CHÁNH VĂN
CHÁNH-NGỮ.- Lời nói chơn thật.
Lục-căn làm cho con người nhiễm lục-trần.
Vì muốn nuôi dưỡng xác thân nên mới sanh ra các điều ham-hố là nguồn cội các tội lỗi. Trong những tội lỗi ấy cũng có nghiệp chướng của miệng lưỡi: Lưỡng-thiệt: làm cho thiên hạ bất hoà nhau. Ỷ-ngôn: lời chưởi mắng kẻ dưới tay. Ác-khẩu: tiếng độc ác tục tằn, chưởi rủa Thần Thánh. Vọng-ngữ: nói láo, nói huyễn hoặc.
Hãy tập lời nói mình cho chân-chánh, đúng với sự thật; hãy bỏ hết những xảo ngôn tráo chác, những tiếng thô lỗ cộc cằn. Phàm những khi bàn luận việc chi phải nói tỏ tường ngay thẳng. Đối với kẻ dưới bề trên, lời nói phải cho hiền lương đức-hạnh, những sự khuyên dạy chỉ bảo kẻ khác làm theo lẽ phải đều có ích lợi cho chúng sanh và đều hạp với tinh-thần đạo-đức.
LƯỢC GIẢI
(Chánh thứ sáu trong Bát Chánh)
1- ĐỊNH NGHĨA:
-CHÁNH NGỮ: Lời nói chơn chánh thành thật.
-TÀ NGỮ: Lời nói xảo ngôn dối trá, tà vạy.
2- NGUYÊN NHÂN SANH TÀ NGỮ:
Người sống theo Tà ngữ vì muốn nuôi dưỡng xác thân, mới sanh ra các lời nói tà vạy. Chính nó là nguồn cội của các tội lỗi, nên gọi là nghiệp chướng của miệng lưỡi:
“Việc tráo chác ấy là nguồn cội,
Lời xảo ngôn đo đó mà ra”.( ĐT)
3- HÀNH TRẠNG:
Hành trạng của Tà ngữ có bốn phần:
“1- Lưỡng thiệt: làm cho thiên hạ bất hòa nhau.
2- Ỷ ngôn: lời chưởi mắng kẻ dưới tay.
3- Ác khẩu: tiếng độc ác tục tằn chưởi rủa thần thánh.
4- Vọng ngữ: nói láo, nói huyễn hoặc”.
4- TAI HẠI:
Người còn Tà ngữ tất còn vương mang các họa hại:
a)- Bị mọi người chán chê xa lánh.
b)- Chư Thiên và Thần Thánh không ủng hộ.
c)- Gây nhân luân hồi quả báo, từ đời nầy sang đời khác, rồi đời khác nữa.
5- HÀNH CHÁNH NGỮ:
Để thi hành Chánh ngữ, Đức Thầy dạy:
“Thứ sáu Chánh ngữ liệu toan,
Nói năng điều chánh thì an chớ gì”.
Hoặc là:
“Câu Chánh ngữ lòng son ghi tạc,
Tiếng luận bàn ngay ngắn tỏ tường.
Nói những điều đức hạnh hiền lương,
Chớ thêm bớt mà mang tội lỗi”.
Do đó, nhà tu phải chuyển đổi ngôn ngữ từ tà ra chánh:
a)- Hãy tập sửa lời nói mình cho được “chơn chánh đúng với sự thật”.
b)- Chừa bỏ những tiếng xảo ngôn tráo chác, thô lỗ, tục tằn.
c)- Khi bàn luận việc chi phải nói tỏ tường ngay thẳng.
d)- Nên khuyên “Kẻ khác làm theo lẽ phải, đều có ích lợi cho chúng sanh và đều hợp với tinh thần Đạo đức”.
6- LỢI ÍCH:
Khi hành được chánh ngữ hành giả sẽ đặng các điều lợi ích:
a)- Khẩu nghiệp thanh tịnh.
b)- Được mọi người tin tưởng nghe theo.
c)- Chư Thiên và Quỉ thần thường ủng hộ.(Xưa, có một nhà Sư đang ngồi thiền định, thấy 2 Sa di đang trò chuyện trước hành lang chùa, các Thiên thần kẻ quì, người ngồi chung quanh lắng nghe một cách cung kính. Lát sau, thấy họ phun nước miếng tỏ vẻ khinh bỉ rồi bỏ đi…Khi xuất định, Sư kêu hỏi: Lúc nãy 2 người nói chuyện gì thế ? Hai Sa di không dám dấu, vì biết Thầy đã đắc nhãn quan, nên nói thật: Lúc đầu chúng tôi thảo luận bài Giáo lý mà Thầy đã giảng hôm qua. Kế đó chúng tôi bàn về việc thế tục. Sư liền kể cho 2 đệ tử biết việc bị Chư Thần khinh bỉ, và khuyên: Từ đây hãy rán ngăn chừa tà ngữ mà phải luôn nói chánh ngữ.)
d)- Miệng lưỡi thơm tho, ngôn ngữ siêu thắng, thuyết phục được nhiều người hướng thiện.
7- KẾT LUẬN:
Tóm tắt ai hành được chánh ngữ, không còn bị quả báo về khẩu nghiệp. Thường nói lời hiền lành Đạo đức, đem lại sự lợi lạc cho mọi người, mọi giới và đường về Niết Bàn, Cực Lạc không còn bị chướng ngại.
CHÚ THÍCH TỪ NGỮ
LỤC TRẦN: (
NGHIỆP CHƯỚNG: (
ĐỨC HẠNH: Đức là tâm lành, từ bi và bình đẳng; Hạnh là nết tốt, cử chỉ đoan trang lễ phép. Đức Thầy dạy: “Tròn đức hạnh mới là báu quí”.
CÂU HỎI
1/-Hãy định nghĩa Chánh ngữ và Tà ngữ ?
2/-Nguyên nhân nào sanh ra Tà ngữ ?
3/-Hành trạng tà ngữ ra sao ?
4/-Người nói không chánh ngữ có tai hại gì ?
5/-Muốn được chánh ngữ phải làm sao ?
6/-Lợi ích của Chánh ngữ như thế nào ?
7/-Tóm tắt khi hành được chánh ngữ ra sao ?