Bài 4.- BÁNH MÌ

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 41880)
Bài 4.- BÁNH MÌ

Xuất xứ:

          Khoảng thượng tuần tháng 6 năm Kỷ Mão (1939) sáng sớm, Đức Thầy đến thăm gia đình ông Nguyễn Duy Hinh, cách phía dưới Tổ Đình độ 300m. Gia đình ông Hinh có bà con với Ngài. Bấy giờ phía ngoài đường lộ có tiếng người rao bán bánh mì đi ngang. Tiếng rao nghe thảnh thót lọt vào tai mọi người. Đức Thầy liền tức cảnh viết hai bài thi: Một bài bát cú và một bài tứ cú.

          Chủ đích là Ngài nói lên tinh thần thương yêu nước non nòi giống.

          NỘI DUNG: Đại ý Đức Thầy mượn đề tài bánh mì để phê bình nền văn minh vật chất của Âu Tây. Họ chỉ tô vẽ cái nét đẹp hào nhoáng bên ngoài, chớ thực chất là thống trị dân tộc ta, khiến phải mất quyền tự chủ ngót 70 năm qua.

CHÁNH VĂN

          1.-    “Mì kia gốc phải nước mình không ?

                   Nghe thiếng rao mì thốt động lòng.

                   Chiếc bánh não nùng mùi khách lạ,

                   Bát cơm đau đớn máu cho ông.

                   Văn minh những vỏ trưng ba mặt,

                   Thấm thía tim gan ứa mấy dòng.

                   Nhớ lại bảy mươi năm trở ngược,

          8.-     Say mì lắm kẻ bán non sông”.

 

LƯỢC GIẢI

          Đại ý tám câu thi trên, khi Đức Thầy nghe tiếng người rao bánh mì mà kích động từ tâm: Đau xót cho dân tộc ta vì ham thích những gì mới lạ của ngoại bang mà vội quên đi tinh thần đạo đức cổ truyền.

          Bấy lâu vì quá mê nhiễm nền văn minh vật chất mà nhiều người cam tâm làm tay sai cho giặc Pháp, khiến dân tộc ta bị họ thống trị gần thế kỷ nay.

 

CHÚ THÍCH

          MÌ: Tức là bánh mì, một thứ bánh làm bằng bột mì, do lúa mì xay ra, gốc từ Tây Âu sản xuất. Nghĩa bóng: Chỉ cho các vật liệu văn minh của người Pháp.

          NÃO NÙNG: Cũng gọi là não nồng, hay não nề buồn bã áo não lắm: “Áo não tâm cang cảnh mộng sầu”. (Viếng làng Mỹ Hội Đông) (?) Và : “Thấy bá gia gặp lúc não nùng”.(Giác mê TK, Q.4)

          VĂN MINH: Văn là văn vẻ; minh là sáng sủa. Tức là cái văn vẻ sắc thái sáng sủa. Lối sinh hoạt của loài người khi đã tiến xa khỏi thời kỳ dã man và khi đã khai hóa đến chỗ sáng sủa. Nhưng chữ Văn minh ở đây là chỉ cho số người học đòi theo nếp sống mới của Âu Tây:

“Văn minh sửa mặt sửa mày,

Áo quần láng mướt ngày rày ăn chơi”.

          (Sám Giảng, Q.3)

          Hoặc là:

                   “Đời văn minh vật chất bỏ gương xưa.

                   Nghiệp tổ tiên con cháu cứ vày bừa,

                   Học thói mới lăng loàn theo sở dục”.

                                            (Trao lời cùng Ô. Táo)

          TRƯNG BA MẶT: Nền văn minh của Tây Âu quá chú trọng về vật chất, họ chỉ trưng bày ba mặt bên ngoài là : Khoa học, kinh tế và cơ khí; nhưng còn mặt bên trong là tinh thần đạo đức. Bởi thiếu mặt đạo đức làm nồng cốt nên họ đưa nhơn loại đi đến họa diệt vong.

          BẢY MƯƠI NĂM TRỞ NGƯỢC: Tính từ năm 1939 trở ngược về trước (1861-1862) quân đội Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông nước ta, rồi lấy luôn Nam kỳ lục tỉnh, tới nay là ngót 70 năm.

          SAY MÌ: Mê thích bánh mì. Ý chỉ sự mê đắm, say nghiện nền văn minh vật chất của Pháp.

          NON SÔNG: Cũng gọi là núi sông. Nghĩa của chữ Giang sơn. Bán non sông là bán nước.

 

BÁNH MÌ (Bài 2)

          9.-    “Khải hoàn dân chúng mới nhàn an,

                   Dân mảng còn mê giấc mộng tràng.

                   Thảm thê thế sự mùi cay đắng,

          12.-   Ta hỡi đau lòng khách ngoại bang”.

 

LƯỢC GIẢI

          Một quốc gia khi bị mất quyền tự chủ, dân chúng phải chịu cảnh điêu linh, đói đau giặc loạn, thật là thảm khổ vô ngần. Cho đến khi nào đất nước được phục hồi, dân chúng mới toại hưởng cảnh thái bình an lạc.

          Muốn được vậy, Đức Thầy kêu gọi mọi người sớm tỉnh cơn mộng huyễn hướng thiện tu hành được thoát ly cảnh khổ. Hiện giờ Ngài rất đau lòng khi thấy chúng dân nước ta còn bị người Pháp đô hộ.
Ý kiến bạn đọc
28 Tháng Mười 20127:00 SA
Khách
These pieces really set a standard in the industry.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn