5- Ỷ NGÔN

02 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 44365)
5- Ỷ NGÔN

CHÁNH VĂN

          Ỷ NGÔN.- Nói đến tội này tức là nói đến những vụ chủ ỷ quyền nhiếc xài tôi tớ, quan ỷ thế mắng chưởi (chửi) dân ngu. Kẻ giàu có thường ỷ tiền bạc xài xể người nghèo, kẻ xảo quyệt ỷ sự khôn lanh nói những điều thất thiệt, kẻ học thức ỷ sự khôn-ngoan dùng lời nói hạ-nhục người dốt nát.

          Hãy tránh những sự hiếp người như thế ấy, vì những kẻ dưới tay mình cũng có đầu óc, cũng biết nghĩ suy, nhưng tại họ bạc phước vô phần nên phải chịu lụy mình vậy. Nếu họ có lỗi lầm hãy dạy dỗ họ, dùng những cam ngôn mỹ từ, những lời trang nghiêm êm dịu chỉ bảo, không khá bao biếm mà mang điều tội-lỗi.

 

LƯỢC GIẢI

(Ác thứ nhì trong Khẩu nghiệp)

1- ĐỊNH NGHĨA:

          Ỷ ngôn cũng gọi là ỷ ngữ. Có nghĩa là ỷ thị và thêu dệt. Ý nói người cậy vào học thức, khôn lanh, quyền tước, giàu có mà nhiếc xài kẻ dưới tay, kém thế hoặc là dệt thêu xảo quyệt, khiến người hiểu sai sự thật. Hay trau chuốc lời lẽ hát ca tình tứ, làm mờ đục tâm trí kẻ khác.

2- NGUYÊN NHÂN:

          - Vì bảo thủ cái ta, lúc nào cũng xem ta là trọng, là xứng đáng hơn người, nên sanh ra lời lẽ ỷ ngôn.

3- SỰ TRẠNG:

          - Người ta thường ỷ vào quyền thế, tiền của, khôn lanh, học thức; khi thị kẻ thấp kém, ngu dốt một cách thậm tệ. Đức Thầy đã diễn tả:

                  “Ác thứ nhì ỷ ngôn chất chứa,

                   Đợi cho người lầm lỗi xéo vày.

                   Của tiền nhiều tự phụ rằng hay,

                   Chủ ỷ thế nhiếc xài kẻ dưới.

                   Lắc léo chi có ba tấc lưỡi,

                   Quan ỷ khôn mạt sát dân ngu.

                   Nghèo ỷ lanh láo xược lu bù,

                   Ôi ! thấy thế lòng đau tợ cắt”.

4- TAI HẠI:

          - Người phạm ác ỷ ngôn thường bị mọi người căm phẫn, thù hận, bạn thân xa lánh…Vua Tề thời Chiến Quốc ỷ quyền thế khinh khi Trường Vạn, nên bị Vạn đập cho một bàn cờ chết tốt.

          - Qua nhiều kiếp sau còn phải luân hồi trả quả, như xưa có một tiểu Tăng trẻ tuổi chê vị sư già tụng Kinh tiếng ồ ề giống tiếng chó sủa, sau bị đọa 500 kiếp làm chó…

5- CÁCH GIẢI TRỪ:

          - Muốn diệt trừ ác ỷ ngôn, ta phải tự xét kẻ dưới tay mình cũng có trí nghĩ suy, song tại phước mỏng nghiệp dày, nên họ phải chịu thấp kém hơn mình.

          - Thế nên ta có bổn phận thương yêu, dung thứ họ. Dùng lời ngọt dịu tốt lành chỉ bảo, không nên chê bai thêu dệt mà mang tội lỗi. Đức Thầy khuyên:

                   “Dùng từ ngôn nói tận đáy lòng,

                   Dầu trên dưới cũng không mấy khác.

                   Chúng vô phước đời nầy dốt nát,

                   Người khôn ngoan chỉ dẫn mới là.

                   Lời trang nghiêm êm ái thốt ra,

                   Đừng bao biếm mới là nhơn thiện”.

6- LỢI ÍCH:

          - Ai chừa được ác ỷ ngôn không còn bị kẻ khác thù oán, bất mãn.

          - Người trí đều khen ngợi và khỏi quả báo thấp hèn, nhơ xấu.

7- KẾT LUẬN:

          Đại để ỷ ngôn là lời nói vô cùng lợi hại. Nhà tu nên cương quyết trừ bỏ cho kỳ được; để khẩu nghiệp sớm thanh tịnh và an vui trên đường giải thoát.

 

CHÚ THÍCH

          XÀI XỈ: Mắng nhiếc thậm tệ.

          XẢO QUYỆT: Gian xảo dối trá.

          THẤT THIỆT: Không chơn thật.

          HỌC THỨC: Học lực và kiến thức. Chỉ cho người có học và hiểu biết nhiều.

          BẠC PHƯỚC VÔ PHẦN: Phước mỏng nên không có phần cao tốt bằng người.

          LỤY MÌNH: Hạ mình, chịu thấp kém hơn người.

          CAM NGÔN MỸ TỪ: Lời nói dịu ngọt tốt lành.

          TRANG NGHIÊM: Nghiêm chỉnh, đứng đắn, không vô lễ bỡn cợt.

          BAO BIẾM: Khen và chê. Ý nói khen chê nhạo báng.

CÂU HỎI

          1/-Chữ ỷ ngôn có nghĩa như thế nào ?

          2/-Do đâu người ta sanh ỷ ngôn ?

          3/-Hành trạng của ỷ ngôn ra sao ?

          4/-Người thường dùng ỷ ngôn có tai hại gì ?

          5/-Muốn chừa ỷ ngôn ta phải nhận xét thế nào ?

          6/-Phương cách trừ ỷ ngôn ra sao ?

          7/-Trừ ỷ ngôn xong, ta được lợi ích gì ?

          8/-Cho biết mục kết luận ác ỷ ngôn ?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn