Dân tộc Việt Nam tham gia cách mạng với mục tiêu chủ quyền độc lập, nhưng ông Hồ Chí Minh đã lợi dụng lòng yêu nước đó để phục vụ cho mục tiêu riêng của đảng Cộng Sản.
Cựu Tổng thống Huê Kỳ Richard Nixon trình bày về chiến lược quốc tế liên hệ đến Việt Nam, trong cuốn sách No More Vietnams đã viết như sau:
Quốc gia Việt Nam phải được độc lập. Trong hai thập niên 1920 và 1930, sự thù ghét chế độ thuộc địa đi đôi với ý thức sâu xa về quốc gia dân tộc, kết hợp thành gốc rễ của phong trào chống Pháp. Quan điểm thời trang cho rằng riêng đảng Cộng sản của Hồ Chí Minh tranh đấu cho độc lập, thực ra chỉ là quan điểm mơ hồ.
Đệ nhị Thế chiến là một khúc quanh lịch sử. Sự việc Nhật Bổn chiếm lãnh vùng Đông Nam Á đã làm tan vỡ hào quang của quyền lực thực dân Tây phương. Ngay khi nền độc lập quốc gia đến trong tầm tay, thì Hồ chí Minh tàn nhẫn tiêu diệt các tổ chức chánh trị đối lập. Trong thời kỳ đệ nhị thế chiến, họ Hồ đã cẩn thận tính toán trước những bước đi để sau này nắm lấy chính quyền. Khi Đệ nhị Thế chiến vừa chấm dứt, cơ hội đến, họ Hồ áp dụng thủ đoạn nham hiểm và tàn độc để tiêu diệt những phần tử đối lập nào có tổ chức võ trang. Khi Nhựt Bổn đầu hàng, Hồ Chí Minh nhanh chân nhảy thẳng vào chiếm khoảng trống quyền lực... (*)
Học giả D.G.E. Hall đã khẳng định quy trách cho chánh sách thiển cận và ngoan cố của Pháp như là nguyên nhân chính yếu tạo nên ưu thế và sức mạnh của Cộng sản tại Đông Dương:
Điều bất hạnh là chính sự ngoan cố của Pháp đã tạo ra tình huống đó. Trong khi cộng sản ở các quốc gia khác đã thất bại, và không còn hấp dẫn đối với đa số quần chúng, thì riêng tại Đông Pháp, Cộng sản lại ưu thắng, chiếm được quyền lãnh đạo trên các đảng phái yêu nước. Nguyên nhân duy nhất là thái độ ngoan cố của Pháp... (**)
Một tác giả khác đã biểu lộ quan điểm tổng kết tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam như sau:
Thật vậy, Việt Nam là một trường hợp đặc biệt, nhưng dân tộc Việt Nam là một dân tộc bất hạnh nhứt thế giới. Trong khi các dân tộc khác ở Đông Nam Á đã thoát khỏi ách thống trị của thực dân và đã trở thành các quốc gia độc lập thịnh vượng, thì Việt Nam vẫn tiếp tục đau khổ trong chiến tranh trường kỳ. Đó là sự bất hạnh toàn diện và lớn lao. Về địa lý chánh trị, Việt Nam là một quốc gia bị khổng lồ Trung Quốc liên tục uy hiếp, suốt từ năm 111 trước Tây lịch, cho đến thế kỷ 17, Việt Nam đã trải qua biết bao hy sinh lớn lao để tự vệ và bảo tồn đơn vị quốc gia.
Điều bất hạnh thứ hai là do định mệnh lịch sử, Việt Nam bị thống trị bởi thực dân Pháp, một đế quốc thiển cận và tham tàn nhứt. Đệ nhị Thế chiến chấm dứt là cơ hội chung, các đế quốc đều chấp nhận trả chủ quyền độc lập cho các thuộc địa, chỉ riêng có Pháp là ngoan cố, đem chiến hạm và quân đội viễn chinh đến tái lập quyền lực thuộc địa tại Việt Nam, như đã làm ở thế kỷ 19. Vì tham vọng quyền lợi, Pháp đã bắt tay với quỷ Satan, tức hợp tác với tay sai của Mạc Tư Khoa, thay vì phải hợp tác với dân tộc Việt Nam. Qua thương thuyết và hiệp ước, Pháp tạo cho Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản Việt Nam vị thế chánh thống nắm quyền cai trị Việt Nam; nhờ ưu thế chánh quyền mà Hồ Chí Minh đã tiêu diệt các lãnh tụ cách mạng quốc gia, để rồi sau đó lại quay mặt đánh Pháp.
Cố bám lấy thế chủ động, Pháp xoay qua điều đình với những giới đối lập Hồ Chí Minh, trong một giải pháp quốc gia, nhưng vẫn nuôi dưỡng âm mưu đen tối đầu cơ cả hai phe quốc gia và cộng sản, để thủ lợi riêng cho đế quốc Pháp. Thực dân Pháp không bao giờ thực tâm muốn trả chủ quyền độc lập cho dân tộc Việt Nam. Thái độ đó của Pháp đã làm suy yếu uy tín của những người Việt ái quốc theo khuynh hướng quốc gia, đưa dần đến thất bại quân sự tại chiến trường Điện Biên Phủ và sau hết đưa đến việc ký kết hiệp định Giơ neo 1954, Pháp trao cho Hồ Chí Minh toàn quyền thống trị miền Bắc Việt Nam, làm bàn đạp để tiến chiếm toàn bộ lãnh thổ năm 1975.
Điều bất hạnh sau cùng của Việt Nam là đồng minh Hoa Kỳ. Nhơn danh đại cường quốc lãnh đạo bảo vệ thế giới tự do, Huê Kỳ lại đã hành động thiếu tư tưởng và thiếu quyết tâm của cấp lãnh đạo. Cho nên sau bao nhiêu xương máu hy sinh để bảo vệ tiền đồn cho thế giới tự do, bỗng nhiên Việt Nam bị đồng minh Huê Kỳ bỏ rơi, vì lúc đó Huê Kỳ đã thay đổi mục tiêu chiến lược, hy sinh Việt Nam cho quyền lợi riêng của Hoa kỳ. Lịch sử lại một lần nữa tái diễn: Việt Nam lại trở thành nạn nhân của quyền lợi chiến lược siêu cường, trong lịch sử hiện đại cũng giống như trong thời trung cổ xưa kia.
Rốt cuộc ngày 30-4-1975, thiết giáp xa Nga Sô cán sập cửa dinh Độc Lập tại Sàigòn. Đối với Huê Kỳ, một trang sử Việt Nam đã lật qua, một giai đoạn cuộc chiến Việt Nam chấm dứt. Và giai đoạn mới bắt đầu, đây là lúc hàn gắn những vết thương chiến tranh, hòa giải dân tộc, tái thiết quốc gia, thực hiện các nguyện vọng của người dân. Nhưng đó lại không phải là mục tiêu của đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng này không nghĩ đến nền độc lập quốc gia mà còn phải tiến lên mục tiêu vô sản hóa thế giới, cho nên chưa cho dân tộc Việt Nam được sống hòa bình và tái thiết.
Trên 10 năm đã đi qua, vẫn chưa có độc lập hòa bình, và câu nói không có gì quý hơn độc lập tự do của Hồ Chí Minh rõ ràng chỉ là chiêu bài giai đoạn lừa phỉnh dân tộc Việt.
Với chánh quyền trong tay đảng Cộng sản, dân tộc Việt Nam tiếp tục sống trong chiến tranh và nghèo đói thêm. Biết đến bao giờ cuộc cách mạng của dân tộc Việt Nam đạt đến mục tiêu Tự do và Độc lập?
Hãy nghe thêm một người Pháp nhận xét về chánh sách sai lầm của chánh phủ Pháp tại Việt Nam, với sự khẳng định rằng chính Pháp đã làm cho Việt Nam mất vào tay Cộng sản. Linh mục Seitz, đến truyền đạo tại Việt Nam từ 1937, đã nêu ra các nhận xét sau đây để trả lời câu hỏi ÀÀTại sao chiến tranh Việt Nam kéo dài lâu như vậy, và tại sao Cộng sản thắng thế?
Không thể hiểu được thảm kịch ngày nay của dân tộc Việt Nam, nếu không tìm hiểu các nguyên nhân xa xưa của cuộc chiến tại đó.
Trước khi lãnh nhiệm vụ sang Việt Nam, tôi có tham dự tuần lễ hội thảo đề tài Àchánh sách thuộc địá, và nhớ rằng lập trường của giáo hội Pháp là ÀMọi chánh sách thuộc địa đều thống trị được một thời gian mà thôi và đều phải kết thúc với sự trưởng thành của dân tộc bị trị. Cũng giống như Lyautey đã nói: ÀMột thuộc địa được cai trị tốt đương nhiên phải đạt sự trưởng thành, nếu không được thế là do chánh sách cai trị sai lầm vậý. (Une colonie bien administrée évolue nécessairement vers son émancipation, sinon cest qúelle est mal administrée.)
Năm 1937, tôi đến Việt Nam, thuộc địa Pháp đang tiến mạnh, nhưng điều đầu tiên tôi cảm nhận là Àchúng ta, một cường quốc thực dân, đã không làm đúng bổn phận hướng dẫn thuộc địa đến trưởng thành.
Chúng ta đã không khám phá và lượng giá được lòng ái quốc nồng nhiệt, sâu xa và khả kính đang sôi sục trong trái tim người Việt, để mà có một chánh sách thích nghi và cấp thiết. Giai tầng trí thức Việt Nam đã có những người xuất thân ở các đại học danh tiếng (Polytechnique, Centrale) của Pháp, nhưng khi hồi hương họ bị bạc đãi như thuộc cấp chớ không được xem như những trí thức lãnh đạo xứ sở họ. Đó là chính chúng ta đã đào luyện họ thành những địch thủ tương lai. Những người Việt ái quốc trí thức đó, nuôi nấng nguyện vọng xứ sở mình được độc lập, nhưng trong tình huống bị chúng ta đối xử bạc đãi như thế, thử hỏi họ phải hướng về đâu? Hướng về chánh quốc, vô ích thôi! Sau Đệ nhứt Thế chiến 1914-1918, những trí thức trẻ của Việt Nam đã tìm hướng về Cộng sản quốc tế sau cách mạng tháng 10-1917 tại Nga.
Từ thời điểm (thập niên 1920) Hồ Chí Minh bỏ Paris sang Moscow, đến khi ông ta nắm chánh quyền tại Hànội 1945, dẫn đến sự toàn chiếm Việt Nam 1975, tôi đã sống gần 40 năm tại xứ này, và có thể tóm luận rằng nguyên nhân sâu xa chính là do lỗi của Pháp đã bất chấp tinh thần ái quốc tiềm tàng trong trái tim người Việt, cho nên hậu quả là nền độc lập quốc gia Việt Nam mà Pháp không chịu trao trả đúng cách đúng lúc, đương nhiên phải bị cưỡng chiếm lại bằng chiến tranh. Chúng ta không biết ủng hộ chánh nghĩa của người Việt, thì tất có kẻ khác đóng vai trò đó. Chính là Cộng sản.
Đó là tình huống đã xảy ra: lòng ái quốc, và lý tưởng dân tộc của người Việt đã bị Cộng sản chụp lấy. Nga Sô đào luyện cán bộ cách mạng bằng tư tưởng Mác-xít, rồi yểm trợ các nhu cầu vật chất (tiền bạc, võ khí) cho đám cán bộ đó nắm quyền hành tại Việt Nam, củng cố từng giai đoạn để tiến chiếm toàn bộ Việt Nam năm 1975. Đó là kết quả của một giai đoạn bành trướng chủ nghĩa Cộng sản trên nửa thế kỷ vừa qua.
Bây giờ nước Pháp ngoái nhìn lại lịch sử vừa qua để thấy rằng sau thảm kịch Việt Nam, đến Algérie, chúng ta mới tỉnh ngộ để trả độc lập cho 11 thuộc địa tại Châu Phi. Đúng là Àcon người vẫn là kẻ tập sự, và sự đau thương chính là ông thầy dạý (LHomme est un apprenti, la douleur est son maitre.)
Những điều trình bày sơ lược trên đây về giai đoạn lịch sử từ khi Pháp đến xâm chiếm Việt Nam đến khi Cộng sản toàn chiếm lãnh thổ Việt Nam (1856-1975: 110 năm) đưa ra ánh sáng một số điểm căn bản sau đây:
1. Giai đoạn 90 năm (1856-1945) dân tộc Việt Nam âm thầm chịu đựng chánh sách thống trị tham lam và tàn bạo của thực dân Pháp, nhưng vẫn đề kháng liên tiếp.
2. Giai đoạn kế tiếp 30 năm (1945-1975) dân tộc Việt Nam toàn bộ nổi dậy, chiến đấu chống lại chủ trương tái chiếm thuộc địa của Pháp, nhưng rốt cuộc vẫn chỉ là dịch chủ tái nô: thực dân Pháp ra đi (1955) đế quốc Nga thay thế đặt toàn bộ lãnh thổ Việt Nam trong hệ thống Cộng sản Quốc tế (1975).
3. Tuy thực dân Pháp chấm dứt thế lực thống trị Việt Nam từ 1955, nhưng Pháp vẫn là một nguyên nhân của sự toàn chiếm Việt Nam 1975 bởi cộng sản, do chánh sách sai lầm đối với dân tộc Việt Nam và do chủ trương cấu kết với Cộng Sản Việt Nam từ 1946 để mưu đồ tái lập chế độ tân thuộc địa tại Việt Nam.
4. Tuy công cuộc tranh đấu giải phóng đất nước Việt Nam đến nay chưa thành công, và chánh nghĩa của dân tộc Việt Nam đã bị thực dân và cộng sản tiếm đoạt, nhưng dân tộc Việt đã chứng tỏ trước thế giới ý chí quật cường bất khuất của một dân tộc anh hùng, qua cuộc chiến đấu bảo vệ quyền tự tồn tự chủ chống lại 1,050 năm đô hộ của Trung Hoa, trên 100 năm đô hộ của Pháp, và tiếp tục chống chủ trương đô hộ của đế quốc Nga Sô.
5. Tuy nhiên, ý chí quật cường bất khuất của dân tộc Việt Nam, mặc dầu đã được xem như yếu tố tinh thần căn bản của dân tộc Việt để tự tồn tự chủ từ giai đoạn lập quốc qua bao lần xâm lược của khổng lồ Trung Hoa, đã không đủ để quyết định thắng lợi từ khi các đế quốc Tây phương sang chiếm thuộc địa Á Châu.
Bởi vì từ đây Việt Nam phải đối phó một loại xâm lược quốc tế mới lạ, khác hẳn tương quan song phương trước kia giữa Trung Hoa và Việt Nam trong hoàn cảnh một thế giới khép kín, không có sự liên kết và can thiệp quốc tế.
Từ khi các đế quốc Tây phương chia nhau làm chủ các thuộc địa Á Châu, vận mệnh các dân tộc bị trị không những bị chi phối bởi chính đế quốc thống trị, mà còn bởi các áp lực quốc tế khác, chia chác quyền lợi, ảnh hưởng. Tương quan quốc tế càng ngày càng càng trở nên đa dạng, đa phương, phức tạp, chằng chịt thành những sợi dây trói buộc các nước nhỏ trong các tình trạng yếu kém thất thế, mất chủ động. Thế giới chia ra từng khối, các siêu cường quốc và cường quốc trao đổi quyền lợi, qua phân ảnh hưởng, thỏa hiệp hay đối nghịch nhau, tạo ra sức ép thường xuyên với các áp lực chính trị, quân sự, tài chánh, kinh tế, đè nặng và chi phối vận mệnh các quốc gia nhỏ yếu.
Thực tại thế giới từ thế kỷ 19 tới nay là như vậy, tuy rõ ràng là bất công, nhưng đã trở nên một quy luật của mối tương quan thế giới. Các cường quốc có uy thế chi phối, thế giới ngày nay sức mạnh võ khí và kinh tế ưu thắng hơn sức mạnh tinh thần, cho nên Việt Nam đã lâm vào hoàn cảnh bi thảm nhứt, bất hạnh nhứt so với mọi quốc gia Á Châu, với một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc kéo dài đã trên nửa thế kỷ, mà vẫn chưa thấy có hy vọng chấm dứt, chủ quyền quốc gia vẫn bị ngoại bang chi phối và xã hội suy thoái trong cảnh nghèo đói thê thảm.
Để kết luận phần này: dân tộc Việt Nam chẳng may bị lọt vào ách thống trị của thực dân Pháp, cho nên đã phải chịu đựng giai đoạn thống khổ đau thương cho đến nay đã trên một thế kỷ.
Tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo, đề tài nghiên cứu biên khảo của cuốn sách này, với số lượng quần chúng đông đảo khoảng hai triệu tín đồ, đương nhiên là một thành phần hoạt động trong suốt tiến trình đấu tranh chống Pháp, chống Cộng, như sẽ được trình bày trong các chương sau đây.
Gửi ý kiến của bạn