TU CÓ VỢ CÓ CHỒNG
Trong số đại đệ tử của Phật Thầy Tây An có ông Đạo Xuyến (Nguyễn Văn Xuyến) đã quy y thọ giáo từ năm 17 tuổi, và lìa bỏ gia đình để lên núi tu luyện.
Một lần, khi ông từ trên núi về thăm viếng chùa Tây An, Phật Thầy Tây An đã đóng cửa am để khuyến giáo ông suốt nửa ngày. Theo lời ông Đạo Xuyến thuật lại, thì Phật Thầy Tây An không ưng để cho ông ly gia cát ái, bởi ông còn nhiệm vụ đối với thế gian, phải cùng sống trong chúng sanh để hướng dẫn chúng sanh cải ác tòng thiện, trở thành con người hiền đức hữu dụng, làm tròn nhơn đạo trong xã hội, theo giáo pháp Học Phật Tu Nhân. Đó là:
Tu quốc vương có vợ có chồng, Có con có cháu nối dòng an bang.
(Quốc vương đây là trích từ Ân Quốc Vương Thủy Thổ trong Tứ Ân Phật Đạo, sau này được đổi thành Ân Đất Nước trong giáo lý Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật Giáo Hòa Hảo).
Về sau ông Đạo Xuyến vâng lời Phật Thầy bỏ núi về quê nhà lập gia thất, sanh đặng sáu người con. Gia đình ông chung sức dựng lên ngôi chùa Châu Long Thới thờ Phật theo nghi thức giản dị của Bửu Sơn Kỳ Hương, tại làng Bình Long tỉnh Châu Đốc, như một trung tâm hành đạo cảm hóa dân chúng trong vùng vào con đường tu hành theo Phật Đạo.
Nếu ông Nguyễn Văn Xuyến tiếp tục tu luyện trên núi riêng mình, hẳn là đã không thể cảm hóa được đông đảo dân chúng vùng Bình Long vào con đường tu hiền như thế.
CẠO TÓC KHÔNG CẠO RÂU
Triều đình nhà Nguyễn và các quan chức trấn nhậm tỉnh An Giang nhận thấy đường lối tu hành của Phật Thầy Tây An có vẻ cách mạng không theo nghi thức lề lối có sẵn của hệ thống tăng lữ được triều đình công nhận và kiểm soát, cho nên đã tìm cách đưa Phật Thầy vào hệ thống, bằng cách yêu cầu Phật Thầy đến trụ trì tại ngôi chùa cất tại Núi Sam (sau được tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đặt tên là Tây An Tự). Triều đình hạ chiếu phong Phật Thầy Tây An là Đại Đức Chơn Tu và cho cử hành lễ thọ phong theo nghi thức thọ phong các vị đại đức hòa thượng khác xưa nay. Sau khi cung nghinh thánh chỉ triều đình, Phật Thầy Tây An phải xuống tóc (tức làm lễ thí phát cạo đầu) giống như các nhà sư khác, với sự chứng kiến của một vị hòa thượng sắc tứ.
Sau khi đã cạo tóc rồi, người thợ toan cạo luôn hàm râu, thì Phật Thầy nói rằng:
Xin đừng làm sai chiếu chỉ triều đình, chỉ dạy xuống tóc chớ không dạy cạo râu.
Các quan đành phải chịu, cho nên Phật Thầy Tây An tuy là đầu cạo trọc, nhưng vẫn còn chòm râu cằm, dấu hiệu đặc biệt của Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo.
Tu đầu tóc không cần phải cạo, Miễn cho tròn cái đạo làm người.
NGÔI MỘ BẰNG PHẲNG KHÔNG ĐẮP NẤM
Phật Thầy Tây An trước khi tịch diệt, có dạy đệ tử rằng ngôi mộ nên để bằng phẳng, không cần đắp mô, cũng không cần xây cất. Cho nên bây giờ tại chùa Tây An núi Sam, tất cả mộ phần các vị hòa thượng đều có xây tháp cao, riêng ngôi mộ Phật Thầy thì khiêm nhường nằm dưới triền núi, ẩn sau bóng tháp nguy nga, không có đắp nấm cao, mặt mộ bằng phẳng. Sau này các tín đồ tu bổ bằng cách xây một vòng thành bề dài 5 thước bề ngang 4 thước để biết rõ giới hạn ngôi mộ.
Có lời truyền khẩu rằng Phật Thầy Tây An đã dạy đệ tử rằng đất ruộng khai phá rất là lao nhọc, nên phải dành để canh tác, và do đó, mộ phần nên để bằng phẳng để không trở ngại cho sự canh tác.
Tuy rằng phong tục truyền thống thờ kính Tổ Tiên được bảo tồn trong tinh thần giáo lý Bửu Sơn Kỳ Hương, nhưng Phật Thầy Tây An đề xướng giáo pháp vô vi, không chấp hình thức, cho nên ngôi mộ cũng không nên làm trở ngại cho sự canh tác của dân chúng.
Lời dạy của Phật Thầy phát xuất từ căn bản tư tưởng Bửu Sơn Kỳ Hương: tu hành phải tự túc, tự lo làm lấy mà ăn, không nên ăn nhờ vào bá tánh. Tự túc trong bối cảnh xã hội đó, có nghĩa là phải cày cấy để có thực phẩm mà ăn. Bửu Sơn Kỳ Hương xuất phát từ nông thôn, tín đồ là nông dân, họp nhau thành lập các trại ruộng mang tính chất vừa tín ngưỡng vừa xã hội, tức là vừa tu hành vừa canh tác. Dưới sự lãnh đạo của các vị đại đệ tử, trại ruộng khác với đồn điền vì có lãnh đạo tinh thần, và khác với chùa chiền vì có sản xuất nông nghiệp để tự túc.
Nhờ có công thức trại ruộng, mà sau này, dưới thời Pháp thuộc, phong trào Bửu Sơn Kỳ Hương kháng Pháp được tổ chức dễ dàng và tồn tại lâu dài hơn các phong trào khác. Quân kháng chiến được quy tụ trong các trại ruộng Láng Linh do Cố Quản Trần Văn Thành chỉ đạo, trại ruộng An Định do Bổn Sư Ngô Lợi chỉ đạo, là những cứ điểm kháng Pháp vừa tự túc lương thực được, lại vừa che mắt người Pháp để tồn tại và phát triển trước khi cử hành đại sự.