Đối với sự truyền đạo của Huỳnh Giáo Chủ, phản ứng của các giới, cố nhiên không giống nhau, tùy thành phần và vị thế xã hội của mỗi giới, mỗi người.
Nói chung, giới nông dân mộc mạc phản ứng thuận chiều một cách mau chóng và đồng loạt. Giới điền chủ dè dặt và có veœ e ngại. Giới trí thức nho học và tân học nghi ngờ nhiều hơn cả.
Trong cuộc phỏng vấn một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đã theo đạo từ năm 1939, năm nay (1984) 68 tuổi, ông Nguyễn Chánh Đáng cho biết phản ứng của ông như sau:
‘’Tôi nghe đồn đãi về Thầy Tư Hòa Hảo cứu bịnh giảng đạo tại làng Hòa Hảo, và trong xóm tôi có một số người đã quy y nhập đạo. Họ đem về cho tôi những bài giảng chép tay. Tôi tìm đến những người đáng tin cậy nhứt trong xóm để hỏi thăm cho rõ ràng. Có người chưa tin tưởng thì bài bác, cũng có người chưa tin tưởng nhưng không bài bác mà có ý muốn rủ tôi đi lên tận làng Hòa Hảo quan sát xem thực hư thế nào. Có người đã theo đạo rồi thì rất nồng nhiệt khuyên tôi nên vào theo. Trong lúc tôi còn lưỡng lự chưa quyết định, thì chung quanh tôi, số người theo đạo càng ngày càng nhiều, và điều đó ảnh hưởng mạnh đến sự suy nghĩ của tôi. Tôi lo ngại rằng mình chần chờ sẽ trễ mất dịp tầm sư học đạo. Rốt cuộc tôi đích thân đi lên làng Hòa Hảo quan sát, và tôi đã quy y ngay lúc còn tại Hòa Hảo. Điều tôi nhận thức được là Huỳnh Giáo Chủ đúng là kế truyền của Đức Phật Thầy Tây An mà cha tôi trước kia có theo và còn giữ lòng phái Bửu Sơn Kỳ Hương trên bàn thờ. Những điều giảng của Huỳnh Giáo Chủ giống như kinh giảng Phật Thầy mà tôi đã được nghe. Tôi cảm thấy tôi đã đi cùng một con đường tu hành với cha tôi, và cùng tu một Thầy với cha tôi, cho nên tôi không ngần ngại xin quy y thọ giáo Huỳnh Giáo Chủ...’’
Phản ứng của giới nông dân đối với phong trào Phật Giáo Hòa Hảo không phải là loại phản ứng của đàn cừu Panurge. Bởi vì họ có nghe, có tìm hiểu, có đắn đo suy luận trước khi quyết định. Bản chất nông dân vốn bảo thủ, nghi ngại, dè dặt, nhưng khi đã quyết định họ rất nồng nhiệt và kiên trì không thay đổi. Một yếu tố quan trọng trong tiến trình lấy quyết định của họ là “lòng tin cậy người hàng xóm của mình”. Người hàng xóm tốt đã là một ưu điểm để họ nghe theo. Người hàng xóm không phải cán bộ tuyên truyền chuyên nghiệp, cho nên lời nói thành thật, không giấu giếm che đậy hay hóa trang bóp méo. Người hàng xóm lại nói thứ ngôn ngữ của chính họ, giống như họ, không cầu kỳ, không xa lạ, không thể nghe lộn hiểu lầm.
Khi một bà con quyến thuộc hay một người hàng xóm đáng tin cậy nói cho một người trong xóm biết về “Cậu Tư Hòa Hảo”, về kết quả cứu bịnh, về những điều thuyết giảng khuyên dân tu hiền làm lành lánh dữ... đương nhiên người dân nông thôn tin tưởng và có thể lấy quyết định. Những người dè dặt hơn thì áp dụng phương thức thực tế nhứt và quen thuộc nhứt của giới bình dân, là rủ nhau đến xem tận mắt “cho thiệt tỏ tường”. Chỉ cần một vài người trong xóm đã đi Hòa Hảo trở về làm cho cả xóm tin theo, cả xóm quyết định quy y nhập đạo Phật Giáo Hòa Hảo. Do đó mà có hiện tượng giới nông thôn Hậu Giang, đặc biệt các tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, ồ ạt như một phong trào, quy y nhập đạo Phật Giáo Hòa Hảo ngay từ năm đầu tiên khai đạo.
Thành phần điền chủ, giới sống ở đô thị, không hưởng ứng thuận chiều như giới điền chủ vẫn còn sống trong làng, vẫn còn giữ bản chất và sinh hoạt nông nghiệp. Những điền chủ này vẫn còn giữ mối tương quan tốt với tá điền của mình, vẫn còn là thành phần của làng xã, chung sống trong một khung cảnh xã hội với dân làng, chỉ khác biệt về mức độ giàu nghèo, cho nên cũng có khuynh hướng thuận chiều như giới nông dân đối với sự xuất hiện và giảng đạo của Huỳnh Giáo Chủ. Trường hợp điển hình cho lập luận trên đây là gia tộc họ Lâm tại làng Mỹ Hội Đông, cù lao Ông Chưởng, tỉnh Long Xuyên. Toàn bộ dòng họ Lâm mấy chục người gồm mấy anh em và cả gia đình con cái đều quy y theo Huỳnh Giáo Chủ ngay từ năm đầu, và sau này trở nên những tín đồ rường cột của tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo. Đây là một gia tộc điền chủ tiến bộ, nhưng vẫn sống trong làng xã của mình.
Trái lại, một số điền chủ đã “ly dị nông thôn” tách ra sống cuộc sống tiện nghi tại đô thị, phát triển quyền lực và tài sản dựa vào bộ máy cai trị thuộc địa và theo mô thức kinh tế tư bản của Pháp, phần nhiều không hưởng ứng phong trào Phật Giáo Hòa Hảo, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt. Theo nhận xét của một tác giả Pháp nghiên cứu về Phật Giáo Hòa Hảo thì giới điền chủ “không có thiện cảm với khuynh hướng bình dân, bình đẳng của Phật Giáo Hòa Hảo, họ e ngại rằng sự lớn mạnh của phong trào Hòa Hảo sẽ làm hại đến quyền lực và điền sản của chính họ...”
Giới trí thức tân học và cựu học tin vào kiến thức của mình, cho nên rất ít người theo vào phong trào Hòa Hảo ngay từ buổi đầu. Phản ứng của các giới này là phản ứng nghi ngờ không tin những sự việc mà họ chưa thử thách, hay không thể phân tích bằng các định luật vật lý (đặc biệt giới trí thức tân học).
Giới trí thức Nho học cũng có tâm trạng nghi ngờ, khó tin một thanh niên ít học, mới 20 tuổi mà có thể có kiến thức và khả năng mở đạo, dạy đạo. Họ không đòi hỏi “sự giải thích các sự kiện trên căn bản khoa học” như giới Tây học. Họ sử dụng sở trường chữ nghĩa thánh hiền của họ để thử thách Huỳnh Giáo Chủ, một người mà họ biết rằng không hề học chữ Hán bao giờ.
Trong số những tay cự phách của làng nho hoặc những nhà quyền quí thời Pháp thuộc đã đến đọ sức thử tài hoặc tìm hiểu sở năng sở kiến của Đức Thầy, chúng tôi thường nghe kể những vị dưới đây:
1. Thầy Ba Thận
Ông này ở làng Phú Lâm (Tân Châu) và là học trò của ông Tú tài Thường (cựu học) ở làng Phú Thuận (Tân Châu). Ông có làm hai bài thơ mà ông tự cho là khéo léo vừa ý lẫn văn, tính đến thử Đức Thầy. Khi ông vừa đến thì Đức Thầy đã biết ý định của ông và trả lời ngay những điều mà ông muốn hỏi mặc dù ông chưa kịp xuất trình hai bài thơ ấy cho Đức Thầy.
2. Ông Lương Văn Tốt tức Thầy Bảy Tốt
Ông này ở làng Mỹ Hội Đông (Long Xuyên). Lúc ấy, ông thường đến làm thi bằng Hán văn với Đức Thầy. Bữa nọ, làm không kịp Đức Thầy và nột quá ông phải rút trọn một câu trong sách thuốc Thọ Thế. Điểm mặt ông, Đức Thầy vừa cười vừa nói rằng: “Ông hết chữ rồi nên mới rút tới câu đó!”
Một hôm nọ, nhơn đọc bài “Diệu Pháp Quang Minh” (của Đức Thầy) thấy câu “Trần Di ngủ say câu thành tựu”, ông bèn nói với Đức Thầy: “Bạch Ngài, tôi e cho chữ thành tựu chưa có ai dùng. Phải chăng Ngài đã lầm lộn?” Đức Thầy bảo ông về xem lại bộ “Tứ Thơ” sẽ thấy chữ thành tựu. Ông về tìm kiếm tở mở nhưng không thấy. Sau Đức Thầy có cho ông biết chữ thành tựu rút ở trong hàng chữ cháu con “nhứt nhứt thành tựu”
3. Ông Huỳnh Hiệp Hòa
Ông Hòa ở làng Bình Thủy (Long Xuyên) và cũng là một bực đại gia văn chương. Ông có làm thơ dưới đây mà nếu chiết tự sáu câu đầu, chúng ta sẽ thấy ông có ẩn ý hỏi coi Đức Thầy có phải là Trạng Trình, Cử Đa, Đề Thám chăng? Đây là bài thi của ông Huỳnh Hiệp Hòa:
Phiến ngôn đại chấn điểm Nam cương,
Khẩu tụng Văn Vương vị bốc tường.
Dữ thiện ngôn ngôn tùng nhứt nhị,
Hành nhơn tịch tịch muội tâm lương.
Mã lai thủ thị danh thương pháp,
Thủy kiệt chưởng thâm tẩy khổ trường,
Thị vấn hồi âm tri bửu hiệu,
Tứ minh tam vị hiển văn chương.
Liền đó, Đức Thầy đáp họa như dưới đây:
Hồi đầu điểm đạo chuyển phong cương,
Háo thắng bi ly đạo khổ tường.
Tể tướng Cam phong an diện nhị,
Hàn nhơn thọ khóa tác tâm lương.
Thiên tôn mật sát nhơn gian pháp,
Phật lý vi khai đại hội trường.
Tam bá ngoại niên chơn bút hiệu,
Hàn lâm nhứt đấu vịnh thiên chương.
4. Ông Nguyễn Kỳ Trần tức Chín Diệm
Ông này ở làng Định Yên (Long Xuyên) và là một bực túc nho dày lòng ưu ái giang sơn. Thấy nước nhà đang bị nạn xâm lăng mà Đức Thầy lại đem mùi tôn giáo khuyến dụ nhơn sanh nên ông lấy làm hoang mang khó hiểu. Ông mới làm bài thi dưới đây, đại ý nói với Đức Thầy như vầy: Giặc mạnh xâm lăng nước nhà đã mấy mươi năm rồi. Vậy chẳng biết Ngài là vị Tiên chi xuống trần? Chứ ngày nay những bực như ông Trần Hi Di (Trần Đoàn), ông Khương Thượng Tử Nha v.v... đều ẩn khuất tất cả nơi đất Bắc trời Nam, chỉ thấy hiện giờ con cá đỏ đuôi (ám chỉ là cờ tam sắc) ở cùng khắp nước. Nếu Ngài là bực anh triết thì xin Ngài đả nó một cây roi thần.
Cường khấu xâm lăng kyœ thập niên,
Vị tri đại đức giáng, hà Tiên?
Hi Di ngũ quí kim an tại,
Thái Thượng tam vương cổ bất truyền.
Độc Nhãn sa đà tàng Bắc địa,
Liên Mi chơn mạng ẩn Nam thiên.
Phòng ngư xích vĩ đương kim nhựt,
Dẫn lãnh minh lương trứ Tổ tiên.
Đức Thầy mới lập tức đáp họa như dưới đây:
Thiên ký Lạc Hồng đắc ngũ niên,
Sơn Trung hồi giả bí danh tiên.
Trần nhơn đãi thế Nam tồn tại,
Lão đạo tiền phong Bắc ý truyền.
Trình mỗ ngộ kim khuê cổ địa,
Xích mi hải hội luật trừng thiên.
Vị phi minh đế đồ tôn nhựt,
Thạnh khí đào thinh giác kyœ tiên.
Đại ý bài thơ này Đức Thầy trả lời từ câu bài thơ trên và có nói rõ danh hiệu của Ngài. Trong hai câu chuyển kết, Ngài còn nói rằng: “Thời kỳ của minh đế chưa tới, chờ khi ngày giờ đã đến thì chẳng những có một cây roi, mà sẽ có biết bao nhiêu cây...
Trong các tài liệu Phật Giáo Hòa Hảo có ghi lại một số trường hợp “thách thức” hay “chất vấn’ của giới trí thức đối với Huỳnh Giáo Chủ.
Một ông bác vật (tức kỹ sư, nói theo ngôn ngữ miền Nam thời kỳ đó là bác vật) xuất thân một trường lớn ở Pháp về (kỹ sư Nguyễn Văn Thời, gốc gác tỉnh Rạch Giá) có đặt câu hỏi sau đây với Huỳnh Giáo Chủ.
— Giáo Chủ nói chuyện độc lập, vậy khi người Pháp đi khỏi xứ này rồi, ai là người sẽ giúp ta thiết lập hệ thống đường xá cầu cống để phát triển kinh tế? Làm sao ta có đủ kỹ thuật, nhân tài, vật liệu để làm những công việc hệ trọng đó?
Và Đức Huỳnh Giáo Chủ đã trả lời:
— Ông lo là phải, nhưng sau khi thực dân Pháp ra đi, sẽ có các nước văn minh khác trên thế giới giúp Việt Nam giải quyết các vấn đề đó.
Có phải rằng Huỳnh Giáo Chủ đã trả lời ông bác vật như một nhà tiên tri, hay như một người có kiến thức suy luận, về mối tương quan giữa các dân tộc trong hoàn cảnh thế giới mới, mà sự hợp tác quốc tế đã trở thành trọng yếu, mà sự viện trợ quốc tế đã trở thành một định luật trong sinh hoạt kinh tế và chiến lược quốc tế.
Một trí thức tân học khác đã yêu cầu Huỳnh Giáo Chủ giải thích “một cách khoa học” về hiện tượng Giáo Chủ có thể đọc được tư tưởng của người đối thoại?
Và Huỳnh Giáo Chủ đã trả lời rằng:
— Tôi là cái máy thâu thanh nhạy và mạnh hơn máy thâu thanh của người thường. Những ý nghĩ trong trí ông thể hiện thành những làn sóng, người thường như cái máy thâu thanh yếu không thể bắt được các làn sóng đó, còn tôi nhờ có máy thâu thanh mạnh hơn nên bắt được làn sóng của ông. Có người kêu là lục thông, giác quan thứ sáu.
Trong lúc ở Rạch Giá, Ngài khuyến nông thuyết pháp tại rạp hát Hòa Lạc. Sau khi Đức Thầy xuống diễn đài, một giáo viên hỏi Ngài: “Tại sao đi đâu ông cũng ở nhà những người giàu có, chớ không thấy ở nhà keœ nghèo nàn?” Đức Thầy ung dung đáp lại: “Nhà giàu như cái gò, nhà nghèo như cái hố. Tôi ở nhà keœ giàu cũng để ban cái gò xuống cho cái hố nhờ cậy!”
Cũng tại Rạch Giá, Đức Thầy đã trả lời nhiều câu hỏi về tôn giáo, chánh trị và khoa học huyền bí do các bậc trí thức đưa ra, làm cho họ tấm tắc ngợi khen.
Bác sĩ Trần Lũy hỏi: “Ông có thể cho tôi biết quan niệm của ông về thuyết Darwinisme không?”
Đức Thầy ung dung hỏi lại: “Phải ông muốn hỏi tôi về vấn đề ông Darwin cho rằng thỉ tổ của loài người là khỉ chăng? Ồ! Tưởng chuyện gì, chớ chuyện đó cũ mèm và dễ hiểu quá. Nếu quả thật là khỉ là thỉ tổ của loài người thì từ mấy chục ngàn năm nay nó đã thành người hết rồi, trong rừng sẽ không còn con khỉ nào. Còn như nói người là biến thân của khỉ cũng như con ếch là biến thân của con nòng nọc, thì khi sanh ra loài người phải có đuôi như khỉ, đến lớn lên cái đuôi đó rụng như đuôi nòng nọc mới phải chớ!”
5. Ông Nguyễn Văn Lễ ở Tân Châu
Ông này là chủ quận Tân Châu thời ấy.
Khi ông vừa đến để nghe Đức Thầy thuyết pháp thì Ngài chào và nói một cách thẳng thắn rằng: “Tôi chào đây là tôi kỉnh cái đức của song thân ông (Đức Thầy kêu ông quận bằng ông chớ không kêu bằng quan lớn như người khác) vì song thân ông có tu nhơn tích đức nên nay ông mới được chức trọng quyền cao.Vậy ông nên lập công bồi đức nếu ông muốn hưởng phước được lâu dài cũng như ông chỉ có 100 đồng bạc mà muốn đi ghe đến Sàigòn thì dọc đường phải lo sanh phương kiếm lợi mới có thể đi đến nơi đến chốn, chớ nếu không làm gì hết sợ e ghe vừa tới Chợ Mới là tiền đã hết rồi!”
Xin nói thêm rằng trước khi đến Hòa Hảo nghe Đức Thầy thuyết pháp, ông Chủ quận có cho người đem xe hơi rước, Ngài từ nan (mặc dầu bà Chủ quận đã là tín đồ lâu rồi), nói rằng: ‘’Nếu ông quận đem xe hơi lại rước mà tôi đi thì tôi phải làm thê nào đối với những người đem ghe xuồng lại mời tôi? Tôi đâu có thể thiên vị keœ giàu mà phụ bạc keœ nghèo!’’
Gửi ý kiến của bạn