Bài 10.- TỈNH BẠN TRẦN GIAN

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 43566)
Bài 10.- TỈNH BẠN TRẦN GIAN

(Chép theo bổn chánh do Đức Ông giữ)

 

CHÁNH VĂN (Bài 1)

1.-“Nghiệp chướng lăng-loàn hại xác thân,

Chuông lành buông tiếng vọng bon ngân.

Cương-thường gánh nặng trai gìn trọn,

4.-Tơ-tóc vai quằn gái vẹn phân.

Nợ nước văn-chương toan báo đáp,

Ơn nhà đạo-đức quyết đền ân.

Khuyên người trí-sĩ mau mau tỉnh,

8.-Giấc mộng Nam-kha chốn thế-trần”.

 

          XUẤT XỨ :

          Bài “Tỉnh Bạn Trần Gian” trích trong “Thi Văn Giáo Lý Toàn Bộ” Đức Thầy sáng tác khoảng tháng Chạp năm Canh Thìn (1940), lúc Ngài còn bị người Pháp an trí tại Nhà thương Chợ Quán (Sài Gòn).

          VĂN THỂ :

          Ngài viết 10 bài thi nầy theo lối vận văn, thể thất ngôn bát cú Đường luật, thập thủ liên hoàn thi, loại khuyến tu. Khởi đầu bằng câu:

                   “Nghiệp chướng lăng loan hại xác thân”.

          Và chấm dứt bởi câu:

                   “Phàm trần vẹn kiếp kiến Bồng Lai”.

 

CHỦ ĐÍCH

          Đức Thầy giác tỉnh khách trần sớm tỉnh tâm tu tròn Nhân Đạo, vẹn đáp ơn nhà, nợ nước hầu thoát ly cuộc đời ảo mộng, để bước lên thuyền giác vượt khỏi luân hồi sanh tử.

LƯỢC GIẢI (Bài 1)

          -Bài gồm có 4 đoạn, qua 2 câu mở đề (1 và 2) Đức Thầy cho biết: Từ vô thỉ do phiền não chướng chi phối; khiến chúng sanh gây tạo các nghiệp duyên, rồi phải luân chuyển trong cõi trần chịu muôn điều thống khổ.

          Vì lòng từ bi Đức Thầy lâm phàm khai Đạo, ngân lên tiếng chuông Đạo pháp, giác tỉnh khách trần sớm hồi tâm hướng thiện:

               “Nghiệp chướng lăng loan hại xác thân,

                Chuông lành buông tiếng giọng bon ngân”.

          -Đến cặp trạng câu (3 và 4): Theo Tôn chỉ “Học Phật Tu Nhân” Đức Thầy đã đề vạch trước nhất mỗi tín đồ phải tu tròn Nhân Đạo.

          Nam xử trọn Tam cang Ngũ thường, Nữ giữ vẹn Tam tùng Tứ đức:

                   “Cương thường gánh nặng trai gìn trọn,

                     Tơ tóc vai quằn gái vẹn phân”.

          -Tới cặp luận (5 và 6), Ngài dạy: Việc đáp ơn đất nước không chỉ dùng chiến lược, vũ khí suông, mà cần phải áp dụng cả văn chương và trí tuệ, như các Cụ Trạng: Mạc Đỉnh Chi, Nguyễn Hiền; và các nhà sư: Khuông Việt, Vạn Hạnh và Đỗ Pháp Thuận…các Ngài chỉ dùng một bài điếu, hoặc một văn thơ đối đáp cũng đủ làm cho lân bang kính nể giao hòa.

          Còn về công ơn của Tổ tiên Cha mẹ, biết ơn nhà, hành giả phải trau giồi đạo đức cho đến khi thành công viên mãn mới mong đáp đền trọn vẹn:

                   “Nợ nước văn chương toan báo đáp,

                     Ơn nhà Đạo đức quyết đền ân”.

          -Tới 2 câu kết (7 và 8) Đức Thầy kêu gọi các giới có oai quyền trí thức, sớm tỉnh xét cảnh vinh hoa phú quí trong đời, chẳng qua là tuồng mộng ảo. chỉ có con đường đạo đức mới đưa ta đến chỗ trường tồn bất diệt:

                   “Khuyên người trí sĩ mau mau tỉnh,

                     Giấc mộng Nam Kha chốn thế trần”.

ĐẠI Ý :

           -Bởi nghiệp chướng xéo vày khiến chúng sanh phải luân chuyển trong vòng khổ đau sanh tử; vì lòng từ ái Đức Thầy chuyển kiếp độ đời:

“Đại đồng chuông Đạo bon ngân,

Cho người trong mộng tỉnh lần giấc mê”.

                         (Viếng làng Mỹ Hội Đông)

          Để khuyên mọi người sớm tỉnh cơn mộng huyễn và đáp xong nợ thế, hầu bước lên thuyền giác (Phật Đạo) vượt khỏi lề sanh tử.

CHÚ THÍCH

          TỈNH BẠN TRẦN GIAN: Đức Thầy thức tỉnh mọi người đang sống chung trong cõi đời. Sở sĩ Ngài dùng 4 chữ “Tỉnh Bạn Trần Gian” đề tựa cho 10 bài thi liên hoàn nầy là có dụng ý nói lên tinh thần bình đẳng (Phật đối với chúng sanh đồng nhất thể bình đẳng như nhau). Đó là Ngài đặt mình vào một trong vạn loại chúng sanh, cùng sống chung trong cõi trần như nhau. Nhưng Ngài đã sớm giác ngộ, thấu đạt đạo mầu; nay có trách nhiệm đánh thức mọi người tỉnh giấc mê lầm, lánh xa tuồng mộng ảo để cùng tu, cùng tiến qua bờ giải thoát.

          NGHIỆP CHƯỚNG: Cũng gọi là chướng nghiệp. Nghiệp là nhân, hột giống, là việc làm gây tạo. Chướng là các vật ngăn che trở ngại. Kinh Phật giải, mỗi chúng sanh đều có ba nghiệp chướng: Phiền não chướng, nhân chướng và báo chướng. Đức Thầy nay cho biết: “Mỗi người đều có ba nghiệp: Thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Ba nghiệp chướng ấy khiến con người phạm 10 điều ác”. Chính đó là nguyên nhân luân hồi sanh tử, không thông đường giải thoát.

          LĂNG LOÀN: Lấn áp, quậy phá, làm xáo trộn, gây tác hại. Ý nói do nghiệp chướng sai khiến làm thân tâm con người phải chịu muôn ngàn khổ não và luân hồi mãi trong 6 nẻo, khó mà thoát ly ra được.

          CƯƠNG THƯỜNG: Cũng viết là Cang Thường: Giềng mối lớn của Đạo làm người, gồm có Tam cang: Quân thần, Phụ tử và Phu phụ. Và Ngũ thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.

          TƠ TÓC: Bổn phận của nữ giới, gồm có Tam tùng: Tùng phụ, tùng phu, tùng tử. Và Tứ đức: Công, Dung, Ngôn, Hạnh. (Xem thêm trong Sấm Thi Từ Điển).

          NỢ NƯỚC: Cũng gọi là Ân đất nước, tức một trong 4 ân lớn. Mỗi công dân quốc gia nào đều phải thọ và đền đáp.

          VĂN CHƯƠNG: Văn là vẻ đẹp, văn hoa. Các điều gì diễn thành bài, chứa đựng nhiều ý nghĩa. Chương là vẻ sáng, bày tỏ. Vậy văn chương là những điều diễn thành câu thành bài, ghi lại sự việc đã xảy ra hoặc do trí tưởng tượng mà diễn tả lời hay ý đẹp.

          ƠN NHÀ: Công ơn Tổ tiên Cha mẹ, một trong 4 ân lớn, “Ơn nhà tạm gát sau nầy trả”.

          ĐẠO ĐỨC: Chữ Đạo có nhiều nghĩa: Đạo là con đường, Đạo là bổn phận, Đạo là chơn lý tuyệt đối. Đức là tâm lành, từ bi bình đẳng. Người có đức là có lòng từ bi bình đẳng hay thương người mến vật, làm việc chân chánh hợp với lẽ phải và chơn lý.

          TRÍ SĨ: Có 2 nghĩa: 1./ Kẻ làm quan, từ chức về ở ẩn. 2/- Người có tài ăn học giỏi về sự đời (thế trí biện thông). Đây chỉ cho nghĩa thứ 2. Đức Thầy từng kêu gọi:

                   “Hỡi ai tâm trí mau tâm Đạo,

                   Tầm đấng hiền từ cứu thế gian”.

          GIẤC MỘNG NAM KHA: Cũng gọi là giấc Hòe (hòe an mộng). Do Lý Công Tá đời Đường làm bài “Nam Kha Ký” thuật chuyện Thuần Du Phần nằm ngủ dưới gốc cây hòe, mộng thấy mình đến nước Hòe an thi đậu, được vua gã Công chúa và phong làm quan Thái thú, trấn tại quận Nam Kha. Đến sau đi đánh giặc bị thua, Công chúa lại chết, vua đem lòng nghi ngờ cách chức đuổi về, khi thức giấc thấy mình còn nằm dưới gốc cây hòe. Phần nghĩ ra cuộc đời vinh sang, phú quí chỉ như giấc mộng thôi ! Ý chỉ cõi đời giả tạm.

          Trong Cung Oán Ngâm Khúc có câu:

“Giấc Nam Kha khéo bất bình,

Bừng con mắt dậy thấy mình tay không”.

          Đức Thầy thường cảnh tỉnh mọi người:

“Bồi hồi chợt tỉnh Nam Kha,

Đường danh nẻo lợi xem ra ích gì”.

                                    (Cảm Tác TVGL)

 

CHÁNH VĂN (Bài 2)

“Thế-trần tạm giả gạt đời ta,

Lướt khỏi sông mê khỏi ái hà.

Nhân-ngã, ngã-nhân đừng cách biệt,

12.-   Sắc không, không sắc chớ lìa xa.

Diệu-huyền chơn lý noi đường sáng,

Ảo-thuật tà-tâm kiếm nẻo ra.

Lóng-lánh gương xưa lời Phật dạy,

16.-   Hồng-trần ái-dục giết tài-hoa”.

 

LƯỢC GIẢI

          Bài thi thứ nhì chia làn bốn đoạn. Qua 2 câu mở đề (1 và 2), ý nói sự vật trong đời đều là tạm giả, không chắc thật lâu bền; dù có vui đẹp cũng chỉ là phù hoa ảo ảnh. Thế mà chúng sanh chẳng nhận rõ để phải bị lầm lạc đáng tiếc. Như xưa có bốn người bạn tạo ra một thiếu nữ bằng gỗ, rồi cho là thật mà cãi vã tranh giành lẫn nhau. (Xem chuyện “Bị Gạt” trong quyển Điển Triết chọn lọc) Đức Thầy kêu gọi nhân sinh sớm thức tỉnh quay về nẻo Đạo để vượt khỏi sông mê bể khổ:

                   “Thế trần tạm giả gạt đời ta,

                     Lướt khỏi sông mê bể ái hà”.

          -Đến cặp trạng (3 và 4) Ngài khuyên nhà tu không nên phân chia ngã chấp, dù người hay vạn pháp xem bình đẳng như nhau. Vì nếu còn phân biệt nhân ngã thì còn luân hồi sanh tử mà hết phân biệt ngã nhân, tức tâm được bình đẳng như như, an vui giải thoát.

          Cho đến lý Sắc Không cũng thế, hành giả chẳng nên chấp Sắc bỏ Không, hay chấp Không bỏ Sắc. Bởi Sắc và Không vốn đồng nhất thể. Nhà tu trong khi hành đạo, lìa cả hai bên đối đãi và phải nhận Sắc tức là Không và Không tức là Sắc, có dung thông cả Sắc lẫn Không mới chứng được cái Chơn không diệu hữu:

                   “Nhân ngã, ngã nhân đừng cách biệt,

                     Sắc không, không sắc chớ lìa xa”.

          -Đến 2 câu luận (5 và 6), ý cho biết: Chơn lý của Đạo rất cao sâu huyền diệu và sáng mầu vô cùng tận, hành giả nên nương theo đó mà hành đạo cho đến ngày viên mãn.

          Lòng tà vạy là huyễn giả gạt lường, từ trước tới giờ vì chúng sanh chưa tỉnh giác, nên vẫn bước quanh quẩn theo sự khiến sai của nó. Nay đã thức tỉnh thì hãy: “Tìm đèn trí huệ lánh thân ra”.(Than đời) để sớm thoát ly sanh tử:            “Diệu huyền chơn lý noi đường sáng,

                     Ảo thuật tà tâm kiếm nẻo ra”.

          -Phần 2 câu kết (7 và 8) Đức Thầy kêu gọi khách trần nên xét lại từ xưa biết bao tấm gương xán lạn, bao lời lẽ của chư Phật đã giáo huấn và lưu truyền đến nay. Người sống trên đời có lắm kẻ tài ba xuất chúng, quyền chức cao sang, nhưng thường bị lòng ham muốn xúi dục đắm nhiễm: Danh lợi tình mà phải bị nó chôn vùi trong bể ái:

                    “Lóng lánh gương xưa lời Phật dạy,

                     Hồng trần ái dục giết tài hoa”.

ĐẠI Ý :(Tóm tắt bài 2)

          Trần gian là cõi tạm và cũng là cạm bẫy, câu nhử chúng sanh phải đắm chìm trong bể ái. Hành giả nào muốn thoát ra hãy sớm giác ngộ tu hành, diệt lòng phân biệt nhân ngã, thông đạt lý sắc không, nưong đèn chơn lý và noi gương Phật Thánh, soi tan lòng ái dục để thành đạt mục đích giải thoát an vui.

 

CHÚ THÍCH

          THẾ TRẦN: Cũng gọi là trần thế, tức cõi đời đầy bụi bặm nhớp nhơ đau khổ mà tất cả chúng sanh đang sống.

          SÔNG MÊ: Lòng mê nhiễm trần tục, mênh mang như sông biển. Sông mê đối với giác ngạn (Bờ giải thoát của chư Phật). Chính vì sự si mê (Vô minh) trần tục ấy mà chúng sanh phải luân hồi mãi trong ba cõi sáu đường. Đức Thầy bảo: “Trong khi các trò còn ở trong biển mê sông khổ”.(Lời khuyên bổn đạo)

          ÁI HÀ: Ái là yêu, Hà là sông. Ý nói sự luyến ái tình dục của chúng sanh tràn ngập như nước sông biển (Ái hà thiên xích lãng, khổ hải vạn trùng ba). Chính vì nó mà chúng sanh chìm đắm trong biển mê sông khổ. Đức Thầy khuyên: “Bể ái hà gươm linh sớm dứt”. (Diệu pháp QM).

          NHÂN NGÃ, NGÃ NHÂN: Nhân là người, ngã là ta. Đây chỉ lòng còn phân biệt người, ta và của người của ta là khác nhau trong chỗ hơn thua, tốt xấu…nên còn sanh tử luân hồi:

                   “Tâm trần tục còn phân nhân ngã,

                     Thì làm sao thoát khỏi luân hồi”.

                                                (Kệ Dân, Q.2)

          Kinh Kim Cang, Phật dạy: “Nếu người tu không còn phân biệt nhân ngã, thì không còn câu chấp: tướng nhơn, tướng ngã, tướng chúng sanh, tướng thọ giả; tức chứng được cái chơn tướng của Như lai”.

          Đức Thầy nay cũng dạy:

                   “Nhân ngã sân si cũng dẹp đành”.

                                                (Cho Giáo Đàng)

          SẮC KHÔNG, KHÔNG SẮC: Sắc là những cái gì có hình tướng, màu sắc, thấy và cầm nắm được. Không là những cái gì vô hình, vô tướng, chẳng thấy hay rờ mó được, nhưng nó vẫn có chớ chẳng phải không (chơn không mà diệu hữu).

          Về lý sắc không, Kinh Kim Cang, Phật dạy:

               “Sắc tức thị không, không tức thị sắc,

                 Sắc bất dị không, không bất dị sắc”.

                (Sắc tức là không, không tức là sắc.

        Sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc).

          Nhà tu khi rõ được lý sắc không, chẳng còn thiên chấp bên nào; nếu còn thiên chấp là còn biên kiến, không nắm được chơn lý (chánh kiến), như số người mù rờ một con voi, rồi tả hình dáng không giống nhau…chỉ có người sáng mắt (có trí tuệ) mới thấy được toàn diện của con voi.

          CHƠN LÝ: Cũng đọc là chân lý, tức là lý lẽ chân chính, thật tế rõ ràng, là lẽ phải không chối cãi khác được (đối với ngụy lý)

          Xưa, Đức Phật dạy chư đệ tử:

          “Tất cả những sự thật, theo suy nghiệm riêng của các người và sau khi xác nhận rõ ràng, phù hợp lẽ phải, tạo thành hạnh phúc cho các ngươi và tất cả mọi người thì đó chính là chơn lý. Các ngươi nên cố gắng sống theo chơn lý ấy”.

          Chơn lý lại có hai phần:

          1/- Chơn lý Tương đối: Là lý lẽ tương đối với nhau mà có, như nóng với lạnh, tốt với xấu, sống chết, có không…lại nữa có ba định luật giúp cho người nhận đúng chơn lý: - Luật nhân quả - Luật hằng chuyển - Luật bình đẳng.

          2/- Chơn lý Tuyệt đối: Lý lẽ tự nhiên sẵn có từ vô thỉ không thay đổi, đồng nghĩa với chữ Đạo. Nghĩa nầy rất thâm sâu không thể dùng văn từ, ngôn ngữ mà giải bày hết được, chỉ có tu hành khi đạt được bản tâm, gọi là trực nhận được chơn lý. Kinh Di Đà dạy:“Lý viên ngôn thông, ngôn sanh lý tán”. (Chơn lý viên dung thật tướng, nếu dùng lời nói mà cho chơn lý thì chắc là thiên lệch và làm mất chơn lý đi).

          Để dung hòa sự lý, Ngài Phụ Đà Mật Đa có thuyết Kệ:               “Chơn lý vốn không tên,

                     Nhơn tên rõ chơn lý.

                     Tọ được pháp chơn thật,

                     Chẳng chơn cũng chẳng ngụy”.

          Vậy người tu hành nhớ nương theo chơn lý mà đạt đạo.

          DIỆU HUYỀN: Sâu kín mầu nhiệm, ngoài sức hiểu biết của thế gian. Chỉ có người nhứt tâm hành Đạo mới thấu đạt.

          ẢO THUẬT: Giả dối, có ra không, không ra có; giả thành thật, thật thành giả…Ví dụ: Trò ảo thuật, không thật thể lâu bền:

                   “Tuồng huyễn hóa ai bày ra đấy,

                     Kiếp phù sinh trông thấy mà đau.

                          Trăm năm còn có gì đâu ?

                  Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì”.

          TÀ TÂM: Cũng gọi là tâm tà, tức lòng gian ác tà vạy không ngay chánh thành thật. Đức Thầy khuyên:

                     Lọc lẽ tà tâm sự đứng đầu”.(Thiên lý ca)

          LÓNG LÁNH: Cũng gọi là long lanh hay óng ánh. Có nghĩa phản chiếu sáng sủa. Ý chỉ lời nói và hạnh tướng của những người đã có tâm đức và hành động thiện lương chơn chánh đều được sử sách noi ghi, để cho người sau noi dấu.

          HỒNG TRẦN: Bụi đỏ, ý chỉ cõi đời đầy bụi bặm nhớp nhơ đau khổ. Đức Thầy viết:

                   “Cả hồng trần đau thương thống thiết…”

          Và:

               Biển hồng trần lao lý diệu vơi”.(Kh/thiện, Q.5)

          ÁI DỤC: Thương yêu luyến ái tình dục, hoặc tham muốn các điều dục lạc.

          TÀI HOA: Tài giỏi và hào hoa phong nhã, đều được nhiều người chung quanh khen chuộng:

                  Hồng nhan là bả của người tài hoa”.(Ca dao)

 

CHÁNH VĂN (Bài 3)

“Tài-hoa cho lắm, lắm nàn tai,

Trụy-lạc phong-trần chốn gốc gai.

Nếu đả tỉnh tâm tầm lẽ thẳng,

20.-   Cũng nên rèn tánh gặp đàng ngay.

Sân-si phỏng có điều thêm bận,

Nhẫn-nhịn ắt không chyện kéo dài.

Tiếng gọi hồn mê hồn được giác,

24.-   Phải toan sắm-sửa rứt trần-ai”.

 

LƯỢC GIẢI

          Bài thi thứ ba có 4 đoạn: Đoạn một, qua hai câu mở đề (1 và 2), ý cho biết xưa nay trong đời, những người tài ba xuất chúng thường hay gặp nhiều tai nạn “Tài tai hai chữ cân phân”.( Đức Thầy) Song nếu người có đạo đức dù khó khổ gì rốt cuộc cũng vượt qua. Còn kẻ hữu tài mà thiếu hạnh đức, để tâm phóng dật theo con đường sa đọa tửu, sắc, tài, khí ắt gặp nhiều gian nan vất vả, và ngày chung cuộc phải đọa lạc trần mê, để tiếng đời sau chê trách:

                    “Tài hoa cho lắm, lắm nàn tai,

                   Trụy lạc phong trần chốn gốc gai”.

          -Đến cặp trạng (3 và 4) Đức Thầy kêu gọi những ai đã giác tỉnh tu hành, hãy tìm con đường ngay chánh (Đạo) mà nương theo. Sớm lo tu rèn tâm tánh cho được thuần lương cao khiết, ắt có ngày đạt được Đạo quả:

                    “Thấy một đàng thẳng bẳng mà mê,

                     Ôi chừng đó mới là mầu nhiệm”.

                                                (Giác Mê TK, Q.4)

          Và:     “Nếu đã tỉnh tâm tầm lẽ thẳng,

                    Cũng nên rèn tánh gặp đàng ngay”.

          -Qua cặp luận (5 và 6), có ý dạy: Sân hận và mê si là hai điều ác của ý nghiệp và nó cũng là hai món phiền não căn bản: “Giận mất khôn”. Chính nó khiến con người hay gây thù kết oán, vay trả ràng buộc lưu truyền, khó thoát vòng sanh tử. Bằng ai biết nhẫn nhục, từ bi, buông xả hết oán ân phiền não, tức tâm trí luôn được an tịnh dứt nghiệp luân hồi, thong dong trên đường giải thoát:

                   “Sân si phỏng có điều thêm bận,

                   Nhẫn nhịn ắt không chuyện kéo dài”.

          Hai câu kết (7 và 8) Đức Thầy kêu gọi những ai còn mê đắm trong bể hồng trần hãy sớm giác tỉnh quay về nẻo Đạo. Đồng thời lo trang bị cho mình có đủ phương tiện hầu thoát ly cảnh trần ai sầu khổ:

                    “Tiếng gọi hồn mê hồn được giác,

                     Phải toan sắm sửa rứt trần ai”.

ĐẠI Ý : (Tóm tắt bài 3)

          Chữ tài thường gặp chữ tai”, đó là định luật trong đời, ít ai tránh khỏi. Đức Thầy kêu gọi khách trần sớm thức tỉnh nương về nẻo Đạo, tu rèn tâm trí diệt sạch lòng mê si thù hận, nhẫn nhục từ bi để dứt nghiệp trái oan hầu bước lên bờ giác, vượt khỏi vòng trần ai sầu khổ.

 

CHÚ THÍCH

          NÀN TAI: Gặp nhiều tai nạn, gian lao vất vả.

          TRỤY LẠC: Sa ngã vào chỗ thấp hèn, trà đình tửu điếm, tiêm nhiễm tửu, sắc, tài, khí:

                   “Gặp hồi trụy lạc đạo càng xa”.

                                                (Nghĩ việc huyền ca)

          PHONG TRẦN: Gió bụi. Ý chỉ cõi đời đầy nhớp nhơ, gian lao vất vả:“Đã đày vào kiếp phong trần”.(Tr.Kiều) Đức Thầy cũng từng bảo:

                 “Kẻo kiếp phong trần vày gió dạn sương”.

          CHỐN GỐC GAI: Nơi có nhiều gian lao khổ sở, cạm bẫy chông gai, ai vướng vào khó gỡ ra:

                   “Đường gai gốc thiên sơn vạn hải”.

                                      (Xuân hạ tác cuồng thơ)

          TỈNH TÂM: Lòng thức tỉnh sáng suốt, hết mê lầm.

          TẦM LẼ THẲNG: Tìm ra giáo pháp  đúng chơn lý mà nương theo

          RÈN TÁNH: Sửa đổi tâm tánh cho được sáng suốt thuần chánh không còn nghĩ tưởng việc quấy ác tà vạy. Đức Thầy từng khuyên:

“Tu rèn tâm trí cho mình,

Tánh kia thành kiếng phỉ tình chùi lau”.

          GẶP ĐÀNG NGAY: Thấu đạt được con đường Đạo đức chơn chánh.

          SÂN SI: Sân hận và mê si, hai điều ác trong ý nghiệp, cũng là hai món phiền não trong ngũ độn sử. Sân si còn có nghĩa tánh hay giận hờn cãi vã, cưu thù kết oán.

          PHỎNG CÓ: Sẽ có, ắt có.

          NHẪN NHỊN: Nhịn nhục trước sự khó khăn thử thách, nín lặng khi đối cảnh hơn thua, cãi vã, chưởi mắng để đem lại sự hoà khí an vui. Đây là phương cách trừ tính nóng giận:

      Và nhẫn nhịn đừng ham tranh luận”.(Kh/thiện, Q.5)

          HỒN MÊ: Tinh thần mê muội, tối tăm lầm lạc. Chỉ cho các giới chúng sanh.

          GIÁC: Tỉnh ngộ sáng suốt, hết mê lầm. Giác đồng nghĩa với trí tuệ và Phật: “Phật là giác giả, giác giả là tỉnh giả”.( Đức Thầy) Giác là từ đối vơi mê. Giác là Phật là giải thoát an vui, mê là chúng sanh, là luân hồi sanh tử.

 

CHÁNH VĂN (Bài 4)

“Trần-ai chỉ có thú phong-lưu,

Tranh-đấu thành ra mãi oán cừu.

Công cuộc chỉ mang câu thất vọng,

28.-   Xong đời ghi chặt mối sầu ưu.

Cổ kim máy tạo nhiều huyền-bí,

Lão ấu xây vần lắm mẹo mưu.

Cũng chẳng cướp xong quyền võ-trụ,

32.-   Mà còn đeo đắm thú phong-lưu”.

 

LƯỢC GIẢI

          Bài thi thứ tư của Tỉnh Bạn Trần Gian, gồm có 4 đoạn. Đoạn 1 qua hai câu mở đề (1 và 2), ý nói người sống trong cõi trần, phần đông ai cũng xem sự cao sang sung sướng là hơn hết, nên họ lo đấu tranh giành giựt lẫn nhau, nhưng suốt cưộc đời đâu chẳng ra đâu, lại còn vướng lấy hận thù, hết kiếp nầy sang kiếp khác:

                   “Trần ai chỉ có thú phong lưu,

                     Tranh đấu thành ra mãi oán cừu”.

                                           (Tỉnh bạn Trần gian)

          -Đoạn 2 (3 và 4) nhận rằng sự đấu tranh trả thù kết oán ấy mấy ai được toại nguyện mà chỉ thấy thất vọng là nhiều. Mãi đến ngày giã biệt cõi đời vẫn còn ôm theo một khối sầu lo hận tủi:

                    “Chung cuộc chỉ mang câu thất vọng,

                     Xong đời ghi chất mối sầu ưu”.

          -Đến cặp trạng (5 và 6). Xưa nay luật xay vần của tạo hóa rất sâu mầu khó tả. Còn sự tính toan, mưu xảo của con người cũng chẳng vừa. Họ dùng đủ kế sách gian ngoa để đạt được kỳ vọng, song ngày kết cuộc đâu chẳng ra đâu:

                   “Cổ kim máy tạo nhiều huyền bí,

                     Lão ấu xây vần lắm mẹo mưu”.

          -Đoạn bốn 2 câu kết (7 và 8) ý cho biết dù loài người có trăm mưu ngàn kế cũng không thể chinh phục được thiên nhiên vũ trụ hay đảo ngược định nghiệp “Thành, Trụ, Hoại, Không”. Thế mà họ vẫn còn mê đắm những trò phong lưu ảo ảnh làm gì ?

                   “Cũng chẳng cướp xong quyền võ trụ,

                     Mà còn đeo đắm thú phong lưu”.

ĐẠI Ý: (Tóm tắt bài 4)

          -Nhân loại sống trên cõi đời vì muốn chiếm hữu sự cao sang quyền quí mà phải đấu tranh gây thù kết oán, để ngày chung cuộc cũng không một ai đạt được kỳ vọng, lại còn ôm mối hận sầu miên viễn. Luật tạo hoá tuy vô hình, nhưng rất công minh thực thể, không một chúng nhân nào làm ngược lại. Thế, người đời sao chẳng sớm thức thời lánh xa tuồng huyễn hóa ?

 

CHÚ THÍCH:

          PHONG LƯU: Hào hoa phong nhã. Nghĩa bóng chỉ người hay chơi bời phóng túng . Thú phong lưu là thú ăn chơi trụy lạc: “Bình Khang là xóm phong lưu”. (CT)

          TRANH ĐẤU: Cũng gọi là đấu tranh, có nghĩa là giành giựt tranh chiến với nhau, giữa hai người, hai phe nhóm hoặc hai nước để giành giựt quyền lợi về mình.

          OÁN CỪU: Cũng gọi là cừu oán. Có nghĩa giận ghét, thù hằn với nhau.

          THẤT VỌNG: Điều mong muốn mơ ước không thành.

          SẦU ƯU: Buồn rầu lo lắng.

          CỔ KIM: Xưa và nay.

          MÁY TẠO: Cơ trời, luật tạo hóa. Đức Thầy có câu: “Huyền cơ máy tạo xây vần”.

          Hoặc là:

                “Quyết xây máy tạo gánh gồng chưa yên”.

                                                          (Tự Thán)

          HUYỀN BÍ: Huyền diệu sâu kín:

             Ta ra sức viết câu huyền bí”.(Giác Mê TK, Q.4)

          LÃO ẤU: Già trẻ, nam nữ.

          VÕ TRỤ: Cũng viết là vũ trụ. Khắp cả không gian và suốt thời gian. Nói chung là chỉ trời đất, tinh tú và vạn vật. Đức Thầy có câu: “Cả vũ trụ khắp cùng vạn vật”.

 

CHÁNH VĂN (Bài 5)

“Phong-lưu nào phải gọi người ngoan,

Sa ngã biến nên kẻ khốn nàn.

Ngày đến, đến đi đâu kéo ngược,

36.-   Năm về, về mãi chẳng ngừng ngang.

Tuổi già thân yếu đa sầu cảm,

Tóc bạc mình ve lắm rộn-ràng.

Biết được trần-gian là mộng huyễn,

40.-   Tử thần sửa soạn kéo vào quan”.

 

LƯỢC GIẢI

          Bài Tỉnh Bạn Trần Gian 5, qua hai câu mở đề (1 và 2) ý cho biết con người ở đời, sống với nếp sống cao sang quyền quí cũng chưa phải là người khôn ngoan tài trí, vì thường bị sa ngã vào vòng trụy lạc, gây tạo nhiều tội lỗi, rồi vương lấy tai nàn thống khổ:

“Phong lưu nào phải gọi người ngoan,

Sa ngã biến nên kẻ khốn nàn”.

          -Đến cặp trạng (3 và 4), ngày giờ đến rồi đi và đi luôn mãi không bao giờ đảo ngược, thời gian xoay chuyển cũng thế, tuy thấy rất chậm, song vẫn vận hành theo định luật chớ không khi nào dừng lại:

                    “Ngày đến, đến đi đâu kéo ngược,

                   Năm về, về mãi chẳng ngừng ngang”.

          -Hai câu luận (5 và 6) ý nói mỗi người sanh ra thì lớn, lớn tất phải già. Cái thân già nua tất phải đau yếu và hay nóng nảy sanh sự hờn duyên tủi phận, ít khi nào được yên vui thư thái. Lại thêm xác thể của người già thì tóc bạc, răng long, lưng cong gối mỏi, thân hình gầy ốm, thường hay gặp nhiều việc bận rộn, khó khăn:

                   “Tuổi gìa thân yếu đa sầu cảm,

                     Tóc bạc mình ve lắm rộn ràng”.

          -Đến hai câu kết đề (7 và 8) mỗi chúng sanh có mặt trong cõi trần là do nghiệp mê ràng buộc, rồi tham chấp xác thân nầy là thật, và vạn vật còn mãi trong thế gian. Chẳng ngờ nó thay đổi từ sát na, hết tuổi xuân xanh tới già nua cằn cổi, kế bịnh rồi chết mất. Một khi ta nhận ra kiếp người là ảo mộng thì lưỡi hái tử thần kề bên, và chiếc quan tài cũng chờ trực đưa ta về cõi chết:

                    “Biết được trần gian là mộng huyễn,

                     Tử thần sửa soạn kéo vào quan”.

ĐẠI Ý : (Tóm tắt bài 5)

          Tỉnh Bạn Trần Gian 5, ý nói con người vì ham sống lối phong lưu đài các, ăn chơi trác táng, rồi chịu vô vàn khổ nạn. Thời gian qua, qua mãi chẳng dừng và cái thân tứ đại của ta cũng biến đổi theo định luật sanh, già, bịnh, chết. Khi chúng ta nhận ra được thì quá muộn, bởi tử thần đã trực sẵn một bên.

 

CHÚ THÍCH

          SA NGÃ: Rơi rớt vào chỗ hư hỏng thấp hèn, ăn chơi trụy lạc.

          KHỐN NÀN: Cũng gọi là khốn nạn. Có nghĩa gặp tai nạn, khó khăn, khốn khổ…Ví dụ: Nên thương những kẻ khốn nàn.

          MÌNH VE: Thân gầy ốm, thon nhỏ lại.

          RỘN RÀNG: Bận rộn nhiều việc.

          TRẦN GIAN: (Xem CT lời tựa bài).

          MỘNG HUYỄN: Cũng gọi là mộng ảo. Mộng là giấc chiêm bao; Huyễn là giả dối không thật có. Ý nói kiếp sống con người, và mọi cảnh vật vinh sang phú quí đều là tạm giả, không bền chắc lâu dài. Ví như chiêm bao tối còn sáng mất. Kinh Quán Vô Lượng Thọ có câu: “Cả thảy sự vật trong đời dầu có rồi cũng mất, giống như giấc chiêm bao, không thật. Lại cũng như tiếng vội kêu lên rồi hết (Giác liễu nhất thiết pháp, du như mộng, như hưởng).

          Đức Thầy nay từng chỉ bảo (trong bài Cảm tác):                    “Gẫm cuộc thế chẳng qua tuồng mộng ảo”.

          Nên Ngài từng kêu gọi:

              “Dương gian mau tỉnh trong tràng mộng,

                 Tầm kiếm nơi nào Đạo siêu cao”.

                                      (Hai mươi tháng Chạp)

          TỬ THẦN: Thần chết. Vì cái chết làm cho con người mất mạng nên ai cũng ghê sợ, coi nó như vị thần đến bắt hồn, khiến cho xác thể phải chết. (tích “Trốn tử thần”)…

          Theo giáo lý nhà Phật chỉ có người tu hành khi chứng Đạo vào Niết Bàn, Cực lạc thì:

                   “Tử thần kia đấu dám bắt hồn,

         Thoát luân chuyển khỏi đeo khổ tử”.(Kh/thiện, Q.5)

          KÉO VÀO QUAN: Liệm vào quan tài, tức là cái hòm đựng xác người đã chết đem đi chôn.

          Thời xưa tại huyện Ngô, tỉnh Giang Tô (Tr. Hoa), có một ngôi chùa hiệu là Tô Châu, sư trụ trì là Viên Thủ Trung, đã tu hành lâu năm và chứng đạo.

          Bình nhựt, Sư thường bày trên án thư một cái quan tài bằng gỗ bạch đàn, dài độ 3 tấc, có nấp đậy mở được. Hôm nọ, có ông khách đến viếng chùa, thấy vậy liền cười, hỏi:

          - Sư chế ra cái nầy dùng để làm gì ?

          Sư ôn tồn đáp:

          - Con người có sống tức có chết, khi chết rồi phải vào ngay cái nầy. Tôi thật lấy làm lạ, người đời ai cũng chỉ biết lo sao cho mình chóng đạt phú quí, công danh, tài sắc…bao nhiêu thị hiếu lo buồn chi phối, thân tâm phải vất vả suốt đời, chẳng nghĩ đến cái chết là gì !

          Như tôi đây mỗi khi có việc không được như ý, tôi liền cầm lấy cái nầy mà ngắm, tức khắc tâm được yên ổn và muôn nghìn tư lự, buồn phiền đều tan sạch như hư không.

          Cái quan tài nhỏ nầy đủ thay cho lời giáo huấn và giới răn của bậc nghiêm sư. Chính nó là một tấm gương sáng, một bài học quí giá được được để ngay trước mặt, hai bên để nhắc nhở chúng ta vậy !

 

CHÁNH VĂN (Bài 6)

“Kéo vào quan-quách biết bao người,

Cảnh sống sum-vầy phỏng mấy mươi ?

Lắm lúc đua chen vui lẫn giận,

44.-   Nhiều khi vùng-vẫy khóc pha cười.

Tuồng đời chuốt-ngót cho xong chuyện,

Cuộc thế trau-giồi mượn tấc hơi.

Nín thở nằm ngay không cựa quậy,

48.-   Xót thương con trẻ khóc đôi lời”.

 

LƯỢC GIẢI

          -Bài Tỉnh Bạn Trần Gian 6, qua hai câu Khai đề (1 và 2), ý nói xưa nay nhân loại sống trong trần, sự an vui sum hiệp của mỗi gia đình chẳng được bao lâu rồi thì kẻ trước người sau, ai ai cũng phải đi vào cõi chết:

                    “Kéo vào quan quách biết bao người,

                   Cảnh sống sum vầy phỏng mấy mươi ?”.

          -Tới cặp trạng, qua hai câu (3 và 4), ý cho biết thời gian chung sống trong gia đình, giữa thân bằng quyến thuộc, cha con chồng vợ, bao cảnh vui buồn thương xót xảy ra, không một gia đình nào vượt khỏi:

                   “Lắm lúc đua chen vui lẫn giận,

                   Nhiều khi vùng vẫy khóc pha cười”.

          -Đến hai câu luận (5 và 6), kiếp sống của mỗi người chẳng khác nào một tuồng hát, luôn có sự tính toan lo nghĩ: Nào xoay trở làm sao cho mình có tiền của ruộng vườn, tước quyền danh vọng, nào trau giồi chưng diện, ăn sang mặt đẹp, con cháu đầy nhà. Sự hưởng thụ ấy chẳng qua là ta còn trong hơi thở, song một khi hơi thở dứt đi thì mọi việc đều thôi:

                   “Tuồng đời chuốt ngót cho xong tiếng,

                     Cuộc thế trau giồi mượn tấc hơi”.

          -Phần hai câu kết (7 và 8), ý nói lúc sống còn ai cũng lo tranh đấu mạnh được yếu thua, tham cầu bảo thủ những vật chất phù hoa. Một khi số vô thường gõ cửa thì mọi vật đều buông, chỉ còn nghe những tiếng nấc nghẹn của thân bằng quyến thuộc khóc than thương tiếc:

                   “Nín thở nằm ngay không cựa quậy,

                     Xót thương con trẻ khóc đôi lời”.

ĐẠI Ý: (Tóm tắt bài 6)

          -Bài Tỉnh Bạn Trần Gian 6, Đức Thầy diễn tả kiếp sống của nhân sanh, có mấy ai được an vui mãi mãi, chỉ thấy bao sự đau buồn giận tức bao vây dồn dập. Cho dù ta có ngôn ngữ khéo khôn hay chen lấn cho cuộc sống còn, nhưng đến khi trút hơi thở cuối cùng thì những cái gì có hình tướng đều tan biến, chỉ còn nghe những tiếng nấc than rên khóc của người thân.

 

CHÚ THÍCH

          QUAN QUÁCH: Quan là cái hòm lớn; Quách là cái hòm nhỏ. Nói chung quan hay quách cũng là cái hòm để liệm xác chết vào đó rồi khiêng đi chôn.

          CHUỐC NGÓT: Trau chuốc ngọt ngào. Đây chỉ lời nói khéo léo. Khiến người dễ cảm và tin tưởng.

          MƯỢN TẤC HƠI: Hơi thở rất ngắn ngủi yếu ớt. Người ta nhờ hơi thở mà sống.

          Xưa, có lần Đức Phật hỏi chư đệ tử:

          - Kiếp sống của con người là bao lâu ?

          Vị thứ nhứt đứng lên bạch:

          - Theo con nghĩ kiếp sống của con người rất ngắn ngủi, chừng một năm thôi.

          Phật đáp:

          - Hiểu vậy chưa đúng !

          Vị thứ nhì nói kiếp sống của mỗi người chỉ như một ngày thôi ! Bạch Phật.

          Tới vị đệ tử thứ ba đứng lên nói:

          - Bạch Đức Thế Tôn theo con nghĩ kiếp sống của mỗi người chỉ qua một hơi thở thôi. Vì còn thở là sống mà hết thở là chết.

          Phật gật đầu đồng ý với vị thứ ba và nói tiếp:

          - Đúng thế, vậy các ông rán hành đạo kịp trước khi chết.

          Cũng theo ý nầy, nay Đức Giáo Chủ PGHH khuyên các tín đồ:

“Phải rán tu đặng mà chết,

Chớ đừng để chết đếm mà chẳng có tu”.

                                                   (Tư Tưởng)

          KHÔNG CỰA QUẬY: Nằm yên không động đậy, nhúc nhích. Đây chỉ cho người chết.

 

CHÁNH VĂN (Bài 7)

“Đôi lời kể lại nỗi hàn huyên,

Ma lớn chay to phí lắm tiền.

Tưởng vậy xác thân đa hạnh-phúc,

52.-   Nào hay hồn-phách lắm oan-khiên.

Thiên-đường siêu-thoát thời thong-thả,

Địa-ngục trầm-luân ắt đảo-điên.

Nên chọn một nơi thanh-tịnh ấy,

56.-   Rứt trần bất nhiễm mới là yên”.

 

LƯỢC GIẢI

          -Bài Tỉnh Bạn Trần Gian 7, qua hai câu đề (1 và 2) thông thường trong gia đình nếu có một người chết thì thân quyến, con cháu khóc than kể lể thảm thiết. Việc tang ma họ tổ chức tiệc lễ linh đình, sát sanh hại vật cúng tế; làm thế, thêm tổn phí tiền của, chớ không đem lại lợi ích gì:

                   “Đôi lời kể lại nỗi hàn huyên,

                     Ma lớn chay to phí lắm tiền”.

          -Đến 2 câu trạng (3 và 4) người ta quan niệm việc tổ chức đám tang long trọng là được xóm làng khen ngợi, gia tộc vinh vang. Nào ngờ làm như thế, chẳng những tốn hao tiền của mê tín dị đoan, lại còn khiến cho người chết mang nghiệp sát hại mà phải luân chuyển báo đền kiếp nầy sang kiếp khác:

                   “Tưởng vậy xác thân đa hạnh phúc,

                     Nào hay hồn phách lắm oan khiên”.

                                        (Chuyện Mục đồng cho trâu ăn cỏ)

          -Phần cặp luận (5 và 6) Đức Thầy phân tách hai cảnh giới Thiên đường và Địa ngục, nếu ai biết giác ngộ tu hành thương người mến vật, bố thí phóng sanh, tránh nghiệp sát hại; khi chết được siêu thoát lên thiên đường hưởng sự tiêu diêu khoái lạc. Còn kẻ nào mãi mê tín, sát sanh hại vật cúng tế người quá vãng, tất bị nghiệp báo sa đọa vào cảnh giới địa ngục chịu hành phạt vô cùng khổ sở:                   “Thiên đường siêu thoát thời thong thả,

                     Địa ngục trầm luân ắt đảo điên”.

          -Đến hai câu kết (7 và 8) Đức Giáo Chủ khuyến tấn hành giả nên chọn con đường hành thiện, tránh ác để được siêu thoát về thiên đường hưởng cảnh trong sạch an vui. Đồng thời tránh xa con đường địa ngục bằng cách ngăn chừa các nghiệp ác, dứt sạch lòng đắm nhiễm hồng trần:

                   “Cư trần bất nhiễm là người Thánh,

                     Lẫn tục đừng mê chứng bậc hiền”.

          Và: “Nên chọn một nơi thanh tịnh ấy,

                   Rứt trần bất nhiễm mới là yên”.

ĐẠI Ý : (Tóm tắt bài 7)

          Bài Tỉnh Bạn Trần Gian 7 Đức Thầy khuyên: Khi gia đình có người từ trần, không nên than khóc kể lể hay bày tiệc linh đình. Vì làm thế chẳng có ích chi, lại còn khiến cho người chết phải mang thêm nghiệp quả. Hãy nhận rõ Địa ngục là nơi đầy khổ não, đen tối cần nên xa lánh. Còn Thiên Đường là nơi siêu thoát thong dong, nhà tu nên chọn nơi cao khiết đó mà tiến thân.

 

CHÚ THÍCH

          HÀN HUYÊN: Ấm và lạnh, tức lời hỏi thăm sức khỏe và sự làm ăn sanh sống. Câu “…kể lại nỗi hàn huyên”, có nghĩa vừa khóc vừa kể việc người chết lúc còn sống đối với mình.

          MA LỚN CHAY TO: Tổ chức cuộc tang ma long trọng. Từ xưa các nhà giàu sang, khi trong nhà có người chết họ tổ chức đám tang rất rình rang, như: sát giết bò heo đãi đằng cúng tế, trống kèn lễ nhạc, mời thỉnh các thầy chưng bông (?) tụng kinh cầu siêu, hát Phật hoặc đốt giấy tiền vàng bạc, xá phướn lầu kho…Xét ra các tục lễ ấy không có ích chi và cũng chẳng đúng chơn lý của Đạo Phật.

          HẠNH PHÚC: Được vận may phúc tốt, mọi việc đưa đến như ý. Chính hạnh phúc là cái tốt lành trong luân lý và lý tưởng của Đạo đức. Cổ thi có câu: “Tìm chơn hạnh phúc thoát đường trái oan”. Đức Thầy nay cũng nói:

                    “Biết làm sao gieo đạo khắp đại đồng,

                    Đưa nhơn loại đi vào vòng hạnh phúc”.

                                                (Không buồn ngủ)

          HỒN PHÁCH: Phần khôn biết của con người. Lão Giáo và Khổng Giáo gọi là hồn phách hay là hồn vía. Phật Giáo gọi là thần thức, hữu hay ấm. Người ta thường nói “bay hồn khiếp vía” hay hồn bay phách tán.

          OAN KHIÊN: Mối thù từ kiếp trước kéo tới kiếp nầy, có khi phải tới kiếp sau nữa. Ý nói nếu ta giết hại người hay sanh vật đều bị nghiệp quả báo đền. Đức Thầy bảo:

“Ta bà thật cảnh ưu phiền,

            Duyên trần cấu kết oan khiên báo đền”.(Hoài cổ)

          THIÊN ĐƯỜNG: Đường về cõi Trời hay cảnh Tiên, đối với Trần gian hay Địa ngục. Thiên đường ở đây chỉ cảnh siêu thoát. Đức Thầy có câu:

“Lam kiều hữu lộ vắng hoe,

Ngục môn không cửa mà hè nhau đi”.

                                              (Để chơn đất Bắc)

          ĐỊA NGỤC: Có rất nhiều nghĩa:

          1.-Bất lạc, bất khả lạc. Ấy là nơi chẳng vui, chẳng có thể vui được, vì có đủ mọi thứ khổ.

          2.-Bất khả cứu tế: Không thể cứu cho thoát khỏi, vì cảm ứng cái việc đã làm.

          3.- Âm minh: Nơi tối tăm, chúng sanh ở cảnh ấy không hề nghe biết đạo lý, chánh pháp.

           4.- Địa ngục: Cảnh ngục thất, cảnh hành hạ ở dưới đất.

          Địa ngục là một trong sáu nẻo luân hồi, là một trong lục thú. Vị trí của nó hoặc ở dưới đất, hoặc ở kẹt núi, hoặc theo sông rạch, có khi ở biển giã hay đồng nội.

          Người bị đọa vào địa ngục là lúc sống phạm các tội nặng như 10 điều ác hoặc ngũ nghịch.

          TRẦM LUÂN: Chìm đắm trong sáu nẻo luân hồi.

          RỨT TRẦN: Buông bỏ hết nghiệp duyên trần cấu trong cõi trần, như lục trần, lục dục.

          BẤT NHIỄM: Chẳng còn ô nhiễm tửu, sắc, tài, khí hay các vật chất: Danh, lợi, tình…

 

CHÁNH VĂN (Bài 8)

 

“Mới là yên-ổn lánh trần-gian,

Chí nguyện tiêu-diêu cảnh Phật-đàng.

Diệu-pháp chuyển thân vô sự thế,

60.-   Huyền-thông hóa-kiếp chẳng lo toan.

Tâm linh mắt thánh xem ba cõi,

Tánh hiển tai thần lóng bốn phang.

Phổ-tế chúng sanh qua bể khổ,

64.-   Di-Đà miệng niệm lánh trần-gian”.

 

LƯỢC GIẢI

          Bài Tỉnh Bạn Trần Gian 8, qua hai câu mở đề (1 và 2) có liên quan với bài trước. Ý nói người tu được siêu thoát về cảnh Tiên Phật mới được yên vui tự tại. Song muốn thành đạt phải lập chí lập nguyện sâu dầy, bền chắc mới mong kết quả:

                    “Mới là yên ổn lánh trần gian,

                   Chí nguyện tiêu diêu cảnh Phật đàng”.

          -Qua hai cặp trạng, hai câu (3 và 4) Đức Thầy kêu gọi hành giả cần nương theo giáo pháp cao sâu huyền diệu của Tổ Thầy đã đạy, sửa đổi thân tâm chúng sanh trở thành Phật Thánh, tức tâm trí chẳng còn vướng bận việc thế trần. Và chuyển hóa kiếp sống phàm phu trần trược pháp thân thường trụ, lòng dứt sạch phiền não tính toan, tức biển tâm thanh tịnh mà an trụ nơi tịch tịnh Niết Bàn:               “Diệu pháp chuyển thân vô sự thế,

                   Huyền thông hóa kiếp chẳng lo toan”.

          -Đến 2 câu luận (5 và 6) ý dạy khi người tu chuyển hóa thân tâm phàm phu ra Phật Thánh đặng rồi sẽ đắc được 6 pháp thần thông, tức mắt thấy suốt ba cõi sáu đường không một vật nào ngăn che. Và tai nghe suốt các thứ tiếng của muôn loài khắp bốn phương thế giới, không sót một tiếng động nào:

                    “Tâm linh mắt thánh xem ba cõi,

                   Tánh hiển tai thần lóng bốn phang”.

          Đến hai câu kết đề (7 và 8), theo Đức Thầy dạy người tu phải trải qua ba giai đoạn: Tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn. Nên khi hành giả đạt thông huyền diệu thì có trách nhiệm phổ độ các giới chúng sanh giác ngộ tu hành. Vậy chúng sanh nào muốn vượt khỏi bể trần thống khổ, hãy sớm chuyên tâm niệm Phật làm lành tất được kết quả:

                    “Phổ tế chúng sanh qua bể khổ,

                   Di Đà miệng niệm lánh trần gian’.

ĐẠI Ý (Tóm tắt bài 8)

          Nội dung bài Tỉnh Bạn Trần Gian 8, Đức Thầy kêu gọi hành giả nào muốn tiến đến cảnh an vui tịch tịnh của Tiên Phật, trước hết phải nương giáo pháp để chuyển hóa thân tâm từ phàm phu ra thân Phật Thánh, chuyển phiền não thành Bồ Đề, chuyển mê ra giác tất được 6 pháp thần thông. Song đó là phương pháp tự lực cứu cánh (Thiền tông), Đức Thầy còn dạy thêm pháp tu tha lực cứu cánh, tức là pháp làm lành niệm Phật để nhờ tha lực của Phật A Di Đà tiếp độ mình thoát khỏi luân hồi sanh tử một cách trọn vẹn.

CHÚ THÍCH

          CHÍ NGUYỆN: Ý muốn và chí quyết định làm một việc gì cho được kết quả. Đây là một trong ba đức tánh: Tín, Nguyện, Hành. Người tu phải có chí nguyện bền bỉ và cương quyết cho đến ngày thành công, chẳng để một trở ngại nào làm lay chuyển sự tu của mình, Đức Thầy hằng khuyên: “Trên dưới một lòng chí nguyện tu”.

          TIÊU DIÊU: Cũng viết là tiêu dao, có nghĩa thong thả tự tại, không gì ràng buộc được. Đức Thầy cho biết:

“Tiêu diêu đạo đức luận bàn,

                   Vân du võ trụ thanh nhàn biết bao”.(Hoài cổ)

          CẢNH PHẬT ĐƯỜNG: Nhà Phật, cõi Phật hay xứ Phật. Đây chỉ cảnh Niết Bàn hay Cực Lạc.

          DIỆU PHÁP: Pháp môn mầu nhiệm, tối thắng, không thể suy xét bàn luận cùng tột được. Đây cũng là phù hợp với tên bộ kinh “Diệu pháp Liên Hoa”. Sự mầu nhiệm ấy tạm chia làm hai phần:

          a)-Diệu Pháp Thuyền: Diệu pháp ví như chiếc thuyền, có diệu năng đưa chúng sanh ra khỏi biển khổ sanh tử.

          b)-Diệu Pháp Đăng: Diệu pháp ví như ánh đèn soi sáng thế gian khỏi bị hắc ám. Đức Giáo Chủ đã bảo:

                   “Diệu huyền chơn lý noi đường sáng”.

                                                (Tỉnh bạn Trần gian)

          CHUYỂN THÂN: Tu tập chuyển xác thân ảo ảnh trở thành chơn thật. Pháp Bảo Đàn kinh có dạy cách chuyển thân:

          Chuyển bát thức thành tứ trí và chuyển tứ trí thành tam thân, như: Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, thức. Năm thức nầy chuyển thành “Trí thành sở tác”. Còn Ý thức chuyển thành “Trí diệu quan sát”. “Mạt na Thức” chuyển thành “Bình đẳng trí”. “A Lại Da Thức” (hàm tàng) chuyển thành “Đại viên cảnh trí”.

           Rồi dùng “Trí thành sở tác” và “Trí diệu quan sát” chuyển thành “Thiên bá ức hóa thân”. “Trí bình đẳng” chuyển thành “Viên mãn báo thân”. “Trí đại viên cảnh” chuyển thành “Thanh tịnh pháp thân”. Đức Thầy nay cũng dạy:

Tính xong món nợ lần khân,

   Thoát vòng cương tỏa pháp thân nhẹ nhàng”.(Hoài cổ)

          VÔ SỰ THẾ: Chẳng còn ô nhiễm chứa chấp việc thế tục. Đức Thầy từng dạy: Người niệm Phật muốn chứng thành Phật quả thì: “Chẳng còn vướng víu chi cuộc lợi danh tài sắc, nhìn cõi đời chẳng bao giờ sanh lòng luyến ái”.

            HUYỀN THÔNG: Sự thần thông huyền diệu. Chỉ cho 6 phép thần thông, như lời Đức Thầy:

“Ngày nào đắc được lục thông,

Vớt hồn cha mẹ Tổ tông bảy đời”.

          HÓA KIẾP: Đổi kiếp sống phàm phu trở thành Phật Thánh, đúng theo lời Đức Thầy đã dạy: “Thiền định đặt làm thể, trí tuệ đặt làm mạng, linh hồn nhập liên hoa siêu sanh vào cõi Niết bàn”.

           Hoặc là:

                   “Cư trần bất nhiễm là người Thánh,

                     Lẫn tục đừng mê chứng bậc hiền”.

                                                (Luận việc tu hành)

          Cũng như Ngài Trần Huyền Trang khi sắp thấu đạt Tam tàng Kinh điển tức phải bỏ thân phàm tục chỉ còn Phật thân…

          HẾT LO TOAN: Không còn bị phiền não (tham, sân, si) làm bận rộn tâm trí.

          TÂM LINH: Tâm trí linh diệu sáng suốt, tức chỉ cái chơn tâm diệu minh sẵn có của mỗi người. Đức Thầy có câu: “Nếu ai biết sửa tâm linh mới mầu”.(SG, Q.3)

          MẮT THÁNH: Cặp mắt của người tu khi chứng từ Thánh quả A La Hán trở lên, tức đắc lục thông, ở đây chỉ đề cập phần Nhãn thông. Mắt thấu suốt Mười phương, ba cõi, không vật nào ngăn che được. Đức Thầy cho biết:

                   “Cặp mắt Thánh dòm xem tứ hải,

                 Thương hồng trần muợn xác tái sanh”.

                                                (Diệu pháp QM)

          BA CÕI: Nghĩa của chữ Tam giới, tức Dục giới, sắc giới và vô sắc giới.

          TÁNH HIỂN: Nghĩa của chữ kiến tánh; chỉ cho người tu khi kiến diện chơn tánh hay chứng quả Phật.

          TAI THẦN: Nghĩa của chữ Thiên nhĩ Thông, tức tai nghe hết các tiếng muôn loài và khắp mười phương rất rõ ràng, không hề thiếu sót.

          BỐN PHANG: Bốn phương hướng, ở đây chỉ cho khắp cả võ trụ vạn hữu.

          PHỔ TẾ: Phổ độ và cứu tế. Nghĩa của chữ Bồ Tát. Là bậc có lòng từ bi đem mọi vật sở hữu cứu giúp và phổ độ khắp chúng sanh, khiến họ được lợi ích an vui và giác ngộ tu hành. Do câu: “Bồ giả phổ giả, tát giả tế giả. Cứu nhơn chi cấp, tế nhơn chi nguy, nãi thị Bồ Tát”. Đức Thầy có câu (trong bài “Say”):

                   “Say đạo huyền vi nước tịnh dương,

                     Say câu bồ tát rưới cho thường”.

          BỂ KHỔ: Sự khổ của chúng sanh sống trong cõi Ta bà rất nhiều, mênh mông như bể cả. Câu qua bể khổ có nghĩa vượt khỏi cảnh trần khổ trong cõi Ta bà. Đức Thầy từng khuyên:

                   Trong biển khổ mau mau tránh khổ,

                      Rán tầm vào đến chỗ an cư”.(Thiên lý ca)

          DI ĐÀ MIỆNG NIỆM: Trì niệm sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”(Tu theo pháp môn Tịnh độ).

 

CHÁNH VĂN (Bài 9)

“Trần-gian khói lửa với đao binh,

Chư Phật sớm bày phép hiển-linh.

Cứu khổ nam-mô vô lượng phước,

68.-   Diệt nàn tu-rị hữu thiên kinh.

Sóng xao dương-thế nhiều cay đắng,

Gió cuốn trần-gian nỗi bất bình.

Tín-nữ thiện-nam gìn mối đạo,

72.-   Dầu cho lăn-lóc rán kiên-trinh”.

 

LƯỢC GIẢI

          Bài Tỉnh Bạn Trần Gian 9, qua hai câu mở đề (1 và  2) Đức Thầy cho biết hiện tình khắp cõi trần đang gặp khổ nạn đao binh nước lửa dồn tấp. Ngài cũng như chư Phật vì lòng từ bi mới lâm phàm khai Đạo, dùng mọi phương tiện khéo mầu để giải khổ cho cả chúng sanh:

                   “Trần gian khói lửa với đao binh,

                     Chư Phật sớm bày phép hiển linh”.

          -Đến hai câu trạng (3 và 4) Đức Giáo Chủ dạy: Với thời Hạ nguơn mạt pháp, pháp môn niệm Phật là mầu diệu hơn hết. Chỉ có sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật, nếu ai cố gắng trì hành tất được thoát khổ, tiêu tan mọi tai nạn và được vô lượng phước đức. Từ xưa, trong ngàn kinh muôn sách, cũng đều dạy như thế:

                   “Cứu khổ Nam mô vô lượng phước,

                     Diệt nàn tu rị hữu thiên kinh”.

          Tới cặp luận (5 và 6) Ý cho biết từ nay diễn tiến đến ngày chung cuộc, chúng sanh phải đương đầu với bao điều đắng cay khổ nạn bao việc lấn áp bất bình, dù thiên tai hay nhân tạo đều do nghiệp quả của chúng sanh gieo rắc giờ đây phải thụ hưởng;

                    “Sóng xao dương thế nhiều cay đắng,

                     Gió cuốn trần gian nỗi bất bình”.

          Đến hai câu kết đề (7 và 8) Đức Thầy kêu gọi thiện nam tín nữ trên đường tu tiến phải nhất tâm gìn tròn mối Đạo. Dù gặp nhiều gian lao khổ khó, tai nạn dập dồn hay lắm chông gai thử thách; nhà tu cũng rán kiên tâm nhẫn nhục vượt qua để gìn tròn tiết tháo đối với đạo pháp và Thầy Tổ:

                   “Tín nữ thiện nam gìn mối đạo,

                     Dù cho lăn lóc rán kiên trinh”.

ĐẠI Ý : (Tóm tắt bài 9)

          Bài Tỉnh Bạn Trần Gian 9, Đức Giáo Chủ PGHH cho biết: Bởi nghiệp tham sân, sát hại của chúng sanh gây tạo từ trước. Giờ đây phải gặt lấy quả thiên tai địa ách, nước lửa đao binh. Vì lòng từ bi thấy chúng sanh đang lâm vào cảnh khổ, Đức Thầy chuyển thân độ thế. Ngài truyền dạy pháp tu niệm Phật, là pháp tu huyền diệu, tối thắng, nếu ai trì hành tất trả được nghiệp cũ, vừa tạo được vô lượng phước đức vừa bước sang bờ giải thoát.

          Song từ đây đến ngày kết cuộc, nhà tu phải đương đầu với bao tai biến hãi hùng, chông gai thử thách. Hành giả cần kiên tâm nhẫn nại, vững chí vượt qua mới đạt thành ý nguyện:

“Mang giày nhẫn nhục leo chong,

Mặc y tinh tấn, đeo cung đại hùng”.(TS)

          Có thế hành giả mới hái lấy quả tốt lành của Đạo.

 

CHÚ THÍCH

          HIỂN LINH: Pháp hiển linh là pháp mầu diệu, linh hiển và dễ tu dễ chứng đắc.

          NAM MÔ: Do Phạn ngữ Namal. Phiên âm là Nam mô. Tàu dịch là qui mạng và cứu ngã, tức lòng mình rất tôn kính nương theo Đức Phật và cầu Ngài cứu độ. Nên chữ Nam mô cũng có nghĩa như chữ qui y, Đức Thầy thường dạy:

“Nam mô Thích Ca Như lai,

Ta Bà Giáo chủ xin Ngài chứng minh”.

                                      (Khuyến thiện, Q.5)

          VÔ LƯỢNG PHƯỚC: Phước đức không thể đếm lường được. Ý nói người chí tâm niệm Phật và hành thiện, tránh ác bố thí giúp đời vô trụ tướng thì đặng gặp kết quả vô lượng phước đức:

“Giúp đời đừng đợi trả ơn,

            Miễn tròn bổn phận hay hơn bạc vàng”.(SG, Q.3)

          DIỆT NÀN: Dứt hết tai nạn thống khổ.

          TU RỊ: Vốn rút một câu trong kinh Phật mà các nhà tu hằng niệm. Tụng cho đủ là “tu tu rị” hoặc “tu đa rị”. Nó có hiệu lực làm tiêu tan mọi tai nàn thống khổ. Đây là một câu chú thường tụng trong kinh Phật.

          TÍN NỮ: Phạn ngữ là Upâsika, phiên âm là Ưu Bà Di, dịch là Cận sự nữ. Có nghĩa những người nữ thọ pháp Tam qui Ngũ giới, tu hạnh tại gia, thường thân cận các tự viện lễ Phật nghe Kinh và ủng hộ Tam Bảo.

          THIỆN NAM: Phạn ngữ là Upâraka, phiên âm là Ưu Bà Tắt, Tàu dịch là Cận sự nam. Có nghĩa giới nam thọ Tam qui Ngũ giới, thường thân cận các chùa lễ Phật, nghe Pháp và ủng hộ Tam Bảo.

          KIÊN TRINH: Kiên là giữ vững; Trinh là trong sạch. Nghĩa chung là giữ vững lòng trong sạch trước sau như một.

CHÁNH VĂN (Bài 10)

“Kiên-trinh mà chịu lúc nàn tai,

Dầu có gian-nan dạ chớ nài.

Vàng đá bao phen cơn nước lửa,

76.-   Chì thau lắm chuyện lúc non hài.

Bền gan chờ đợi ngày sum hiệp,

Gắng chí trông mong bữa tiệc khai.

Thiên địa tuần-huờn gom một mối,

80.-   Phàm-trần vẹn kiếp kiến Bồng-Lai”.

 

Nhà thương Chợ-Quán, tháng chạp năm Canh-Thìn.

 

LƯỢC GIẢI

          Bài Tỉnh Bạn Trần Gian 10, qua hai câu khai đề (1 và 2) Đức Thầy khuyến tấn: Trên đưòng tu tiến dù gặp lắm gian lao khổ nạn, hành giả chẳng nài hà nao núng, lúc nào cũng kiên chí vượt qua:

                   “Kiên trinh mà chịu lúc nàn tai,

                     Dẫu có gian nan dạ chớ nài”.

          Đến hai câu trạng (3 và 4) ý nói vàng và đá là hai vật cứng, tốt có giá trị cao, dầu đem ngâm nước hay để vào lửa đốt bao nhiêu lần cũng không phai màu, đổi chất. Dụ cho người tu có lòng trung kiên tiết hạnh, dù gặp hoàn cảnh trái nghịch cũng chẳng thay lòng đổi ý.

          Còn chì và thau là hai vật yếu mềm, dễ bị hỏng và hư móp, dụ cho hành giả đường tu còn non yếu nên dễ thay lòng đổi dạ hoặc thối chuyển:

                   “Vàng đá bao phen cơn nước lửa,

                     Chì thau lắm chuyện lúc non hài”.

          Tới cặp luận (5 và 6) ý muốn dạy nhà tu hãy mạnh tin nơi định luật bi, hoan, ly, hiệp, để kiên gan bền chí trên đưòng tu học cho đến ngày tớ Thầy tôi chúa cùng sum hiệp:

                   “Bền gan chờ đợi ngày sum hiệp,

                     Gắng chí trông mong bữa tiệc khai”.

          Đến hai câu (7 và 8) ý dạy rằng vạn pháp trong thế gian đều diễn biến theo định luật “Thiên địa tuần huờn châu nhi phục thỉ” và kiếp sống của nhân loại trong cõi hồng trần, nếu ai biết tu sửa cho tròn đạo nghĩa, tất đến ngày kết cuộc sẽ kiến diện cảnh Bồng lai tại thế:

                   “Thiên địa tuần huờn gom một mối,

                     Phàm trần vẹn kiếp kiến Bồng lai”.

ĐẠI Ý: (Tóm tắt bài 10)

          Nội dung bài thứ 10, Đức Thầy dạy môn đồ trên đường tu tiến, dù gặp nhiều gian lao thử thách chúng ta cũng vẫn kiên tâm nhẫn nại vượt qua, rèn luyện cho mình có một tấm lòng vàng son sắt đá, một chí khí kiên cường để:                 “Ngóng trông chờ vận thời đưa đến,

                   Đặng chung cùng một tiệc quỳnh tương”.

                                                (Nang thơ cẩm tú)

          Chính đó là ngày:

                   “Bốn biển một nhà Cha, Phật, Thánh”.

                                                (Nang thơ cẩm tú)

          Hoặc là:

                   “Khắp hết thế gian thoát chốn tù”.

          Và cũng là ngày:

                   “Bồng lai tại thế non dường sánh”.

 

CHÚ THÍCH

          NÀN TAI: Cũng viết là tai nàn, tức gặp cảnh nguy hiểm khổ khó.

          GIAN NAN: Khó khăn khốn khổ.

          CHỚ NÀI: Cũng gọi là chẳng nài hay không nài, đừng ngại. Ví dụ: Dù gặp khổ cũng chẳng nài hà.

          VÀNG ĐÁ: Hai vật cứng chắc lâu bền, dù đem ngâm nước bỏ vào lửa đốt bao lâu, khi đem ra thì vàng là vàng, đá là đá. Ý chỉ người tu có lòng bền chắc trước sau như một, không thay lòng đổi dạ.

          BAO PHEN: Nhiều lần.

          CHÌ THAU: Hai chất mềm yếu dễ chảy, dễ tan và dễ phai lợt. Đây chỉ cho người tu chưa kinh nghiệm già dặn, còn non kém, nên khi gặp thử thách vội thối chí nản lòng.

          LẮM CHUYỆN: Nhiều việc xảy đến.

          NON HÀI: Yếu đuối nhỏ bé. Chỉ cho người còn non lòng nhẹ dạ, nên khi gặp cảnh khó khăn dễ sang thuyền đổi hướng.

          NGÀY SUM HIỆP: Buổi trùng phùng hội ngộ. Đây chỉ lúc người Pháp dời Đức Thầy đi khắp nơi, khiến tớ thầy xa cách; nhưng tin vào định luật hợp tan thì sớm muộn gì thầy trò cũng có ngày trùng phùng tái ngộ.

          BUỔI TIỆC KHAI: Ngày ca khúc khải hoàn, tức ngày mọi việc đều thành công kết quả, Đức Thầy có câu:

                   “Dân được vui nhờ lúc khải hoàn”.

                                                (Giác Mê TK, Q.4)

          THIÊN ĐỊA TUẦN HUỜN: Do câu: “Thiên địa tuần huờn châu nhi phục thỉ”.(Luật trời đất, hễ xoay giáp vòng thì trở lại mối đầu).

                  “Chờ thiên địa châu nhi phục thỉ,

                   Như đời xưa có gả Tử Phòng.

                   Xem thời cơ người đã rõ ong,

                   Dùng tôi thiểu mà an bá tánh”.

                                      (Giác Mê TK, Q.4)

          BỒNG LAI: Tên một hòn đảo ở biển Bột Hải. Các từ điển chép: Trong biển Bột Hải có ba hòn đảo.

          1.- Bồng Lai 2.- Phương Trượng. 3.- Doanh Châu. Nước ở biển nầy rất yếu, nhẹ (nhược thủy), cho đến lông chim rớt cũng chìm. Trong văn chương thường dùng “Non Bồng nước Nhược” để chỉ cảnh Tiên (cảnh tiêu diêu thoát tục) đối với cõi trần đầy tục lụy:

“Bầu trời man mác xa trông,

Đâu là nước nhược non bồng là đâu”. (CT)

          Đức Thầy từng nói:

                    “Bồng lai tại thế non dường sánh”.

          Hoặc là:

                   “Cảnh dương trần khó sánh Bồng lai,

                     Về tiên cảnh say mùi rượu thánh”.

                                                (Diệu pháp QM)

          Ba chữ kiến Bồng Lai ở đây có nghĩa thấy được cảnh Tiên. Ý chỉ cảnh Thượng ngươn thánh đức.

          VẸN KIẾP: Xử sự trọn vẹn trong kiếp sống. Cũng như chữ xong nợ thế.

                   “Nợ thế âu toan tròn nợ thế,

                   Đường tu sớm liệu vẹn đường tu”.

                                                (Tỉnh Giấc Mơ)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn