3- Dân Hai Huyện và Bữu Sơn Kỳ Hương

01 Tháng Bảy 200212:00 SA(Xem: 89728)
3- Dân Hai Huyện và Bữu Sơn Kỳ Hương

DÂN HAI HUYỆN VÀ BỬU SƠN KỲ HƯƠNG


Tại Long Xuyên, có một cù lao khá lớn và khá nổi tiếng: đó là Cù lao Ông Chưởng. Cù lao này nằm trên sông Hậu Giang, đầu phía trên đối diện với xã Hòa Hảo, điểm giao tiếp giữa Hậu Giang với Tiền Giang, đuôi phía dưới đối diện với châu thành tỉnh lỵ Long Xuyên. Một giòng sông khởi đầu từ phía Bắc, tức quận lỵ Chợ Mới, uốn quanh co vòng theo cù lao và trở ra Vàm Chưng Đùn, đối diện Long Xuyên. Giòng sông ấy mang tên là Rạch Ông Chưởng, nổi tiếng là xinh đẹp và trù phú. Trên bờ sông, người ta đếm tất cả có bảy khu chợ rải rác, và dưới sông cá tôm rất nhiều, nên có câu ca dao rằng:
Bao phen quạ nói với diều, Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm.

Dài theo Rạch Ông Chưởng, nhà cửa chen nhau mấy lớp, con lộ bằng phẳng, rộng rãi có thể chạy xe hơi được, rợp mát dưới bóng những hàng dừa, hàng cây vú sữa xanh tươi suốt năm. Người nhàn rỗi đi tản bộ trên con lộ làng ấy, cảm thấy tâm hồn thoải mái vô cùng. Người viết sách này, vào những năm 40, trước biến cố 1945, đã có được nhiều dịp đi xe song mã trên con lộ ấy, xe mui trần, cặp ngựa chạy nước kiệu nhịp nhàng, ngồi trên xe nhìn cảnh vật thiên nhiên êm đềm diễn qua, nghe những tiếng chim kêu gà gáy, xen lẫn tiếng nói trong trẻo của người dân Ông Chưởng, nghĩ rằng cảnh này chẳng thua chi cảnh thần tiên. Thật vậy, nếu so sánh miệt vườn ở đây với miệt vườn tại các tỉnh khác ở Hậu Giang, như miệt Sóc Trăng, Rạch Giá, thì chắc chắn miệt vườn Ông Chưởng có rất nhiều ưu điểm trội hẳn.

Nhưng vì sao gọi là Ông Chưởng?

Đây là chức vụ của Chưởng Binh Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (chữ là Kỉnh), dân gian tôn kính nên gọi là Ông Chưởng (Ghi chú: không gọi là Quan, mà là Ông, theo bản chất bình dị của người Nam, sự xưng hô này còn biểu lộ tình cảm thương mến của người dân đối với Chưởng binh Nguyễn Hữu Cảnh, thay vì tiếng Quan có vẻ cách biệt).

Năm 1698, trong kế hoạch Nam tiến, chúa Nguyễn Phúc Chu giao cho Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh làm Kinh Lược Toàn Quyền lo liệu việc chinh phục miền Nam. Khi đã chiếm được thành Gia Định Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh chiêu mộ khoảng 40 ngàn dân từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Qui Nhơn đưa vào mở đất lập nghiệp, lần đầu tiên đặt ra Hai Huyện (Tân Bình và Phước Long). Theo Gia Định thành thống chí, thì lúc đó đất đai mở rộng 1000 dặm, dân số hơn 40.000 hộ, chiêu mộ từ Bố Chánh Châu trở về Nam...

Năm 1699, Chưởng Binh Lễ Thành Hầu thừa lịnh triều đình đem quân lên tận Nam Vang để giải quyết những vụ lộn xộn tại Cao Miên. Xong nhiệm vụ, ông kéo quân trở về vào tháng Tư năm Canh Thìn (1700) cho quân sĩ đóng dài theo dòng Tiền Giang, trên cù lao Ông Chưởng và trong vùng Chợ Thủ (xã Long Điền). Trong kế hoạch khai mở đất mới, Lễ Thành Hầu đã đưa một số lưu dân từ miền Trung và vùng Hai Huyện đến lập nghiệp trên vùng đất Tầm Phong Long (Châu Đốc, An Giang, Sa Đéc).

Lễ Thành Hầu bị nhiễm bịnh dịch trong thời gian này, và qua đời. Dân chúng và quân sĩ vô cùng thương tiếc người chủ tướng đã có đại công chiến thắng quân sự, mở đất định cư cho họ, và đối xử với họ trong tình quân dân cá nước. Cho nên dân vùng này gọi tên cù lao này là Cù lao Ông Chưởng và lập dinh thờ ông ngay tại vàm rạch Ông Chưởng. Có đến bốn nơi thờ ông tại cù lao này. Thật ra người dân thường tại đây phần nhiều không thông hiểu lịch sử về Ông Chưởng, nhưng cùng một lòng tôn kính vị đại thần đã từng có nhiều công đối với nước và dân.

Căn cứ vào các dữ kiện trên đây, một số nhà viết sử đưa luận thuyết rằng người dân Việt sinh sống tại các tỉnh Vĩnh Long, Sa Đec, Kiến Phong, Châu Đốc, An Giang, là dân Hai Huyện, còn mang nhiều sắc thái thuần túy Việt Nam.

Các tài liệu biên khảo về lịch sử khẩn hoang miền Nam ghi nhận rằng có nhiều làn sóng di dân khác nhau đến khai khẩn từng vùng trong buổi sơ khai.
Ngoài các nhóm Mạc Cửu (Hà Tiên) nhóm Dương Ngạn Địch (Mỹ Tho, Đồng Nai) nói ở chương 1, sau này còn thêm các nhóm lẻ tẻ người Trung Hoa từ các tỉnh Triều Châu, Quảng Đông, Phước Kiến, Hải Nam... di dân sang định cư rải rác ở các vùng ven biển từ Rạch Giá về Bạc Liêu, Sóc Trăng.

Dân cư hiện tại ở miền Nam là tổng hợp của nhiều sắc dân khác nhau: Miên, Chàm, Xiêm, Lào, Nam Dương, Mã Lai, Hải Nam, Phước Kiến, Quảng Đông, và đa số là người Việt Nam chính thống từ các miền Trung Bắc di chuyển vào từ thời mới khai mở.

Trong sách Việt Sử Xứ Đàng Trong, tác giả Phan Khoang trích từ Vụ Biên Tập Lục nguyên văn (dịch) nói về tình hình di dân từ miền Trung vào khai khẩn miền Nam như sau:
Vụ Biên Tập Lục viết: Ở phủ Gia Định, đất Đồng Nai, là các cửa biển Cần Giờ, Lôi Lập, Cửa Đại, Cửa Tiểu trở vào, toàn là rừng rậm hàng nghìn dậm, họ Nguyễn trước kia đánh với Cao Miên, lấy được đất ấy, rồi chiêu mộ những dân có vật lực ở các phủ Điện Bàn, Quảng Nghĩa, Qui Nhơn, xứ Quảng Nam, di cư đến, chặt cây, khai phá, trở thành bằng phẳng, đất nước màu mỡ, cho họ chiếm lấy, lập vườn trồng rau, nhà ở (*).

Những người Việt di cư theo cuộc Nam tiến, mệnh danh là dân Hai Huyện, theo tác giả Sơn Nam viết trong sách Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam, như sau:
Miệt Hai Huyện gợi ý nghĩa cổ kính. Đó là nhóm người Ngũ Quảng từ Quảng Bình, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận... đã theo chân quan Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam lập nghiệp, bảo vệ và phát huy văn hóa Việt Nam ở nơi phức tạp, giữa khu vực mà người nông dân Trung Hoa và người Cao Miên đến định cư từ trước. Miệt Hai Huyện là khu vực rạch Ông Chưởng (Long Xuyên). Hai Huyện, theo sự giải thích có thể chấp nhận được là huyện Tân Bình và huyện Phước Long, hai đơn vị hành chánh đầu tiên do chúa Nguyễn thiết lập ở miền Nam, nay là vùng Gia Định và Biên Hòa, dưới sự đốc xuất của quan Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh.

Người ở Long Xuyên, được gọi là Hai Huyện, chắc là do xưa kia họ từ Biên Hòa, Gia Định xuống lập nghiệp. Hoặc họ là binh sĩ từ Ngũ Quảng vào, theo chân ông Nguyễn Hữu Cảnh đánh Cao Miên, rồi định cư tại Long Xuyên vào năm 1700, khi ông này mất. Họ tự cho là sang trọng không kém người Hai Huyện ở Biên Hòa Gia Định.

Quan điểm chung cho rằng các truyền thống văn hóa Việt Nam đã thể hiện trong nếp sống của người dân Hai Huyện nhiều hơn là các sắc dân khác. Hiện giờ, nếp sống, ngôn ngữ, phong tục kiến trúc, nhà cửa, kỹ thuật canh tác, trồng tỉa lập vườn, kể cả ý thức quốc gia dân tộc, của dân chúng các vùng Long Xuyên, Châu Đốc, Kiến Phong, Sa Đec, Vĩnh Long, mang các sắc thái Việt Nam thuần túy và đậm đà hơn là ở các tỉnh khác.

Tác giả Cao Thế Dung trong tập biên khảo về Tôn Giáo Trong Dòng Lịch Sử Dân Tộc, đã viết như sau:
Cổ nhân ta có một số điều tin tưởng rất thực tế, qua những mô thức kinh nghiệm tự ngàn đời xưa, như đất lành chim đậu, như học hành có đất, làm ăn có đất... Giải đất miền Tây bao la trù phú chính là linh địa, tuy là miền đất mới, nhưng đã mang đủ hình hài dấu tích của tiền nhân anh hùng hào kiệt. Miền Tây cũng là nơi phát tích Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương.

Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu quyết định một việc tối quan hệ: đánh chiếm Đông Phố, thôn tính Gia Định. Chúa trao cho Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh làm Kinh Lược Toàn Quyền lãnh trách nhiệm chinh phục phương Nam. Hầu chiêu mộ 40 ngàn lưu dân từ các vùng Quảng Bình trở vào Nam Ngãi. Năm 1698, Hầu thành lập hai huyện Phước Long và Tân Bình, hai cơ sở hành chánh đầu tiên của ta ở phương Nam. Từ đó, dân Việt ở miền Gia Định, Biên Hòa tự phong cho mình tước hiệu dân Hai Huyện, để phân biệt với dân Minh Hương.

Làm dân Hai Huyện có nghĩa là dân Việt thuần túy, dân Việt có gốc gác từ miền Bắc vào Nam, dân Hai Huyện cũng có nghĩa tự hào mình là chủ nhân ông miền đất mới, để phân biệt với dân minh hương mà ta vẫn cho là khách trú mà nguồn gốc là nhóm cựu tướng nhà Minh Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến, Trần Thượng Xuyên được chúa Nguyễn cho đến lập nghiệp ở vùng Biên Hòa, Định Tường... Từ đó có hai dòng nhân lực khai thác miền Nam: một dòng hoàn toàn Việt Nam qua niềm hãnh diện của dân Hai Huyện, và một dòng Tàu với danh xưng Minh Hương.

Dân Hai Huyện vẫn giữ được cá tính Việt Nam, đặc biệt họ là biểu tượng cho dòng văn hóa Việt trải dài từ Gia Định qua Định Tường đến Vĩnh Long An Giang, Châu Đốc và Cao Lãnh. Dân Hai Huyện bành trướng rất mau. Trong vùng An Giang trước đó vốn là miền trù phú phồn thịnh của người Miên, nhưng sau khi bị ta thống thuộc, người Miên rút vào những sóc nhỏ trong vùng xa xôi hẻo lánh, dân Hai Huyện càng ngày càng đông, ta Việt hóa đất đai lãnh thổ cũ của Miên, tổ chức thành thôn xóm theo định chế của triều đình, theo phong tục tập quán của ta đem theo từ cuộc trường chinh từ Bắc vô Nam qua trạm dừng chân là Gia Định...

Khối dân Hai Huyện càng ngày càng lớn mạnh, khởi đầu là thiểu số so với Minh Hương. Nay thì người Minh Hương hoàn toàn lệ thuộc vào khối dân Hai Huyện.

Dân Hai Huyện như vết dầu loang, từ Đông Phố xuống thẳng miền Tây qua ngã Long An, Định Tường, qua Cái Bè, Cái Lậy, dừng lại ở Cù lao Ông Chưởng, rồi từ đó phát triển khắp vùng Vĩnh Long, Cần Thơ, Sa Đec, Cao Lãnh, Châu Đốc... Dòng dân Hai Huyện không những không bị ảnh hưởng của người Tàu cuốn hút, mà trái lại đã đồng hóa Tàu, giữ được Việt tính thuần túy, từ cuộc sống cá nhân, gia đình, đến tập tục truyền thống và văn hóa dân tộc. Tìm hiểu các sinh hoạt trong họ hàng thôn xóm của các gia đình cổ, tức là đã định cư từ thế kỷ 17, 18 tại Vĩnh Long, An Giang và đặc biệt Cao Lãnh, ta thấy mang nhiều dấu hiệu đặc biệt của dân miền Thuận Hóa và Nam Ngãi.

Vĩnh Long và An Giang là hai nơi hoàn toàn giữ được địa chất của truyền thống và văn hóa dân tộc Việt, khác với tính chất lai Tàu của Hà Tiên, và một số người ở miền Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng vốn khởi nguyên từ dòng nhân lực Mạc Cửu.

Đại Nam Nhất Thống Chí ghi như sau: Hôn thú tang lễ giữ theo luật pháp lễ nghi. Kẻ sĩ chuộng thi thơ, dân thường ưa chuộng thương mại, nghề ruộng và nghề đánh cá, đều nhơn theo tự nhiên, dùng lực ít mà được nhiều lợi. Tỉnh An Giang thì huyện Sa Đec trù phú nhứt, sông trong nước ngọt, hai bên vườn rộng mỡ màng béo tốt, nhân dân giàu đông...

Gia Long đặt ra chế độ đồng hương cho người Hoa kiều để dễ cai trị. Minh Mạng thứ 7 chia người Hoa theo địa phương mà đặt thành bang, đặt các chức bang trưởng để cai trị. Mặc dù họ có công đầu trong việc khai khẩn miền Nam, nhưng do sự khôn ngoan sáng suốt của tiền nhân ta, người Hoa dù nắm gần như toàn bộ kinh tế miền Nam, họ vẫn chỉ là dân ăn nhờ ở đậu. Dân Việt phân biệt họ rất rõ qua các danh xưng chú ba thím ba, hoặc chú Chệt. Nhờ vậy, ngay từ thuở dựng nghiệp trên miền Tây đất mới, ta đã giữ được thuần chất Việt Nam, thể hiện qua hai danh xưng đầy tự hào như: dân Hai Huyện, Văn Minh Miệt Vườn. Danh xưng ấy đồng nghĩa với sự nghiệp dựng nước, giữ nước, và mở nước từ thời Hùng Vương...

Đây là quê hương đầu tiên của dân tộc Việt Nam trên miền tân địa. Trên đường đi Long Xuyên, lấy Lấp Vò làm điểm hội tụ, và từ giao điểm giữa kinh Lấp Vò và rạch Cái Tàu thượng, ta sẽ tìm được đầy đủ đặc chất Việt Nam... Lấy thị xã Sa Đec làm điểm tụ do theo kinh Sa Đec, kinh Họa đồ bọc quanh địa phận Đức Thành Hóa Long, cư dân trong vùng này sanh hoạt hoàn toàn Việt Nam, từ nếp sống gia đình đến thôn xã, là điểm cần nghiên cứu tại sao Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương đã được tiếp nhận ở vùng này một cách đặc biệt vào cuối thế kỷ 19, và đây chính là nơi dung thân của các Văn Thân thất thế từ Trung Bắc chạy vào, sau khi phong trào Văn Thân Cần Vương bị tan rã. Đây cũng là lý do để hiểu tại sao Phan Bội Châu khi vào Nam, thì chú ý ngay đến Vĩnh Long, Sa Đec, và Sa Đec là nơi đã cung cấp cả trăm du học sinh cho phong trào Đông Du do Phan tiên sinh lãnh đạo. (*)

Theo các tài liệu trích dẫn trên đây thì về mặt địa lý, nền đạo Bửu Sơn Kỳ Hương Phật Giáo Hòa Hảo xuất phát từ một vùng đất được xem như cái nôi của nền văn hóa Việt Nam di chuyển từ miền đất cũ Trung, Bắc vào vùng đất mới khai mở miền Nam.

Với nguồn gốc thuần túy Việt Nam, nên dân chúng trong vùng đất này vẫn bảo tồn được truyền thống văn hóa Việt Nam đã lưu truyền và phát huy qua trên bốn ngàn năm kể từ thời Hùng Vương.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn