5- Hiệp Định Liên Quân Pháp - Hòa Hảo Ra Đời

30 Tháng Mười Một 200512:00 SA(Xem: 88270)
5- Hiệp Định Liên Quân Pháp - Hòa Hảo Ra Đời
HIỆP ĐỊNH LIÊN QUÂN PHÁP - HÒA HẢO RA ĐỜI

Sau những ngày thương thuyết về các điều kiện hợp tác, ngày 18-5-1947, một bản Hiệp ước liên quân được ký kết tại Cần Thơ, giữa ông Trần Văn Soái và Đại tá Cluzet, tư lịnh miền Tây. Tác giả Savani, sĩ quan chỉ huy cơ quan quân báo Pháp lúc đó đã ghi lại như sau trong tài liệu:

...Sau khi Đức Thầy vắng mặt, các lãnh tụ quân sự và tôn giáo của Phật Giáo Hòa Hảo nghiên cứu các điều kiện để hợp tác với quân đội Pháp. Mặc dù có sự bất đồng ý của một số các lãnh tụ như ông Lê Văn Kinh và ông Nguyễn Giác Ngộ, luật sư Mai Văn Dậu là người được ủy nhiệm điều khiển công tác thương thuyết với Pháp.

Phía người Pháp và chánh phủ Nam Kỳ lúc đó, phái đoàn thương thuyết do đại tá Cluzet cầm đầu gồm có đại úy Nogret và thiếu úy (thông ngôn) Bùi Quang Tần thuộc đệ nhị phòng miền Tây, được sự giúp đỡ của ông Nguyễn Văn Tâm đại diện chính phủ lâm thời Nam Kỳ. Phái đoàn này đã thành công trong mục tiêu giới hạn những yêu sách chánh trị của đảng Dân Xã đưa ra. Một bản văn gọi là Hiệp định Liên quân được ký kết ngày 18-5-1947 tại Cần Thơ quy định các căn bản hợp tác Pháp-Hòa Hảo, và sự tham gia của Phật Giáo Hòa Hảo vào công cuộc bình định.

Phật Giáo Hòa Hảo và lực lượng quân sự được chánh thức công nhận, với tự do tín ngưỡng, được sử dụng quân lực Phật Giáo Hòa Hảo để bảo vệ tín đồ, được quyền đại diện trong các hội đồng hành chánh, được tăng gia võ trang, và mang phù hiệu riêng của Phật Giáo Hòa Hảo. Người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cam kết tôn trọng luật pháp, chống lại Cộng Sản Việt Minh, hợp tác với bộ tư lịnh Pháp và nhà cầm quyền hành chánh dân sự.

Trong buổi lễ ký kết Hiệp định Liên quân, ông Trần Văn Soái nhận cấp bực Thiếu tướng với một ngôi sao, do Đại tá Cluzet trao. Các sĩ quan Phật Giáo Hòa Hảo cũng nhận cấp bực. (*)

Việc thương thuyết trước khi ký kết hiệp định đã diễn tiến khá gay go, do sự bất đồng quan điểm giữa đôi bên. Phía Pháp không ghi vào tài liệu những tranh luận trong lúc thương thuyết, nhưng theo tài liệu phía Phật Giáo Hòa Hảo thì quan điểm Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã Đảng đã được ấn định bởi cơ quan Quân chính tối cao Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã Đảng, do ông Cả Huỳnh Công Bộ, thân sinh Huỳnh Giáo Chủ, làm Cố vấn tối cao, với thành phần chính yếu là các nhân vật: Lê Văn Kinh (bí danh ông Lượng Trọng Tường) Trưởng Ban Chấp hành Dân Xã liên tỉnh miền Tây, Ngô Văn Hai (bí danh của ông Nguyễn Xuân Tăng) Tổng Thơ ký, Nguyễn Ngọc Tố Cố vấn, Mai Văn Dậu Đổng lý Văn phòng ủy viên Đặc biệt, Nguyễn Văn Vạn Bí thơ, và một số lãnh tụ quân sự.

Lập trường thương thuyết ấn định bởi Cơ quan Quân chính tối cao Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã Đảng, đã bị Pháp bác bỏ, có các quan điểm sau đây:

1. Trên nguyên tắc căn bản, đây là một cuộc liên quân Pháp-Hòa Hảo, không phải một cuộc quy thuận của Phật Giáo Hòa Hảo.

2. Phải có sự cam kết nguyên tắc (engagement de principe) của Pháp tôn trọng đường lối chủ trương của Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, là thực hiện một nước Việt Nam có chủ quyền quốc gia.

3. Quân đội Pháp phải tôn trọng sự chỉ đạo chánh trị của Đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội đối với tổ chức quân sự Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã.

4. Pháp phải tôn trọng tự do tín ngưỡng của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, tự do chánh trị của Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, không xen vào nội bộ tổ chức tôn giáo, chánh trị, quân sự của Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã.

Theo quan điểm của phía Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã, thì bốn điểm này thể hiện lập trường nguyên tắc của Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, đặt ra với Pháp như một biện minh lịch sử: dù bị lâm tình trạng bất khả kháng phải hợp tác với Pháp, vẫn chủ trương rằng sự hợp tác đó phải tiến đến mục tiêu cứu cánh là đòi lại chủ quyền quốc gia (điểm 2). Các điểm 3, 4 có mục đích ngăn ngừa sự thao túng của Pháp đối với các vấn đề điều hành nội bộ Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã, tránh tình huống bị lệ thuộc vào Pháp và bị chi phối bởi Pháp. Điểm 1 đặt cho rõ vấn đề là Liên quân chớ không phải đầu hàng. Ông Trần Văn Soái lúc đó là đơn vị trưởng Chi đội 2 Lưu động.

Sau biến cố 16-4-1947, đơn vị này tuyên bố rút khỏi Vệ quốc đoàn.

Vì ông Trần Văn Soái trước kia hoạt động tại Cần Thơ, nên ông quyết định đưa đơn vị từ Long Xuyên về Cần Thơ, nơi đó ông thông thuộc địa hình địa vật, và có nhiều quen biết nhân sự. Khi ông về tới Cần Thơ, Pháp cử người đến liên lạc, đề nghị một sự hợp tác. Ông tự biết mình là người ít học, không thể “ăn nói” với Pháp được, nên yêu cầu cấp trên phái người đến nói chuyện với Pháp. Luật sư Mai Văn Dậu lãnh nhiệm vụ này. Ông tốt nghiệp đại học luật khoa tại Pháp, trở về Việt Nam làm luật sư, nhưng vì tánh tình bướng bỉnh, nên bỏ nghề, rồi sau quy y làm tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Khi Huỳnh Giáo Chủ nhận chức ủy viên Đặc biệt trong ủy ban Hành chánh Kháng chiến Nam bộ (với Phạm Văn Bạch là Chủ tịch, Nguyễn Bình ủy viên Quân sự), ông Dậu giữ chức vụ Đổng lý Văn phòng ủy viên Đặc biệt. Ông cũng được cử làm một thành viên của ủy ban Hòa Giải (1946) với hai người khác là linh mục Nguyễn Bá Luật (Công giáo) và Hoàng Dụ Khương (Việt Minh). Ông Mai Văn Dậu gốc gác ở quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ như ông Trần Văn Soái, và cũng đã gặp ông này nhiều lần.

Sau nhiều buổi gặp gỡ các sĩ quan Pháp đại diện Thiếu tướng Pierre Boyer de la Tour Tư lịnh quân đội Pháp kiêm ủy viên Cộng Hòa miền Nam, đại diện của Đại tá Cluzet tư lịnh miền Tây, hai bên đi đến thỏa hiệp, ký kết một bản hiệp định liên quân ngày 18-5-1947. Về bản hiệp định này, có một số chi tiết cần được ghi nhận, mà ít người được biết.

Trước nhứt là sự hiện diện của bản Hiệp định. Các giới thường nghĩ rằng cuộc hợp tác này là một sự “cầu cứu” của Phật Giáo Hòa Hảo với Pháp, và Phật Giáo Hòa Hảo đem quân về thành hợp tác không có điều kiện gì, cũng không có căn bản pháp lý nào. Nhưng sự thật khác hẳn, đó là một bản hiệp định mang chữ ký của hai bên, một đàng là ông Trần Văn Soái, nhơn danh quân lực Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã, một đàng là Đại tá Cluzet, tư lịnh miền Tây Nam Việt, nhơn danh chánh phủ Pháp.

Luật sư Mai Văn Dậu cho biết rằng, tuy là người rất ít chữ, ông Trần Văn Soái lại có quan niệm minh bạch là: “hễ hợp tác thì phải có giấy tờ đàng hoàng, ký kết phân minh” đây không phải việc làm ám muội mà phải giấu diếm thầm lén, nhứt là phải có văn kiện để hai bên biết quyền hạn, bổn phận, theo đó mà làm. Trong ý nghĩ đơn giản của ông Trần Văn Soái, thì người “yêng hùng” phải trọng lời nói, dù chỉ là một lời nói miệng, không có giấy tờ cũng không được nuốt lời. Nhưng ông lại chịu ảnh hưởng của “những việc giấy tờ” mà xưa kia ông bị buộc phải làm mỗi khi đến “quan quyền”. Cho nên ngày nay, đứng ra làm một việc quan trọng, ông cho rằng phải có giấy tờ đàng hoàng. Từ những ý nghĩ đó, ông nhứt định đòi với Pháp phải ký kết một bản hiệp định.

Về bản chất công việc, lúc đó đã xẩy ra tranh luận gay go giữa hai bên. Quan hệ nhứt là bản chất cuộc hợp tác. Bên Phật Giáo Hòa Hảo đưa quan điểm rằng Pháp không thể xem đây là Phật Giáo Hòa Hảo về đầu hàng Pháp, mà phải xem đây là Phật Giáo Hòa Hảo liên quân với Pháp để đánh Cộng Sản. Nguyên Văn đoạn trao đổi ý kiến mà ông Mai Văn Dậu nhắc lại là: ‘’Nous ne pouvons admettre d’être traités commme RALLIÉS, nous demandons à être traités comme ALLIÉS”.

Các sĩ quan Pháp cố nhiên cũng hiểu rằng họ ở thế mạnh, họ có thể cứ hứa cho phía Phật Giáo Hòa Hảo hài lòng về hình thức, rồi về sau phần chủ động vẫn do họ nắm. Cho nên họ nhượng bộ mọi yêu sách, họ sẵn sàng hứa hẹn sẽ thi hành hiệp định theo tinh thần Liên Quân, bởi vậy, bản Hiệp định được gọi là Hiệp Định Liên quân.

Danh từ Rallié và Allié, lúc đó được giải thích rộng rãi trong nội bộ Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã để giải đáp thắc mắc còn rất nhiều, xuất phát từ tinh thần kháng Pháp rất mạnh trong khối tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo và đảng viên Dân Xã. Mới hôm qua còn cầm súng và tuyên truyền chống thực dân Pháp, ngày nay lại ngồi chung với Pháp, dù dưới bất cứ hình thức nào, cũng không khỏi làm cho người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo thắc mắc, khó chịu, và thật sự đau lòng.

Vì tâm lý tế nhị đó, mà danh từ “cộng tác” với Pháp cũng không được dùng, bởi trong thời điểm đó, người ta chưa quên danh từ “collabo” mà kháng chiến Pháp đã dùng để kết án phe Vichy của Pétain, Laval hợp tác với Đức Quốc Xã. Danh từ “liên quân” được đưa ra, phân tích như một biểu hiện của bình đẳng trong hợp tác, thay vì chỉ nói “cộng tác” suông có thể bị đồng hóa với “collabo”. Liên quân còn có ý nghĩa quân sự, một cuộc hợp tác thuần túy quân sự, phi chánh trị, có thể được giải thích là Phật Giáo Hòa Hảo chỉ hợp tác với quân đội Pháp, trong mục tiêu quân sự. Còn các vấn đề chánh trị, vẫn giữ tinh thần riêng của mình, được hiểu là tinh thần tranh đấu cho độc lập tự do.

Đó là những lập luận chủ quan của phía Phật Giáo Hòa Hảo, cố gắng tránh các hậu quả tai hại về sau, như phương pháp “giới hạn tai hại” của một việc làm chẳng đặng đừng, một việc làm mà mình đã biết trước là không thể tránh được các hậu quả của nó.

Biết rằng trong tình huống đó, trong thế kẹt lịch sử đó, không thể không hợp tác với Pháp để tự vệ tự cứu, nhưng tinh thần yêu nước đã thể hiện mãnh liệt qua các hy sinh xương máu của mấy năm kháng Pháp, không thể không gây những mặc cảm phức tạp trong những con người Phật Giáo Hòa Hảo đã hấp thụ tư tưởng Tứ Ân từ Đức Phật Thầy Tây An đến Đức Huỳnh Giáo Chủ, những con người đã thuộc lòng bao lời thơ hùng tráng thiết tha yêu non sông đất nước của Giáo Chủ.

Những người có trách nhiệm trong tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo lúc đó cũng hiểu rằng các sĩ quan Pháp ngồi trước mặt mình, phần nhiều là sĩ quan gốc tình báo, đều là loại cáo già, dù có tươi cười lịch thiệp, nhượng bộ ngoài mặt đó, nhưng sẽ không chấp nhận thể hiện cái tinh thần hợp tác bình đẳng trong thực tế công việc.

Điều giản dị nhứt là họ nắm nguồn tiếp liệu chiến đấu, kể cả võ khí, đạn dược, tài chánh, và quyền hành. Chánh phủ Nam phần Việt Nam lúc đó do ông Lê Văn Hoạch làm Thủ tướng ở Saigon, còn không có “bình đẳng hợp tác” nữa là.

Có một điều quan trọng cần được minh xác:

Đó là thời điểm 15-3-1947, mà trong tài liệu của Savani đã ghi là ngày ông Trần Văn Soái đem 2.000 quân sĩ về Cái Vồn (Bình Minh) để hợp tác với quân đội Pháp. Đây có thể là một sai lầm đánh máy, mà cũng có thể là một ác ý của phòng nhì Pháp, bóp méo tài liệu lịch sử. Sự thật, ngày 15-3-1947, ông Trần Văn Soái còn có mặt bên cạnh Huỳnh Giáo Chủ trên hành trình từ chiến khu miền Đông về miền Tây, và ngày Huỳnh Giáo Chủ đi phó hội với Việt Minh và bị ám hại (16-4-1947), ông Trần Văn Soái có mặt tại Đồng Tháp, thì làm sao ông lại có thể kéo quân ra tại Cái Vồn ngày 15-3-1947 được? (tức trước đó hơn một tháng.) (*)

Sở dĩ cần thiết phải minh xác thời điểm này, vì trong tài liệu của Việt Minh thường viện cớ rằng Phật Giáo Hòa Hảo bí mật liên lạc với quân đội Pháp, như là một hành động thông đồng với giặc. Nếu ngày 15-3-1947 mà ông Trần Văn Soái đã kéo binh ra Cái Vồn hợp tác với Pháp, thì lời tố cáo của Việt Minh là đúng.

Nhưng sự thực là: tài liệu của Pháp sai, hoặc do vô ý hoặc do ác ý. Đây là điều cần được minh xác.

LƯỢC DỊCH BẢN HIỆP ĐỊNH LIÊN QUÂN PHÁP HÒA HẢO

Điều 1. Tất cả tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo được bảo đảm tự do tín ngưỡng trên khắp miền Tây Nam Việt.

Điều 2. Quân đội Phật Giáo Hòa Hảo dưới sự chỉ huy của ông Trần Văn Soái tự Năm Lửa được quyền bảo vệ tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo chống lại Việt Minh, hoặc bằng phương tiện cơ hữu, hoặc phối hợp hành quân với quân đội Pháp.

Điều 3. Về mặt hành chánh, tổ chức Hòa Hảo tôn trọng luật lệ chung, các nguyện vọng của Hòa Hảo được tôn trọng. Phật Giáo Hòa Hảo được quyền có đại diện tương xứng với dân số, trong các hội đồng lâm thời cấp tổng và tỉnh.

Điều 4. Tín đồ Hòa Hảo từ chối mọi cộng tác với Việt Minh, và trục xuất mọi cơ quan, nhân sự, hoạt động của Việt Minh ra khỏi các khu vực Hòa Hảo.

Điều 5. Quân lực Hòa Hảo gồm có: các đơn vị lưu động dân quân cách mạng Dân Xã Đảng đặt dưới quyền chỉ huy của ông Trần Văn Soái. Các đội Bảo An, tự vệ được võ trang bởi tỉnh trưởng, hoạt động theo quy chế địa phương, dưới hệ thống hành chánh địa phương.

Sự chỉ huy của tất cả các đơn vị này hoàn toàn do sĩ quan Hòa Hảo đảm nhận.

Điều 6. Chi tiết điều hành vấn đề võ trang và tiếp liệu.

Điều 7. Quân lực Hòa Hảo hoạt động một mình, nhưng có thể yêu cầu quân đội Pháp yểm trợ khi họ xét cần.

Điều 8. Các chi tiết về hành quân phối hợp.

Điều 9. Tín đồ và quân lực Phật Giáo Hòa Hảo thông báo mọi tin tức về tình hình địch cho nhà cầm quyền quân sự và hành chánh.

Điều 10. Các văn phòng liên lạc được đặt tại Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đec và Vĩnh Long, với nhiệm vụ phối trí.

Điều 11. Quân lực Hòa Hảo có quân kỳ mầu dà với bốn chữ tắt “P.G.H.H.”, quân sĩ đội nón cũng màu dà.

Điều 12. Bản hiệp định này có giá trị cho đến khi Giáo Chủ Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ trở về, và sẽ trình lên Ngài phê chuẩn.

Điều 13. Không một văn kiện nào khác được ký kết ở cấp địa phương, nếu không có sự đồng ý của những người đã ký hiệp đình này.

Ngày 18 tháng 5 năm 1947

Ký tên: Trần Văn Soái và Cluzet

Điều lo lắng của các chiến sĩ quốc gia khi từ giã khu chiến để về thành hợp tác, đều giống nhau: sợ rằng lòng yêu nước và sự nghiệp đấu tranh bấy lâu nay sẽ bị hiểu lầm và đồng hóa với các hành động vì mục đích danh lợi. Điển hình là khi phong trào Kháng chiến Liên minh của tướng Trình Minh Thế bỏ chiến khu Bà Đen về hợp tác với ông Ngô Đình Diệm năm 1955, ông Nhị Lang, cố vấn chánh trị của phong trào, đã phải thắc mắc khá nhiều về danh từ “hợp tác” và “cộng tác” (collabo). Như ông đã viết trong cuốn sách ‘’Phong trào Kháng chiến Trình Minh Thế’’.

Tôi luôn luôn nhấn mạnh (với ông Ngô Đình Diệm) tới hai chữ “hợp tác” chứ không phải “cộng tác” như báo chí Saigon đã ngộ nhận. Sở dĩ chúng tôi tranh đấu tới cả một danh từ nhỏ nhặt, cũng vì chúng tôi không muốn đời ngộ nhận chúng tôi “chạy theo bả lợi danh”, đi làm tay sai cho một thế lực khác. Chúng tôi muốn chứng tỏ với Thủ tướng Diệm, với ông cố vấn Nhu rằng chúng tôi nhận lời mời trên một cương vị “đồng minh” ngang hàng, trên tình hiểu biết và tương kính lẫn nhau. Có thế thì việc trở về của chúng tôi mới có ý nghĩa... (*)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn