, một nhân vật tốt đẹp, có tiếng tăm địa vị trong xã hội.

          CẢNH NỘI: Cảnh: Hình sắc. Nội: Trong. Nghĩa bóng: Giữ gìn chơn tâm.

          CHỦ: Người đứng đầu.

          CÀN KHÔN: Tên hai quẻ trong Bát quái. Quẻ Càn tượng Trời, quẻ Khôn tượng Đất. Càn Khôn: Trời đất.

          2/-TAM NHỨT: Tam: Ba. Nhứt: Đứng đầu. Nghĩa rộng: Một trong ba.

          VÔ CÙNG: : Không. Cùng: Hết, tận. Không bao giờ hết.

          KIẾN: Thấy, gặp gỡ.

          THÚC TÔN: Thúc: Chú. Tôn: Cao quý. Nghĩa rộng: Coi Ngài là bậc chú (người lớn).

          3/-ÂU Á: Tức Châu Âu và Châu Á. Châu Âu: Phiên dịch từ Âu La (Europe), một trong năm Châu của Thế giới. Âu Châu nhỏ hơn hết, thuộc phía tây bắc đại lục. Diện tích 10 triệu kí lô mét vuông. Bắc giáp Bắc Băng Dương, Nam giáp Địa Trung Hải và núi Cô Cút (Caucase), Đông giáp biển Cát Biên (Caspienne) và dãy núi Ô Ranh (Aural), Tây giáp Đại Tây Dương. Á Châu: Một châu trong Ngũ Đại Châu. Nước ta thuộc về Châu Á (Asie).

          CHIẾN TRANH: Chiến: Đánh nhau. Tranh: Giành giựt. Hai nước hoặc hai phe dùng vũ lực đánh nhau để giành đất đai hoặc quyền thế.

          THÙY: Ai. Một nhân vật nào đó. Thi hào Lý Bạch: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”.(Ngày xưa mấy kẻ ai không chết, Chỉ để lòng son tấm tre xanh). [Ngày xưa người ta viết sử trên những thanh tre, thuở ấy chưa có giấy như ngày nay. Những bộ sử thuộc loại anh hùng ca thường thấy ở Trung Quốc cũng được viết như vậy].

          THẮNG LỢI: Thắng: Được, hơn. Lợi: Cái có ích mà con người thu được.

          4/-KIM LÊ: Kim: Hiện nay, tức thì. : Dân đen, chỉ chung mọi người đang sinh sống trong quả địa cầu.

          UỔNG TỬ: Uổng: Phí công. Tử: Chết. Nghĩa rộng: Chết một cách oan ức.

          SẮC: Bản văn ban ra.

          HÀ MÔN: : Từ dùng để hỏi: Vì sao ? Tại sao ? Môn: Dòng phái. Nghĩa rộng: Một Võ đường hay một Tôn giáo…

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Ông (Ám chỉ Đức Huỳnh Giáo Chủ) như viên ngọc, làm chủ cả trời đất. Trong ba ngôi (Nho, Thích, Lão, còn gọi nhật, nguyệt, tinh), ông chiếm lấy một. Xin cho tôi gọi bằng chú. Giờ đây cháu hỏi chú: Âu Á đánh nhau, ai thắng ai thua, mà nay dân mình chết oan uổng như vậy ?

Bài thứ hai mươi sáu

 

Ông HUỲNH HIỆP HÒA xướng:

 

                   Hà môn giáp tý giáng lâm trần,

                   Đào tạo lương tâm khổ não dân.

                   Xuất hiện mạng chơn phi quyết chiến.

                   Cấu ai trị địa hội quân thần.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-HÀ MÔN: : Từ dùng để hỏi. Vì sao ? Tại sao ? Môn: Dòng phái. Nghĩa rộng: Nói đến một Võ đường hay một Tôn giáo.

          GIÁP TÝ: Giáp: Chữ dùng đầu thập can. : Chữ dùng đầu thập nhị chi. Hai chữ nầy dùng để chỉ năm tháng.

          GIÁNG LÂM: Giáng: Trên trời rơi xuống. Nghĩa bóng: Lâm phàm. Lâm: Đến. Nghĩa rộng: Dùng để chỉ các đấng thiêng liêng xuất thế cứu độ chúng sanh.

          TRẦN: Bụi bặm, cõi đầy nhớp nhơ. Ý nói đến cõi chúng ta đang sinh sống.

          2/-ĐÀO TẠO: Đào: Rèn luyện. Tạo: Làm nên. Nghĩa rộng: Giáo hóa thành người hữu dụng.

          LƯƠNG TÂM: Lương: Tốt đẹp. Tâm: Lòng. Tấm lòng tốt đẹp, nhân hậu. “Biết đâu đạo tặc chẳng là lương tâm”.(Nhị thập tứ hiếu)      

          KHỔ NÃO: Khổ: Đau đớn, vất vả. Não: Phiền bực. Nghĩa rộng: Suy nghĩ lao lung.

          DÂN: Người dân.

          3/-XUẤT HIỆN: Xuất: Ra. Hiện: Cho người ta thấy. Hiện ra cho mọi người cùng thấy tạn mặt.

          MẠNG CHƠN: Còn gọi chơn mạng. Mạng: Số phận con người. Chơn: Ngay thật. Mạng sống chơn thật. Nghĩa bóng: Người có chơn mạng làm vua.

          PHI: Không đúng, không chánh đáng.

          QUYẾT CHIẾN: Quyết: Nhất định. Chiến: Đánh nhau. Nhất định phải đánh nhau.

          4/-CẤU AI: Cấu: Gây nên, kết thành. Ai: Đau đớn, xót thương. Nghĩa bóng: Sự thương cảm sâu sắc.

          TRỊ ĐỊA: Trị: Đem lại trật tự, làm cho yên ổn. Địa: Những khu vực trên quả đất. Nghĩa rộng: Đem lại hòa bình cho các nước.

          HỘI: Nhóm họp, nhiều người lập thành một tổ chức, cùng theo đuổi một mục đích chung.

          QUÂN THẦN: Quân: Vua. Thần: Những bậc có công với dân với nước. Khi chết được vua sắc phong hay dân chúng tôn sùng vọng bái. Nghĩa rộng: Vua tôi.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Vì sao năm Giáp Tý lạ giáng trần, làm khổ sở cho dân chúng, bởi xuất hiện một người không đánh giặc, rồi lấy ai để trị dân, trị nước.

 

Bài thứ hai mươi bảy

 

ĐỨC THẦY đáp họa:

 

                   Thành tha ngũ nội nã càn khôn,

                   Cái thế vô linh mạng Thích Tôn.

                   U lịch bá trừ nô bính lợi,

                   Tiền đồ Lê dị đắc giang môn.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ

          1/-THÀNH THA: Thành: Lòng chơn thật. Tha: Người ấy.( Đại danh từ chỉ nhân vật, ngôi thứ ba).

          NGŨ NỘI: Ngũ: Năm. Nội: Trong. Nghĩa rộng: Năm món ở trong con người: Tâm, can, tỳ, phế và thận.

          NÃ: Truy đuổi.

          CÀN KHÔN: Tên hai quẻ trong bát quái. Càn tượng Trời, Khôn tượng Đất. Càn khôn có nghĩa là Trời Đất.

*Tóm lược ý câu “Thành tha ngũ nội nã càn khôn”: Những bậc chơn giác trong xã hội thì rất hiếm hoi.

          2/-CÁI THẾ: Cái: Bao trùm. Thế: Đời. Suốt trong cõi đời không ai địch nổi. “Hạng Lương lực bạt sơn hề, khí cái thế”.(Hạng Lương sức nhổ núi, khí trùm trời đất).

          VÔ LINH: : Chẳng, là. Linh: Ứng nghiệm, thiêng liêng. Nghĩa rộng: Linh hiển vô cùng.

          MẠNG: Còn gọi Mệnh. Vận số của con người.

          THÍCH TÔN: Thích: Nói rõ. Nghĩa rộng: Họ của Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni (Giáo chủ cõi Ta Bà). Tôn: Cao cả.

*Tóm lược ý câu “Cái thế vô linh mạng Thích Tôn”: (Ta cũng là người chịu dưới sự chi phối của trời đất, thì cho dù ai đi nữa, có sức mạnh bạt sơn cũng đều ảnh hưởng bởi luật dịch hóa).

          3/-U LỊCH: U: Mờ mờ, ẩn giấu. Lịch: Trải qua. Nghĩa rộng: Trải qua chừng…

          BÁ TRỪ: :  Một trăm. Trừ: Loại bỏ, làm cho mất đi.

          : Người đầy tớ (Người giúp việc). Nghĩa rộng: Lời khiêm tốn nhún nhường.

          BÍNH LỢI: Bính: Chữ thứ ba trong thập can. Lợi: Cái có ích mà mình thu được. Nghĩa bóng: Đến thời, đến lúc có thể thành công được.

*Tóm lược ý câu “U lịch bá trừ nô bính lợi”: Hiện tại người đứng đầu (Minh chủ), hiện còn ẩn dạng, sau nầy sẽ nắm lấy thiên hạ, đem lại hòa bình cho thiên hạ.    

          4/-TIỀN ĐỒ: Tiền: Trước. Đồ: Mưu tính. Nghĩa rộng: Đất nước. Con đường tương lai của nước nhà.

          LÊ DỊ: : Nhà Lê. Dị: Có thể là vị. Ngôi thứ. Ngôi vị của nhà Lê.

          ĐẮC: Được.

          GIANG MÔN: Giang: Sông. Môn: Cửa. Cửa sông. Nghĩa bóng: Nơi phát sinh, xuất hiện. (Trong từ Giang môn Đức Huỳnh Giáo Chủ có viết:

                        Bửu châu công luyện chốn non thần,

                        Sơn thủy môn giang bảo giác dân).

      Ý nói Cửa môn giang chính là nơi Thiên tử xuất hiện.

          *Tóm lược ý câu “Tiền đồ Lê dị đắc giang môn”: Đất nước nhà Lê sẽ có thánh chúa trị vì, sẽ đem lại hòa bình thạnh trị cho thiên hạ.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Lòng mình đã có sự chí thành, thì đuổi bắt kịp vũ trụ vạn hữu khác thường và linh hiển vô cùng. Đó là chơn mạng của Thích đạo, chỉ non một trăm năm là ta thoát ách nô lệ, nhờ có con sông báu.

 

Bài thứ hai mươi tám

 

ĐỨC THẦY đáp họa (tt)

 

                   Tam thiên lục bá giáng lâm trần,

                   Khóc tử lang tâm biến họa dân.

                   Tà quái hạ ngươn khai ác chiến,

                   Ất niên bình thự kiến quân thần.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ:

          1/-TAM THIÊN: Tam: Ba. Thiên: Một ngàn. Ba ngàn.

          LỤC BÁ: Lục: Sáu. : Một trăm. Sáu trăm.

          TAM THIÊN LỤC BÁ: Ba ngàn sáu trăm, tượng trưng cho con số nhiều.

          GIÁNG LÂM: Giáng: Xuống. Lâm: Đến. Nghĩa rộng: Từ nơi nầy đến nơi nọ hay từ trên cao xuống dưới thấp.

          TRẦN: Bụi bặm. Nghĩa rộng: Ý nói cõi chúng ta đang sinh sống đầy nhớp nhơ bụi bặm.

          *Tóm lược ý câu: “Tam thiên lục bá giáng lâm trần”: Ba ngàn sáu trăm bàng môn tả đạo cùng nhau xuống thế, hãm hại sanh chúng. Đức Huỳnh Giáo Chủ: “Tam thiên lục bá khắp tràng hại dân”.

          2/-KHỐC TỬ: Khốc: Khóc chảy nước mắt. Tử: Chết. Có người chết thì khóc thương.

          LANG TÂM: Lang: Chó sói (thú dữ). Tâm: Lòng. Nghĩa rộng: Lòng độc ác như thú dữ.

          BIẾN: Thay đổi khác thường.

          HỌA DÂN: Họa: Điều tai hại, rủi ro. Dân: Người dân. Tai họa đối với dân lành.

          *Tóm lược ý câu “Khóc tử lang tâm biến họa dân”: Lòng nham hiểm độc ác của con người như loài thú dữ, đã gây ra thảm họa cho dân lành.

          3/-TÀ QUÁI: : Không ngay thẳng. Từ gọi chung các loài yêu ma, quỉ quái. Quái: Lạ lùng, khác thường.

          HẠ NGƯƠN: Nguơn cuối cùng của lý Tam nguơn (Thượng nguơn, Trung nguơn và Hạ nguơn). Nghĩa rộng: Cõi chúng ta đang sinh sống.

          KHAI: Mở rộng.

          ÁC CHIẾN: Ác: Hung tợn. Chiến: Hai bên đánh nhau. Trận đánh nhau dữ dội.

          *Tóm lược ý câu “Tà quái hạ nguơn khai ác chiến”: Cõi hạ nguơn bọn tà ma quỉ quái thường gây chiến đánh nhau dữ dội.

          4/-ẤT NIÊN: Ất: Chữ thứ hai trong thiên can (Giáp, ất, bính, đinh…). Niên: Năm. Căn cứ theo bài thi trên thì năm Ất Dậu (1945).

          BÌNH THỰ: Bình: Bằng phẳng, yên ổn. Thự: Viết, ký tên. Nghĩa rộng: Góp tay vào việc làm cho yên ổn.

          KIẾN: Thấy, gặp gỡ.

          QUÂN THẦN: Quân: Vua. Thần: Tôi. Vua tôi.

          *Tóm lược ý câu “Ất niên bình thự kiến quân thần”: Đến năm Ất Dậu sẽ có người làm bình chiến cuộc, tôi chúa trùng phùng.

 

ĐẠI Ý 4 CÂU:

          Ba ngàn sáu trăm kẻ xuống phá đời, nó làm cho nhơn tâm biến đổi. Cảnh chết chóc xảy ra khắp nơi, lòng dạ trở thành lang sói (thú dữ), mất hẳn tính người, nên gây nên cảnh chiến tranh. Đến năm Ất Dậu mới bình ổn chiến sự. (1)

            (1) Để làm rõ hai bài Thi Hán của ông Huỳnh Hiệp Hòa và hai bài Thi Hán đáp họa của Đức Huỳnh Giáo Chủ, chúng tôi xin mở dấu ngoặc để thưa chuyện cùng chư quí vị !

            Theo lời kể của anh Nguyễn văn Phạn, hiện thường trú tại Thánh địa Hòa Hảo. Trước năm (1975), anh là Thư ký của Ban Phổ Thông Giáo Lý Trung Ương Phật Giáo Hòa Hảo, sau khi đọc xong bài thi xướng của ông Hòa và hai bài thi đáp họa của Đức Huỳnh Giáo Chủ, anh luôn nghi vấn trong lòng. Nhân một hôm có dịp gặp và thưa chuyện cùng ông Trần văn Nhựt (Bút hiệu là Dật Sĩ), lúc bấy giờ ông là Giáo sư các trường Trung học, Nhà văn và Giảng viên các trung tâm Đào tạo nhân sự Phật Giáo Hòa Hảo. (Khoảng năm 1963-1964). Được ông trả lời như sau:

            Trước đây ông Hòa cũng có những cái thắc mắc như cháu (lúc ấy tuổi anh Phạn đáng con cháu), ông Hòa đã tìm gặp hỏi chuyện cùng Đức Thầy và được trả lời: (Xem hai bài thi vấn của ông Hòa và hai bài thi đáp họa của Đức Thầy), sau khi đọc xong, một tay cầm viên phấn, một tay dẫn ông Hòa ngồi xuống. Ngài viết chữ LỊCH (chữ Hán), rồi chiết tự ra ĐẠI NHỰT BỔN (chữ Hán), Ngài giải thích: Trong bài thi đáp có nghĩa là tới năm Ất Dậu (1945), Nhựt Bổn giải giáp bởi Đồng Minh. (Do hai quả bom nguyên tử của đồng minh, thả xuống hai thành phố HIROSHIMA và NAGASHAKI của Nhật Bổn, làm thiệt mạng khoảng hai trăm ngàn người. Chính vì thế mà Nhật Hoàng đã tuyên bố đầu hàng). Nhờ đó dân ta thoát khỏi ách nô lệ. (Người hỏi hậu ý khéo léo, Đức Giáo Chủ giải thích lại càng sâu xa, tinh tường hơn nữa. Âu cũng là một câu chuyện thật lý thú).

 

Bài thứ hai mươi chín

 

Ông HUỲNH HIỆP HÒA xướng:

 

                   Phiến ngôn đại chấn điểm nam cương,

                   Khẩu tụng Văn vương vị bốc tường.

                   Dữ thiện ngôn ngôn tung nhứt nhị,

                   Hành nhơn tịch tịch muội tâm lương.

                   Mã lai thủ thị danh thương pháp,

                   Thủy kiệt chưởng thâm tẩy khổ trường.

                   Thi vấn hồi âm tri bửu hiệu,

                   Tứ minh tam vị hiển văn chương.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ

          1/-PHIẾN NGÔN: Phiến: Một tấm, một mảnh. Ngôn: Lời nói. Một lời nói.

          ĐẠI CHẤN: Đại: To lớn. Chấn: Sửa soạn, chỉnh đốn. Nghĩa rộng: Chỉnh trang, sửa soạn lại cho hoàn thiện hơn.

          ĐIỂM: Một chấm, điểm tựa.

          NAM CƯƠNG: Phía nam, vùng giáp giới phía nam (Ám chỉ miền nam Việt Nam).

          *Tóm lược ý câu “Phiến ngôn đại chấn điểm nam cương”: Một lời nói ra làm cho mọi sự được an lành, khắp nơi đều yên ổn (Ý nói Đức Thầy khai đạo, chấn chỉnh lại giềng mối đạo nhân luân).

          -Chiết tự câu “Phiến ngôn đại chấm điểm nam cương”: Chữ Phiến, thêm chữ Đại và chữ điểm (tức là một chấm) thành ra chữ TRẠNG.

          2/-KHẨU TỤNG: Khẩu: Miệng. Tụng: Đọc. Miệng đọc hay ngâm nga.

          VĂN VƯƠNG: Tức Châu văn Vương, họ Cơ, tên Xương, sanh ra Võ Vương. Nguyên là chư hầu của nhà Ân (tức vua Trụ), sau Võ Vương diệt được nhà Ân lên nối ngôi, mới tôn là Văn Vương. Dưới thời vua Trụ, Văn Vương thi hành nhân chính, chư hầu theo về rất đông. Sùng Hầu Hổ gièm pha cùng Trụ Vương, bắt giam Văn Vương tại ngục Dũ Lý. Nhờ Tán Nghi Sanh đem gái đẹp, cùng châu báu dâng lên vua Trụ, nên Văn Vương mới được tha. Các chư hầu ở phương Tây, Văn Vương lớn hơn cả, nên gọi là Tây Bá Hầu. Đức Thầy: “Xưa Tây Bá thất niên Dũ Lý”.

          VỊ: Chưa rõ, chưa hiểu.

          BỐC TƯỜNG: Bốc: Bói toán để biết việc đã qua hay sắp đến. Tường: Hiểu một cách chính xác. Nghĩa rộng: Tìm hiểu một cách chính xác.

          VỊ BỐC TƯỜNG: Chưa nói ra đã biết trước.

          *Tóm lược ý câu “Khẩu tụng Văn Vương vị bốc tường”: Ý nói Đức Thầy có tiếng tăm địa vị như vua Văn Vương, chưa nói ra ông Hòa đã biết.

          -Chiết tự câu “Khẩu tụng Văn Vương vị bốc tường”: Chữ Khẩu trên và chữ Vương dưới. Thành ra chữ TRÌNH. Hai câu:

                   Phiến ngôn đại chiến điểm nam cương,

                   Khẩu tụng Văn Vương vị bốc tường.

          Chiết tự ra thành TRẠNG TRÌNH. Ý nói ông Hòa hỏi Đức Thầy có phải là ông Trạng Trình hay không ?

          3/-DỮ THIỆN: Cùng làm lành.

          NGÔN NGÔN: Lời nói tiếp nối.

          TUNG NHỨT NHỊ: Có một không hai.

          *Tóm lược ý câu “Dữ thiện ngôn ngôn tung nhứt nhị”: Cùng với việc làm lành, đối với Ngài trên đời có một không hai.

          -Chiết tự câu: “Dữ thiện ngôn ngôn tung nhứt nhị”. Chữ Dữ, cùng chữ Tung, thêm nét sổ xuống một gạch, cộng với chữ Nhị, hai gạch ngang, thành chữ CỬ.

          4/-HÀNH NHƠN: Người cùng đi.

          TỊCH TỊCH: Đêm đêm, đêm nầy sang đêm khác.

          MUỘI TÂM LƯƠNG: Lòng lành bị lu mờ. Nghĩa bóng: Tâm lành chưa được mở rộng.

          *Tóm lược ý câu “Hành nhơn tịch tịch muội tâm lương”: Người đi trong đêm tối. Nghĩa rộng: Ý nói tuy có lòng lành, mà vẫn còn tối tăm, tâm lòng chưa được mở rộng.

          -Chiết tự câu “Hành nhơn tịch tịch muội tâm lương”. Hai chữ Tịch cộng lại thành chữ ĐA. Hai câu:

                   Dữ thiện ngôn ngôn tung nhứt nhị,

                   Hành nhơn tịch tịch muội tâm lương.

          Chiết tự ra thành CỬ ĐA. Ý nói ông Hòa hỏi Đức Thầy có liên hệ gì với ông Cử Đa hay không ?(1)

          (1) Vấn đề giữa Đức Huỳnh Giáo Chủ và ông Cử Đa có liên hệ mật thiết, trên quan điểm ý thức hệ tư tưởng, chúng tôi xin mở dấu ngoặc để trích đoạn đầu quyển Lan Thiên của ông Cử Đa (tộc danh Nguyễn Đa, đạo hiệu Ngọc Thanh) và quyển thứ ba Sấm Giảng của Đức Huỳnh Giáo Chủ:

          Lan Thiên

Lan Thiên một cõi chép chơi,

Sơn cao đảnh thượng thảnh thơi vô cùng.

Hiu hiu gió thổi đậm đùng,

Phất phơ liễu yếu lạnh lùng tòng mai.

Mùa xuân tới cảnh lầu đài,

Tháng giêng mười chín thi tài hùng anh.

Tứ vi mây phủ nhiễu đoanh.

Bồng Lai một cõi hữu danh chữ đề.

                                     (Ông Cử Đa)

            Sấm Giảng

Lan Thiên một cõi xa chơi,

Non cao đảnh thượng thảnh thơi vô cùng.

Hiu hiu gió thổi lạnh lùng,

Phất phơ liễu yếu lạnh lùng tòng mai.

Mùa xuân hứng cảnh lầu đài,

Lúc còn xác thịt thi tài hùng anh.

Tứ vi mây phủ nhiễu đoanh,

Bồng lai một cõi hữu danh chữ đề.

                                     (Đức Huỳnh Giáo Chủ)

            Và:

Kể từ Phú Quốc mới về,

Long Thoàn lên ở dựa kề hai năm.

Dạo chơi mấy điệu tri âm,

Tỏ lời sau trước mấy năm phản hồi.

Phận mình trong sạch đã rồi,

Đào Tiên tạm thực về ngồi cõi xa.

Dương trần còn gọi Cử Đa,

Cõi Tiên chữ đặt hiệu là Ngọc Thanh.

Ngày ra chơi chốn rừng xanh,

Tối về kinh kệ cửi canh mặc người.

                                      (Ông Cử Đa)

Kể từ Tiên cảnh ta về,

Non Bồng ta ở dựa kề mấy năm.

Dạo chơi tầm bực tri âm,

Nay vì thương chúng trần gian phản hồi.

Nghĩ mình trong sạch đã rồi,

Đào Tiên tạm thực về ngồi cõi xa.

Phong trần tâm đã rời ra,

Ngọc Thanh là hiệu ai mà dám tranh.

Ngày ra chơi chốn rừng xanh,

Tối về kinh kệ cửi canh mặc người.

                                    (Đức Huỳnh Giáo Chủ)

          5/-MÃ LAI: Ngựa đến.

          THỦ THỊ: Tay cầm (Tay huơi).

          DANH THƯƠNG PHÁP: Đường thương và binh pháp gia truyền có tiếng.

          *Tóm lược ý câu “Mã lai thủ thị danh thương pháp”: Ngựa đã đến, tay cầm thương lên tuấn mã, trong bụng sẵn có binh thư đồ trận (Ý nói vốn là một danh tướng tài ba xuất chúng).

          -Chiết tự câu “Mã lai thủ thị danh thương pháp”. Chữ Thủ, đi với chữ Thị, là chữ ĐỀ.

          6/-THỦY KIỆT: Nước cạn.

          CHƯỞNG THÂM: Thọc sâu bàn tay, tay mò sâu. (Chưởng: Bàn tay, lòng bàn tay).

          TẨY KHỔ TRƯỜNG: Hết gian nan, vất vả dài lâu.

          *Tóm lược ý câu “Thủy kiệt chưởng thâm tẩy khổ trường”: Gặp lúc nước cạn, dùng bàn tay tìm nước (Ý nói gặp cơn hoạn nạn ra tay gánh vác, dìu dắt ra khỏi chỗ ấy).

          -Chiết tự câu “Thủy kiệt chưởng thâm tẩy khổ trường”. Chữ Thâm mất nước (bộ Thủy) còn lại chữ (…). Chữ Chưởng và chữ Thủ, đều chỉ về bàn tay, cánh tay. Thêm chữ Thủ, thành ra chữ THÁM. Hai câu:

                   Mã lai thủ thị danh thương pháp

                   Thủy kiệt chưởng thâm tẩy khổ trường.

          Chiết tự thành ĐỀ THÁM. Ý ông Hòa muốn hỏi Đức Huỳnh Giáo Chủ, có liên quan gì với ông Đề Thám hay không ?

          7/-THI VẤN: Thi: Bài vận văn (văn vần). Vấn: Hỏi. Bài thơ để hỏi.

          HỒI ÂM: Đáp lại.

          TRI BỬU HIỆU: Biết danh tánh, hiệu tự quí báu.

          *Tóm lược ý câu “Thi vấn hồi âm tri bửu hiệu”: Thi hỏi xin cho biết quí tánh tôn danh ?

          8/-TỨ MINH: Ý tứ rõ ràng, minh bạch.

          TAM VỊ: Tam: Ba. Vị: Ngôi thứ, cấp bậc. Tam vị ở đây ý nói đến ba ông Trạng Trình, Cử Đa và Đề Thám.

          HIỂN VĂN CHƯƠNG: Đã nói rõ trong văn thơ.

          *Tóm lược ý câu “Tứ minh tam vị hiển văn chương”: Ba ông: Trạng Trình, Cử Đa và Đề Thám mà Ngài có nhắc đến trong văn thơ.

 

ĐẠI Ý 8 CÂU:

          Ông Hòa cho rằng: Đức Huỳnh Giáo Chủ khai đạo, tiếng tăm vang dội miền nam Việt Nam. Vậy Ngài có liên hệ gì với ba ông: Trạng Trình, Cử Đa và Đề Thám, mà ông đã nói trong văn thơ ?

 

Bài thứ ba mươi

 

ĐỨC THẦY đáp họa

 

                   Hồi đầu điểm đạo chuyển phong cương,

                   Háo thắng bi ly đạo khổ tường.

                   Tề tướng cam phong an diện nhị,

                   Hàn nhơn thọ khóa tác tâm lương.

                   Thiên tôn mật sát nhơn gian pháp,

                   Phật lý di khai đại hội trường.

                   Tam bá ngoại niên chơn bút hiệu,

                   Hàn lâm nhứt đấu vịnh thiên chương.

 

CHÚ THÍCH TỪ NGỮ

          1/-HỒI ĐẦU: Quay lại điểm xuất phát. Nghĩa rộng: Làm theo, tin theo điều gì.

          ĐIỂM ĐẠO: Điểm: Chỉ bảo. Đạo: Đường đi, lẽ phải. Từ chung chỉ về Tôn giáo.

          CHUYỂN: Bánh xe quay, trở ngược lại hay dời đi.

          PHONG CƯƠNG: Phong: Cảnh tượng. Cương: Vùng. Nghĩa bóng: Cảnh sắc hay ý thức hệ tư tưởng.

          *Tóm lược ý câu “Hồi đầu điểm đạo chuyển phong cương”: Hãy hướng về con đường đạo đức, sẽ hiểu được tính thực dụng của nó, từ đó ý thức hệ cũng sẽ thay đổi.

          2/-HÁO THẮNG: Thích hơn người. Nghĩa rộng: Hơn thua cao thấp.

          BI LY: Thương xót, xa cách.

          ĐẠO: Con đường thích hợp với lẽ phải, từ chỉ chung về Tôn giáo.

          KHỔ TƯỜNG: Khổ: Lo lắng, khó nhọc. Tường: Hiểu rõ ràng, chính xác.

          *Tóm lược ý câu “Háo thắng bi ly đạo khổ tường”: Nếu còn tranh hơn thua cao thấp sẽ khó được gần gũi, chính ông là người hiểu rõ điều đó hơn ai hết.

          3/-TỀ TƯỚNG: Tướng nước Tề.

          CAM PHONG: Cam: Tự nguyện, đành chịu. Phong: Thái độ.

          AN DIỆN NHỊ: Cả hai mặt (hai bên) đều được yên ổn.

          *Tóm lược ý câu “Tề tướng cam phong an diện nhị”: Ngài giống như tướng nước Tề, dù có gặp khó khăn vẫn đem đạo dạy đời, làm cho êm đẹp cả hai mặt đời và đạo.

          4/-HÀN NHƠN: Người họ Hàn, ám chỉ Hàn Tín.

          THỌ KHÓA: Thọ: Nhận lãnh. Khóa: Một lớp học. Nghĩa rộng: Một giai đoạn nào để nhận lãnh một bài học.

          TÁC TÂM LƯƠNG: Giữ vững tâm lương thiện.

          *Tóm lược ý câu “Hàn nhơn thọ khóa tác tâm lương”: Người họ Hàn phải nhận lãnh một bài học, vì chẳng thức tri thời thế. (Nghĩa là Hàn Tín khi vang danh bốn bể, không biết con đường thối như Trương Lương, nên về sau phải chết về tay một người đàn bà).

          5/-THIÊN TÔN: Thiên: Trời. Tôn: Cao cả. Ngôi trời.

          MẬT SÁT: Tìm hiểu những điều sâu xa, kín đáo.

          NHƠN GIAN PHÁP: Giáo lý nhà Phật tại thế gian, để cho mọi người tu theo. Nghĩa rộng: Thế gian pháp.

          *Tóm lược ý câu “Thiên tôn mật sát nhơn gian pháp”: Đức Huỳnh Giáo Chủ có sứ mạng truyền bá Giáo pháp của Phật Tổ Thích Ca, để cho chúng sanh nương theo đó mà tu hành.

          6/-PHẬT LÝ: Lời lẽ của Phật hay Giáo lý chư Phật.

          DI KHAI: Mở rộng ra khắp mọi nơi.

          ĐẠI HỘI TRƯỜNG: Nơi hội họp rộng rãi, có đông người đến tham dự. Nghĩa bóng: Ý nói Hội Long Hoa, đó là trường thi công đức. Ngày kết thúc Hạ nguơn, đánh dấu thời Thượng nguơn thánh đức.

          *Tóm lược ý câu “Phật lý di khai đại hội trường”: Đức Huỳnh Giáo Chủ truyền bá Giáo pháp của Phật Tổ Thích Ca, chúng sanh nương theo đó mà tu tập, để sau nầy dự hội Long Hoa, đây cũng là trường thi công đức của bậc hiền nhơn.

          7/-TAM BÁ: Tam: Ba. : Trăm. Ba trăm.

          NGOẠI NIÊN: Ngoại: Ngoài. Niên: Năm. Ngoài con số đã ấn định.

          TAM BÁ NGOẠI NIÊN: Ngoài ba trăm năm hay hơn ba trăm năm.

          CHƠN: Thật thà, ngay thẳng.

          BÚT HIỆU: Tên tự và hiệu tự của nhà văn.

          *Tóm lược ý câu “Tam bá ngoại niên chơn bút hiệu”: Trăn ba trăm năm về trước, đó mới chính thức là tên hiệu của Ta (ám chỉ Đức Huỳnh Giáo Chủ).

          8/-HÀN LÂM: Rừng bút. Nơi hội tụ nhiều Văn nhân, Thi sĩ.

          NHỨT ĐẤU: Một lít. Nghĩa bóng: Lương nhiều hơn hết trong giới quan Hàn Lâm (Hay đứng đầu trong giới quan Hàn Lâm).

          VỊNH: Ngâm, đọc. Nghĩa rộng: Sáng tác.

          THIÊN CHƯƠNG: Thiên: Ngàn. Chương: Bài văn. Một ngàn bài văn.

          *Tóm lược ý câu “Hàn lâm nhứt đấu vịnh thiên chương”: Ta là quan Đại học sĩ, đứng đầu một triều vua, có sáng tác một ngàn bài thơ.

 

ĐẠI Ý 8 CÂU:

          Đức Huỳnh Giáo Chủ khuyên ông Huỳnh Hiệp Hòa hãy sớm quay đầu hướng thiện, nếu còn tranh hơn thua cao thấp sẽ không gần được đạo. Ngài cho biết có sứ mạng vâng lịnh Phật Tổ lâm phàm khai đạo, lập hội Long Hoa, chọn người hiền đức. Trên ba trăm năm Ngài là quan Đại học sĩ, đứng đầu một triều vua, có sáng tác một ngàn bài thơ.(1)

(1) Chúng tôi xin mở dấu ngoặc, để làm rõ việc cụ Trạng Trình và Đức Huỳnh Giáo Chủ, có liên hệ mật thiết:

Cụ Trạng Trình tộc danh là Nguyễn Bỉnh Khiêm sanh năm Tân Hợi (1491), mất ngày 28 tháng 11, năm Ất Dậu (1585). Nguyên quán làng Cổ Am, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương. Ngài có hiệu tự là Bạch Vân Cư Sĩ, trong sự nghiệp văn chương, Ngài đã trước tác một ngàn bài thơ, gồm nhiều thể loại. Tên tác phẩm là “Bạch Vân Thi Tập” và “Bạch Vân Quốc Ngữ Thi”.

Nếu tính vào thời điểm Đức Huỳnh Giáo Chủ khai đạo, ngày 18 tháng 5 năm Kỷ Mão (1939) và năm mất của cụ Trạng Trình (1585), chúng ta sẽ thấy:

(1939 – 1585 = 354 năm)

Do đó, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã xác nhận: “Tam bá ngoại niên chơn bút hiệu” (Ngoài ba trăm năm mới chính là tên hiệu của Ngài). Ngoài ra Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng xác nhận Ngài có liên hệ mật thiết với cụ Trạng Trình: “Trình mỗ ngộ kim khuê cổ địa” (Ta là Trạng Trình ở làng Cổ Am) và trong bài “Để chơn đất Bắc”, Ngài có nói rõ:

            Vân vân bạch bạch thức sinh thần,

            Cổ quán thôn hương nhứt dị nhân.

            Tiên sinh hậu kiếp phò Lê chúa,

            Hậu truyền độ chúng cảm hoài ân.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn