Phật Giáo Hòa Hảo là một tôn giáo. Chủ trương chung của tôn giáo là cải thiện con người, nhưng tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo lại mạnh dạn bước vào hai địa hạt: giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội. Có thể nói rằng vị Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo đã đề xướng một lần ba cuộc cách mạng:
§ Cách mạng con người.
§ Cách mạng giải phóng dân tộc.
§ Cách mạng xã hội.
Từ địa hạt siêu hình của tôn giáo, Phật Giáo Hòa Hảo bước vào địa hạt thực tiễn của xã hội. Khơi dậy lòng ái quốc của con người, ý thức họ nhập cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, tranh đấu đánh đuổi thực dân Pháp, điều này vẫn còn nằm giữa ranh giới siêu hình và thực tế, vì yêu nước là một tình cảm, và tinh thần đấu tranh thể hiện lòng ái quốc vẫn thường mang tính chất trừu tượng. Nhưng bước vào địa hạt cách mạng xã hội, là bước từ siêu hình sang thực tiễn. Cách mạng xã hội phải có lý thuyết và hành động thực tiễn, không thể siêu hình hay trừu tượng như tôn giáo và ái quốc.
Cho nên sự ra đời của Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng vào ngày 21-9-1946 được xem là một quyết định quan trọng, và cũng là một chuyển hướng mới của Phật Giáo Hòa Hảo. Dư luận vẫn cho rằng Phật Giáo Hòa Hảo là một đạo nhập thế, nhưng nhập thế ở mức độ tiêu cực hay tích cực? Nhập thế trên bình diện tôn giáo hay trên các bình diện khác của sinh hoạt xã hội?
Phật Giáo Hòa Hảo có sẵn điều kiện cơ bản về tổ chức để chuyển thành một chánh đảng. Khác với đạo Phật nói chung tại Việt Nam, Phật Giáo Hòa Hảo là một khối quần chúng có tổ chức thành hệ thống hàng ngũ (an organized mass), chớ không phải chỉ là một khối quần chúng tâm lý (a psychological mass). Sự khác biệt giữa hai loại quần chúng có tổ chức và quần chúng tâm lý là: quần chúng hướng về một giáo lý hay chủ thuyết, nhưng không minh bạch liên kết thành một tổ chức có hệ thống chặt chẽ. Đây là quần chúng tâm lý, không có sự ràng buộc chặt chẽ, kyœ luật chặt chẽ để trở thành một khối đồng nhứt.
Trái lại, quần chúng có tổ chức thể hiện sự hưởng ứng tư tưởng và tâm lý thành hình thức gia nhập tổ chức, chấp nhận đặt mình trong hệ thống của tổ chức, chịu kyœ luật và lãnh đạo chung của tổ chức, hành động theo chỉ thị của cấp lãnh đạo.
Thí dụ cụ thể, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo là quần chúng tâm lý của đạo Phật, nhưng là quần chúng có tổ chức của Phật Giáo Hào Hảo, hành động theo đường lối, chỉ thị ban hành bởi cấp chỉ đạo hệ thống Phật Giáo Hòa Hảo.
Nói chung, tại Việt Nam, quần chúng các chánh đảng là quần chúng có tổ chức, quần chúng các tôn giáo là quần chúng tâm lý. Trường hợp đặc biệt và ngoại lệ: hai tôn giáo Cao Đài và Phật Giáo Hòa Hảo, tuy là tôn giáo, nhưng lại là hai khối quần chúng có tổ chức. Cả hai tôn giáo này tích cực nhập thế, tham gia các hoạt động cách mạng, chánh trị, kể cả hình thức cao nhất là võ trang thành lập các đơn vị quân sự, theo nhu cầu của giai đoạn đấu tranh đặc biệt từ 1940 về sau.
Đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội ra đời năm 1946 là cái mốc đánh dấu bước tiến của tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo vào cách mạng xã hội. Phần tài liệu trích dẫn sau đây nói về lược sử của chánh đảng này:
Ngày 21-9-1946, Đức Huỳnh Giáo Chủ loan báo một tin quan trọng: Ngài thành lập một đảng chánh trị lấy tên là VIỆT NAM DÂN CHủ XÃ HỘI ĐảNG, gọi tắt là DÂN XÃ ĐảNG.
LÝ DO THÀNH LẬP
Vài ngày trước khi công bố, Đức Huỳnh Giáo Chủ có đòi một số tín đồ tín cản từ miền Tây lên, và ngài dạy rằng:
1. Việt Minh tranh đấu chánh trị, nếu Thầy đem đạo (Phật Giáo Hòa Hảo) ra tranh đấu thì không thích hợp. Vì đạo lo tu hành chơn chất. Nên Thầy phải tổ chức đảng chánh trị, mới thích ứng nhu cầu tình thế nước nhà.
2. Các nhà ái quốc chơn chánh trong nước mặc dầu nhận Thầy là một nhà ái quốc, nhưng không hề cùng hiệp chung với Thầy dưới danh nghĩa Phật Giáo Hòa Hảo để lo việc quốc gia, bởi lẽ anh em ấy không thể tu hành như mình, hoặc giả đã có đạo rồi thì không thể bỏ đạo quy y Phật Giáo Hòa Hảo. Vì vậy, Thầy phải tổ chức chánh đảng để anh em ấy có điều kiện tham gia. Họ chỉ phải giữ kyœ luật của Đảng mà thôi, còn tôn giáo thì riêng ai nấy giữ.
3. Vậy tất cả anh em tín đồ, nếu thấy mình còn nặng nợ với Non sông Tổ quốc, thương nước thương dân, hãy tham gia đảng (VNCHXHĐ) mà tranh đấu. Đây là phương tiện để anh em hành xử Tứ-Ân.
(Dẫn trích theo lời tường thuật của ông HHP, trình bày cuộc diện kiến Đức Huỳnh Giáo Chủ tại Chợ Lớn, để đem thông điệp truyền khảu của Ngài về miền Tây phổ biến cho tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo).
Ba điểm trên đây là những lời giải thích của đức Huỳnh Giáo Chủ cho các tín đồ hiểu rõ lý do Ngài khai sanh Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng. Nghiên cứu sâu vào phần lý luận, sự ra đời của Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng phát sanh từ các căn bản sau đây:
— Về NGUYÊN LÝ: Việt Nam Dân chủ Xã hội Đảng thoát thai từ căn bản giáo lý Tứ Đại Trọng Ân, gọi tắt là Tứ Ân, xiển dương bởi Đức Phật Thầy Tây An trước kia (1849-1856), và Đức Huỳnh Giáo Chủ (1939 về sau). Người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo hành xử Tứ Ân, có bổn phận tích cực đền đáp Ân Đất nước và Đồng bào.
Từ giáo lý Tứ Ân, Việt Nam Dân chủ Xã hội Đảng ra đời như một phương tiện cần thiết và thích nghi cho người tín đồ đền đáp Ân Đất nước và Đồng bào.
— Về CHỦ THUYẾT: Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng phát sanh từ quan niệm căn bản: dung hòa ưu điểm của chủ thuyết dân chủ tự do với ưu điểm của chủ thuyết kinh tế xã hội hóa. Việt Nam không thể là một xã hội vô sản như chủ thuyết cộng sản, cũng không thể là một xã hội tư bản để kẻ mạnh hiếp đáp bóc lột kẻ yếu kém. Chủ thuyết dân chủ xã hội nhằm thực hiện một xã hội dân chủ có tự do cho con người, đồng thời có công bằng về quyền lợi kinh tế.
Trong hoàn cảnh 1945-1946, nhiệm vụ trước mặt của toàn dân là đánh đuổi thực dân Pháp, nhưng nếu sau khi độc lập rồi, mà dân tộc Việt Nam vẫn phải tiếp tục sống trong bất công, nghèo khó, vẫn bị mất tự do, bị kềm kẹp, thì chưa có giải phóng thực sự. Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng ra đời là một tiên liệu sáng suốt vạch trước cho dân tộc con đường thích hợp, sau giai đoạn giải phóng đất nước, là giai đoạn giải phóng con người, xây dựng lại một đất nước độc lập, phú cường, với một xã hội Việt Nam công bằng và tự do.
— Về CHIẾN THUẬT: Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng ra đời như một nhu cầu khản thiết của tình thế lúc đó. Các đảng phái cách mạng Việt Nam ra đời trước đó thể hiện mạnh mẽ khuynh hướng giải phóng quốc gia hơn là biểu lộ đường lối xây dựng xã hội Việt Nam thích nghi với hoàn cảnh thế kyœ 20. Trong khi đó, đảng Cộng Sản Đông Dương tuy nêu cao chiêu bài ‘’Độc lập, Tự do, Hạnh phúc’’, nhưng đã nuôi sẵn hậu ý đưa xã hội Việt Nam đến một chế độ vô sản chuyên chính. Thanh niên Việt Nam lúc đó, với lòng yêu nước nồng nhiệt, say sưa chiến đấu vì độc lập đất nước, đang bị Cộng Sản đầu độc bằng chủ nghĩa Mác Lê, có thể nhận định sai lầm mà cho rằng Cộng Sản chủ nghĩa là xuất lộ duy nhứt cho tương lai Việt Nam.
Đó là một nguy cơ trầm trọng. Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng ra đời vừa để vạch một chủ trương tiến bộ dựng nước, cũng vừa là liều thuốc đề kháng vi trùng Cộng Sản, giải độc cho lớp thanh niên đang sắp bị sa vào cạm bẫy Cộng Sản.
Do đó, có thể xem sự thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng là một chiến thuật đối đầu với chủ nghĩa Cộng Sản tại Việt Nam, đối phó hiểm họa xích hóa Việt Nam.
Tóm lại, sau đây là những lý do chánh yếu thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng:
1. Tạo môi trường hợp tác giữa Phật Giáo Hòa Hảo và các nhà ái quốc chơn chánh để tăng cường hiệu năng kháng Pháp (phối hợp giữa quần chúng và trí thức).
2. Vạch một chủ trương tiến bộ để xây dựng đất nước sau khi thâu hồi độc lập.
3. Đối kháng âm mưu xích hóa Việt Nam của đảng Cộng Sản Đông Dương.
4. Tạo môi trường thích hợp cho tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tham gia đấu tranh, hành xử Tứ Ân.
5. Trong thời điểm ấy, Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng được xem là một đảng tiến bộ, và cũng vì thế bị Cộng Sản xem như một đối thủ nguy hiểm cần phải diệt trừ.
Gửi ý kiến của bạn