Chương IX, X, XI, XII, XIII, XIV, XV

27 Tháng Năm 200412:00 SA(Xem: 17640)
Chương IX, X, XI, XII, XIII, XIV, XV
CHƯƠNG IX
HỘI ĐỒNG BẢO PHÁP
*
ĐIỀU 33.- Thành phần: Hội Đồng Bảo Pháp gồm tối đa là 21 vị tham gia với các điều kiện sau đây:
- Phải có ít nhứt là 15 tuổi Đạo.
- Phải không có án tiết nhục nhã, thành tích bất hảo.
- Phải có ít nhứt 45 tuổi.
Vị Chủ tịch và Phó Chủ tịch phải ít nhứt là 55 tuổi.

ĐIỀU 34.- Hội Đồng Bảo Pháp được điều hành với một Văn Phòng Thường Trực gồm có 1 Chủ Tịch, 2 Phó Chủ Tịch, 1 Tổng Thư Ký và 1 Phó Thư Ký. Còn lại là Hội Viên. Văn Phòng nầy do chính Hội Đồng bầu ra.
Sinh họat của Hội Đồng Bảo Pháp cũng theo nguyên tắc TẬP THỂ LÃNH ĐẠO, CÁ NHÂN PHỤ TRÁCH.

ĐIỀU 35.- Nhiệm kỳ: Nhiệm kỳ của Hội Đồng Bảo Pháp là BA NĂM. Các Hội viên có quyền tái ứng cử và làm công quả không lương bổng.

ĐIỀU 36.- Quyền hạn & Nhiệm vụ: Hội Đồng Bảo Pháp chịu trách nhiệm trước ĐỨC BÀ, Hội Trưởng Danh Dự Tối Cao, và Đại Hội Toàn Quốc. Có nhiệm vụ bảo vệ giáo pháp bằng cách theo dõi và phán xét về tánh chất hợp Hiến Chương của các văn kiện thuộc về giáo luật, cũng như sự thi hành các quyết định để răn trừng các Trị Sự Viên và tín đồ vi phạm, hoặc để khen thưởng các Trị Sự Viên và tín đồ cao công quả. Trong phạm vi nhiệm vụ, Hội Đồng Bảo Pháp sẽ trình trước Đại Hội những nhận xét cần thiết.
Sự thi hành kỷ luật Đạo được áp dụng theo thể thức sau đây:
a) Soạn thảo mọi luật lệ vềø bảo vệ giáo ly và kỷ luật Đạo. Khi Hội Đồng đã soạn thảo xong, sẽ cùng họp chung với Hội Đồng Trị Sự Trung Ương xem xét lần chót để đưa ra cho Đại Hội Toàn Quốc Trung Ương (chiếu điều 40 sau đây) để biểu quyết, và sau đó Ông Hội Trưởng Hội Đồng Trị Sự Trung Ương ban hành, qua sự chuẩn phê của ĐỨC BÀ, Hội Trưởng Danh Dự Tối Cao.
b) Khi áp dụng luật lệ răn trừng đối với một Trị Sự Viên hay tín đồ nào, Hội Đồng Bảo Pháp lập hồ sơ đầy đủ và nhóm hội nghị của Hội Đồng để quyết định hình thức răn trừng. Các hình thức răn trừng nhẹ như phê bình, cảnh cáo, trục xuất tạm thời, không cần đưa ra Đại Hội Toàn Quốc. Trường hợp bôi tên vĩnh viễn trục xuất một tín đồ, cần phải đưa ra Đại Hội Toàn Quốc. Trường hợp răn trừng nghiêm trọng một Trị Sự Viên, Hội Đồng tham khảo ý kiến của Hội Đồng Trị Sự Trung Ương trước khi đưa ra Đại Hội Toàn Quốc.
Hội Đồng Bảo Pháp không đảm nhận các vấn đề hành chánh hay ngọai giao, nhưng có tư cách cố vấn cho Hội Đồng Trị Sự Trung Ương trong phạm vi các vấn đề giáo sự nội bộ, và có quyền chánh thức tham dự Đại Hội Toàn Quốc thường niên do Hội Đồng Trị Sự Trung Ương triệu tập.
Hội Đồng Bảo Pháp cũng tiếp nhận các đề nghị răn trừng do Hội Đồng Trị Sự Trung Ương gởi đến, để xem xét và quyết định như đã nói trên.
Mọi văn kiện về răn trừng sẽ mang chữ ký của Ban Thường Vụ về Hội Đồng Trị Sự Trung Ương.
Hội Đồng Bảo Pháp còn quan tâm đến sự nhứt trí, đoàn kết nội bộ, và nếu cần, áp dụng các biện pháp răn trừng đối với các phần tử mượn danh nghĩa Đoàn thể một cách phi pháp.

ĐIỀU 37.- Khi một vị trong Hội Đồng Bảo Pháp vắng mặt dài hạn (quá 6 tháng), từ chức hay mệnh chung, một cuộc bầu cử để lựa người thay thế phải được thi hành trễ lắm là ba tháng sau đó. Hội nghị bầu cử nầy gồm có Hội Đồng Bảo Pháp và Hội Đồng Trị Sự Trung Ương.
Nếu Ông Chủ Tịch Hội Đồng vắng mặt dài hạn (quá 6 tháng), từ chức hay mệnh chung, thì Phó Chủ Tịch I thay thế tạm trong thời gian chờ đợi bầu cử.

ĐIỀU 38.- Khi thành lập hay khi bầu cử lại Hội Đồng Bảo Pháp, các Ban Trị Sự Tỉnh đề cử mỗi Tỉnh một danh sách 3 ứng cử viên, Hội Đồng Trị Sự Trung Ương đề cử một danh sách 10 ứng cử viên. Căn cứ trên các tiêu chuẩn đã nêu trong điều 33 trên đây, Hội Đồng Trị Sự Trung Ương lập thành danh sách để giới thiệu ra Hội Đồng Toàn Quốc bỏ thăm tín nhiệm, và ĐỨC BÀ tấn phong.
Các vị trong Hội Đồng Bảo Pháp vừa mãn nhiệm kỳ đương nhiên có quyền tái ứng cử vào nhiệm kỳ sau.
Các vị trong Hội Đồng Trị Sự Trung Ương không được kiêm nhiệm chức vụ trong Hội Đồng Bảo Pháp.

CHƯƠNG X
SINH HOẠT ĐẠI HỘI
*
ĐIỀU 39.- Các cấp Ban Trị Sự họp thường nguyệt mỗi tháng ít nhứt là một kỳ để đúc kết công tác, và báo cáo lên cấp trên.

ĐIỀU 40.- Các cấp Ban Trị Sự tùy trường hợp triệu tập những phiên Đại Hội thường niên hay bất thường.
Thành phần Đại Hội gồm có :
Cấp Trung Ương:
a) Tất cả nhân viên Hội Đồng Trị Sự Trung Ương và Hội Đồng Bảo Pháp.
b) Mỗi Tỉnh 5 Trị Sự Viên cấp Tỉnh.
c) Mỗi Quận 3 Trị Sự Viên cấp Quận.
d) Mỗi Xã 1 Trị Sự Viên cấp Xã.
Cấp Tỉnh:
a) Tất cả nhân viên Ban Trị Sự Tỉnh.
b) Mỗi Quận 5 Trị Sự Viên.
c) Mỗi Xã 3 Trị Sự Viên.
Cấp Quận:
a) Toàn thể nhân viên Ban Trị Sự Quận.
b) Mỗi Xã 5 Trị Sự Viên.
c) Mỗi Ấp 3 Trị Sự Viên.
Cấp Xã:
a) Toàn thể nhân viên Ban Trị Sự Xã.
b) Mỗi Ấp 3 Trị Sự Viên.
c) Mỗi Chi Hội 1 Đại biểu.

ĐIỀU 41.- Đại Hội Thường Niên Toàn Quốc nhóm mỗi năm một lần vào khoảng cuối năm dương lịch, do Hội Đồng Trị Sự Trung Ương triệu tập hoặc bằng bố cáo, hoặc bằng thơ mời gởi đến các Ban Trị Sự Tỉnh, Quận, và Xã 15 hôm trước ngày khai hội.
Những Trị Sự Viên vắng mặt có thể ủy quyền cho một Trị Sự Viên khác thay thế ở buổi nhóm của Đại Hội bằng cách giao cho người thay mặt mình một tờ ủy quyền và chứng minh thư của mình, mỗi Trị Sự Viên được đại diện tối đa cho một người vắng mặt.

ĐIỀU 42.- Nếu có trường hợp nghiêm trọng, cấp bách, hay do đa số trong Ban Trị Sự yêu cầu, Hội trưởng có quyền triệu tập Đại Hội nhóm phiên bất thường.

ĐIỀU 43.- Đại Hội bàn thảo về những phúc trình nhận được, quyết định về những vấn đề xét ra cần phải có sự chấp nhận của Đại Hội, và chuẩn nhận công việc chi thu theo sổ sách kết toán. Đại Hội cũng lo tổ chức cuộc bầu cử những Ban Trị Sự các cấp liên hệ.

ĐIỀU 44.- Muốn được hợp lệ, Đại Hội thường niên hay bất thường phải có ít nhứt là quá bán số Trị Sự Viên nêu trong điều 40 trên đây.
Lần nhóm đầu không đủ túc số quá bán, Hội Trưởng phải triệu tập lại, theo thể lệ. Qua phiên nhóm thứ nhì, Đại Hội được coi là hợp lệ, bất luận số nhân viên nhiều hay ít.

ĐIỀU 45.- Quyết nghị của Đại Hội phải được đa số tuyệt đối nếu là lượt bỏ phiếu đầu. Đến lượt bỏ phiếu sau, quyết nghị chỉ cần đa số tương dối chấp thuận là hợp lệ.
Khi có nhiều biểu quyết quan trọng, Hội Đồng Trị Sự Trung Ương sẽ ra chỉ thị để áp dụng đa số 2/3 trong Đại Hội.

CHƯƠNG XI
TÀI CHÁNH, ĐỘNG SẢN, BẤT ĐỘNG SẢN
*
ĐIỀU 46.- Tài nguyên của Giáo Hội gồm có:
- Tiền nguyệt liễm 2 đồng mỗi người.
- Tiền tương trợ hảo tâm.
- Huê lợi động sản và bất động sản của Giáo Hội.
- Tiền thâu được của các hoạt động hợp pháp do Chánh Phủ cho phép.
- Lợi tức do các hoạt động của Viện Tài Chánh.
- Những tài sản do các thể nhân hay pháp nhân sinh tặng hoặc di tặng.

ĐIỀU 47.- Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo có tư cách pháp nhân, được quyền sở hữu,thủ đắc, tạo mãi, hoặc chuyển nhượng những động sản, bất động sản cần thiết để đạt mục đích của Giáo Hội, gồm có những Tự viện, Hội quán, Độc giảng đường, Trụ sở và các cơ sở hoạt động văn hóa, xã hội.

ĐIỀU 48.- Sự quản trị các tài sản thuộc động sản và bất động sản của Giáo Hội do Viện Trưởng Tài Chánh đảm nhiệm với chữ ký chuẩn phê của Ông Hội trưởng Hội Đồng Trị Sự Trung Ương.

ĐIỀU 49.- Ngân quỹ các Ban Trị Sự đài thọ các chi phí về văn phòng, xê dịch nhân viên, giao tế, và về các khoản đã kể trong điều 13 trên đây. Về những việc chi xuất khác, phải có sự chấp thuận của cấp trên; riêng đối với Hội Đồng Trị Sự Trung Ương, thì phải do Hội Đồng nầy chấp thuận.

ĐIỀU 50.- Về xuất phát tài chánh ở các cấp, phải có chữ ký của Viện Trưởng Tài Chánh, và của Ông Hội trưởng hay Phó Hội trưởng, và một nhân viên trong Ban Thường Vụ.

ĐIỀU 51.- Viện Trưởng Tài Chánh Trung Ương chỉ được giữ số tiền nhiều nhất là 500,000 đồng. Quá số nầy phải gởi ở một ngân hàng tại xứ do Trung Ương chọn lựa.
Thủ Bổn Ban Trị Sự Tỉnh chỉ được giữ số tiền nhiều nhất là 100,000 đồng. Quá số nầy phải đem gởi cho ngân khố hay ngân hàng
Thủ Bổn Ban Trị Sự Quận và Xã chỉ được giữ số tiền nhiều nhất là 30,000 đồng. Quá số nầy phải đem gởi Ban Trị Sự Tỉnh.

ĐIỀU 52.- Những chương mục ở ngân khố và ngân hàng sẽ do Hội Đồng Trị Sự Trung Ương hay Ban Trị Sự Tỉnh đứng tên. Sự sử dụng chương mục và ngân phiếu rút tiền ra phải có chữ ký của Hội Trưởng và Viện Trưởng Tài Chánh Trung Ương (đối với Hội Đồng Trị Sự Trung Ương), và chữ ký của Hội trưởng và Thủ Bổn Ban Trị Sự liên hệ (đối với Ban Trị Sự Tỉnh).

ĐIỀU 53.- Cuối mỗi tháng, số thâu về nguyệt liễm sẽ chia ra như sau:
- Chi Hội 10 phần trăm
- Ấp 10 phần trăm
- Xã 30 phần trăm
- Quận 25 phần trăm
- Tỉnh 15 phần trăm
- Trung Ương 10 phần trăm

CHƯƠNG XII
RA KHỎI GIÁO HỘI, BÔI TÊN, TRỤC XUẤT
*
ĐIỀU 54.- Mỗi tín đồ được tự ý ra khỏi Giáo Hội chỉ cần gởi thơ đến Ban Trị Sự là đủ.
ĐIỀU 55.- Tín đồ nào không đóng nguyệt liễm 3 tháng liên tiếp, đương nhiên thẻ tín đồ không còn giá trị nữa, và người tín đồ không được hưởng quyền lợi của Giáo Hội dành cho.
Nếu có lời yêu cầu, Ban Trị Sự có thể xét lại những lý do xác đáng đã bắt buộc đương sự đóng góp trễ ngoài ý muốn của mình.

ĐIỀU 56.- Tín đồ nào đã xin ra khỏi Giáo Hội, có thể xin vào Giáo Hội trở lại. Nhưng nếu có xin ra Giáo Hội lần thứ hai, thì không được xin tái nhập nữa.

ĐIỀU 57.- Việc trục xuất ra khỏi Giáo Hội do quyết định của Hội Đồng Bảo Pháp, với sự ưng chuẩn của Đại Hội Toàn Quốc, theo các thể thức nêu trong điều 36 trên đây, sẽ được áp dụng đối với:

- Tín đồ nào bị án tiết nhục nhã.
- Tín đồ nào có những cử chỉ và hành động trái với mục đích hay quyền lợi của Giáo Hội, hoặc làm tổn thương đến thanh danh của Giáo Hội.
- Tín đồ có lỗi được mời đến Hội Đồng Bảo Pháp để nghe lời phán xét. Nếu không đến theo ngày đã định, Hội Đồng Bảo Pháp viết một bức thư gởi đến tận nhà để mời một lần nữa (có sự ký nhận của đương sự hoặc thân nhân đương sự). Nếu lần nầy, đương sự có lỗi cũng không đến, Hội Đồng Bảo Pháp sẽ trọn quyền thi hành thủ tục trục xuất theo điều 36 trên đây.

ĐIỀU 58.- Các tín đồ xin ra khỏi Giáo Hội, bị bôi tên hay bị trục xuất, không được đòi hỏi lại các số tiền đã đóng góp.

CHƯƠNG XIII
SỬA ĐỔI HIẾN CHƯƠNG
ĐÌNH CHỈ CÔNG TÁC
*
ĐIỀU 59.- Chỉ có Hội Đồng Trị Sự Trung Uơng hoặc hơn phân nửa số Ban Trị Sự Tỉnh mới được quyền đề nghị việc sửa đổi Bản Hiến Chương.
Các khoản sửa đổi trong Hiến Chương được Đại Hội Toàn Quốc chấp nhận sẽ có hiệu lực sau khi Chánh Phủ công nhận.
Hội Đồng Trị Sự Trung Ương phải công bố các việc sửa đổi cho toàn thể tín đồ biết.

ĐIỀU 60.- Nếu Hội Đồng Trị Sự Trung Ương muốn tuyên bố đình chỉ công tác, thì phải được một phiên Đại Hội Toàn Quốc chuẩn y. Trong giấy mời nhóm Đại Hội phải ghi rõ mục đích nầy.
Hội Đồng Trị Sự Trung Ương kể như là đình chỉ công tác sau khi được Đại Hội Toàn Quốc với một túc số 2/3 số nhân viên được mời, đã bỏ thăm tán thành, với đa số 2/3 tổng số hiện diện.

ĐIỀU 61.- Trong trường hợp Hội Đồng Trị Sự Trung Ương tự ý đình chỉ công tác, việc quản thủ tài sản của Giáo Hội sẽ do Đại Hội Toàn Quốc bỏ thăm quyết định.

CHƯƠNG XIV
TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT
*
ĐIỀU 62.- Là một Tôn giáo, trên nguyên tắc, Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Buddhist Church không hoạt động chính trị, quân sự.
Khi có những trường hợp đặc biệt mà Giáo Hội phải tham gia việc nước, vấn đề nầy phải được quyết định bởi một Đại Hội Toàn Quốc

ĐIỀU 63.-
a) Nguyên tắc kiêm nhiệm tuyệt đối không được chấp nhận. Tuy nhiên, khi đã được Đại Hội Toàn Quốc hay Đại Hội cấp liên hệ đồng ý với sự chấp thuận của Trung Ương, Trị Sự Viên tham chánh, tham nghị cũng như bị động viên nhập ngũ hay hoạt động chánh trị lập tức phải rời khỏi chức vụ của mình trong Ban Trị Sự.
b) Những Trị Sự Viên nào tự ý tham chánh, tham nghị, không có sự cho phép của Hội Đồng Trị Sự Trung Ương sẽ đương nhiên được coi như tự ý rời khỏi nhiệm vụ Trị Sự Viên của Giáo Hội.
c) Những Trị Sự Viên tham nghị hay tham chánh bất cứ trong trường hợp nào cũng sẽ được điền khuyết.
CHƯƠNG XV
*
ĐIỀU 64.- Hiến Chương nầy được tu chỉnh và chấp thuận trong phiên họp của Đại Hội Toàn Quốc nhóm tại Thánh Địa Hòa Hảo ngày 15, 16 và 17 tháng 10 năm 1966.

Làm tại Hòa Hảo, ngày 18 tháng 18 năm 1966
HỘI TRƯỞNG DANH DỰ TỐI CAO
Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo

(Ấn ký)

Bà Sương Phụ HUỲNH CÔNG BỘ

HỘI TRƯỞNG BAN TRỊ SỰ TRUNG ƯƠNG
Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo

(Ấn ký)

LƯƠNG TRỌNG TƯỜNG








Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn