Nước Việt Nam ở vào vùng cuối cùng của những khối núi vĩ đại từ trung tâm Á Châu đổ dốc xuống bờ biển Thái Bình Dương .
Vị trí đặc biệt ấy đem lại cho nước ta một cuộc diện lồi lõm , thay hình đổi dạng tùy theo miền . Từ Bắc chí Nam , nước ta có ba khu vực thiên nhiên . Trong ba khu vực ấy , núi non choán một phần lớn , bao bọc một vài thửa bình nguyên ( đồng bằng ) :
1- Ở Bắc Việt : Những dãy núi hình rẽ quạt ( cao từ 1.000 đến 2.000 thước ) trên một cánh đồng hình tam giác ( châu thổ của sông Hồng Hà và sông Thái Bình ) .
2-Ở Trung Việt : Dãy Trường Sơn trùng trùng điệp điệp ( một con rắn khổng lồ trên ven biển ) tục gọi là núi Giăng – Mân , từ bên thượng Lào xuyên qua , chạy xuống miền Nam khi bò ra tận bờ bể, khi len lỏi theo dòng sông Cửu Long . Ở đây , ngoài ra vùng cao nguyên lại có một vùng bình nguyên chạy dài theo bờ biển , khi thì rộng vài chục cây số , khi thì bị núi chận đứt đoạn . Ấy là đồng Thanh Hóa và đồng Nghệ An ( châu thổ của sông Mã và sông Cả ) và vùng bình nguyên do phù sa sông Gianh , sông Nhựt Lệ , sông Cầu .
3-Ở Nam Việt : Địa thế nơi đây lại thay đổi hẳn . Dãy Trường Sơn , sau khi chạy dài 1.200 cây số ở miền Trung , lại hạ thấp chỉ còn vài ngọn núi lẽ loi trên những cánh đồng bát ngát , khi xưa là vùng biển được bồi lấp bởi đất phù sa .
Về phần Nam Việt , ta nhận thấy có ba miền thiên nhiên :
a - Miền Đông Bắc là một vùng đất cao gồm rừng và những núi như : Núi Dinh ở Bà Rịa ( 180 thước ) , núi Bà Đen ở Tây Ninh ( 884 thước ) , núi Chứa Chan ( 803 ) và núi Châu Thới ( 60 thước ) ở Biên Hòa .
b - Miền Tây Bắc là một vùng đất cao gồm với những hòn núi như : núi Thất Sơn hay Bảy Núi trong đó có núi Cấm ( 716 thước ) , và núi Sam ( 237 thước ) ở Châu Đốc, núi Sập ( 80 thước ) và núi Ba Thê ( 210 thước ) ở Long Xuyên .
c - Miền Trung Nam Việt là miền đất thấp trũng , bùn sình , trong ấy có Đồng Tháp Mười ( châu thổ phì nhiêu do phù sa sông Cữu Long ) và Đồng Cà Mau .
Dựa theo những điều đã dẫn trên đây , chúng ta có thể kết luận về nguồn gốc và địa lý xa xăm của các dãy núi trong nước ta như thế nầy :
Tất cả đều do dãy Hi Mã Lạp Sơn ( Himalaya ) mà chạy dài xuống phía Nam , khi trồi lên , khi lặn xuống và chấm dứt ở miền Đông Bắc Nam Việt để rồi tủa gân ra miền Tây Bắc Nam Việt thành các dãy núi ở Châu Đốc và Long Xuyên sau thời kỳ địa chấn thứ ba ( đời tiền sử ) . Thật vậy , các nhà địa lý học cho rằng miền Tây Nam Việt trước kia là vịnh biển và hòn đảo , nay được bồi lắp và trở thành ruộng rẩy với núi non .
Thuyết nầy rất đúng vì :
a- Trong vùng ruộng rẫy nói trên vẫn có chỗ còn thấp , nước đầy quanh năm như Đồng Tháp Mười và Đồng Cà Mau .
b - Người ta cũng dùng danh từ hòn Tri Tôn mà chỉ định vùng Tri Tôn ( Xà Tón ) là nơi đã mọc nên dãy Thất Sơn hùng vĩ , một mầm non đầy sinh lực đối với dãy Hi Mã ( hay ít ra cao nguyên Tây Tạng ) cằn cỗi già nua … Điều nầy không có gì làm cho ta ngạc nhiên . Chúng ta hãy lấy hòn Sóc và hòn Đất ở Rạch Giá làm ví dụ . . Trước kia mấy hòn nầy ở ngoài biển khơi , nhưng nhờ có đất phù sa nên đã dính liền với nội địa , dân chúng đã đến ở ăn lập nghiệp trên đó và chung quanh . Vùng nầy đã được nêu là xã Sóc sơn và xã Thổ sơn .