Mặc dầu sau 1895, vẫn còn những nỗ lực lẻ tẻ của các tổ chức võ trang kháng Pháp, và phong trào Cần vương Hoàng Hoa Thám khởi đầu năm 1887 tại Bắc Việt cũng còn tồn tại cho đến 1910, nhưng người Việt Nam đã bắt đầu có những nhận thức mới, trước một hoàn cảnh mới, để chuyển cách mạng giải phóng dân tộc sang khuynh hướng mới, hình thức tổ chức mới, phương pháp hành động mới. Tạm gọi là khuynh hướng canh tân.
Thực tế trước mắt đã cho thấy rằng các phong trào Cần vương thất bại bởi thua kém võ khí, và nếu tiếp tục kháng chiến trong những điều kiện cũ, sẽ phải khó khăn hơn. Bấy giờ quân đội Pháp đã củng cố vị thế và kiểm soát được tình hình, có hy sinh thêm nữa dưới hình thức chiến đấu thuần túy quân sự, mà không có cải tiến về võ trang và phương pháp cũng sẽ đành thất bại thêm mà thôi.
Xã hội Việt Nam trong hai thập niên đầu của thế kỷ 20 tất nhiên du nhập ảnh hưởng của tư tưởng và văn minh tây phương, qua sự hiện diện của người Pháp tại Đông Dương, và sự mở rộng chân trời kiến thức của người Việt trước hoàn cảnh mới của thế giới. Giới sĩ phu yêu nước cũng ý thức trào lưu tiến hóa về vật chất và thay đổi về tư tưởng. Trong bối cảnh một xã hội đang chuyển hướng đó, tư tưởng trung quân tuyệt đối và quân quyền truyền thống mờ nhạt đi, các quan niệm về dân chủ, tự do manh nha và phát triển. Cho nên chính giới sĩ phu Nho học, trong vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam, cũng tự họ thay đổi khuynh hướng cách mạng, từ chủ trương quân chủ tuyệt đối, sang quân chủ lập hiến như gương nước Nhựt.
Do đó, một số sĩ phu Việt Nam tìm cách xuất dương, sang Nhựt Bổn và Trung Hoa (Tăng Bạt Hổ, Phan Bội Châu, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để,...) với ba mục đích: tìm mua võ khí mới, tìm sự yểm trợ bên ngoài, và tổ chức đưa thanh niên Việt ra ngoại quốc để học hỏi văn minh tiến bộ mới (đào luyện nhân tài). Hai tổ chức quan trọng nhứt trong giai đoạn này là Đông Du (xuất dương) và Đông kinh Nghĩa thục (tại Hà Nội).
Nhìn ra bên ngoài thế giới, người Việt có ý thức cách mạng và chính trị, nhận thấy các biến cố mới xảy ra giữa Nhật Bổn và Trung Hoa (năm 1885 Trung Hoa phải nhượng đảo Đài Loan cho Nhựt cai trị trong những điều kiện thua thiệt) giữa Nhựt Bổn và nước Nga trong trận hải chiến 1904-1905 (Nga thất bại). Hai biến cố này như những tia sáng mới khích lệ người Việt Nam đi theo tấm gương canh tân của nước Nhựt trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Thêm vào đó, cuộc cách mạng dân quyền Tân Hợi 1911 tại Trung Hoa, rồi cuộc cách mạng tháng 10-1917 tại Nga, chấm dứt các chế độ quân chủ, là những động lực thúc đẩy khuynh hướng cách mạng của người Việt phải tiến tới bằng những bước canh tân mạnh dạn hơn nữa. Đệ nhứt thế chiến 1914-1918 đã đưa một số khá nhiều thanh niên Việt sang tham chiến tại Âu Châu trong hàng ngũ quân đội Pháp, lớp người này đã đem về Việt Nam một số nhận xét về nếp sinh hoạt, về tư tưởng mà họ đã hấp thụ trong không khí tự do dân chủ tại nước Pháp và Âu châu. Các tư tưởng gia Đông phương Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu đề xướng cuộc canh tân mạnh mẽ cho xã hội Á Châu, cũng tạo ảnh hưởng khá sâu rộng đối với các sĩ phu Việt Nam.
Các biến chuyển kể trên, đồng thời với các sinh hoạt giáo dục và kinh tế xã hội trong chế độ cai trị của người Pháp, đã tạo nên trong xã hội Việt Nam một lớp người mới, về tư tưởng cũng như về vị trí xã hội. Lớp người này được xem như lớp tiểu tư sản kiểu Tây Âu, hấp thụ tư tưởng văn minh Tây phương, với kiến thức và suy luận duy lý, đã bước những bước dài hơn và mạnh hơn là chủ trương canh tân giới hạn của giới sĩ phu nho học. Đây là lớp thanh niên Việt Nam mới, đã dứt khoát từ bỏ chủ trương cách mạng cần vương, đi thẳng vào con đường dân chủ hóa. Cũng từ thời kỳ này, vai trò của giới sĩ phu nho học chỉ còn giới hạn ở vị trí lãnh đạo tinh thần, như những bó đuốc lịch sử và những tấm gương hy sinh vì nước. Chính giới trí thức tân học sau này sẽ trở thành lớp lãnh đạo công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trong một bối cảnh xã hội mới.
Gửi ý kiến của bạn