Thắng diệu của Pháp tu Tứ Ân

13 Tháng Giêng 200612:00 SA(Xem: 32070)
Thắng diệu của Pháp tu Tứ Ân

         Giữa lúc Tổ quốc Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của họa diệt vong, dân trong nước cả tăng lẫn tục, người thì hoảng hốt vì tiếng đại bác thần công của quân Pháp bán phá khắp nơi, đến mất cả lòng tự tín, kẻ thì trầm mình trong lối tu chán đời, chẳng thiết gì xã hội nhân quần, thì đột nhiên Đức Phật Thầy Tây An xuất hiện, mang lại ánh hào quang minh cho Đời lẫn Đạo.

           Trải qua những cuộc loạn lạc dai dẳng hằng mấy trăm năm, hết phân tranh giữa Nguyễn với Trịnh, đến phân tranh giữa Nguyễn với Tây Sơn, các nền tảng đạo lý cổ lai cơ hồ đổ nát.

           Đạo nhân nghĩa của Thánh Hiến cũng như đạo giải thoát của Đức Phật, không còn giữ được săc thái truyền thống nhưđời Lý đời Trần, cái tinh thần khinh tài trọng nghĩa, cái khí phách tiết liệt thanh liêm do đạo Khổng Mạnh đào luyện nên phải thối bộ trước trào lưu khu danh trục lợi; cũng như lối tu thanh tĩnh vô vi chơn truyền của Đức Phật Thích Ca đã pha trộn, hay có thể nói biến thành một lối tu mê tín dị đoan của đám người chán đời thất thế.

           Giữa cơn hỗn loạn về tinh thần ấy, sự xuất hiện của Đức Phật Thầy Tây An ví chẳng khác một ánh sáng rọi vào nơi hắc ám, mội hồi chuông cảnh tỉnh, đánh thức những kẻ miên man trong giấc mộng tràng.

           Ngài khôi phục lại đạo nhân nghĩa của Thánh Hiền chấn chỉnh thuần phong mỹ tục. Trai thì trung cang nghĩa khí, giữ vẹn ngũ luân; gái thì hiếu hạnh tiết trinh, gìn câu tứ đức. Đó là cả nền tảng đạo Hiếu nghĩa. Tứ Ân mà Đức Phật Thầy Tây An và các vị tiên giác trong giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương đã dày công hoằng hóa.

           Điều quan trọng trong Tứ Ân là Ân đất nước, một ân mà phàm là phận con đâu phải lo đền đáp.

           Về Ân đất nước, ông Thanh Sĩ đã giảng giải như sau:

           “ Năm vóc thân của chúng ta được có là nhờ ở cha mẹ chia xương xẻ thịt cho. Còn sự sống của chúng ta được vững vàng có đủ điều kiện về mặt ở ăn đều nhớ ở đất nước quê hương cung cấp. Hái những cây cỏ lá rau và đứng trên miếng đất của Tổ quốc, cũng như từng nhờ sự truyền thu của nòi giống, đều giúp cho sự sống của chúng ta được có đủ mọi điều nhu cầu, khỏi phải thiếu thốn.

           “ Nói rõ là sự sống của chúng ta rất nhờ ở đất nước cung phụng, vì thế mà chúng ta lúc nào cũng nhận thấy nơi mình có bổn phận phải nâng thánh đỡ vạc trong lúc quốc gia bị kẻ ngoài vây đạp bức bách.

           “ Chúng ta phải có đủ cách khôn ngoan khéo léo để làm cho người nhà từ chỗ yếu ớt trở nên mạnh mẽ. Từ chỗ bị thống trị trở lại độc lập phú cường. Gặp lúc nước nhà bị kẻ nước ngoài xâm lấn, chúng ta cần phải nỗ lực cứu cấp như lửa cháy mày, dù phải hy sinh rất nhều và phải vào sinh ra tử, lòng vẫn hăng hái lướt tới và có quả cảm để làm xứng đáng một dân tộc tự giác. Với sự đối địch cùng kẻ ngoại lai là một bổn phận mà lúc nào chúng ta cũng thiệt thi cho kỳ được, nghĩa là làm đến khi nào gót chơn của kẻ ngoại nhân không còn giẫm trên đất nước chúng ta, và họ không còn đàn áp dân tộc chúng ta nữa. Chừng đó nước nhà chúng ta mới được độc lập và dân tộc mới thật tự do.

           “ Nghĩ vì nước nhà được thanh bình thì đời sống chúng ta mới được vui tươi, cũng như dân tộc có tự do thì sự sinh hoạt của chúng ta mới đầy đủ thế nên dù tốn bao nhiêu xương máu, tâm lực để cứu quốc an dân, chúng ta vẫn hy sinh làm cho đến chỗ vinh quang sáng lạn. Song muốn cứu quốc; lẽ thứ nhứt, chúng ta phải tùy sức lực, tùy tài năng; tùy những điều kiện của mình đã có mà cung phụng cho xứ sở. Chúng ta có thể hy sinh những gì của mình đã có để làm cho xứ sở nhờ đến những lúc đau thương cảnh giặc giã. nhược bằng, chúng ta kém tài, thiếu sức không thể gánh vác mọi việc to tát được thì hãy nhận lấy những việc vừa sức mình để làm; hoặc giả xét vì thời cơ chưa thuận tiện giúp đất nước thà là chúng ta ngồi yên để chịu lấy tiếng không công cán gì, tuyệt nhiên không mó tay vào việc tai hại cho quê hương, nhứt là không giúp tay kẻ địch bằng cách giúp lương tiền hay chỉ ngõ đem đường cho họ tiến chiếm và tàn sát dân tộc mình.

           “ Dân tộc Việt Nam hơn bốn ngàn năm lịch sử vẫn tự cường và ngang nhiên ở vùng đất chữ S, mặc dầu sống gần con hạm Trung Hoa mà không bị mất một miếng thịt nào cả. Và từng sản xuất rất nhiều anh danh tuấn kiệt, với những chiến sách, với những oai hùng đã từng sức một chống mười, chống trăm, chống ngàn được thắng luôn một cách anh dũng. Bằng chứng là quân nhà Minh, nhà Nguyên, Nhà Thanh qua đây đều thất bại một cách nhục nhã. Với những thế kỷ trước như thế nào thì thế kỷ này cũng vậy. Ông cha chúng ta đẻ chúng ta , nếu ông cha có khí hùng cường thì chúng ta cũng phải có chí hùng cường để làm cho nước nhà đôc lập phú cường, để sánh ngang hàng với các cường quốc, làm cho hương danh của Tổ phu được thơm tho và giúp nước nhà được miên viễn. Với sự cứu quốc quan hệ nhứt là ở giai đoàn này, chúng ta cần nỗ lực đem tài năng của mình để cán đáng một công việc làm lớn nhỏ nào, có thể giúp cho Tổ quốc sớm phục hưng. Có được như thế, chúng ta mới đáp ân đất nước một phần nào vậy.” (1)

           Nhờ hấp thu và đào luyện trong pháp môn tu Tứ Ân Hiếu Nghĩa, các môn nhân đệ tử của giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương là những phần tử thiết tha yêu nước đề cao tinh thần dân tộc.

           Đức Phật Thầy Tây An ra đời và viên tịch trước khi quân Pháp sang chiếm Việt Nam độ mười năm, Ngài đã biết trước vận nước sắp đến hồi đen tối, quân Pháp sắp giày xéo non sông đất Việt. Tuy không thể cưỡng lại mạng trời, nhưng phàm là phận con dân, đã chịu ân của Tổ phụ dày công xây dựng nên đẫy giang san gấm vóc lưu lại cho cháu con thì há lại để cho ngoại nhân xâm chiếm đễ dàng mà không đau lòng xót dạ. Huống chi trong việc bảo vệ nước non chẳng nhưng tỏ ra được chí hào hùng bất khuất của một dân tộc đã có bốn ngàn năm lịch sử mà tròn bổn phận của con dân đối với quê hương đất nước . Một khi làm tròn bổn phận con dân tức là hành sử được đạo Nhân vậy.

           Thế nên khi quân Pháp đặt chân đến đất Việt Nam, hầu hết khối tín đồ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương đều khởi lên phong trào chống Pháp và bất hợp tác. Từ Đức Phật Thầy Tây An ra mở đạo cho đến ngày Đức Huỳnh giáo chủ ra cứu đời, suốt một thời gian Pháp đô hộ Việt Nam, cái tinh thần kháng Pháp và bất hợp tác không hề lay chuyển trong tin đồ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương.

           Người nào có đủ khả năng đảm lược thi cử đổ đại sự chiêu mộ nghĩa quân, đứng ra kháng chiến, còn người nào không đủ tài sức thì một mực cự tuyệt không hợp tác với giặc.

           Do đó quân Pháp xem giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương là một kẻ thù, một chướng ngại nguy hiểm cho tham vọng thực dân của chúng, cho nên thẳng tay đàn áp, tìm đủ cách tiêu diệt.

           Có cần kiểm điểm chăng những thành quả mà đạo Tứ Ân đào tạo nên những đứa con tận trung tận hiếu trong hồi quốc phá gia vong?

           Về phương diện kháng chiến chống Pháp, giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương có những vị anh hùng như Đức Cố Quản tức Trần Văn Thành, cụ Nguyễn Trung Trực và gần đây Đức Huỳnh giáo chủ. Đạo Tứ Ân đã đào nơi những vị anh hùng kháng chiến, chí hy sinh cao cả, vì nước quên mình.

           Những gương trung nghĩa, hiền từ, kiên trinh, khí tiết… còn nhiều không sao kể xiết. Nói tóm lại trong thời kỳ quân Pháp sang chiếm Việt Nam, giáo hệ Bửu- Sơn  Kỳ- Hương nhứt tâm chủ trương kháng chiến và đề cao tinh thần bất hợp tác.

           Đó là chỗ thắng diệu của pháp môn Tu Nhân Học Phật.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn