Những bài sáng-tác năm Nhâm-Ngũ (1942) - Phần 2

29 Tháng Bảy 200212:00 SA(Xem: 40822)
Những bài sáng-tác năm Nhâm-Ngũ (1942) - Phần 2

BUỒN

Buồn thay chư Phật ẩn non đoài,
Buồn biết bao giờ trở gót hài.
Buồn thấy chúng-sanh đa xót cảm,
Buồn lo trăm họ nghiệp gây hoài.

Buồn đời lưu-lạc trong u tối,
Buồn thế gian-nan suốt cả ngày.
Buồn buổi cạnh tranh e hoãn đạo,
Buồn dân ngu-muội ghét người ngay.

TỦI

Tủi sầu Phật giáo ở non Tần,
Tủi phận môn-đồ quá tối-tân.
Tủi cuộc hôn-nhơn bày trước Phật,
Tủi cơ-nghiệp báu phế nguồn ân.
Tủi thay ai tạo trò vô lý,
Tủi bấy lấp nguồn đạo hữu chân.
Tủi hổ trông nhìn người dối thế,
Tủi duyên ác-cảm đắm hồng trần.

Bạc-liêu, ngày 29 tháng 6 Nhâm-Ngũ (1942)

Gởi Bác-Sĩ CAO TRIỀU-LỢI ở Bạc-Liêu
(để cảm tạ ông nầy chữa bịnh cho Đức Thầy mà không lấy tiền thuốc)

Gởi ít hàng thăm ông bác-sĩ,
Cầu chúc ông phước chỉ được lai tăng.
Cuộc thế trần nhiều đoạn khó-khăn,
Nên lôi kéo bần-tăng vào cảnh ngộ.
Xuống Bạc-liêu chưa bao nhiêu độ.
Bỗng ruột tằm quằn-quặn rứt đau.
Phần thuong dân phổi héo gan xào,
Ngồi, đi, đứng, nằm lăn-lóc mãi.
Cũng nhận được trần-hoàn là khổ hải,
Dốc tầm đường phóng giải cho thân tâm.
Dìu nhơn-sanh khỏi chốn mê lầm,
Bờ giác ngạn kiên tâm lần bước tới.
Hoàn-cảnh chẳng gặp hồi lai thới,
Ẩn-nhẫn hoài chờ đợi vận hanh thông.
Để đem phô trí óc với gan lòng,
Đền-đáp lại cuộc chờ trông ngoài ngõ.
Cũng rất thẹn bịnh đau vò-võ,
Tuy thuốc dùng chẳng tuyệt được cơn đau.
Chớ ơn ông đạu dễ quên nào,
Muốn đáp lại lấy chi mà đền đáp?
Nếu ông có vui lòng dung-nạp,
Tỏ vài hàng gọi đáp ân nhau.
Phần phước duyên nguyện để về sau,
Khi thong-thả sẽ đến trao lời cảm tạ.

Cám ơn ông tặng thuốc Tây-phương,
Khâu giúp bần tăng khúc đoạn trường.
Nhưng bịnh trầm-ưu nên chẳng mạnh.
Nợ cùng bách tính hỡi còn vương.

Vương-vấn trong vòng cương tỏa ấy,
Lòng nào mà chẳng xót thương chung.
Bao giờ đạo pháp ta thông đạt,
Quyết cứu sanh-linh cảnh não-cũng.

Thôi cũng an lòng nơi số phận,
Đợi chờ vận tới sẽ tuông mây.
Về trên thượng-giới đền Kim-khuyết,
Tâu lại trần-gian cớ sự nầy.

Bạc-liêu, ngày 18-7-42 (Nhâm-Ngũ)

Cho thằng TÂN
(Tân là cháu ngoại ông Võ-văn-Giỏi ở Bạcliêu)

Nghe lời ông dạy hỡi con Tân!
Học tập muốn nên phải rán cần.
Chớ có biếng lười theo lũ trẻ,
Ắt đòn bể đít hỡi con Tân!

Con Tân có tật đái dầm,
Bời vì biếng nhác mê tâm quen đời
Quen đời tuổi đã hai tư,
Mà còn chẳng bỏ thói hư thói hèn,
Muốn cho cha mẹ ngợi-khen,
Từ rày nên rán tập rèn cho siêng.
Ông bà xó sẳn của tiền,
Lại thường làm ruộng phước-duyên để dành.
Lớn lên ăn ờ cao-thanh,
Biết yêu, biết quí, điều lành nghe con!

Bạc-liêu, ngày 3-7 Nhâm-Ngũ (14-8-42)

HOÀI CỔ

Bình tâm cất bút tõ lời,
Xét xem hai chữ vận thời còn xa.
Liếc nhìn thế-giới can qua,
Ngàn muôn binh tướng xua ra chiến trường.
Dốc lòng tranh bá đồ vương,
Đeo câu danh-lợi lắp đường nghĩa-nhân.
Gieo điều tàn-khốc cho dận,
Khiến lòng Tăng-Sĩ bâng-khuâng lo lường.
Tiếc thay đạo-nghĩa luân-thường,
Thánh-nhơn đã vạch sẳn đường từ xưa.
Để cho quân-tử lọc-lừa,
Ở ăn hợp lẽ rán chừa tiểu nhân.
Trên vua minh chánh cầm cân,
Dưới quan liêm-tiết xửa phân công-bình.
Quyền cha quản xuất gia-đình,
Dạy con phải phép vẹn gìn hiếu trung.
Từ ngày cách mặt cửu-trùng,
Thay đời đổi cách bất tùng Thánh-Tiên.
Bút lông đẹp với diã nghiên,
Thế vào bút sắt vùng viên mực tròn.
Lần lần thế đạo suy mòn,
Nền xưa nếp cũ, hỡi còn mấy ai.
Nên ta thờ vắn than dài,
Cúi đầu lạy Phật niệm hoài mấy câu.
Dứt trần mang bộ sồng nâu,
Trông ngày chư quốc chư hầu tỉnh tâm.
Đừng gây chinh-chiến ù ầm.
Để gây hạnh-phúc mà tầm Phật Tiên.
Ta-bà thật cảnh ưu phiền,
Duyên trần cấu kết oan khiên báo đền.
Thiều-quang thấm-thoát dường tên,
Mắc vòng sanh-tử có bền được đâu.
Chi bằng theo học đạo mầu,
Sớm qua khổ hải theo hầu Phật Tiên.
Tham chi giả tạm của tiền,
Như chim vào lưới xích-xiềng trói thân.
Tính xong món nợ lần-khân,
Thoát vòng cương tỏa pháp-thân nhẹ-nhàng.
Tiêu diêu đạo đức luận bàn,
Vân du võ-trụ thanh-nhàn biết bao.

Bạc-liêu, năm Nhâm-Ngũ (1942)

DỤNG KINH-QUYỀN

Hỡi ôi! Trời đất mấy muôn trùng,
Muốn dụng kinh-quyền đạt hiếu trung.
Ngặt nỗi thân phàm vương-vấn nạn,
Trường thi chưa mởi trống chưa thùng.

Trống chưa thùng sĩ-tử vẫn chờ trông,
Mong ngóng mau mau thấy mặt rồng.
Bảng-hổ danh đề tên chí-sĩ,
Đem tài thao-lược giúp non sông.

Giúp non-sông trong lúc chịu gian-truân,
Thảm-lệ tràn tuôn mãi chẳng ngừng.
Mịt mịt mờ mờ mưa gió đạn,
Phong-trần đày-đọa mấy mươi xuân.

Mấy mươi xuân vắng chúa, trông hoài,
Thân gởi nơi người nợ chẳng vay.
Trời đất lẽ nào không xét đến,
Để cho dân Việt khổ lâu dài.

Khổ lâu dài nay sắp mãn hay chưa,
Cầu nguyện Phật trời gội móc mưa.
Kíp mở Long-Hoa xây máy tạo,
Cho dân Hồng-Lạc thọ ân thừa.

Thọ ân thừa mà được cảnh nhàn an,
Trăm họ đầu đê trước Thánh-Hoàng.
Nguyện giữ cang-thường gìn Phật-đạo,
Giao-hòa mãi mãi với lân-bang.

Với lân bang sẽ dứt mối thâm thù,
Trên dưới một lòng chí nguyện tu.
Chẳng dám trễ-bê đường đạo-đức,
Đặng mong chẳng vướng cảnh ao-tù.

Cảnh ao-tù giờ vẫn phải còn mang,
Nặng triệu trên đầu héo ruột gan.
Chí dốc thoái-ly vòng xích tỏa,
Cầu trên Thánh-chúa vững ngai vàng.

Chúa vững ngai vàng sãi mới yên,
Rời ngay cảnh tục trở về tiên.
Chẳng còn tham-luyến nơi trần-thế,
Vì cả thế-gian hết não phiền.

Bạc-liêu, năm Nhâm-Ngũ (1942)

RỨT CÁI NGU ĐẦN

Vướng nghiệp trần-hoàn bởi quả nhân,
Gây ra kiếp số chịu phong-trần.
Nay nhờ đuốc huệ soi đường tối,
Đặng rứt cái ngu lẫn cái đần.

Muốn bán cái ngu lẫn cái đần,
Ngu đần cả nước lẫn cùng dân.
Sớm lo lòn cúi chiều ăn ngủ,
Nào biết liệu toan gỡ nợ-nần.

Nợ-nần tiên-tổ gây nên,
Con cháu ngày nay phải báo đền,
Đành thế, nhưng vừa lời với vốn,
Lẽ gì chịu dại trả ngông-nghênh?

Bạc-liêu, năm Nhâm-Ngũ (1942)

THẬP NHỊ NHƠN-DUYÊN

Nhơn duyên thứ nhứt phát khời từ màn vô-minh mà che lấp bản ngã (linh-hồn) nên làm cho người phải tăm tối mê say, gây tạo ác nghiệp, chịu nẻo luân hồi thống khổ. Đây là 12 duyên sanh: Vô-minh sanh hành, hành sanh thức, thức sanh danh-sắc, danh-sắc sanh lục-nhập, lục-nhập sanh xúc-động, xúc-động sanh thọ-cảm, thọ-cảm sanh ái, ái sanh bảo-thủ, bảo-thủ sanh hữu, hữu sanh sanh, sanh sanh lão-tử.

Đó là 12 duyên-sanh, nó dắt đi từ kiếp nầy đến kiếp kia không có dứt; cái vô-minh nghĩa là tối tăm mê dốt, từ hồi vô-thỉ. Có mê dốt ta mới hành-động rồi hành-động ấy sanh ra muôn pháp, nên mới có cái thức (biết), ví như loài cây cỏ, sắt đá (vô tình) không biết chi cả, đâu có danh-sắc, còn ta là loài hữu-tình cái biết ấy nên có xác-thịt và linh-hồn, danh-sắc. Xác thịt và linh-hồn có thì phải có 6 căn: nhản, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý nhiễm với 6 trần là: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp nên gọi là lục-nhập. Có lục-nhập mới có tiếp-xúc với mọi người và vạn vật, nên gọi là xúc-động, rồi từ chỗ tiếp-xúc mới thọ hưởng của tiền-trần nên gọi là thọ-cảm. Có thọ-cảm, thọ hưởng của tiền-trần rồi mới có cái ưa thích, quyến luyến, thâm tình nên gọi là ái.

Muôn việc chi ở đời, nếu ta yêu thích cái điều đó, thì ta phải gắng công giữ-gìn chặt-chịa nên gọi la bảo-thủ; mà gìn-giữ chặt chịa thì mới có sống, nếu không, làm sao mà ta sống, nên gọi là hữu. Rồi cái sống ấy, mến tiếc ấy mới đầu thai trở lại cõi trần đặng hưởng dụng nên gọi là sanh. Muôn loài vạn vật hễ sanh ra thì lớn, hễ lớn thì sẽ già bị trong tứ đại (đất, nước, gió, lửa) làm nên nào là tứ thời, cảm-mạo bất hòa, hễ già thì yếu đau, nếu đau tất là phải chết nên gọi là lão, tử. Ấy vậy cái nghiệp-nhơn của già, chết, ấy là tại cái vô-minh mà ra tất cả.

MÔN HOÀN DIỆT

Nếu ta tìm con đường bát chánh đạo của Phật mà đi, giữ tâm thanh tịnh, làm việc nhơn từ, không lòng hờn-giận, chẳng dạ ghét-ganh, chuyên tâm niệm Phật, giúp thế độ đời, đừng chứa điều phiền-não và để bụng tham-lam ích-kỷ, gây mối thiện-duyên, lần lần trí-huệ mở-mang, cõi lòng sáng-suốt, thì màn vô-minh sẽ bị diệt mất.

Vô-minh bị diệt thì hành diệt; hành bị diệt thì thức diệt; thức bị diệt thì danh-sắc diệt; danh-sắc diệt thì lục-nhập diệt; lục nhập diệt thì xúc-động diệt; xúc-động diệt thì thọ cảm diệt; thọ cảm bị diệt thì ái diệt; ái bị diệt thì bảo-thủ diệt; bảo-thủ bị diệt thì hữu diệt; hữu bị diệt thì sanh diệt; sanh bị diệt thì lão, tử diệt. Ấy là giải-thoát vậy.

Bạc-liêu, năm Nhâm-Ngũ (1942)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn