VẤN ĐỀ NGƯỜI TÀU TRẤN ẾM THẤT SƠN
Trong tiến trình sưu khảo về Bửu Sơn Kỳ Hương, có khám phá ra được một số bia đá trấn ếm theo phương thuật địa lý chôn tại vùng Thất Sơn:
Ông Phạm Thái Chung tức Đạo Lập, một đại đệ tử của Đức Phật Thầy Tây An, đã khám phá ra cây trụ đá trấn ếm này tại núi Ngược, vùng Ton Hon, Thất Sơn, và ông đã cho đào lên, đem về làng Bài Bài, xã Nhơn Hưng, quận Tịnh Biên, tỉnh Châu Đốc.
Đức Bổn Sư Ngô Lợi, một vị trong dòng kế truyền Bửu Sơn Kỳ Hương (sau Phật Trùm) cũng khám phá tại đây một cây trụ ếm khác, chôn dấu dưới gốc ba cây đa lớn để che mắt thế gian. Đức Bổn Sư đã đem 50 môn đệ đến với búa rìa để phá gốc đa, đào đất rất sâu mới lấy được cây trụ ếm lên.
Cây trụ ếm này có lẽ đã bị phá hủy bởi các môn đệ Đức Bổn Sư, nhưng cây trụ ếm do ông Đạo Lập di chuyển về Bài Bài, thì hiện vẫn còn tại đó, nhà sưu khảo tác giả tập sách Thất Sơn Mầu Nhiệm có chụp hình và mô tả như sau:
Tấm đá đã bị mòn chữ đi nhiều, chỉ còn đọc được trên mặt những dòng: Hoàng Thanh, Càn Long ngũ thất niên, trọng thu, cốc đán.
Theo các dữ kiện này, thì trụ ếm được chôn vào mùa thu, tháng 8, đời vua Càn Long nhà Mãn Thanh năm thứ 57 tức 1792 Tây lịch.
Vấn đề được đặt ra để nghiên cứu là:
1. Ai đã chôn trụ đá.
2. Lý do chôn trụ đá.
Các trụ đá này không phải do người Việt trồng, mà do người Tầu.
Có thể gạt bỏ giả thuyết là chính triều đình vua Càn Long đưa người từ Trung Hoa sang tận vùng Thất Sơn tại biên cương Việt Miên để trồng những cây trụ đá này. Bởi vào thời kỳ đó giao thông khó khăn, tình hình lại rất nhiễu nhương do những cuộc chiến tranh xảy ra giữa Cao Miên, Việt Nam, Xiêm La.
Chỉ có giả thuyết có thể tin được là các trụ đá đó trồng bởi lớp người Tàu đang hiện diện tại miền Nam Việt Nam thời kỳ đó. Theo Việt sử, người Tầu theo nhà Minh đã có những nỗ lực phản Thanh phục Minh bất thành, nên một số bỏ nước ra đi tị nạn tại các quốc gia phía Nam. Năm 1679, một nhóm khoảng 3000 quân lính nhà Minh chỉ huy bởi các bại tướng Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến, Trần Thượng Xuyên, dùng 50 chiến thuyền đi lưu vong, và được chúa Nguyễn cho đến định cư tại vùng Gia Đình, Biên Hòa, Định Tường. Năm 1707, một nhóm Trung Hoa khác do Mạc Cửu lãnh đạo đã sang lập nghiệp tại Cao Miên từ 1680 để nhờ vua Cao Miên che chở khai khẩn vùng đất Hà Tiên trên vịnh Xiêm La, nay nhận thấy thế Cao Miên yếu, thế Việt Nam mạnh, nên bỏ Miên, đến xin quy phục triều đình nhà Nguyễn, dâng đất 7 xã Hà Tiên, và hòn đảo Phú Quốc.
Nhưng người Tầu trồng các trụ bia ở vùng Thất Sơn với mục đích gì?
Công dụng của trụ đá thường là để phân ranh giới. Nhưng ranh giới nào ở tận Thất Sơn lại có liên hệ đến người Tầu, nước Tầu. Vậy thì không phải các trụ bia này được trồng để phân ranh giới. Chỉ còn một lý do khác là phong thủy địa lý.
Khoa học huyền bí Đông phương có các môn chính là phong thủy, bốc phệ, tướng số, chiêm tinh. Riêng khoa phong thủy, cũng gọi là khoa địa lý, khởi thủy từ Trung Hoa có các tài liệu như sách Thanh Nang của một ẩn sĩ đời Tần, sách Binh xa Ngọc xích của Trương Tử Phòng đời Hán, sách Táng Kinh của Quách Phác đời Tấn, sách Ngọc Tủy Chân Kinh của Trương Tử Vi đời Tống, sách Kim Tỏa Bí Quyết của Trần Đoàn đời Tống, sách Kim Đẩu Quyết Táng Pháp của Lưu Bỉnh Trung đời Nguyên. Khoa địa lý từ Trung Hoa truyền sang Việt Nam đời Lê; có ông Nguyễn Đức Huyên gốc làng Tả Ao huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ An, sang bên Tầu học và sau đó ông nổi danh lừng lẫy như thủy tổ khoa địa lý tại Việt Nam. Sau ông Tả Ao, có ông Hòa Chính cũng sang Tầu học khoa địa lý.
Theo khoa học địa lý, người ta chọn đất để lập thành quách, cất đình chùa, làm nhà cửa, đặt mồ mả. Mục đích là tìm cuộc đất tốt để công việc đó sau này phát sanh những điều tốt lành hưng vượng cho người chung quanh hay cho con cháu về sau.
Thầy địa lý sử dụng địa bàn và tróc long để tìm đất và tìm huyệt dưới đất mà quy định tác dụng của phần đất cũng như phương hướng, vị trí của nhà cửa hay mồ mả xây cất trên đất đó.
Nếu thầy địa lý có thể giúp cho thân chủ các ý kiến để sau này đạt được các hậu quả tốt đẹp thì cũng có thể đưa các ý kiến để ám hại cho thân chủ sau này gặp các hậu quả xấu xa. Đó là các trường hợp gọi là trù ếm.
Thí dụ, nếu thầy địa lý bảo an táng di thể vào đúng long huyệt có tụ khí tốt thì con cháu sẽ được phát, tức được hưng vượng. Ngược lại nếu thầy địa lý chủ tâm trù ếm, bảo an táng vào chỗ sơn cùng thủy tận tức là tuyệt địa, thì con cháu sẽ khốn khổ tàn mạt.
Về những trụ bia mà phái Bửu Sơn Kỳ Hương đã khám phá tại vùng Thất Sơn, theo dư luận dân chúng vùng này, đó là do ý định trù ếm của người Tầu.
Tác giả tập sách Thất Sơn Mầu Nhiệm viết rằng:
Như thế, ta có thể nói là cái trụ này của bọn họ Mạc, với con mắt địa lý vì thấy vượng khí của vùng sơn lãnh linh thiêng, hoặc bởi biết có long huyệt, sợ đất Việt sau này phát sinh thánh chúa (hay hưng vượng) nên họ đã trấn ếm ngay từ sau khi cuộc Nam tiến của nước ta được hoàn thành. Sự trấn ếm và muốn đè nén dân Việt, đối với người Tàu, là thường. Xem như ngày xưa, tương truyền có Rồng ở lưu vực Hồng Hà, theo dõi đường Nam tiến để yểm trợ dân Việt lập quốc. Thầy địa lý của Tầu là Cao Biền đã theo dấu đến xứ Việt Nam, định trấn ếm và diệt cho hết, không để cho nó hun đúc tinh thần dân tộc Việt. Nào dè Rồng đã ẩn mình kịp xuống vịnh Hạ Long. (*)
Vấn đề, người Tàu trồng những cây bia đá để trấn ếm tương lai Việt Nam, nghe qua có vẻ hoang đường, nhưng đó là sự thật có chứng tích (cây trụ bia vẫn còn, có ghi đời vua Càn Long). Vấn đề này phải được hiểu theo nhận thức của người Trung Hoa về khoa học huyền bí, tức phương thuật địa lý mà họ tin rằng có thể áp dụng để trấn áp không cho nước Việt Nam được hưng vượng.
Trong lịch sử Bửu Sơn Kỳ Hương, vấn đề trấn ếm này được truyền ra trong quần chúng, và cũng là một yếu tố kích thích lòng yêu nước và ý chí bảo vệ đất nước của các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật Giáo Hòa Hảo.