CHÁNH VĂN (Từ câu 413 đến câu 436)

21 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 41360)
CHÁNH VĂN (Từ câu 413 đến câu 436)

413.“Xuống thuyền quày quả một khi,

         Chèo lên Vĩnh-Tế vô thì núi Sam.

                   Đi ngang chẳng ghé chùa am,

         416. Xuôi dòng núi Sập đặng làm người ngu.

                   Xem qua đầu tóc u-xù,

         Cũng như người tội ở tù mới ra.

                   Chèo ghe rao việc gần xa,

         420. Bồng-Lai Tiên-Cảnh ai mà đi không ?

                   Nhiều người tâm đạo ước mong,

         Nếu tôi gặp được như rồng lên mây.

                   Ấy là tại lịnh Phương Tây,

         424. Cho kẻ bạo tàn kiến thấy Thần Tiên.

                   Có ngưới nói xéo nói xiên,

         Chú muốn kiếm tiền nói gạt bá gia.

                   Thoáng nghe lời nói thiết tha,

         428. Rưng rưng nước mắt chèo về Mặc-Dưng”.

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 413 đến câu 428)

         

 

          -Sở dĩ Đức Giáo Chủ hóa hiện người cùi, cãi lộn bằng tiếng Tây là để cảnh giác người đời bớt khinh khi kẻ tật nguyền, nghèo khổ. Đoạn rồi Ngài xuống thuyền chèo lên Kinh Vĩnh Tế để vào núi Sam, nhưng đến núi Sam, Ngài không ghé mà thẳng vào núi Sập. Đến đây Ngài giả kẻ ngu khờ, tóc tai u xù, áo quần rách nát, tay chèo ghe, miệng thì rao mời:

          “Bồng lai Tiên cảnh ai mà đi không?”   

          -Bởi chư Phật lúc nào cũng muốn độ thoát khắp cả chúng sanh, nhứt là những kẻ hung tàn bạo ngược, nên sắc lịnh cho Đức Thầy, trên đường dạo Lục châu thường cho kẻ ngang tàng, được gặp Ngài nhiều hơn người hiền lành tâm Đạo. Thế mà họ chưa hồi tâm tỉnh ngộ, lại còn cho rằng Ngài lừa dối bá gia đặng lợi dụng tiền bạc. Nghe lời ấy lòng Ngài rất đau xót rơi lụy; vì quá thảm thương cho sanh chúng còn mãi mê lầm tội ác. Liền đó Ngài cho thuyền trở lại rạch Mặc Cần Dưng.

CHÚ THÍCH

          VĨNH TẾ: Là con kinh đào từ Giang Thành, Hà Tiên dọc theo biên giới Việt-Miên, thông về sông Hậu Giang, Châu Đốc, dài 72 km, rộng 20 m. Do Tổng trấn Gia Định là Lê Văn Duyệt thượng sớ đề nghị với Triều đình năm Kỷ Mùi 1819 và do trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thọai (Thoại Ngọc Hầu) và Lĩnh binh Phan Văn Tuyên làm Đốc công; với sức lực của 10.000 dân làng và 500 binh sĩ, đào từ đầu năm 1819 tới tháng 4 năm 1820 mới xong. Trong công tác nầy, có bà Châu thị Vĩnh Tế (Phu nhơn Thoại Ngọc Hầu) tích cực đóng góp tâm lực vào để hoàn thành con kinh nên vua Gia Long đặt

 

 

cho tên là Kinh Vĩnh Tế, để đáp lại việc khó nhọc của người hữu công.

          NÚI SAM: Cũng gọi là Vĩnh Tế sơn, một ngọn núi nằm trong làng Vĩnh Tế, tổng Châu Phú, quận Châu Phú, thuộc về phía Nam, cách tỉnh thành Châu Đốc 5 km. Nơi triền núi có chùa Tây An và mộ Đức Phật Thầy; lăng của phu nhơn Thoại Ngọc Hầu cùng miếu Bà Chúa Xứ.

          NÚI SẬP: Cũng gọi là Thoại Sơn, nằm ở xã Thoại Sơn, tổng Định Phú, tỉnh An Giang (Nam phần Việt Nam). Trên núi có đền thờ Thoại Ngọc Hầu, xây cất năm 1882.

          BỐNG LAI TIÊN CẢNH: (Xem chú thích câu 192, Q.1)

          TÂM ĐẠO: Trong lòng hàm chứa những điều đạo đức, tốt lành, hợp với Đạo lý. Đức Thầy từng nói:

          “Ai người tâm đạo đừng toan phụ Thầy”.

                                      (Từ giã Bổn đạo khắp nơi)

          RỒNG LÊN MÂY: Rồng mà gặp mây thì mặc tình vùng vẫy bay lộn; cũng như cá gặp nước thì mặc sức mà bơi lội. Đây ý nói người phàm mà gặp được cảnh Tiên thì có chi vinh hạnh bằng.

          CHO KẺ BẠO TÀN KIẾN THẤY THẦN TIÊN: Bởi chư Phật đầy lòng từ bi bác ái không phân biệt kẻ dữ, người lành. Với người đã hồi tâm hướng thiện thì các Ngài khuyến khích họ tinh tấn thêm. Còn những kẻ hung dữ thì các Ngài lại gần gũi họ nhiều hơn tùy phương tiện giác tỉnh. Như trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, phẩm Phạm Hạnh, Đức Thích Ca có nói:“Ví như một người có bảy

 

 

đứa con, trong đó có một đứa bị bịnh, tâm của cha mẹ chẳng phải không bình đẳng, nhưng đối với đứa con có bịnh, tâm của cha mẹ phải lo đến nhiều hơn. Đức Như Lai cũng vậy, đối những người có tội, tâm Ngài nghiêng nặng về những người ấy. Đối với những người phóng dật Phật hằng xót thương nghĩ đến, với người chẳng phóng dật, tâm Ngài chẳng âu lo”.

          Đức Thầy (Kim Sơn Phật) cũng bảo:“Nếu chúng sanh nào dạy dỗ chẳng nghe, làm điều độc ác để phải tội thì Phật chẳng vì thế mà ghét bỏ, lại thương xót không cùng”.(bài Chư Phật có bốn Đại đức). Và:

                   “Dạy khuyên những kẻ ngỗ ngang,

                     Biết câu lục tự gìn đàng Tứ Ân”.

          Cho nên, lúc đi dạo Lục Châu, Đức Thầy thường cho kẻ hung bạo gặp, để tùy cơ thức tỉnh họ.

          THOÁNG: Khoảng thời gian rất nhanh, nghe thoáng, xem thoáng qua.

          MẶC DƯNG: Là rạch Mặc Cần Dưng, thuộc xã Bình Hòa, quận Châu Thành, Long Xuyên (An Giang).

 

CHÁNH VĂN

                   429.“Tay chèo miệng cũng rao chừng,

         Đường đi tiên cảnh ai từng biết chưa ?

                   Khúc thời nhắc lại đời xưa,

         432. Lúc chàng Lý-Phủ đổ thừa Trọng-Ngư.

                   Nhà anh có của tiền dư,

         Sao chẳng hiền-từ thương-xót bá gia ?

                   Bấy giờ gặp việc thiết-tha,

         436. Bạc vàng có cứu anh mà hay không ?”

 

 

LƯỢC GIẢI (Từ câu 429 đến câu 436)

          -Đoạn giảng trên Đức Thầy nhắc tích Lý Phủ và Trọng Ngư là ngụ ý thức tỉnh người.

          Nếu ai giác ngộ được:

                   “Đường vinh nhục rủi may một lát”.

          Thì lúc bình thường có tiền của ta nên mở lòng nhơn bố thí cho những kẻ cơ bần, bệnh tật. Bởi:

                   “Trồng cây lành vị quả thơm tho,

                   Tuy không thấy mà sau chẳng mất”.(Q.5)

          Bằng ai cứ mãi tham lam keo kiết:

                   “Của dương thế góp tom bảo thủ”.(Q.5)

          Không hề giúp đỡ ai đồng xu cắc bạc nào thì của tiền ấy:“Sau cũng tiêu theo luật của Trời”.(bài Khuyên bớt cho vay).

          Mà chính mình phải chịu cảnh đau thương bi đát, như trường hợp anh Trọng Ngư kia vậy.

          Cho nên Đức Thầy hằng khuyên dạy:

“Muốn cho rắn đặng hóa cù,

Xả thân làm phước Diêm Phù vượt qua.

Giữ bo đến lúc phong ba,

Gặp cơn bát loạn khó mà yên thân”.

                        (Khuyên người giàu lòng Phước thiện)

 

CHÚ THÍCH

          LÝ PHỦ ĐỔ THỪA TRỌNG NGƯ: Theo sách “Bá gia Chư Tử”, xưa có đôi bạn thân là Lý Phủ và Trọng Ngư, cả hai gia đình đều khá giả và ở gần với nhau. Lý Phủ thì tâm bác ái hay giúp đỡ kẻ tật nguyền, nghèo khổ, nên được nhiều người cảm tình. Còn Trọng Ngư thì tánh tình rít bón, chỉ biết thâu vô, không hề làm một việc từ thiện nào cả; thiên hạ đều không ưa xa lánh.

         

          Sau nước nhà gặp hồi binh biến, giặc cướp nổi lên, tài sản sự nghiệp của hai người đều tiêu sạch, mỗi người lánh nạn mỗi nơi, Lý Phủ được nhiều người nhớ ơn trước, nên giúp đỡ anh được ấm no. Trái lại, Trọng Ngư thì không ai nhìn đến, phải vất vả ăn xin, thật là khổ sở.

          Ngày nọ tình cờ hai người gặp nhau, Ngư cho rằng anh Phủ có phước nên được người ta ủng hộ no ấm, còn mình vô phúc nên vất vả. Lý Phủ đáp:

          - Bởi trước kia lúc anh có dư tiền của mà không rộng lòng bố thí, bây giờ gặp cảnh nghèo khổ thiết tha, nên không ai tiếp giúp thế nầy. Phúc hay họa cũng do nơi mình tạo ra cả.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn