Chương 4: Sự Xuất Hiện Của Bửu Sơn Kỳ Hương

01 Tháng Bảy 200212:00 SA(Xem: 100902)
Chương 4: Sự Xuất Hiện Của Bửu Sơn Kỳ Hương
Những sự kiện lịch sử của cuộc Nam tiến mở đất, trình bày trong các chương đầu sách này, kết hợp thành bối cảnh lịch sử của phần đất miền Nam Việt Nam. Sinh hoạt của xã hội và con người trong bối cảnh này, tuy rằng tại một vùng đất mới, vẫn nằm trong truyền thống văn hóa đã có từ hàng ngàn năm trước của dân tộc Việt Nam. Tuy rằng trên vùng đất mới này, trước khi trở thành lãnh thổ Việt Nam và được tổ chức thành xã hội Việt Nam, đã có sẵn nền văn minh địa phương của các sắc dân sinh sống tại đây từ lâu đời, chính yếu là người Cao Miên (Chân Lạp), nhưng nền văn minh địa phương ấy không đủ sức đề kháng với sức mạnh văn hóa Việt Nam. Những đoàn quân và dân Việt Nam từ miền ngoài vào đây đã tạo ra những thay đổi lớn lao trên vùng đất Thủy Chân Lạp này, với một nhịp độ mau hơn nhiều lần nhịp độ tự phát triển của dân bản xứ.

Cho nên xã hội miền Nam này chẳng bao lâu, sau đợt bình định quân sự, đã sinh hoạt gần như một xã hội Việt Nam, tuy rằng vẫn còn có sự hiện diện của những sóc (xóm) người Cao Miên sinh hoạt theo nếp sống cổ truyền của họ. Nhu cầu thích nghi với môi sinh và nếp sống địa phương đã đem thêm vào nền văn hóa Việt Nam những sắc thái mới, mà sau này có người gọi là những đặc điểm địa phương hay cá tính miền Nam Việt Nam.

Do những đặc điểm ấy, mà sau này tại miền Nam, đã xuất hiện những tổ chức quần chúng cách mạng dưới hình thức tôn giáo, chớ không dưới hình thức chánh đảng, như tại Trung Việt và Bắc Việt. Hai tôn giáo cách mạng có quần chúng đông đảo nhứt và được nhắc tới nhiều nhứt là Cao Đài giáo và Phật Giáo Hòa Hảo.

Sự hình thành của Phật Giáo Hòa Hảo, đối tượng công cuộc biên khảo này, được chia ra làm hai thời kỳ:

Thời kỳ Bửu Sơn Kỳ Hương.
Thời kỳ Phật Giáo Hòa Hảo.

Bửu Sơn Kỳ Hương xuất hiện giữa thế kỷ 19 ngay trước khi người Pháp xâm chiếm miền Nam, tức là từ một bối cảnh xã hội và lịch sử của cuộc Nam tiến và khai phá miền Nam.

Phật Giáo Hòa Hảo xuất hiện giữa thế kỷ 20, được xem là thời kỳ nối tiếp truyền thống Bửu Sơn Kỳ Hương, từ một bối cảnh xã hội khác cuộc Nam tiến đã hoàn thành, nhưng người Pháp đã đến chiếm mất chủ quyền của đất nước này.

Bửu Sơn Kỳ Hương được khai sáng năm 1849 bởi một người tục danh Đoàn Minh Huyên, sau này quần chúng tôn xưng là Đức Phật Thầy Tây An.

Trên bình diện văn hóa xã hội, sự xuất hiện của tôn giáo này được xem như là phản ứng văn hóa của khối người Việt đến khai khẩn và định cư tại một vùng đất lạ. Phản ứng văn hóa ấy phát sinh khi cái gia tài văn hóa mà khối di dân từ đàng ngoài vào đây đã cọ xát với một trạng thái xã hội mới hình thành, còn sơ khai, và đầy bấp bênh, trong một khung cảnh địa lý xa lạ và hiểm trở, trong cuộc sống nhiều tội ác và xáo trộn. Cái gia tài văn hóa Việt mới bắt rễ trong bối cảnh xã hội, nếu không lấy sức lại, không gượng dậy, không phản công ngược lại hoàn cảnh, thì nó có thể bị suy trầm băng hoại theo đà xuống dốc của xã hội.

Giữa triền tuột dốc ấy, người sáng lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đã dựng lên hai ngọn cờ: Tín ngưỡng và Ái quốc, để con người đang sống trong khung cảnh xã hội hỗn loạn ấy có được những lý tưởng tốt, để cuộc sống không phương hướng ấy tìm được địa bàn chỉ đường quay về với Đạo pháp và Dân tộc. Tiềm năng văn hóa Việt Nam suy trầm, vươn lên để tồn tại và phát huy.

Bửu Sơn Kỳ Hương, về mặt giáo lý, không phải một tôn giáo mới, mà đích thực là đạo Phật. Đặc điểm của Bửu Sơn Kỳ Hương là: đạo Phật hướng về Dân tộc. Đó là lý do mà Phật Thầy Tây An dựng lên hai ngọn cờ tín ngưỡng và ái quốc.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn