Bài 5.- Ông Lương Văn Tốt hỏi

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 35051)
Bài 5.- Ông Lương Văn Tốt hỏi

Ông Lương Văn Tốt là một cụ đồ ở kinh Đồng Tân xã Mỹ Hội Đông (Long Xuyên). Tuy là một nho gia nhưng ông rất ham mộ Phật pháp, nên có làm bài thi tứ cú đến chất vấn Đức Huỳnh Giáo Chủ. Hôm ấy khoảng cuối tháng 6 năm Kỷ Mão (1939).

          Đây là bài thi Ông Tốt hỏi:

 

CHÁNH VĂN

          1.-    “Mộ đạo ơn trên chưa hiệu danh,

                   Xin ông phân cạn chúng nghe rành.

                   Ba ngàn thế giới ai là chủ,

          4.-     Mở lượng từ bi dạy chúng sanh”.

 

LƯỢC Ý:

          Đại lược bài thi trên ông Tốt định hỏi Đức Thầy: Từ trước tới giờ lòng ông rất ham mộ đạo đức, nhưng chưa biết danh hiệu của Ngài. Và khắp ba ngàn thế giới ai là chủ. Vậy nhờ Ngài mở lòng từ bi giải bày cho tôi và bá tánh được rõ.

          Đức Giáo Chủ liền rút viết họa đáp bài thi trên và hỏi lại một bài tứ cú. Còn tặng thêm ông Tốt một đoạn giảng song thất lục bát biến thể, dài 26 câu.

          Đây là bài thi Đức Thầy đáp họa:

 

CHÁNH VĂN (Đức Thầy đáp)

          1.-    “Vưng lịnh Phật Tôn chưa hiệu danh,

                   Ngặt vì pháp luật khó phân rành.

                   Càn khôn muốn biết ai là chủ,

          4.-     Tu hành theo dõi đến mây xanh”.

 

LƯỢC GIẢI

          Nội dung bốn câu thi trên, Đức Giáo Chủ cho ông Tốt biết: Ngài vưng lịnh Đức Thế Tôn, tức Đức Thích Ca khai hóa đạo mầu, song chưa nói rõ danh hiệu, vì sống thời Pháp thuộc, họ dùng chánh sách bạo tàn đàn áp các tôn giáo, nên Ngài chưa nói rõ được. Vậy ông muốn biết ai là chủ trong trời đất, hãy rán tu hành cho thấu đạt lý chơn không, tức là cái chơn tâm diệu minh (không mà chẳng không của mình). Bởi nếu người còn đứng ngoài  ngưỡng cửa của đạo thì dù có giải bày thế nào, cũng không thấu hiểu được.

          Bài thi Đức Thầy hỏi lại ông Tốt:

 

CHÁNH VĂN

          1.-    “Vì sao thế giới lại ba ngàn ?

                   Học đã rành chưa đến hỏi han.

                   Đã lãm nho văn thì phải đối,

          4.-     Đáp lời cho vẹn kiến Tiên bang”.

 

LƯỢC GIẢI

          Bài thi trước Đức Thầy chỉ giải đáp ẩn ý. Bài thi nầy Ngài hỏi vặn lại: Tại sao gọi thế giới ba ngàn ? Nếu ông là người thông suốt nho văn, hãy đáp thử xem. Và nếu ông Tốt giải bày đúng, tất được thấy cảnh Phật Tiên trước mắt.

CHÚ THÍCH

          BA NGÀN THẾ GIỚI: Theo Phật học là nghĩa của chữ “Tam thiên đại thiên thế giới” tức là một thế giới lớn, như thế giới Ta bà nầy.

          1 ngàn Tiểu thiên thế giới (1.000) hiệp lại là một Trung thiên thế giới: (1.000.000).

          1 ngàn Trung thiên thế giới hiệp lại là một Đại thiên thế giới: (1.000.000.000).

          Thế thì một Tam thiên Đại thiên thế giới, hay là một Đại thiên thế giới gồm có 1 triệu thế giới nhỏ: (1.000.000.000).

          Để tỏ rõ hơn, xin ghi chép hình thức như sau: Một Tiểu thiên thế giới gồm có:

          1 Tu Di sơn; 1 mặt trời; 1 mặt trăng; 1 tứ châu thiên hạ, ở chung quanh núi Tu Di: Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hóa Châu, Nam Thiện Bộ Châu, Bắc Cu Lư Châu.

          Chúng ta ở vào Nam Thiện Bộ Châu. Trong đây gồm có 5 Châu nhỏ là: Á Châu, Âu Châu, Mỹ Châu, Úc Châu, Phi Châu. Người Việt Nam ta ở về Á Châu.

          Bên trên chúng ta còn có tam giới: Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới.

          Tạm ghi biểu đồ như sau:

A.- DỤC GIỚI:

      Gồm có 6 từng: 1.Tứ thiên vương (ở lưng chừng núi                                    Tu Di).

                              2. Đạo Lợi (Lỵ).

                              3. Dạ Ma.  

                              4. Đâu Xuất.

                              5. Hóa Lạc.

                              6. Tha Hóa Tự Tại.

B.-SẮC GIỚI:

     Gồm có 18 từng:

          -Nhứt thiền: 1. Phạm Chúng

                             2. Phạm Phụ.

                             3. Đại Phạm.

          -Nhị thiền:    4. Thiều Quang.

                             5. Vô Lượng Quang.

                             6. Quang Âm.

          -Tam thiền:  7. Thiểu Tịnh.

                             8. Vô Lượng Tịnh.

                             9. Biến Tịnh

          -Tứ thiền    10. Vô Vân.

                            11. Phước Sanh.

                            12. Quản Quả.

                            13. Vô Tưởng.

                            14. Vô Phiền.

                            15. Vô Nhiệt.

                            16. Thiện Kiến.

                            17. Thiện Hiện.

                            18. Sắc Cứu Cánh.

C.-VÔ SẮC GIỚI:

      Gồm 4 từng:    1. Không vô biên.

                             2. Thức vô biên.

                             3. Vô sở hữu.

                             4. Phi tưởng phi phi tưởng.

          PHẬT THẾ TÔN: Tức là Đức Thế Tôn. Ý chỉ bậc tu hành đã hoàn toàn giác ngộ, được mọi người trong thế gian và cả tam giới đều kính trọng tôn quí nên tôn xưng Ngài là Đức Thế Tôn hay Phật Thế Tôn. Đây là chỉ Đức Thích Ca Mâu Ni, do công năng hạnh đức tu hành và cứu độ vạn loại chúng sanh mà cả thế gian tôn xưng Ngài có đủ 10 hiệu Phật như sau :

          1.- Như Lai.

          2.- Ưng Cúng.

          3.- Chánh Biến Tri.

          4.- Minh Hạnh Túc.

          5.- Thiện Thệ.

          6.- Thế Gian Giải.           

          7. – Vô Thượng Sĩ.

          8.- Điều Ngự Trượng Phu.

          9.- Thiên Nhơn Sư.

          10. - Phật Thế Tôn.

          Ở đây Đức Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo trả lời cho ông Tốt biết, Ngài đã vưng lịnh Đức Thế Tôn lâm phàm khai hóa chúng sanh, chưa nói rõ danh hiệu:

“Lão đây vưng lịnh Phật Tôn,

Lãnh cân thưởng phạt chư môn dữ lành”.

                                                (Thiên lý ca)

          TỪ BI: (Xem CT chữ Từ bi: STTD, 406, cột 1 và 2).

          CÀN KHÔN: Càn là trời, khôn là đất; hai quẻ trong Bát quái (Càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đài) Càn khôn ở đây chỉ cho cả thế giới, hay cả vũ trụ vạn hữu. Đức Thầy (Giáo chủ PGHH) từng nói:

               “Cũng biết càn khôn vẫn một bầu,

                 Tây phương yêu chúng chẳng ngồi lâu”.

                                            (Đáp họa lời ông Tùng)

          ĐẾN MÂY XANH: Tận chân trời hay da trời, khi gặp trời quang mây tạnh, ta nhìn xa thẩm tận chân trời, chỉ thấy da trời một màu xanh biếc; nhưng dù ai đi mãi cũng không bao giờ tới hay rờ nắm được, vì nó vô hình. Nghĩa bóng là chỉ cái chơn tâm của mình, nó không có hình tướng sắc màu (chơn không) nhưng nó vẫn có (diệu hữu) và thông suốt vô cùng tận. Nếu ai tu hành thấu đạt chơn tâm hoặc lý sắc không mới biết được ai là chủ thể của càn khôn vũ trụ (vạn vật duy tâm tạo), nên Đức Thầy mới khuyên ông Tốt:

                “Càn khôn muốn biết ai là chủ,

                 Tu hành theo dõi đến mậy xanh”.

          NHO VĂN: Cũng gọi là văn nho, tức là văn chương chữ nghĩa của Nho Giáo:

                “Văn nho bàn luận nhiều ông lắc đầu”.

                                                (Để chơn đất Bắc).

          TƯỜNG LÃM: Xem biết rõ mọi việc, từng trải qua, từng hiểu qua, không thiếu sót.

“Chí tâm tường lãm thấp cao,

Dạy cho rõ biết Thiên Tào nơi đâu”.

                                         (Thiên lý ca)

           TIÊN BANG: Nước Tiên, cõi Tiên. Ý chỉ cõi đời Thượng Ngươn thánh đức tới đây, Đức Thầy nói:

                   “Cửa Tiên Bang hỡi còn khóa cổng”.

                                                (Nang thơ Cẩm tú)

          Và:     “Theo ta đến chốn Tiên bang,

                 Đặng coi các nước hội hàng năm non”.

                                                (Thiên lý ca)

          Tiếp đây là đoạn giảng Đức Thầy tặng thêm cho ông Tốt; gồm 26 câu chia làm 5 đoạn, thể song thất lục bát biến thể.

CHÁNH VĂN

1.-  “Đời văn vật say mê khổ thảm,

                   Người nào đà tường lãm nho văn.

Xưa nay mèo mã lung lăng,

4.- Làm cho quên mất đạo hằng Thánh Nhơn”.

 

CHÚ THÍCH

          Văn minh về vật chất, trái với văn minh tinh thần, từ ngày luồng văn minh vật chất của Âu Tây tràn vào xứ ta, họ bày những thói ăn chơi, xa hoa, trụy lạc làm cho dân ta mê say, rồi bỏ hết nề nếp tốt đẹp của ông cha ta từ trước:

               “Đời văn minh vật chất bỏ gương xưa.

                 Nghiệp tổ tiên con cháu giày bừa,

                 Học thói mới lăng loàn theo sở dục”.

                                              (Trao lời cùng ông Táo)

          MÈO MÃ: (Xem STTĐ, trang 229, cột 1và 2).

          ĐẠO HẰNG: (Xem chữ ĐHSTTĐ, trang 214, cột 1).

          THÁNH NHƠN: Cũng gọi là Thánh nhân. Đây chỉ cho Đức Khổng Tử và Mạnh Tử. Những người sáng lập nền Thánh Giáo (Nho).

 

LƯỢC GIẢI (Câu 1 tới câu 4)

          Đoạn nầy Đức Thầy nói rõ tâm lý người đời, vì mê say theo nền văn minh vật chất của Tây Âu mà phải đắm nhiễm trụy lạc, vội quên mất nền luân thường đạo lý của thánh hiền, đã dạy từ xưa, rồi phải chuốc lấy sự thảm khổ về sau.

CHÁNH VĂN

          5.-     “Nay gặp kẻ có cơn thức tỉnh,

                   Phận làm người thủng thỉnh sửa sang.

                   Tay xuống bút nói lan chuyện thế,

                   Bày đạo mầu cứu tế nhơn sanh.

                        Kìa kìa các bực công khanh,

          10.-Miễu son tạc để đành rành chẳng sai”.

 

CHÚ THÍCH

          KẺ CÓ CƠN: Người không bình thường, khi vầy khi khác. Ở đây Đức Thầy tự xưng hay giả dạng để đánh lạc hướng người Pháp:

“Ta khùng mà chẳng có cơn,

Cũng không có tánh giận hời bá gia”.

          Mà là: “Có cơn giả dạng dắt đời Hạ Ngươn”.

          CÔNG KHANH: Các quan chức cao cấp phò trong một trào vua thời trước (phong kiến) chia ra có nhiều bực: Công, Hầu, Bá, Tước, Tử, Nam. Văn chương thường dùng Công hầu khanh tướng, hay Tam công cửu khanh. Nhưng đời nhà Chu (Trung Quốc) dùng chữ Tam công là Thái Sư, Thái Phó, Thái Bảo. Cửu khanh là chín bực: Thiếu Sư, Thiếu Phó, Thiếu Bảo, Trung Tể, Tư Đồ, Tôn Bá, Tư Mã, Tư Khấu và Tư Không. Cung Oán ngâm khúc có câu: “Bả công danh lừa gả Công Khanh”. Trong tác phẩm “Để chơn đất Bắc”, Đức Thầy cũng viết:

“Kìa kìa các bực công khanh,

Miễu son tạc để đành rành chẳng sai”.

 

LƯỢC GIẢI

          Thời nay chúng ta rất may mắn được gặp Đức Giáo Chủ khai Đạo phổ độ nhân sanh. Vậy mỗi người cũng nên sớm thức tỉnh lo tu tròn đạo làm người là điều trước nhất.

          Xưa nay các bực Công Hầu Khanh Tướng đều nhờ hành tròn bổn phận, trung hiếu xong đền mà được miễu son tạc để, sách sử nêu ghi.

 

CHÁNH VĂN

          11.-   “Hỡi ai kẻ học hay lo liệu,

                   Rứt bụi trần bận bịu làm chi.

                         Làm cho rồi phận tu mi,

          14.-Sau nầy sẽ thấy ly kỳ Năm Non”.

 

CHÚ THÍCH

          BẬN BỊU: Vướng víu, lòng muốn rứt bỏ nhưng khó xa rời được.

          TU MI: Râu mày hay Mày râu. Đây chỉ cho hàng Nam nhi quân tử:

                   “Ai là người quân tử tu mi,

                   Phải sớm sửa thân mình cho vẹn”.

                                                         (Kệ Dân, Q.2)

          NĂM NON: (Xem từ NNSTTĐ, Q.1, trang 247, cột 2).

 

LƯỢC GIẢI

 (Từ câu 11 đến câu 14)

          Đức Thầy kêu gọi hàng Nho gia trí thức hãy sớm liệu xét, buông bỏ những gì trần tục, nhuốc nhơ để gìn tròn bổn phận nam nhi quân tử, tức sau nầy sẽ được kiến diện cảnh kỳ diệu tại vùng Năm Non Bảy Núi.

 

CHÁNH VĂN

          15.-   “Chừng bảy núi lầu son lộ vẻ,

                   Thì người già hóa trẻ dân ôi !

                         Tu hành ắt được thảnh thơi,

          Lại xem được Phật được Trời báu thai.

                   Thân hành đạo đắng cay phải chịu,

          20.-   Phận làm người phải liệu cho xong.

                          Cần chi gạn hỏi viễn vong,

          Làm người chưa vẹn mới hòng thảnh thơi”.

 

CHÚ THÍCH

          BẢY NÚI: (Xem từ BN trong STTĐ, trang 36, cột 2).

          GIÀ HÓA TRẺ: Theo cơ Sấm của BSKH, Đức Phật Thầy Tây An Và PGHH Đức Huỳnh Giáo Chủ thì đến ngày cùng cuối của thời Hạ Ngươn, chuyển sang thời Thượng Nguơn thánh đức. Bây giờ có cuộc hội của Trời Phật mở cơ chọn lọc hiền còn dữ mất, người già hóa trẻ. Như Ngài từng cho biết:

                   “Sau lập hội thì già hóa trẻ,

                   Khắp hoàn câu đổi xác thay hồn”.

                                                       (Kệ Dân, Q.2)

              Và:  “Lão giả hậu qui nhơn ấu giả”.

                                                   (Lộ chút cơ huyền)

          THÂN HÀNH ĐẠO: Nói cho đủ là “Lập thân hành đạo”(Xem từ LTHĐ, trong STTĐ, trang 195, cột 2).

          ĐẮNG CAY: Cũng gọi là cay đắng. Hai mùi trong ngũ vị tân (đắng, cay, chua, mặn, ngọt).Nghĩa bóng là chỉ cho lời nói gắt gỏng, nặng nề chê bai gièm siểm, làm cho người khó chịu chua xót. Ví dụ: Lời nói cay đắng lắm.

          Đức Thầy từng khuyên:

                   “Chịu cay đắng tu hành mới giỏi,

                    Ta thương đời len lỏi xuống trần”.

                                                (Giác mê Tâm kệ, Q.4)

              Và: “Cay đắng siểm gièm thân lão chịu,

                     Miễn đời thạnh trị hết cuồng ngông”.

                                                (Phòng vắng đêm khuya)

          VIỄN VONG: Xa vời, lòng dòng. Ví dụ: Nói xa xôi lòng dòng khó nghe.

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 15 đến câu 22)

          Đoạn nầy Đức Thầy cho biết trước, chừng nào miền Bảy Núi có đài lầu điện ngọc hiện ra thì người già trở lại trẻ. Hiện giờ nếu ai giác ngộ tu hành, sau nầy sẽ được thong thả an vui và còn kiến diện được Phật Trời trong ngày lập hội

          Trên đường tu tiến dầu có gặp cảnh gian nan khổ khó hay bị người đời gièm pha cay đắng mình cũng cố gắng chịu đựng vượt qua, miễn làm sao cho xong cái đạo làm người là tốt, Ngài cũng nói với ông Tốt khỏi cần phải thắc mắc xa vời, nếu đạo người chưa vẹn thì sau nầy ắt khó gặp ngày an vui thư thả.

 

CHÁNH VĂN

          23.-   “Nói nhiều lắm xe lơi tình nghĩa,

                    Chữ hiền lành trau trỉa cho xong.

                         Thấy đời trần hạ long đong,

          26.-   Chẳng lo khó thấy mây rồng hội kia”.

                                   (Hoà Hảo tháng 6 năm Kỷ Mão)

 

CHÚ THÍCH

          TÌNH NGHĨA: Cũng gọi là nghĩa tình. Có nghĩa tình cảm và ân nghĩa. Ý chỉ việc cư xử với nhau có ân nghĩa tốt đẹp và đúng đắng.

“Xử cho vẹn chữ nghĩa tình,

Vui lòng cha mẹ mà gìn gia cang”.

                                       (Sám Giảng, Q.3)

          LONG ĐONG: Vất vả, nay đây mai đó, nhiều rủi ro và số phận long đong.

          TRAU TRỈA: Cũng gọi là trau tria. Trau là giồi mài chải chuốc, đánh bóng. Trỉa là tỉa xén bớt. Chữ trau trỉa ở đây có nghĩa như chữ tu sửa.

          MÂY RỒNG: Nghĩa của chữ Long vân. Ý chỉ sự thi cử đỗ đạt, hay chúa tôi, Thầy Tớ đồng sum hợp, Sấm Giảng Q.1, Đức Thầy có câu:

“Chừng sau đến hội rồng mây,

Người đời mới biết Điên nầy là ai”.

 

LƯỢC GIẢI

(Từ câu 23 đến câu 26)

          Đoạn kết bài nầy Đức Thầy tặng ông Lương Văn Tốt. Ngài khuyên ông ít lời vắn tắt để tình nghĩa thầy trò càng thêm thắt chặt. Điều quan trọng là rán lo trau sửa cho thân tâm được hiền lành là cao qưí. Sống trong đời chẳng lúc nào yên. Nếu không lo tu hành tinh tấn ngày hội Long Vân tới đây ắt không dễ gì có mặt.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn