CHÁNH VĂN (Từ câu 674 tới câu 762)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 36292)
CHÁNH VĂN (Từ câu 674 tới câu 762)

 675.-Câu Chánh-Ngữ lòng son ghi tạc,

Tiếng luận bàn ngay ngắn tỏ tường.

Nói những điều đức-hạnh hiền-lương,

678.-Chớ thêm bớt mà mang tội lỗi.

Việc tráo-chác ấy là nguồn cội,

Lời xảo ngôn do đó mà ra.

Kinh-nghiệm rồi Ta mới diễn ca,

682.-Câu Chánh-Niệm thiết-tha nhiều nỗi.

Khi cầu nguyện đừng cho phạm lỗi,

Phải làm tròn các việc vẹn toàn.

Dân chớ nên làm bướng làm càn,

686.-Trong lúc ấy niệm cho lấy có.

Mục Chánh-Định thiệt là rất khó,

Giữ tâm lòng bất động như như.

Cho hồn-linh yên-lặng an-cư,

690.-Thì mới được huờn-nguyên phản-bổn.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 675 đến câu 690)

          -Đức Thầy dạy cả môn đồ nên chạm khắc phần chánh ngữ vào tâm khảm của mình, để mỗi khi thốt ra lời chi đều được ngay chánh đúng với sự thật và nói toàn những việc đạo đức hiền từ, có ích lợi cho quần sanh. Hãy dứt bỏ các tiếng lừa dối, thêm bớt, những lời láo khoét huyễn hoặc, gây xáo trộn hoặc làm chướng tai kẻ khác, để mình chẳng còn vương mang tội lỗi về khẩu nghiệp. Đó là điều Đức Thầy đã thực nghiệm rồi, mới đem ra giáo hóa chúng sanh.

          -Đến phần Chánh Niệm, Ngài dạy nhà tu nên trừ sạch các niệm tưởng xấu xa tà mị, ích kỷ tổn nhơn mà phải luôn nhớ nghĩ đến việc chánh chơn cao khiết. Và mỗi khi lễ bái nguyện cầu, đều cần được thành tâm khẩn thiết, chẳng nên làm chiếu lệ cho qua thời.

          -Còn mục đích Chánh định, tuy thấy khó hành nhưng nó giúp cho hành giả được giải thoát rốt ráo hơn hết. Miễn là đối với vạn cảnh, vạn pháp tâm mình vẫn giữ như như bất động, chẳng hề khởi lòng phân biệt câu chấp hay thiên lệch, thủ xả. Bấy giờ tâm thần được an định mà trở về với chơn như thật tướng của mình, ấy gọi là chứng đắc Niết Bàn tịch tịnh.

CHÚ THÍCH

          CHÁNH NGỮ: Do Phạn ngữ Samyak Vae. Có nghĩa: lời nói chơn chánh thành thật, chẳng hề dùng tiếng: Lưỡng thiệt, ỷ ngôn, ác khẩu, vọng ngữ. Mỗi khi mở miệng đều nói những lời ngay chánh, dung hòa, chơn thật và trong sạch hiền từ; và còn dùng phương tiện lợi ích giáo hóa kẻ khác. Đây là một cách hành Đạo trong Bát Chánh Đạo mà bất luận kẻ tại gia hay xuất gia, tiểu thừa hay đại thừa đều phải giữ hạnh Chánh ngữ. Kinh Kim Cang, Phật có nói:“Như Lai thị chơn ngữ giả, bất dị ngữ giả”.(Lời nói của Như Lai là lời nói chơn thật, lời nói như một, không nói dối, không nói khác).

          Chánh ngữ còn là danh từ dịch nghĩa của phiên âm Át Bệ, tên của một trong năm vị Tỳ Kheo, được Đức Phật độ trước hết tại rừng Lộc Giả. Át Bệ là vị tăng sư rất đoan chánh trong mọi oai nghi, cử chỉ và ngôn ngữ. Chính vì nhờ cảm phục đức độ và ngôn hạnh của sư Át Bệ mà Ngài Xá Lợi Phất bỏ tà sư ngoại đạo, để đến qui y với Phật.

          GHI TẠC: Khắc chạm, in sâu vào trí nhớ:“Ghi lòng tạc dạ chớ quên”.(Cổ thi)

          ĐỨC HẠNH: (Xem CT câu 384, T-2, Q.2).

          TRÁO CHÁC: Lừa dối gạt gẫm, điêu ngoa xảo trá. Ví dụ: Con người đó tánh hay tráo chác lắm. Đức Thầy thường khuyên:“Nói với ai cũng phải lựa điều, Đừng tráo chác cho người khinh dễ”.(Kh/thiện, Q.5)

          XẢO NGÔN: (Xem CT câu 142, T-3, Q.4)

          KINH NGHIỆM: (Xem CT đoạn 1, bài Sứ Mạng).

          DIỄN CA: Cách trình bày, viết ra một vấn đề gì theo lối thi ca (điệu văn vần). Như “Việt Nam Quốc Sử diễn ca” chẳng hạn. Kinh giảng của Đức Thầy hiện nay, phần nhiều Ngài viết theo điệu thi ca (văn vần).

          CHÁNH NIỆM: Do Phạn ngữ Samyak-Snoti. Có nghĩa: Nhớ tưởng chơn chánh, nhứt tâm suy xét về chánh Đạo, nó có hiệu năng đối trị Tà niệm. Chánh Niệm là cách hành đạo thứ bảy trong Bát Chánh, người hành theo đây, tư tưởng trở nên chân chánh hiền lành, diệt sạch phiền não mà chứng Đạo giải thoát.

          CHÁNH ĐỊNH: Do Phạn ngữ Samyak-Samadhi. Có nghĩa suy gẫm chơn chánh (hiểu nghĩa cũng như chữ Thiền định). Người hành Chánh định diệt được vọng tưởng mê lầm, thấu đạt chơn lý của vạn pháp, đối trị được tà định. Chánh định là con đường giải thoát rốt ráo của Bát chánh Đạo. Song tùy theo công hạnh của mỗi hành giả mà sự chứng đắc có hai bực:

          1-Bực chứng đắc lần lần từ quả Tu Đà Hườn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán hay Duyên giác (phần Tiểu thừa).

          2-Bực chứng đắc từ quả vị trong thập địa của hạnh Bồ Tát cho đến quả rốt ráo của Phật Thế Tôn (phần Đại thừa).

          NHƯ NHƯ: Lý thể của Pháp tánh. Thể của nó vốn bình đẳng, chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng phải có, chẳng phải không. Đới với vạn pháp vạn cảnh đều xem như nhau, không nhiễm ô thiên chấp. Như như cũng có nghĩa là Trung đạo (đệ nhất nghĩa của Niết Bàn).

          Vô lượng Thọ Kinh, Phật có nói:“Các hàng Bồ Tát sanh qua cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà, hiểu rằng các pháp đều là như như”. Và trong Trung luận cũng chép:“Chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng thường cũng chẳng đoạn, chẳng một, cũng chẳng khác, chẳng lại, cũng chẳng đi.v.v…Những tướng, những pháp như vậy, tức là như như, cũng gọi là Như Lai”.

          Đức Thầy nay cũng có câu:

                   Cảnh như như chẳng có đổi thay,

         Không màng biết phân chia nhơn ngã”.(Kh/thiện, Q.5)

          AN CƯ: Ở yên. Đây chỉ cho người tu khi được trở về với Pháp thân thanh tịnh (Niết Bàn).

          HƯỜN NGUYÊN PHẢN BỔN: Trở lại nguồn gốc xưa, tức trở lại bản tánh Chơn Như của mình từ trước.

 

CHÁNH VĂN

691.-Tà với chánh còn đương trà-trộn,

Người muốn tu phải sớm lọc-lừa.

Tứ-Diệu-Đề ai có mến ưa,

694.-Thì Lão cũng kể sơ thêm nữa.

Chữ Tập-Đề nay đà mở cửa,

Để đem vào khuôn-khổ người hiền.

Rán cực lòng một bước đầu tiên,

698.-Sau mới được làm nên Phật-Thánh.

Về Thượng-Giái cõi Tiên mới bảnh,

Đến Diệt-Đề trừ vật-dục xưa.

Cõi hồng-trần các việc mến ưa,

702.-Sự giả tạm ta nên rứt bỏ.

Muốn tâm-tánh ngày kia sáng tỏ,

Thì Khổ-Đề phải chịu nhọc-nhành.

Lòng dục tu thì phải thiệt-hành,

706.-Chớ đừng có ham điều sung-sướng.

Đức Phật-Tổ nào đâu hẹp lượng,

Chịu nhọc-nhằn mới rõ Đạo-Đề.

Thấy một đàng thẳng-bẳng mà mê,

710.-Ôi chừng đó mới là mầu-nhiệm.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 691 đến câu 710)

          -Đoạn nầy Đức Giáo Chủ cho biết từ trước tới giờ đã có nhiều mối Đạo ra đời, song giữa tà chánh đang lộn lạo, khó mà phân biệt được. Vậy ai muốn tu hành cần phải lọc lừa cho kỹ, để:“Chọn nơi nào Đạo chánh phượng thờ, Thì mới được thân sau cao quí”.(Thức tỉnh một nữ Tín đồ) Còn người nào đã qui y Phật, nay muốn thực hiện theo pháp Tứ Diệu Đề, Đức Thầy cũng lược giải ra đây, để mỗi hành giả nghiệm xét và tu tập.

          -Thứ nhứt là Tập Đề: là khi đặt chân vào cửa Đạo, nhà tu cần khép mình trong khuôn khổ luật nghi và lo trau sửa thân tâm, cho đúng theo lời chỉ giáo của Tổ Thầy. Với công hạnh tu sửa nầy, dầu gặp nhiều khó khăn, chặt buộc, ta cũng phải cố gắng trì hành:

                   Qui y thì phải làm y,

          Giữ lòng thanh tịnh từ bi giúp đời”.

Có được vậy, sau nầy mới chứng quả Phật Thánh và siêu sanh về cảnh Niết Bàn cực lạc.

          -Thứ nhì là Diệt Đề: Có nghĩa đồng thời với sự khép mình vào qui điều giới luật, nhà tu phải cương quyết diệt trừ các tập nghiệp vô minh phiền não, như: tham, sân, si hay thất tình lục dục.v.v…những phiền não dục tình ấy đã kết thành ác nghiệp từ lũy kiếp, làm cho tâm trí mê mờ mà luân chuyển mãi trong sáu đường sanh tử, nên nay ta phải cố gắng tiêu trừ tận nguồn gốc của nó, mới mong kết quả.

          -Còn phần thứ ba là Khổ Đề: tức từ lâu ta đã quen theo việc làm quấy, nói quấy, tưởng quấy (tam nghiệp, thập ác). Giờ đây muốn đổi lại việc phải (thập thiện) là một điều rất khó. Ngoài việc khó nầy còn có bao nhiêu điều khó khác, khêu động, thử thách hoặc tai nạn, dễ làm cho lòng mình thối chuyển; song ta phải kiên nhẫn để lướt qua các trở ngại ấy, hầu tiến tới mục đích.

          -Thứ tư là Đạo Đề: Ý dạy rằng, đồng thời với sự kiên trì vượt qua mọi khó khăn thử thách ấy, ta phải thật tâm thành ý, tiến thẳng theo con đường Bát Chánh Đạo của Tổ Thầy đã vạch, tất được hốt ngộ chỗ quang minh vi diệu vô cùng, vô tận của Đạo tâm, ấy gọi là đắc thành Đạo quả.

 

CHÚ THÍCH

          TỨ DIỆU ĐỀ: Cũng gọi là Tứ Thánh Đế hay Tứ Chơn Đế, do Phạn ngữ Aryasatiâni hay Catvariaryasa. Có nghĩa: Bốn pháp thẩm xét mầu nhiệm chơn thật.

          Theo Kinh xưa thì Đức Phật đã thuyết pháp Tứ Diệu Đề cho năm anh em Kiều Trần Như nghe trước hết, bốn pháp ấy đại lược như sau:

          1-Khổ Đề: Gồm có các sự khổ trong đời (bát khổ).

          2-Tập Đề: Gồm có các tập nhơn (vô minh phiền não) sanh ra quả khổ.

          3-Đạo Đề: Phương pháp diệt khổ để hưởng quả Niết Bàn.

          4-Diệt Đề: Gồm có tám đường chánh (Bát chánh đạo).[Căn cứ bài “Sơ giải Tứ Diệu Đề” Đức Thầy có giải theo ý Đức Phật.]

          Còn căn cứ theo quyển “Giác Mê Tâm Kệ” nầy thì Đức Thầy lược giải Tứ Diệu Đề gồm có:

          1/-Tập Đề: Có nghĩa tập sửa mình đúng theo qui luật pháp giáo của Đạo.

          2/-Diệt Đề: Trừ diệt nghiệp nhân phiền não và lòng ham muốn vật chất, danh lợi tình.v.v…

          3/-Khổ Đề: Chịu khó tu hành cho kỳ được các qui điều pháp giáo và diệt trừ những phiền não dục tình như đã kể trên.

          4/-Đạo Đề: Thực hành theo con đường Bát chánh Đạo để hoàn thành đức giải thoát…

          Sở dĩ, giữa Tứ Diệu Đề của Đức Phật và của Đức Thầy giảng dạy, có thay đổi thứ tự và phương cách một vài chỗ; là vì thời chánh pháp Đức Phật phương tiện cho chúng sanh biết: các nỗi khổ hiện tại là do chúng sanh tạo nghiệp phiền não vô minh ở quá khứ. Bây giờ muốn khỏi các quả khổ ở vị lai thì phải diệt trừ các phiền não vô minh hiện tại, bằng cách hành đúng Đạo Bát Chánh, tất nhiên các nỗi khổ sau nầy sẽ dứt sạch và tự tại vào cõi Niết Bàn.

          Còn vào đời mạt pháp nầy Đức Thầy phương tiện cho chúng sanh biết: hiện kiếp ta phải tập làm các nhân lành, diệt trừ các nghiệp ác, và chịu khổ tu hành đừng thối chí, tất sẽ tỏ ngộ Đạo mầu, khỏi vòng sanh tử mà đến cõi giải thoát (Niết Bàn).

          Xem đây, thấy rằng hai cách giải bày Tứ Diệu Đề của Đức Phật và của Đức Thầy, chỉ khác nhau ở phương tiện sửa cho thích ứng với trình độ và căn cơ của chúng sanh, chớ chỗ qui túc cũng đồng mục đích giải khổ và thành Đạo như nhau.

          Khi nhận được chỗ tương đồng và phương tiện như thế, người tu Phật cần khảo nghiệm cả hai cách giải bày của Đức Phật và Đức Thầy để dung hội lại hầu thật hành cho đến khi nào đạt được Đạo quả vô thượng Đại Bồ Đề. Đức Thầy khuyên:

                   Câu Bát Chánh rán mài chạm dạ,

                     Tứ mục điều người khá hành y”.(Thiên lý ca)

          THƯỢNG GIÁI: Cõi trên, ý chỉ cõi siêu thoát, đối với hạ giái (cõi trần chúng ta đang ở).

          VẬT DỤC: (Xem CT đoạn 5, T-1, bài Sứ Mạng).

          SỰ GIẢ TẠM: Sự vật không thiệt, không bền chắc, chỉ có được thời gian rồi mất. Ý chỉ cho vạn vật trong thế gian, những cái gì thuộc về hình tướng, như: gia tài sự nghiệp, vợ đẹp con ngoan hay xác thân của ta, đều đi theo định luật “Thành, trụ, hoại, không”, chẳng có một vật nào giữ còn mãi mãi, nên gọi là giả tạm. Cổ nhân từng bảo:

                   Thương bấy người đời không vẫn không,

                     Ruộng vườn nhà cửa có như không.

                     Vợ con cha mẹ lâu rồi chết,

                     Danh lợi giàu sang rốt cuộc không.

                     Trăm khéo trăm khôn đều giả tạm,

                     Ngàn mưu ngàn kế cũng hườn không.

                     Suốt đời lo lắng gầy cơ nghiệp,

                     Nhắm mắt hai tay vẫn phủi không”.

          Kinh Kim Cang, Đức Phật đã dạy:

                   Nhất thiết hữu vi pháp,

                     Như mộng huyễn bào ảnh.

                     Như lộ, diệc như điển,

                     Ưng tác như thị quán”.

          Tạm dịch: - Phật rằng muôn pháp trong đời,

                     Ví như sương bọt giữa vời dễ tan.

                           Chiêm bao điện chớp tiếng vang,

                     Đến như thân xác hơi tàn còn đâu ?

          Đức Thầy nay hằng cho biết “…Cuộc đời là giả tạm, nay vầy mai khác, thân thế lạc luân, của cải gia tài như đám phù vân trước gió, nước bọt, mây bèo. Những cái sanh, cái bịnh, cái lão, cái tử được đặt lên cuộc đời của người nầy rồi đến người khác…rồi đến người khác nữa…”(Luận về Bát chánh - Chánh định)

            NHỌC NHÀNH: Cũng viết là nhọc nhằn. Có nghĩa vất vả, nhiều việc khó khăn cực nhọc:“Kẻ ăn người ở trong nhà, Sớm khuya công việc giúp ta nhọc nhằn”.(Ca dao)

 

CHÁNH VĂN

711.-Mùi đạo diệu chúng dân rán kiếm,

Trễ thời kỳ khó gặp đặng Ta.

Rồi hành luôn Bát-Nhẫn mới là,

Thì muôn việc đều an bá tuế. 

715.-Chữ thứ nhứt Nhẫn-Năng-Xử-Thế,

Là người hiền khó kiếm trong đời.

Lập thân danh tuần trải nơi nơi,

718.-Chờ thời-đại mới là khôn khéo.

Chữ Nhẫn-Giái trì tâm trong trẻo,

Khuyên dương-trần giữ phận làm đầu.

Nhẫn-Hương-Lân cùng khắp đâu đâu,

722.-Trên cùng dưới đều hòa ý hỉ.

Nhẫn-Phụ-Mẫu gọi trang hiền sĩ,

Phận xướng-tùy chồng vợ nhịn nhau.

Nhịn xóm-chòm cô bác mới cao,

726.-Nhẫn-Tâm nọ ngày ngày an-lạc.

Nhịn tất cả những người tuổi tác,

Nhẫn-Tánh lành yên-tịnh dài lâu.

Giữ một lòng hiền-hậu mới mầu,

Quanh năm cũng bảo toàn thân-thể.

730.-Chữ Nhẫn-Đức kể ra luôn thể,

Thì trong đời vạn sự bình an.

Chữ Nhẫn-Thành báu-quí hiển-vang,

734.-Khắp bá-tánh được câu hòa-nhã. 

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 711 đến câu 734)

          -Đoạn giảng trên, ý Đức Thầy kêu gọi toàn dân hãy rán tìm cho ra lý thâm huyền trong Đạo pháp hầu sớm lo tu sửa, nếu để trễ thời kỳ, ắt khó gặp đặng Ngài. Và sau khi thông hiểu được pháp Tứ Diệu Đề, cần phải hành thêm tám điều nhẫn nhịn, thì trên đường tu tiến sẽ được vững bền đến khi thành đạt mục đích.

          -Trước nhất, là mặt xử thế tiếp vật, ta phải biết nhẫn nhịn để đem lại sự hòa khí cùng mọi người, mọi giới trong xã hội. Cũng như bước lập thân hành Đạo ta cần phải biết tùy thời thích trung mà xử sự:“ Đấng nam nhi ẩn nhẫn tùy thời, Vậy mới gọi khôn ngoan hữu chí”.(Giác Mê TK, Q.4)

          -Còn sự nghiêm trì giới luật, dĩ nhiên là phải gặp nhiều khó khăn, nhưng lòng nhẫn nại sẽ giúp ta gìn giữ thân tâm sớm được trọn lành trọn sáng. Chính đó là bổn phận trước hết của nhà tu. Ngoài ra, còn việc giao tiếp với thôn xóm, ta phải dùng sự dung hòa đối xử với mọi người, khiến ai nấy đều được an vui, chẳng còn muốn gây thù kết oán với nhau nữa.

          -Phần trong gia đình đối với cha mẹ, phận làm con phải hết lòng tôn kính bảo dưỡng, đôi khi có bị rầy la xử ép cũng phải nhịn chịu để cha mẹ được vui lòng. Giữa cô bác, anh em, chồng vợ cần nhường nhịn lẫn nhau, hầu đem lại sự hòa vui hạnh phúc và luôn biết kính nhường, lễ độ đối với các bậc cao niên kỷ trưởng.

          -Về việc trau tâm sửa tánh muốn được an toàn vĩnh cửu, Đức Giáo Chủ dạy người tu cần có kiên trì trong công cuộc tẩy trừ vọng tâm phiền não. Từ lâu những sự nóng giận tham lam, gây thù kết oán đều phát xuất từ nơi đó và kết thành thói quen lâu đời. Nay muốn gội rửa tâm tánh cho được trong sạch, thì đức tánh kiên trì, nhẫn nại là một trong các phương tiện chính yếu sẽ giúp ta được an thân và thành công viên mãn.

          -Đến phần thứ bảy, Đức Thầy dạy nhà tu nên kiên nhẫn để rèn luyện các đức độ:“Từ bi, bác ái, dĩ đức háo sanh, khoan hồng đại độ” để đối với quần sanh và vạn loại. Dầu đặng vậy, nhưng lòng chẳng hề có ý nghĩ vui mừng, tự đắc…cón đức nhẫn thứ tám là khuyên hành giả phải nhịn chịu mọi sự khó khăn để hoàn thành tám điều nhẫn nhịn vừa kể trên, nhưng lòng không còn thấy có tu, có chứng. Nhờ đó, ta thể hiện được tình hòa hảo với mọi người chung quanh hầu cảm hóa họ hướng về nẻo Đạo và sớm đạt đến giác hạnh viên mãn.

 

CHÚ THÍCH

          BÁT NHẪN: Tám điều nhẫn nhịn, gồm có: Nhẫn năng xử thế, Nhẫn Giái, Nhẫn Hương lân, Nhẫn Phụ mẫu, Nhẫn tâm, Nhẫn tánh, Nhẫn đức, Nhẫn thành.

          Tám điều nhẫn nầy, khởi nguyên từ Đức Phật Thầy Tây An (1807-1856), Ngài viết ra trong một bài thi Bát cú bằng Hán văn để cho ông Đạo Thắng một đệ tử của Ngài gìn giữ và truyền lại cho con cháu. Đồng thời Đức Phật Thầy cũng mật ký thêm cho ông Đạo Thắng một bài thi khoán thủ bát cú, trong đó có tám chữ “Đạt Đạo, Ngao Du, Châu Di, Viễn Cận” đều thuộc về bộ Xước. Ngài còn dặn rằng: nếu sau nầy có ai viết được bài thi đúng y văn tự như vầy, đó là Ngài chuyển kiếp trở lại. Ông Đạo Thắng giữ kín bài thi ấy mãi, đến khi sắp từ trần mới truyền lại cho con ông, rồi con ông truyền lại cho cháu nội là Nguyễn Phước Còn ở xã Long Kiến, Chợ Mới (An Giang). Bài thi ấy coi như là vật gia bảo, ngoài ba người ấy, không hề có một ai được biết tới.

          Đến năm 1939, Đức Giáo Chủ khai sáng PGHH tại xã Hòa Hảo, quận Tân châu (Châu Đốc), thì ông Còn được chư thần kêu cho biết: Đức Phật Thầy đã tái sanh tại làng Hòa Hảo con của ông Cả Bộ. Kêu hai lần như vậy, ông Bảy Còn cũng chưa tin, đến lần thứ ba ông mới chịu ra đi.

          Đến nơi, vừa giáp mặt với Đức Thầy, Ngài liền ngó ngay ông Bảy Còn, nói:

          -Dữ hôn ! Đợi chư thần đòi ba lần ông mới chịu đi à ? Thôi, mời ông vào nhà !

          Nghe thế ông Còn cũng chưa tin thật. Đức Thầy liền bước lại bàn, viết hai bài thi bằng Hán văn nói trên đưa ra, ông Bảy Còn mới chịu nhìn nhận và qui phục. (Xem thêm quyển “Đức Huỳnh Giáo Chủ” của Vương Kim có kể rõ câu chuyện và hai bài thi cả văn Hán và Việt)

          Dưới đây là y văn bài thi Bát Nhẫn của Đức Thầy viết ra (dịch lại chữ Việt):

                   Nhẫn năng xử thế thị nhơn hiền,

                     Nhẫn giái kỳ tâm thận thủ tiên.

                     Nhẫn giả hương lân hòa ý hỉ,

                     Nhẫn hòa phu phụ thuận tình duyên.

                     Nhẫn tâm nhựt nhựt thường an lạc,

                     Nhẫn tánh niên niên đắc bảo truyền.

                     Nhẫn đức bình an tiêu vạn sự,

                     Nhẫn thành phú quới vĩnh miên miên”.

          BÁ TUẾ: Trăm tuổi (trăm năm). Ý chỉ thời gian lâu dài.

          NHẪN NĂNG XỬ THẾ: Đức nhẫn thường hay nhịn nhục, hầu đối xử với đời và nhẫn đợi thời cơ để làm nên danh phận của bực hiền nhơn.

          LẬP THÂN DANH: Gầy dựng thân danh cho mình do câu:“Lập thân hành Đạo dương danh ư hậu thế, Dĩ hiển kỳ Phụ Mẫu hiếu chi chung giả”.(Lập thân thi hành Đạo lý để danh thơm về sau, làm vẻ vang cha mẹ, ấy là điều sau cùng của Đạo hiếu). Đức Thầy cũng từng kêu gọi:

                   Cuộc biến động nay mai nguy ngập,

                     Một hội nầy rán lập thân danh”.

                                                (Để chơn đất Bắc)

          NHẪN GIÁI: Đức kiên nhẫn mọi sự khó khăn để giữ tròn giới luật.

          NHẪN HƯƠNG LÂN: Nhẫn nhịn đối với mọi người chung quanh để giữ được sự hòa khí trong thôn xóm.

          Ý HỈ: Vui và vừa ý tầt cả.

          NHẪN PHỤ MẪU: Đức nhẫn để trọn lòng hiếu kính đối với cha mẹ.

          XƯỚNG TÙY: Do câu “Phu xướng Phụ tùy”(chồng xướng lên thì vợ nghe theo). Đây ý nói về Đạo chồng vợ, cư xử với nhau rất hòa thuận. Đức Thầy có câu:“ Đạo chồng vợ thuận hòa cho đến thác”.(Không buồn ngủ)

          NHẪN TÂM: Đức nhẫn để diệt hết lòng dục vọng tham lam, để tâm được thanh tịnh an vui.

          AN LẠC: Bình yên vui vẻ.

          NHẪN TÁNH: Đức nhẫn nhịn để thay đổi tánh ý sân si, hung ác của chúng sanh, hầu được trở lại tánh hiền lành giác ngộ của Phật Thánh.

          YÊN TỊNH: Trong sạch yên lặng.

          BẢO TOÀN: Gìn giữ đâu đó được trọn vẹn lâu bền.

          NHẪN ĐỨC: Đức nhẫn rèn luyện cho mình có những đức độ: hiền hòa, từ bi cao cả và khi có được các hạnh đức đức ấy, lòng chẳng hề tự mãn hoặc khoe khoang đắc ý.

          NHẪN THÀNH: Đức nhẫn do sự thật tâm thành ý để viên mãn pháp Bát nhẫn mà tâm không còn thấy có chỗ được để tiến thẳng đến mức giải thoát, cứu cánh.

          HIỂN VANG: Cũng gọi là hiển vinh hay vinh hiển. Có nghĩa sang trọng vẻ vang.

          HÒA NHÃ: Ôn hòa nhã nhặn.

 

CHÁNH VĂN

735.-Câu Đạo-đức bay mùi thơm lạ,

Muốn nếm thì phải rán sưu tầm.

Các Đạo tà mưu khéo âm thầm,

738.-Dân rán tránh kẻo lâm mà khổ.

Chúng nó xuống khuyên-răn nhiều chỗ,

Dùng phép mầu loè mắt chúng-sanh.

Ai ham linh theo nó tập-tành,

742.-Sa cạm-bẫy khó mong sống sót. 

Ta chẳng phải dùng lời chuốt-ngót,

Mà làm cho dân-chúng say mê.

Nẻo chánh tà biện-luận nhiều bề,

746.-Cho bá-tánh tìm nơi cội-gốc.

Lựa cho phải kèo xưa danh mộc,

Đừng để lầm thợ khéo sơn da.

Thì sau này đến lúc phong-ba,

750.-Dông gió lớn cột kèo khỏi gãy.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 735 đến câu 750)

          -Đoạn nầy ý nói trong lời lẽ Đạo đức, vốn có mùi vị thơm tho ngào ngạt, không sao kể xiết “Tiếng lành như thể hương bay nực nồng”.(Cảm tác) Song ai muốn nếm được hương vị ấy cần phải chí tâm tìm hiểu và thực hành theo Kệ giảng chớ chẳng phải nhìn qua loa bên ngoài mà được. Đức Giáo Chủ còn cho biết: hiện nay có rất nhiều Tà đạo ra đời, mỗi người hãy nhận định cho sáng suốt để xa lánh, kẻo bị lạc lầm theo chúng mà phải mang khổ về sau:“ Đừng bạ đâu tin tưởng nghe càn, Làm ngu muội đọa thân uổng kiếp”.

          -Các tà Đạo xuất hiện nhiều nơi và dựng đặt nhiều lý thuyết, để cám dỗ nhân sanh. Ngoài ra, chúng còn bày vẽ: nào luyện bùa trao phép, ơn trên nhập xác, nào phong tước đặt tên, soi căn đoán tâm lý v.v...nếu ai ham linh thính hoặc còn mến tríu lợi danh, chạy theo tập tành với chúng, chẳng khác nào loài chim bị sa vào cạm bẫy, mong gì được thoát khổ.

          -Đức Thầy còn cho biết: Ở đây không phải Ngài dùng lời ngọt ngào, chuốt ngót để lôi kéo quần chúng về mình mà chỉ vì lòng từ bi, chẳng nỡ ngồi nhìn chúng sanh bị lạc vào tà Đạo, nên Ngài phải luận giải phân tách rõ ràng, để mỗi người nhận được đâu là tà ngụy mà xa lánh, và đâu là chơn lý giải khổ để nương theo, hầu trở về với gốc lành tự tánh của mình.

          -Vậy từ nay trở đi, ai muốn tu theo Đạo nào, trước hết phải cẩn thận dò xét về tôn chỉ, luật giới và mục đích của mối đạo ấy, xem họ sẽ đưa nhân loại đi đến đâu, và có đúng chân lý không ? Nhứt là phần hạnh đức, trí năng của kẻ hướng Đạo có xứng đáng cho ta tôn trọng làm Thầy hay không ? Nếu chánh lý ta sẽ nương theo, bằng họ chỉ tô phết một lớp sơn đạo đức bên ngoài, còn thực chất chẳng có đường lối rõ rệt thì ta nên xa lánh. Cũng ví như người muốn kiến tạo ngôi nhà, trước phải lựa thứ cây danh mộc (chắc chắn) để làm kèo cột mới bảo đảm lâu dài bởi các thứ cây đó mối mọt không thể ăn được và sau nầy dầu có gặp bão tố, nhà cũng không bị hư sập.

 

CHÚ THÍCH

          ĐẠO ĐỨC: (Xem CT câu 431, T-3, Q.4).

          SƯU TẦM: Tìm tòi lục kiếm để được thấu hiểu. Ví dụ: Sưu tầm kinh điển, sưu tầm tài liệu. Đức Thầy hằng khuyên trong bài “Tối mùng Một”:

                   Sớm tỉnh Kệ kinh tìm hiểu lý,

                     Một ngày hiệp mặt hết mờ lu”.

          ĐẠO TÀ: (Xem CT câu 77, T-2, Q.2).

          TẬP TÀNH: Học tập rèn luyện theo một cách thức gì, do người khác bày ra. Đây chỉ cho sự tập luyện theo các tà thuyết và bùa phép của tà đạo.

          CẠM BẪY: Những đồ dùng gạt cầm thú sa vào mà bắt. Ở đây chỉ cho các Đạo tà hay bọn giả tu, thường dùng đủ mưu chước khéo xảo, hoặc bùa phép thính linh.v.v…để lừa gạt bá tánh tin theo một cách mù quáng, rốt cuộc cả Thầy trò đều chuốc lấy tai hại.

          Xưa, có một Tỳ kheo đã xuất gia tu hành mà tánh hay lười biếng, không lo học hỏi kinh pháp, tâm ý buông lung, thường vi phạm giới luật nên bị trong Đạo trục xuất, bá tánh thấy vậy không ai cúng dường nữa, Tỳ Kheo rất buồn thẹn, ôm gói ra đi.

          Cùng thuở ấy có một con quỉ cũng phạm tội, bị Tỳ Sa Môn Thiên Vương đuổi đi. Quỉ xuống trần gian tìm nơi nương tựa kiếm ăn, bỗng gặp Tỳ kheo đang đi thơ thẩn bèn hiện hình người, đón hỏi duyên do ?

          Tỳ kheo tỏ thiệt đầu đuôi. Quỉ an ủi Tỳ kheo: Ông đừng lo nữa, tôi có đủ phép thần thông giúp ông lấy lại uy tín, nhưng khi ông được người tặng vật thực chi, phải cúng vái tôi. Tỳ kheo đồng ý, quỉ liền cõng Tỳ kheo bay về chỗ cũ. Những người ở tụ lạc chỉ thấy Tỳ kheo, chớ không thấy được quỉ, ngỡ rằng: Tỳ kheo đã đắc Đạo biết đằng vân, bèn cùng nhau lễ bái thỉnh về chùa, lại còn trách trong Đạo xét đoán không công minh, nỡ đuổi oan một thầy tu đã chứng quả.

          Từ ấy tiếng đồn vang dội, bá tánh đồng đem lễ vật đến dâng cúng. Tỳ kheo cũng nhớ lời hứa, mỗi món đều vái cúng cho quỉ trước.

          Họm nọ, Quỉ đang cõng Tỳ kheo du hành trên không, để biểu diễn lòe mắt thiên hạ, chẳng may gặp quan thuộc hạ của Tỳ Sa Môn Thiên Vương. Quỉ thất kinh ném Tỳ kheo và tận lực đào tẩu. Tỳ kheo bị rơi từ không trung xuống đất nát thây…

          Lại nữa, gần đây (1940) có vụ Đạo Quốc cầm đầu phong trào Đạo Tưởng ở chùa Long Châu, gần Quận lỵ Tân châu (Châu Đốc). Y giả xưng là Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương nhưng y chủ trương theo tà thuyết: lên xác, tập luyện phép linh, bùa chú để nuôi mộng tranh đoạt lợi danh. Dân chúng ham linh mê tín theo y, rèn tập hằng đêm. Chẳng bao lâu bị nhà đương cuộc bao vậy, bắn chết một số, cón lại bao nhiêu đều bị bắt cho đi ngồi tù.

          Xuyên qua hai câu chuyện chứng minh cho Đạo tà, thấy rằng: người muốn tu cần phải thận trọng trong việc lựa chọn mối Đạo mà nương theo. Nếu không khéo sẽ bị rơi vào cạm bẫy của tà giáo mà nguy khốn cả thể xác lẫn linh hồn.

          Đức Giáo Chủ thường căn dặn tín đồ:

“Ra đi dặn lại ít lời,

Khuyên trong bổn đạo vậy thời rán nghe.

Dầu ai tài phép bày khoe,

Ham linh, ham nghiệm sợ e mang nghèo.

Lựa cho phải cột phải kèo,

Phải vai phải vế mà theo kẻo lầm.

Ngọc kia ẩn dạng khó tầm,

Chọn nơi chơn chánh khỏi lâm khổ hình”.

                                                (Dặn dò Bổn đạo)

          CHUỐT NGÓT: Nói tốt, quảng cáo. Ý chỉ lời ngọt ngào khéo léo.

          BIỆN LUẬN: Cũng gọi là luận biện. Có nghĩa bàn bạc, luận giải cho ra lý lẽ phải trái. Đức Thầy có câu:

                   Ta là kẻ tu hành thiển kiến,

                  Xét thế trần luận biện đôi điều”.(Nang thơ cẩm tú)

          DANH MỘC: Các loại cây tốt, thịt chắc, có danh tiếng, dùng làm nhà hay đóng bàn ghế, xài lâu hư, như: cẩm lai, trắc, bên, thao lao, căm xe.v.v…Đây ý chỉ chánh Đạo, nơi có pháp giới tu hành đúng theo chân lý của Đạo Phật và đưa người giải thoát sanh tử. Không dùng thinh âm sắc tướng hay bày trò mê tín dị đoan. Đức Thầy thường cho biết:“Vô vi chánh Đạo hỡi người ơi !”(Cho Ô. Tham tá Ngà)

            PHONG BA: (Xem CT câu 2, T-1, Q.1).

 

CHÁNH VĂN

751.-Thấy sanh-chúng nhiều người khờ dại,

Chẳng biết gìn phong-hóa lễ-nghi.

Nên ta đem đạo đức duy-trì,

754.-Gìn tục cổ để người chẳng rõ.

Còn chậm-chạp Đạo-mầu chưa tỏ,

Như rừng hoang mới dọn một đường.

Tớ với Thầy nào quản thân lươn,

758.-Muốn cứu thế sá chi bùn trịn.

Thương quá sức nên Ta bịn-rịn,

Quyết độ đời cho đến chung thân.

Nếu thế-gian còn chốn mê tân,

762.-Thì Ta chẳng an vui Cực-Lạc.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 751 đến câu 762)

          -Đức Giáo Chủ nhận thấy chúng sanh hiện nay, phần đông quá mê khổ, đắm say dục lạc và chạy theo lối sống văn vật tân thời, vội quên đi phong hóa cổ truyền. Do đó, Ngài khai hóa Đạo mầu, kêu gọi bá tánh hãy hồi tâm thức tỉnh, tập sửa cách ăn ở đúng theo lễ nghi, phong tục tốt đẹp của ông cha ta từ trước.

          -Sở dĩ thời nay chưa được bao người, thấu rõ lý mầu của Đạo pháp, là vì Đức Thầy mới vừa khai sáng nền Đạo. Cũng như khu rừng hoang vu từ trước, mà nay mới dọn được một lối đi…Ngài còn cho biết: trên con đường giác chúng độ đời, dầu có gặp nhiều khó khăn, thử thách hoặc tiếng đời nhạo chê phỉ báng, song Thầy trò Ngài chẳng chút ngại ngùng:“Tớ thầy nào nệ cần lao, Thương dân dạy dỗ xiết bao nhọc nhằn”.( Để chơn đất Bắc)

          Bởi lòng Đức Thầy quá thương xót sanh linh, nên Ngài phát thệ suốt quãng đời: “Có sông có núi cùng cây cỏ, Độ tận chúng sanh khỏi dại khờ”.( Đầu năm) Chẳng những thế, Ngài còn hứa nguyện: nếu chúng sanh còn mãi đắm chìm trong sông mê bể khổ, thì Ngài chẳng nỡ yên vui nơi Phật cảnh:

                   Nếu chừng nào khai thông nền Đạo Đạo,

                     Đuốc từ bi rọi khắp cả nhơn gian.

                     Bể trầm luân khô cạn sáu đàng,

                     Tăng sĩ mới trở về nơi thanh tịnh”.

                                      (Trao lời cùng Ông Táo)

 

CHÚ THÍCH

          PHONG HÓA LỄ NGHI: (Xem CT câu 186, T-2, Q.3).

            DUY TRÌ: Cầm giữ lại, không để hư mất.

          GÌN CỔ TỤC: Giữ gìn những phong tục, lễ nghi tốt đẹp của Ông Cha ta từ xưa để lại. Đức Thầy từng khuyên:

                   Nhắc nhở con hiền noi tục cổ,

                Kêu chừng trẻ thảo gốc trời Đông”.(Chí thanh cao)

            ĐẠO MẦU: (Xem CT câu 901, T-1, Q.1).

          NÀO QUẢN: Đâu nài hà, chẳng ngại chi.

          BÙN TRỊN: Cũng viết là bùn sình. Bùn là chất đất nhão, trịn (sình) là chất bùn lỏng, chất đất bẫy lầy ở đáy nước. Nghĩa bóng là chỉ cho sự nhọc nhằn, khổ nhục đủ cách.

          BỊN RỊN: Bận bịu, không nở rời đi được !

          CHUNG THÂN: Suốt đời mình, đến khi từ biệt cõi đời. Đức Thầy có câu:“Chung thân quyết chí dốc làm lành”.(Thiên lý ca)

          MÊ TÂN: Bến mê. Chỉ cho phía chúng sanh đang ở, nơi còn luân hồi sanh tử, đầy thống khổ. Đối với giác ngạn (bờ giác) chỗ chư Phật ngự, nơi giải thoát an vui. Đức Thầy từng nói (trong bài Viếng làng Mỹ Hội Đông):

                   Làm sao khỏi chốn mê tân,

             Đào nguyên vạn lượng tỏ phân kính sùng”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn