Từ những sự kiện quan sát đến lời khuyên tu hành

11 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 42152)
Từ những sự kiện quan sát đến lời khuyên tu hành

Tương truyền rằng khi Đức Thích Ca Mâu Ni giác ngộ rồi, Ngài đã phải băn khoăn không biết có nên truyền lại cho người khác nền Đạo của Ngài không? Tâm trạng ấy kéo dài một thời gian cho đến lúc Ngài nhìn ao sen trước mặt và một sự so sánh nảy ra trong trí. Có những cánh sen đã vượt khỏi mặt nước để đón lấy ánh sáng, cũng như có những người ở trên đời nầy , vốn thuộc hạng đại trí, không cần có một sự hướng dẫn nào, tự họ có thể giác ngộ tìm thấy chân lý. Lẽ dĩ nhiên là số người nầy rất ít. Có những cánh sen khác chỉ đến gần kề ánh sáng mà thôi , cũng như hầu hết chúng sanh ở trên đời , họ cần có người thức tỉnh dìu dắt mới tới chỗ giác ngộ được. Họ lại là phần đông. Sau hết có những cánh sen là đà dưới đất còn cách ánh sáng rất xa, cũng như một số ít người có cuộc đời quá hèn hạ đen tối ở trên đời nầy. Hạng người thứ ba nầy cũng chỉ chiếm một tỷ số rất nhỏ. Sự so sánh đó khiến Đức Thế Tôn quyết định truyền đạo. Ngài nghĩ đến số đông kia, xót thương họ và quyết ra công cứu vớt họ, đưa họ vào ánh sáng.

Câu chuyện trên đây cho thấy rằng nhà truyền giáo bao giờ cũng thấy rõ đối tượng mà mình nhắm vào. Đức Giáo Chủ cũng thế, Ngài biết rõ đối tượng, và cũng như Đức Thích Ca thuở xưa. Ngài nhắm vào đại đa số dân chúng, hạng người đã gần như chưa đến được ánh sáng. Sứ mạng của Ngài là cứu vớt họ khỏi đắm chìm trong bể khổ. Nhưng hoàn thành được một sứ mạng cao cả thiêng liêng như thế đâu có phải là một việc dễ dàng dù là đối với Phật Thánh đi nữa. Làm thế nào để cho người ta tin tưởng, nghe, hiểu và làm theo?

Trước hết phải chứng tỏ ngôi vị của mình để gây một niềm tin vững vàng ở nơi chúng sanh như ta đã thấy ở phần trên khi nói về sự tá hiệu Khùng Điên của Đức Thầy trong bước đầu giảng đạo. Sự tin tưởng đã có, bây giờ phải làm thế nào để cho người ta nghe, nghĩa là phải làm sao để thức tỉnh họ bởi vì phần đông sống ở đời bị lôi cuốn, chìm đắm trong đời, không có ý thức gì về cuộc sống đó.

Nếp sống xã hội, cuộc đời vật chất đã biến con người thành những bộ máy. Người ta nghĩ, nói, làm một cách tự nhiên vô ý thức. Rất ít người thắc mắc, tra hỏi về ý nghĩa của những hành động của mình cũng như ít người suy nghĩ về giá trị thật sự của những hành động đó. Thành ra nghĩ kỹ ta thấy con người lúc nào cũng như mê ngủ, như say sưa trong cuộc sống ở trần gian. Bao lâu người ta còn lấy đời sống vật chất, đời sống xã hội nầy làm cứu cánh thì bấy lâu người ta còn chìm đắm trong trạng thái vô minh, mê muội, lầm lẫn cái chân với cái giả. Ngay cả trong hoàn cảnh giới hạn (Situations limites) như chiến tranh, cái chết… con người vẫn mơ màng chưa chịu thức tỉnh .

Vậy phải làm thế nào, dùng cách gì để gọi họ giậy? Những lời khuyên tu hành suông sẽ chẳng làm cho ai nghe; mà lối giảng đạo hay giảng luân lý xa xôi cũng chẳng làm cho ai thèm để ý. Phải có những tiếng sấm nổ vào tai, những cái đấm thật mạnh vào thân thể, nghĩa là phải có những sự kiện đập mạnh vào ý thức họ mới có thể làm cho họ tỉnh say, tỉnh ngủ. Phải lột trần tất cả sự thật về tâm lý của họ đem phơi bày trước mắt họ để họ trông thấy và nhận thức rõ ràng cái xấu xa tội lỗi ở trong đó. Phải có những hình ảnh ghê gớm cụ thể của chiến tranh, của bệnh tật, nghèo đói, chết chóc, đặt trước mặt họ để gây ở họ một tâm trạng âu lo sợ sệt. (Vì con người tôn giáo thiết yếu phải là một con người lo sợ; chỉ khi nào con người cảm thấy được thân phận hèn kém, bắp bênh của mình , và cảm thấy được sức mạnh siêu nhiên để hạ mình khấn nguyện trông cậy vào sức mạnh siêu nhiên đó, thì mới thật sự có tôn giáo)

Quyển “Sấm Giảng khuyên người đời tu niệm” là những tiếng sấm sét, những cái đấm cần thiết nói trên; và chính những bước gian truân trên đường giảng đạo được Đức Thầy tường thuật trong tác phẩm là những sự kiện có công dụng đập mạnh  vào ý thức của người dân, giật mạnh họ để đem họ ra khỏi cơn mê.

Họ sẽ tìm thấy chính họ, hoặc những người chung quanh họ ở trong đó với tất cả những tham lam, xấu xa, hèn mọn, tội lỗi, tất cả cái tâm lý rất thực và rất sống động của họ. Họ sẽ nhận ra những hành động, những cử chỉ vô ý thức của con người đó, để bị bắt buộc phải suy nghĩ về những việc làm vô ý thức như vậy, nhất là cách đối xử của người đời đối với một đấng thiêng liêng dưới bộ áo của một người quê mùa chất phác… Họ sẽ giật mình lo sợ và sau cơn mê dài họ bắt đầu tỉnh dậy. Sự thức tỉnh đó là khởi điểm của con đường tu hành  giải thoát. Cho nên đọc quyển Sấm Giảng đầu tiên nầy ta không nên lấy làm lạ tại sao Đức Thầy đã phải dài dòng kể lại những bước gian truân trên đường giảng đạo của Ngài.

Nào những ai đã từng :

Xúm lại đôi co
Chê lão đưa đò mà biết việc chi

Nào những kẻ :

Chẳng chịu ngang cân
Bỏ thêm bỏ bớt mấy lần không thôi

Những ai đã :

Xúm nhau trêu ghẹo để cười gái tơ

Những ai đã :

Thấy kẻ đui cùi chẳng muốn ngó ngang

Những người đó giờ đây khi đọc Sấm Giảng nghĩ lại việc làm của mình chắc chẳng khỏi giật mình lo sợ. Họ bị bắt buộc phải thức tỉnh. Những người khác dù không có làm những việc đó, nhưng khi đọc những đoạn trên, cũng phải nhận ra sự thật tội lỗi xấu xa của đồng loại. Họ bị bắt buộc phải để ý.

Còn có những cảnh nào sống động hơn những cảnh sau đây trong Sấm Giảng ?

Chợ nầy thiên hạ bộn bề
Kẻ nhún người trề chê mấm chẳng ngon
Bạn hàng tiếng nói quá dòn
Giá nầy chẳng bán còn chờ chuyện chi?
Bưng thời kẻ níu người trì
Ở đây không bán chị thì đi đâu?
Dứt lời rồi lại cầu mâu
Mắng “con đĩ chó khéo hầu làm khôn.

Nói ra thêm thảm thêm thê
Ông Lãnh dựa kề giả bán trầu cau
Bạn hàng xúm lại lao xao
Ông bán giá nào nói thử nghe coi?
Trầu thời kẻ móc người moi
Còn cao bẻ giấu thấy lòi tánh tham
Thấy giá bán rẽ nó ham
Bị thêm quê dốt nói làm thẳng tay.

Tất cả tâm lý rất thực rất sống của người đời đã được lột trần ra đó. Và còn biết bao nhiêu “scene) khác tương tự như vậy trong tác phẩm nầy. Cho nên người dân khi đọc qua Sấm Giảng, trong ngôn ngữ thông thường quen thuộc của họ,m sẽ tìm thấy hình ảnh của chính họ cũng như của người chung quanh họ trong đó.

Bên cạnh sự thật đáng buồn đó là những hình ảnh của đau khổ bịnh tật, của chiến tranh tàn khốc mà Đức Thầy đã báo trước cho mọi người biết :

Chiến tranh thế giới bắt đầu :

Lúc nầy thế giới bi ai

Và sẽ diễn tiến như sau :

Mèo kêu bá tánh lao xao
Đến chừng rồng rắn máu đào chỉnh ghê
Con ngựa lại đá con dê
Khắp trong trần hạ nhiều bề gian lao

Với tất cả những thảm họa đau thương của nó :

Từ đây sắp đến thảm thê
Con lìa cha mẹ, vợ kia xa chồng

Thêm vào đó cảnh bệnh tật ốm đau :

Từ đây hay ốm hay đau

Vậy mà bá tánh vẫn chưa chịu thức tỉnh sao? Người đời còn tham lam ích kỷ ed9e63 làm gì khi chiến tranh, đau ốm, cái chết đã gần kề. Bá tánh phải biết rằng khi mình gieo một cái nhân xấu thì tất nhiên sẽ gặt lấy những quả xấu.

Mưu sâu thì họa cũng thâm
Ngày sau sẽ biết thú cầm chỉn ghê
Hùm beo tây tượng bộn bề
Lại thêm ác thú mãng xà rít to

Cuộc sống của ta không phải chỉ có ở kiếp hiện tại nầy. Chết chưa phải là hết mà là bắt đầu kiếp khác. Vậy nên phải nghĩ đến sự lâu dài,đến kiếp sau. Phải biết sợ và tránh cảnh:

Xác thân cọp xé beo quào
Còn người tàn bạo máu đào tuôn rơi

Phải thấy những đau khổ triền mien đó để tìm phương giải thoát. Phải tìm lấy Giáo Lý của Đức Phật, phải sớm tu hành để hưởng phước về sau.

Tóm lại, như đã trình bày trên đây, ta thấy với những sự kiện quan sát trong đời sống hằng ngày của người dân. Đức Giáo Chủ đã gây ở họ ý thức về cuộc đời tạm bợ đau khổ của cõi vô thường để thức tỉnh họ, dìu dắt, đưa họ vào con đường đầy ánh sáng của đạo lý. Cho nên nhà truyền giáo, cũng như người dạy học, bao giờ cũng phải biết rõ đối tượng và nắm vững phương pháp mới có thể thành công một cách vẽ vang được. 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn