5- Đức Thầy giả từ làng Hòa Hảo .

13 Tháng Giêng 200612:00 SA(Xem: 39406)
 5- Đức Thầy giả từ làng Hòa Hảo .
Vì thấy ảnh-hưởng tinh-thần của Đức Thầy càng phát-triển và số tín-đồ của Ngài càng bữa càng gia-tăng, nên nhà chức-trách Pháp thuở ấy đâm ra lo sợ cho địa-vị của họ sẽ bị lung-lay bởi cái khối quảng-đại quần chúng nầy, một khối quần-chúng tuy chất-phác mà chơn-thành và đầy lòng hy-sinh vị nghĩa. Thế nên họ nhứt quyết đàn-áp phong-trào tôn-giáo nầy.

Đã đoán trước công chuyện sẽ xãy tới cho mình nên ngày mùng 1 tháng tư năm Canh-thìn (1940), Ngài viết bài « Từ-giả bổn-đạo khắp nơi », trong đó có câu:

« Từ nay cách biệt xa ngàn,
Ai người tâm đạo đừng toan phụ Thầy !
Giữa chừng đờn nỡ đứt dây,
Chưa vui buổi hiệp bỗng Thầy lại xa !»

Qua ngày mùng 10 tháng tư năm Canh-thìn, Đức Thầy lại viết bài « Diệu-pháp quang-minh » để biểu-dương tinh-thần ưu dân vị quốc, khuyến-khích kẻ trung-lương, mạt-sát quân phản-nịnh.

« Thương trung thần ghét nịnh mặt lỳ,
Dám thiết kế hại tôi lương-đống ».

a.Đi Châu-đốc. ngày 12 tháng tư năm Canh-thìn, vào lúc 7 giờ sáng, nhà đương-cuộc Pháp đến Hòa-Hảo dời Đức Thầy qua Tòa-bố Châu-Đốc.

b.Xuống Sa-Đéc. Vài giờ sau, họ lập tức chở Ngài đi thẳng xuống Sa-Đéc, làm cho biết bao tín-đồ phải đau-thương bực-tức, ngơ-ngác xôn-xao…

Khi đến Sa-Đéc, Đức Thầy được giao cho Chủ sở Mật-Thám Bazin lãnh trách-nhiệm xét tra, dòm ngó. Thay vì bị khó dễ lôi-thôi, Đức Thầy lại được Bazin phu nhơn (lúc đó viên cò Bazin đi vắng) đem dâng một dĩa xoài và nói với Đức Ông rằng: « Tôi biết mấy ông đạo ở trên núi thường ưa dùng trái cây ». Sai lại Đức Thầy được viên cò Bazin cho đến ở tại nhà ông thông phán Đặng.

Chính tại đây là nơi Đức Thầy viết bài « Rằm tháng tư năm Canh-thìn » hay là bài  « Sa-Đéc » để trấn-tỉnh môn-sinh, nhắccâu thi đức… chớ Ngài «… cũng chẳng lấy chi buồn-bã; bởi sự thường của bậc siêu-nhân » Ngài chỉ «… còn thương, thương trò lịu-địu; chớ cũng mừng được dịp phổ-thông » lý-tưởng cao siêu của Ngài cho khắp nơi được biết.

c.Đến Cần-Thơ vì nhà cầm quyền ở Sa-Đéc cho hay rằng có lịnh cấm Đức Thầy truyền Đạo ở tỉnh nầy nên ngày 18 tháng tư năm Canh-thìn, anh em tín đồ thỉnh Ngài về lưu-trú tại nhà ông Hương-bộ Võ-mậu-Thạnh ở rạch So-đũa (hay là kinh xáng Xà-No) thuộc làng Nhơn-Nghĩa (Cần-Thơ) (1)

Tại Xà-No, Đức Thầy tiếp-tục phát phù trị bịnh, hoằng pháp độ nhân. Thiên-hạ xa gần tới lui nườm nượp. Chính tại đây Đức Thầy đã viết bài « Nang thơ cẩm tú » (ngày 29-5 Canh-thìn). Tiên đoán rằng Ngài còn phải đi xa nữa nên ngày rằm tháng 6 năm Canh-thìn, Ngài viết bài « Từ giã làng Nhơn-Nghĩa » để khuyên bổn đạo hãy:

Gìn câu nguyện vái chớ lơi nghĩa Thầy.
Bớt lòng thương nhớ từ đây,
Chẳng còn bịn-rịn để thầy an tâm » .

Tại sao Ngài khuyên bổn-đạo không nên bịn-rịn ? Là bởi vì Ngài đi đến đâu là ban rải nguồn ân đến đó:
-----------------
                1. Chính chiếc xe Renault số CL 609 màu da của ông phán Hồ-viết-Long (Sa-Đéc) mới mua về đã được dùng để đưa Đức Thầy qua Cân-Thơ. Chiếc xe nầy sau lại cũng đã được dùng để đưa Đức Thầy từ Hà-Tiên về Châu-Đốc trong dịp Ngài đi Khuyến nông (1945) tại Hà-Tiên, Đức Thầy có nói : « Chiếc xe nầy có duyên với tôi ».

                Thế rồi mùa thu 1945, chiếc xe ấy bị V.M. trưng-dụng. Khi quân Pháp lại Sa-Đéc V.M. lủi bỏ nó lại Cái-Tàu-Thượng Lợi dụng sự ủng hộ của quân đội Pháp, ông Phạm-văn-Ngỡi đem nó về Sađéc sửa sang. Rồi ông Ngỡi lại phải bỏ nó trong một dịp chạy trên đường Vĩnh Long Sa-Đéc vì bị V.M tấn công bất ngờ. Sau vụ nầy, Ban Trị Sự P.G.H.H. tỉnh Sa-Đéc lấy lại được chiếc xe đã mấy lần thay chủ và gởi về Đức Ông để dành cho Đức Thầy xử-dụng.
Xem qua lịch sử chiếc xe Renault nầy anh em cũng thấy rõ lời Đức Thầy tiên-tri rất đúng.
-----------------
« Càng đi càng biết nhiều nơi,
Càng đem chơn-lý tuyệt vời phổ-thông »

Vả lại Đức Thầy là một bậc vĩ-nhân thánh triết, tự ví mình như:

« Cá to mà phải ở ao,
Muốn ra biển rộng phải nhào kiếm sông »

Quả thật như Ngài đã tiên đoán, nhà đương cuộc Pháp không muốn cho Ngài ở làng Nhơn-Nghĩa nữa vì số người qui-ngưỡng Ngài gia-tăng không thể tưởng tượng được. Ngài bèn gởi một  

« Lá phép xin về tỉnh Bạc-Liêu,
Ngụ nơi gia-trạch Hội-đồng Điều »  

d. Bị dời về nhà thương Chợ-Quán – Ngày 29 tháng 6 năm Canh-thìn, Ngài ra Cần-Thơ Đến đây Ngài bị nhà cầm quyền giữ lại và gởi vô Nhà thương Cần-Thơ khám-bệnh.
 
Để thử tài Ngài, viên Giám-Đốc Dưỡng-Đường Cần-Thơ (nếu chúng tôi nhớ không sai thì là Bác-sĩ Favot) bảo Ngài nói về lãnh đạo Lão (le Taoisme). Đức Thầy bèn giảng-giải một cách lưu-loát lối nửa giờ. Chẳng biết ông Thầy thuốc Chí (Y-sĩ ngạch Đông-Dương đang giúp việc tại đó) thông-ngôn cách nào mà sau lại, khi gặp ông Đỗ-văn-Viễn (Thú y-sĩ ở Cần-Thơ, hiện nay ở Châu-Đốc), Đức Thầy nói: « Ông Thầy-thuốc Chí… thông ngôn không đúng ông à ! ».

Thế là qua ngày mùng 4 tháng 7 năm Canh-thìn, Đức Thầy bị dời về Nhà thương Chợ-Quán (Chợ-Lớn) để khán-nghiệm coi Ngài có mắc bịnh thần-kinh bay không ?
Tại đây, Đức Thầy thâu phục viên y-sĩ có phận sự xem-xét về bịnh-tình (1) của Ngài. Viên y-sĩ đó là ông Trần-văn-Tâm, lương-y ngạch Đông-Dương hồi thời Pháp-thuộc. Ông nầy kỉnh tin Đức Thầy vì Ngài đối-đáp trôi chảy những câu hỏi nan giải về Phật-học do ông đưa ra. Đức Thầy lại còn chỉ ông cho về nhà tìm bài « Vô thường khổ não vô ngã » ở trong một quyển sách về Phật-học của ông. Ông tâm lại còn được Đức-Thầy cho thấy nhiều huyền-diệu nhiệm-mầu, nên không ngần-ngại quy-y thọ giáo.

Đức Thầy lại còn thâu-phục được anh gác cửa nhà thương bằng cách chữa lành bịnh đau mắt của thân-mẫu anh ta (chữa bằng một chai nước lã).

Nhờ vậy từ đây anh em tín-đồ muốn vô nhà thương thăm Đức Thầy thường được sự dễ-dãi. Nhiều người thuộc hạng trí-thức và danh-gia vọng-tộc có dịp đến đây trước để biết Đức Thầy sau để quy-y đầu Phật.

Trong thời-gian ở đây, Đức Thầy có viết bài « Thu đã cuối » (ngày 30-9 Canh-thìn), bài « Trao lời cùng ông Táo » (ngày 3-12 Canh-thìn), bài « Tự thán » (tháng chạp Canh-thìn) và rất nhiều bài khác nữa…

e. Lại được về Bạc-Liêu. Lúc còn ở Xà-No, Đức Thầy có xin về Bạc-Liêu. Lại nữa, vì khám-nghiệm đã lâu mà không thấy Đức Thầy có gì gọi là mắc bịnh thần-kinh nên nhà chức-trách Pháp bằng lòng cho Ngài về Bạc-Liêu.

Ngày 11 tháng 5 năm Tân-tị (1941), Ngài được đời ra ở 8 ngày tại sở Công-An Saigon (tục gọi là bót Catinat).

Qua ngày 19 tháng 5 năm Tân-tị (19-6-1941) Ngài mới được đi Bạc-Liêu.

Đến Bạc-Liêu, Đức Thầy được giao cho sở Cảnh sát tuần thành (Commissariat de Police). Chính bà Phùng-thị-Liên (tục gọi bà cò-tàu Hảo) đã bàn tính với ông và bà Võ-văn-Giỏi (lúc đó là cựu Thơ-Ký Soái-Phủ Nam-Kỳ) để Đức Thầy được lưu- cư tại nhà hai ông bà. Mỗi tuần Đức Thầy phải đến sở Cảnh-sát trình-diện vào ngày thứ hai (buổi sáng).

Ở đây, Ngài không được phép phát phù trị bịnh hoặc thuyết pháp độ nhân. Nhiều người đến ngóng trông ngoài cửu song sắt của ông Ký Giỏi nhưng phải thất vọng trở về vì sở Mật-Thám Chính-trị (Police Spéciale) đang tò-mò dòm ngó. Vì lẽ đó nên Đức Thầy tức cảnh có làm mấy bài thi dưới đây (14-7-41):

Gặp lúc truân-chuyên lắm buộc-ràng,
Cảm-tình bổn-đạo tiếng riêng than.
Tạm ngưng lý-lẽ trong cơn túng,
Xin chớ ưu-sầu cuộc dở-dang.

Nghĩ cuộc đời lương-tâm càng cố-gắng,
Lòng ta rối-rắm cuộc tằm-tơ.
Vì đâu nên nỗi hẫng-hờ,
Với người tha-thiết đợi chờ ngoài song ? !

Những người đến viếng Đức Thầy nhưng vô nhà ông Ký Giỏi  không được thì khi trở về tất phải đồn-đãi tin nầy Bọn lính-kín lấy tin cho Pháp thấy vậy mới lơi sự dòm-dỏ. Nhờ vậy mà, sau lại, có nhiều người được đến vấn an, diện-kiến và quy-y.

Trong khi ở Bạc-Liêu, Đức Thầy có thâu phục nhiều tín-đồ quan-trọng như ông Dương-vĩnh-Phước (tức Cả Hốt), một tín-đồ tu theo Đức Bổn- Sư ở núi Tượng (1), ông Võ-văn-Giỏi, một tín-đồ chí thành chí chơn của Đức Thầy, - ông Chung- bá-Khánh, một đại điền-chủ đã từng du học bên Pháp và sau nầy (1945) có đại-diện cho khối P.G.H.H. để ký tên vào một tờ hiệu-triệu với Nguyễn-văn-Tây, Thanh-Tra Chính-Trị Miền Tây Nam-Bộ (V.M) v.v…

Mặc dầu bịnh đau vò-võ « tuy thuốc dùng chẳng tuyệt được cơn đau » nhưng trong thời-kỳ ở Bạc-Liêu. Đức Thầy đã trước-tác rất nhiều. Ngoài những bài thi vắn như: Đi trình báo, Tạm ngưng lý-lẽ, Vịnh
-----------------
                   1.Trước khi gặp Đức Thầy, ông cả Hốt đã có một cái chùa (chỉ thờ trần đỏ) và đã « có phần thiêng-liêng ». Ông có lên Xà-No với ông Hội đồng-Điều để thử Đức Thầy. Ông mặc một cái áo tây (paletot) và ngồi ở ngồi đàng sau anh em bổn-đạo, nhưng Đức Thầy lại vỗ vai và nắm tay ông ra đàng trước mời ngồi với Ngài.

                  Trong lúc Đức Thầy ở Bạc-Liêu, ông Cả Hốt thỉnh-thoảng có đến thăm Đức Thầy. Có lần ông dùng « tiếng trên », « hình vẽ » hoặc « chữ riêng » (giống chữ Hán, nhưng người thường đọc không đươc mà trao-đổi tư-tưởng với Đức Thầy.  
-----------------
quạt máy, Vịnh con beo đá, Vì sanh-chúng, Ngũ ngôn cách cú. Mong chờ, Ném cấp bằng, Cho Thầy Đội Giàu. Cho ông Cò-Tàu Hảo, Cảm tác, Buồn và Tủi, Gởi Bác-sĩ Cao-triều-Lợi, Cho thằng Tân, Hoài cổ, Dụng kinh quyền, Rứt cái ngu dần v.v… Đức Thầy còn viết quyển « Khuyến thiện » và những bài kể sau đây để cho các bậc thiện trí-thức xem đó mà tu-tập: Thập-nhị nhân-duyên, Đức phật đối với chúng-sanh, Lời khuyên bổn-đạo, Phật là gì, Chư Phật có bốn đại-đức, Sơ giải về tứ-diệu-đề. Trong việc tu thân xử kỷ, Những câu chú thường niệm (dịch ra văn vần).

Ông bạn Lê-minh-Tòng, một cách mạng gia chơn thành, làm nghề nhiếp ảnh tại Bạc-Liêu (biết coi tay, coi tướng và có cảm tình với P.G.H.H.) có đến chụp hình và coi tay Đức Thầy. Ông ta nói: « Theo bàn tay của Đức Thầy thì Ngài phải là một nhà đại cách-mạng hơn là một thầy tu ! » Đức Thầy cười và đáp: « Ông biết được chiếc xe hiệu gì, tốt hay xấu mà không biết người lái xe ấy là người thế nào !»

Ông Lê-minh-Tòng (bị đày Côn-đào năm 1943, được trở về xứ năm 1945, sau cuộc đảo chánh 9-3-45) có thú-thật với chúng tôi trong một cuộc gặp-gỡ hồi năm 1947 rằng: chính ông đã cảm hứng làm ra bức ảnh cở 9x12 (carte postale), chụp bản-đồ Đông-Dương trên đó có ba cái hình tròn bằng đồng xu. Ấy là ba bức ảnh của Chiêu-Hòa Thiên hoàng (ở đầu trên, ngay thủ-đô Hà-nội) Kỳ Ngoại-hầu Cường-Để (ở ngay kinh-đô Huế) và Đức Thầy (ở ngay thủ-đô Saigon). Vì có bức ảnh nầy nên ông Hiền-Sĩ trong số báo Phục-Hưng ngày 26-8-1916, đã lầm tưởng rằng Đức Thầy có mộng tranh bá đồ vương, mặc dầu từ trước ông Hiền Sĩ đã có lòng tín-phục Ngài.

Chúng tôi tưởng cần phải nhắc lại chuyện nầy:

Trong lúc Đức Thầy ở Bạc-Liêu thì tại làng Thới-Thạnh (Cần-Thơ) có xảy ra vụ Lê-văn-Nguyên mê-tín sát nhơn. Vụ nầy bị đưa ra Tòa Đại Hình Cần-Thơ. Vài tín-đồ H H. vô tình liên-can ít nhiều trong vụ nầy nên cũng bị bắt giam chờ ngày xét xử. Thân-nhơn mấy người nầy có đến khẩn-khoản cầu xin Đức Thầy cứu nạn. Đức Thầy bảo hãy kiếm Trạng-sư Thơi (mà Đức Thầy chưa hề biết danh và gặp mặt) để nhờ ông nầy biện-hộ, Trạng-sư Thơi (ở Sàigòn) khi được người đến xin bào-chữa giùm vụ nầy, cũng không cí chút hy-vọng nào gỡ rối được cho thân-chủ. Nhưng may-mắn làm sao ! Vụ nầy lại được một quan Tòa ở Pháp mới qua và là bạn cũ của Trạng-sư Thơi xét xử. Trước khi xử, hai người có gặp nhau. Sau khi hàn-huyên han-hỏi, Trạng-sư Thơi có dịp nói sơ qua cho ông bạn của mình biết nội-dung vụ mà ông ta lãnh cãi.Thế là, vì muốn tỏ cảm-tình với người bạn cũ mới vừa gặp lại, quan Tòa Nói trên cho mấy người thân-chủ của Trạng-sư Thơi được trắng án.

g. Lại được dời về Sài Gòn. Lúc ấy, người Nhựt đã chú ý đến Đức Thầy là người có sau lưng một khối quảng-đại quần-chúng. Họ định dòi Đức Thầy về Sài-Gòn để lợi-dụng sự cộng-tác của Ngài. Biết rõ ý-định ấy, nhà cầm quyền Pháp tính dời Đức Thầy lên Lào, nhưng họ chưa kịp trở tay. Vài ngày trước khi họ thực-hành ý-định, viên đội Kimura trong Sở Hiến-Binh Nhựt (Kempetai) dùng xe hơi xuống Bạc-Liêu chở Đức Thầy về Sài-Gòn trong đêm mùng 2 tháng 9 năm Nhâm-ngọ (Octobre 1942).

Vì đi ban đêm và bởi lạ đường nên anh tài-xế nhè đường Cà-Mau thẳng tiến. Khi đến Tắc-Vân, xe hư máy nên Kimura phải mượn chiếc xe của ông Lâm-Canh, Ban-trưởng Triều-Châu ở đó để trở lại Bạc-Liêu rồi về Sài-Gòn. Về đến Trung-Lương (Mỹ-Tho) y bị sở Công-An Pháp chận lại và điệu tất cả những người ở trong xe về Sài-Gòn. Hay tin nầy, Bộ Tham-Mưu Nhựt phản-kháng kịch-liệt. Thống Đốc Hoeffel giành bắt Đức Thầy nhưng Bộ Tham-Mưu Nhựt không cho, việc lẽ Đức Thầy có liên-lạc với Chính-phủ Trùng-Khánh.

Sau một thời-gian hai tháng ở lại Sở Hiến-Binh Nhựt (tại Phòng Thương-Mãi Saigon) Đức Thầy được về ở căn phố lầu số 168 đường Lefèvre (sau dời qua căn kế đó, số 150).

Lợi dụng sự có mặt của quân-đội Phù-Tang trên đất nước Việt-Nam các nhóm quốc-gia khởi sự hoạt-động ráo-riết.

Dưới sự điều-khiển của ông Đinh-khắc-Thiệt, một cộng-sự viên đắc-lực của Nhựt, Việt-Nam Thanh-Niên Ái-Quốc Đoàn được thành lập. Đức Thầy có tặng viên Đoàn-trưởng một bài thi, mở đầu bằng câu:

« Vừa nghe nói Đoàn Thanh-Niên Ái-Quốc,
Lòng sĩ-tăng bỗng bật sự vui say !».

Đức Thầy cũng có phái ông Hồ-nhựt-Tân đến tham dự các cuộc hội họp của Đoàn và giúp-đỡ Đoàn về mặt tinh-thần và tài-chánh. Ngài cũng giúp nhóm Nichi-Nan Shokai của ông Trần-văn-Ân, Ngô-đình-Đẩu trong Ủy – Ban Trung – Ương Việt Nam Phục Quốc Hội ở đường Chaigneau.

Mặc dù Nhựt có công giải cứu Đức Thầy khỏi sự câu thúc của thực-dân Pháp, Ngài cũng giữ một thái-độ dè-dặt với họ, không ỷ-lại bôn chôn, mà vẫn âm-thầm củng-cố lực lượng để chờ khi xử-dụng:

« Nay chẳng lẽ ngồi coi thắng bại,
Của cọp rồng trên dải đất ta.
Một mai cọp đã lìa nhà,
Biết rồng có chịu buông tha chăng cùng ?»

Để tỏ tinh-thần bất-khuất của Ngài, Đức Thầy có đọc hai câu đối:

Trương Tiên tá Hớn phi thần Hớn,
Quang Thánh cư Tào bất đế Tào.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn